Báo chí trí tuệ có thể trông đợi gì ở trí tuệ nhân tạo?
Gia Ngọc
AI - những cơ hội
Với khả năng hỗ trợ tìm kiếm thông tin, phân tích dữ liệu và tạo ra nội dung đa dạng, AI đang mở ra nhiều cơ hội mới không thể bỏ qua cho ngành báo chí. Một trong những lợi thế lớn nhất của AI là khả năng hỗ trợ trong việc tìm kiếm thông tin và phân tích dữ liệu.
Việc thu thập, phân tích và sắp xếp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau thường ngốn của các nhà báo nhiều thời gian, công sức. Hiện nay, với sự hỗ trợ của AI, quá trình này được cho là có thể được thực hiện nhanh chóng và chính xác hơn rất nhiều.
Một ví dụ điển hình là công cụ Chat GPT của OpenAI. Chat GPT có thể giúp các nhà báo tìm kiếm và tổng hợp thông tin từ hàng nghìn tài liệu và bài viết khác nhau trong vài giây. Việc này tiết kiệm thời gian và nguồn lực đáng kể đến mức đủ cho nhà báo tập trung vào việc phân tích và viết lách.
AI cũng hỗ trợ rất tốt trong việc phân tích dữ liệu lớn (big data). Trong vụ Hồ sơ Panama, báo The Guardian (Anh) đã sử dụng AI để phân tích hàng triệu tài liệu, giúp họ phát hiện ra các mô hình và mối liên hệ phức tạp giữa các tài liệu này mà con người khó có thể làm được trong một thời gian ngắn.
Còn khả năng tạo nội dung của AI cũng không phải là chuyện viễn tưởng. Hãng thông tấn Bloomberg (Mỹ) đã sử dụng một hệ thống AI tên là Cyborg để tự động viết các bài báo về tài chính, với chất lượng và tốc độ đủ cho phép họ cập nhật thông tin nhanh chóng và chính xác.
Với những ai nghĩ rằng AI chỉ gói gọn trong phạm vi AI tạo sinh (generative AI) như Chat GPT hoặc Midjourney (AI tạo hình ảnh) thì họ đã nhầm. Tác dụng mạnh mẽ và đáng mong chờ nhất của AI với báo chí là khả năng phân tích dữ liệu người dùng để cá nhân hóa nội dung báo chí.
Thông qua việc thu thập và phân tích dữ liệu từ hành vi đọc báo của người dùng, AI có thể đưa ra các đề xuất nội dung phù hợp với sở thích và nhu cầu cá nhân của từng độc giả, dựa trên hàng triệu trường dữ liệu - điều mà không một hệ thống thủ công nào có thể làm được.
New York Times được gọi là Netflix của báo chí, vì họ triển khai một hệ thống AI để phân tích hành vi đọc của người dùng và tạo các phiên bản bài viết phù hợp với sở thích của họ, giống như cách Netflix đề xuất phim cho người dùng. Hệ thống này giúp tăng tỷ lệ giữ chân độc giả và thời gian họ dành cho việc đọc báo trên nền tảng của New York Times.
Tập đoàn truyền thông BBC (Anh) cũng sử dụng AI để tạo ra các bản tin cá nhân hóa dựa trên sở thích và lịch sử đọc của người dùng. Điều này không chỉ giúp tăng cường trải nghiệm của người dùng mà còn giúp BBC thu thập thông tin quan trọng về những gì khán giả của họ thực sự quan tâm.
Còn báo Washington Post thì triển khai hệ thống AI để phân tích các phản hồi từ độc giả, từ đó điều chỉnh nội dung để phù hợp hơn với sở thích của độc giả và cải thiện chất lượng bài viết.
Và những hạn chế của AI
Tuy nhiên, sau vài năm hứng khởi và mơ mộng, hiện nay đã xuất hiện những nhận xét không mấy tốt đẹp về AI. Một số nhà báo cho rằng, AI tạo nội dung tuy có nhanh - nhiều - rẻ thật, nhưng vào thời điểm này chỉ có thể tạo ra các bài viết nhạt nhẽo, còn chưa thể so với bài báo do các nhà báo có kinh nghiệm viết ra, chứ chưa nói đến việc đáp ứng được yêu cầu của báo chí sáng tạo.
Các mô hình AI hiện tại đều dựa trên nguyên tắc học từ dữ liệu sẵn có, do đó khả năng sáng tạo của AI còn thiếu. Một số công cụ AI phổ biến còn áp dụng rất chặt chẽ nguyên tắc AI không đưa ra quan điểm. Do đó, nội dung mà nó tạo ra thường chỉ đơn giản là việc tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, không có sự phân tích sâu sắc hay góc nhìn độc đáo như các nhà báo chuyên nghiệp có thể mang lại.
AI có thể viết tốt các mẩu tin về kết quả trận đấu thể thao, hoặc tin từ báo cáo tài chính, như hệ thống Wordsmith của Automated Insights. “Tốt” ở đây được hiểu ở mức độ tổng hợp và thông tin, chứ chưa lên tới trình độ phân tích sâu sắc. Trong các bài viết yêu cầu sự sáng tạo, phân tích sâu hoặc đi sâu vào các sự việc phức tạp, như các bài phóng sự điều tra, AI hoàn toàn chưa thể đáp ứng được.
Trong một tương lai gần, chưa ai dám nghĩ đến việc một AI nào có thể điều tra sâu sát, trực tiếp các vụ bê bối hay khảo sát thực địa tình trạng biến đổi khí hậu với một cái nhìn nhạy bén như nhà báo chuyên nghiệp. Còn khi đề cập đến lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật, vốn yêu cầu sự cảm nhận tinh tế và con mắt nghệ thuật, AI càng tỏ ra tụt hậu.
Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận khả năng của AI. Công nghệ AI sẽ tiến rất nhanh, nên những hạn chế kể trên có thể sẽ được giải quyết chỉ trong một thời gian ngắn nữa. Rồi có lẽ AI cũng đủ mạnh để hỗ trợ hoặc trực tiếp làm ra “báo chí trí tuệ”. Nhưng dù sao, đó không phải là chuyện ngay lúc này.
Cuộc chơi ngoài tầm với của báo chí?
Một điều quan trọng cần lưu ý là khả năng phát triển của AI và những gì nó có thể làm trong lĩnh vực báo chí lại không phụ thuộc vào chính báo chí, mà phụ thuộc vào các công ty công nghệ đang phát triển AI.
Google, Microsoft, OpenAI và các công ty công nghệ - những đơn vị đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển AI - mới là người quyết định hướng đi và khả năng của AI. Điều này có phần cũng giống như việc Google quyết định thuật toán tìm kiếm, hay Facebook và Tiktok điều chỉnh thuật toán phân phối nội dung của họ mà chẳng cần quan tâm báo chí có thích hay không.
Google đã phát triển các công cụ cải thiện tìm kiếm thông tin và đề xuất nội dung, nhằm cải thiện trải nghiệm người dùng trên các nền tảng tin tức trực tuyến. Các mô hình GPT mới của OpenAI đang nâng cấp khả năng tạo ra văn bản phức tạp.
Microsoft tích hợp AI vào nhiều sản phẩm, bao gồm cả công cụ phân tích và tạo nội dung như Azure AI và Microsoft News. Những công nghệ này giúp cải thiện khả năng phân tích và tạo nội dung tự động.
Tuy nhiên, còn quá sớm để nói rằng công nghệ AI đang được thúc đẩy theo hướng tạo thuận lợi cho báo chí. Hãy nhớ lại thời kỳ bùng nổ Internet, đã có những giấc mơ về một nền tảng mới tạo đà phát triển mạnh mẽ cho báo chí. Nhưng thực tế thì trên nền tảng đó, vai trò của báo chí lại giảm sút so với các kênh truyền thông khác.
Dù muốn hay không, báo chí không thể né tránh làn sóng AI. Nhưng cần cảnh giác, bởi kẻ “cầm trịch” trong cuộc chơi AI đồng thời cũng đang chiếm lĩnh thị trường kinh doanh online. Báo chí không phải chỉ hưởng lợi từ AI do các công ty công nghệ tạo ra, mà còn phải cạnh tranh với chính các công ty công nghệ đó về nguồn thu.
The Guardian hay New York Times đều đang phải điều chỉnh chiến lược của mình để vừa tận dụng AI hiệu quả nhất, đồng thời duy trì sự độc lập và uy tín của mình. Họ phải liên tục tìm cách kết hợp sức mạnh của AI với khả năng sáng tạo và phân tích sâu sắc của con người. Báo chí không tạo ra được AI, nhưng phải làm chủ và tận dụng hiệu quả AI - đó là một thách thức không nhỏ trên hành trình đi tới cái đích báo chí trí tuệ./.