20/09/2024 | 18:37 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Trào lưu báo chí giải thích trỗi dậy trong kỷ nguyên số hóa

Thanh Nam
Trào lưu báo chí giải thích trỗi dậy trong kỷ nguyên số hóa Học sinh học Trường Trung học cơ sở Ngô Quyền (thành phố Hải Phòng) học kỹ năng chống tin giả_Ảnh: vietnamplus.vn
Trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19, trào lưu “báo chí giải thích” (explanatory journalism) đang trỗi dậy như một sự ứng phó hiệu quả với nạn dịch tin giả (fake news) lan truyền khắp nơi thông qua các mạng xã hội. Đây cũng chính là sự tiến hóa tự nhiên cho các sáng kiến “báo chí kiểm chứng” (fact checking). Những phóng viên kiểm chứng bắt đầu “đào xới” nhằm vào các chủ đề thường xuyên là mục tiêu của nạn tin giả, với nhiệm vụ hàng đầu là biến những vấn đề phức tạp trở nên dễ đọc, dễ hiểu và dễ tiếp cận hơn cho công chúng.

Những đặc điểm và phương pháp luận của trào lưu “báo chí giải thích” đương đại này được 4 nền tảng kiểm chứng thông tin tại châu Âu nghiên cứu và thực hiện, gồm Newtral (Tây Ban Nha), Les Décodeurs (Pháp), FACTA.news (Italia) và The Journal FactCheck (Ireland). Đây là các đơn vị nằm trong một số tòa soạn báo chí tên tuổi ở châu Âu.

Công cụ vô giá

Những phân tích chỉ ra rằng các phóng viên thực hiện bài báo chí giải thích phải bám sát nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những chủ đề thời sự. Những bài viết được các phóng viên kiểm chứng viết và xuất bản, với uy tín của chính tác giả, với một số phần viết được khuyến khích riêng cho độc giả tham gia. Tác giả bài giải thích không nhất thiết phải tuân thủ bài báo định kỳ, độ dài hay bám vào một công thức khuôn mẫu bài viết thông thường, mà có độ linh hoạt nhất định. 

Trên thực tế, chính tác động từ lượng dữ liệu do các chuyên gia và nguồn tin chính thức cung cấp, cùng các nhân tố trực quan sẽ giúp chuyển tải thông tin một cách rõ ràng, minh bạch.

Nhiều giám đốc các tòa soạn khi trả lời phỏng vấn trong cuộc khảo sát này khẳng định rằng, trào lưu “báo chí giải thích” chính là đại diện cho thứ công cụ vô giá trong cuộc chiến chống nạn tin giả và đang có một tương lai phát triển mạnh mẽ.

Những cuộc nghiên cứu gần đây về vấn đề kiểm chứng và nạn tin giả đã nhấn mạnh tới mối quan hệ mạnh mẽ giữa báo chí và “kiểm chứng sự thật”. Mối liên hệ đó chính là lời giải thích rằng phần lớn các nhóm phóng viên này không những phải có nền tảng báo chí tốt, trải nghiệm truyền thông (tiêu biểu cho những kỹ năng báo chí mới, trong đó có phân tích dữ liệu, sản phẩm trực quan hay chuyên gia đồ họa - infographic) mà còn phải giữ được bản chất của phương pháp xác minh sự thật. 

Phương pháp này đã tiến hóa thành dạng kỹ năng thông thường về tham vấn nguồn tin nhưng được tăng cường đáng kể về mặt nội dung. Một số học giả còn lý luận rằng, việc kiểm chứng sự thật còn tiêu biểu cho đặc tính khoa học khách quan vốn vượt trội cả phong cách báo chí phát ngôn kinh điển.

Trong khi các nhà báo có xu hướng ưu tiên tường thuật một cách chính xác những gì được nói ra, các phóng viên kiểm chứng lại quan tâm hơn tới việc đánh giá mức độ chính xác của các báo cáo (lời phát biểu). Tương tự, chức năng xã hội của báo chí là phụng sự cho nguyên tắc hướng dẫn cho phóng viên tìm kiếm sự thật, những người đang làm hồi sinh các nguyên tắc cốt lõi của nghề báo, đó là lần ngược trở lại nguồn gốc của vấn đề.

Từ nền tảng báo chí dữ liệu

Báo chí giải thích không phải là hiện tượng mới, cũng như không chỉ có mối liên hệ riêng với phong cách tìm kiếm sự thật thời hiện đại. Sự hiện diện của nó đã có và phát triển trong một số tờ báo hàng đầu của Mỹ trong thập niên 50 của thế kỷ XX. Những tác phẩm xuất sắc của dòng báo chí này từng được vinh danh giải Pulitzer trong hạng mục “Báo chí giải thích” cho tới các năm 1997 - 1998. Tuy nhiên, những năm gần đây, đặc biệt với sự trỗi dậy của báo chí dữ liệu và các tổ chức kiểm chứng sự thật, dòng báo chí giải thích đã bước vào giai đoạn phát triển ồ ạt.

Mạng xã hội đóng góp phần lớn trong việc phổ biến và lan truyền thông tin nhanh chóng và sâu rộng trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát đầu năm 2020, nhưng cũng kéo theo hệ lụy từ các tin giả, thông tin sai lệch về kiến thức khoa học, các quan điểm trái ngược và làm gia tăng sự hoảng loạn. Một nghiên cứu trên trang Science Direct cho rằng, những câu chuyện có thật có xu hướng được xác thực trong vòng 2 giờ kể từ lần chia sẻ đầu tiên, trong khi việc làm rõ những tin đồn sai sự thật mất khoảng 14 giờ.

Một số nghiên cứu do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện cho thấy chức năng kiểm chứng thông tin được đẩy mạnh nhằm đáp ứng những thay đổi lớn về nguồn tin được tạo ra nhờ kỹ thuật số, bao gồm sự gia tăng nội dung do chính người dùng mạng xã hội tạo ra, bên cạnh các nguồn tin mà báo chí tìm tòi, phát hiện và đăng tải.

Kiểm chứng thông tin không còn là một hành động nhất thời, mà trở thành một quá trình bài bản tại các hãng truyền thông. Trong năm 2020, Dự án chống tin giả của Thông tấn xã Việt Nam đã giành chiến thắng ở hạng mục “Best Project for News Literacy” trong khuôn khổ Giải thưởng Truyền thông Digital châu Á 2020 của Hiệp hội Báo chí và các nhà xuất bản tin tức (WAN-IFRA). Giải thưởng được công bố chính thức tại sự kiện e-Digital Media Asia vào ngày 15-10-2020. 

Đặc biệt, trong cấu phần của dự án chống tin giả này, tài khoản TikTok Factcheckvn (www.tiktok.com/@factcheckvn) kiểm chứng và phản bác tin giả được Thông tấn xã Việt Nam hướng vào giới trẻ, là cánh cổng tiếp cận với thế hệ Gene Z.

Với Factcheckvn, đây là lần đầu tiên một cơ quan báo chí Việt Nam có riêng một kênh kiểm chứng thông tin, và cũng là lần đầu tiên trên nền tảng sử dụng các video ngắn đang rất thịnh hành và thu hút giới trẻ. Các video clip khác, đề cập nhiều vấn đề trong nước và quốc tế và bóc trần nhiều nội dung giả mạo, đã có hàng trăm nghìn lượt xem, thậm chí có clip đạt trên 1,4 triệu lượt xem. Tính đến thời điểm tháng 6-2024, factcheckvn có gần 265.000 người theo dõi trên TikTok, với 1,5 triệu lượt like (yêu thích)./.