Cấp độ phát triển cao của báo chí hiện đại
Trần NhànChỉ theo nghĩa đen của khái niệm cũng đủ thấy báo chí trí tuệ nhấn mạnh, đề cao khía cạnh chất lượng của báo chí. Cả về lý luận cũng như thực tiễn, báo chí trí tuệ phải là và có thể là một cấp độ phát triển cao của báo chí, phải được coi là một mục tiêu phát triển của báo chí trong thế giới hiện đại.
Sứ mệnh bẩm sinh của báo chí là truyền tải thông tin chính xác, trung thực, nhanh nhạy, khách quan nhất, nhưng luôn phải cổ suý và đề cao những giá trị nhân văn nhất, những cái hay, cái đẹp trong đời sống của xã hội loài người.
Sứ mệnh của báo chí là phản ánh sự thật và chân lý, là đi đầu trong việc định hướng, dẫn dắt dư luận để đẩy lùi những cái xấu. Nghe thì đơn giản vậy nhưng việc thực hiện cụ thể lại khó khăn và phức tạp. Trí tuệ đóng góp rất quyết định vào việc giải quyết những vấn đề đặt ra cho báo chí, giúp báo chí hoàn thành sứ mệnh của mình.
Theo quá trình phát triển của xã hội loài người, trí tuệ đóng vai trò ngày càng thêm quan trọng, quyết định đối với sự phát triền về mọi mặt của các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Trí tuệ trở thành một động lực phát triển quan trọng, có thể làm cho thế giới hiện đại thay đổi nhanh chóng. Báo chí bị tác động trực tiếp bởi sự thay đổi của thế giới hiện đại và bởi trí tuệ.
Mục tiêu cần thiết
Trong thế giới hiện đại, báo chí trí tuệ phải là mục tiêu phát triển của báo chí trước hết vì những nguyên cớ sau đây.
Một là, báo chí đáp ứng nhu cầu thông tin, hiểu biết của con người. Báo chí cung cấp thông tin, giải mã hiện tượng, phân tích chuyên sâu, dự báo diễn biến, làm giàu hiểu biết của con người và định hướng nhận thức dư luận. Từ đó, báo chí tác động rất mạnh mẽ, sâu rộng tới việc suy xét, quyết định, hành động của con người.
Cho nên, việc con người, công chúng, dư luận đòi hỏi ngày càng nhiều, ngày càng cao về hàm lượng trí tuệ trong báo chí là điều đương nhiên và hoàn toàn không có gì là khó hiểu. Nói cách khác, báo chí chỉ có thể hoàn thành sứ mệnh trên khi phải tự thay đổi, phát triển trở thành báo chí trí tuệ.
Nội hàm trí tuệ ở đây là giá trị hữu ích đối với nhận thức, hiểu biết, quyết định, hành động của con người, xã hội, công chúng và dư luận. Chỉ khi phát triển trở thành báo chí trí tuệ thực thụ, báo chí mới có thể trở thành chỗ dựa về nhận thức, hiểu biết cho con người và dư luận, để con người trong xã hội và công chúng có được sự tự tin cần thiết khi đưa ra quyết định, hành động.
Trên phương diện này, con người trong xã hội và dư luận công chúng ở mọi nơi trên thế giới đặt ra những tiêu chí gần như tương tự nhau về nội hàm, bản chất của báo chí trí tuệ: thông tin chuẩn xác, trung thực, đầy đủ; cách thể hiện khách quan và sâu đậm tính văn hóa; cách tiếp cận nhân văn và hướng thiện; gợi mở ý tưởng giải quyết vấn đề chứ không trầm trọng hóa vấn đề; khoan dung chứ không thái quá... Họ mong mỏi báo chí phải như thế và kỳ vọng báo chí trí tuệ sẽ đáp ứng được những tiêu chí này.
Hai là, trong thế giới hiện đại, tri thức đóng vai trò động lực ngày càng thêm quan trọng cho phát triển. Con người và xã hội học tập không ngừng. Ở đâu cũng phải gây dựng, phát triển nền kinh tế tri thức. Xã hội trở thành xã hội thông tin.
Báo chí phải trở thành báo chí trí tuệ mới có thể theo kịp những chuyển biến ấy, mới có thể phục vụ tốt nhất và nhiều nhất cho con người, xã hội. Báo chí trí tuệ là nguồn tri thức phong phú, đáng tin cậy đối với người dân, xã hội trong thế giới hiện đại.
Ba là, trong thế giới hiện đại, thông tin giả, thông tin sai sự thật, nhiễu loạn thông tin và thao túng thông tin rất phổ biến do sự phát triển của Internet, do thế giới ảo và sự lạm dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ cho những mục đích xấu.
Báo chí trí tuệ nói riêng, “truyền thông trí tuệ” nói chung giúp con người, xã hội có đủ thông tin, lập luận, kiến thức và cơ sở cần thiết để phân định rạch ròi giữa thật và giả, giữa chính danh và nguỵ tạo, giữa mục đích tốt đẹp và mưu đồ xấu xa. Ở đây cũng thể hiện rất rõ báo chí trí tuệ cần thiết như thế nào đối với con người, xã hội trong thế giới hiện đại.
Hình thức phát triển
Nhìn từ giác độ làm báo sẽ lại thấy, báo chí trí tuệ là một hình thức phát triển của báo chí. Trí tuệ được sử dụng ngày càng nhiều trong các công đoạn công việc tri thức cũng như kỹ thuật để làm nên sản phẩm báo chí cụ thể. Sử dụng trí tuệ nhân tạo trong báo chí thời nay được nhắc đến nhiều.
Đúng là trí tuệ nhân tạo có thể đặc biệt hữu ích cho báo chí trong thế giới hiện đại, nhưng ở báo chí trí tuệ, con người vẫn nắm giữ vai trò quyết định hết thảy. Con người sử dụng trí tuệ nhân tạo để phát triển và vận hành báo chí trí tuệ chứ không phải ngược lại. Trí tuệ được sử dụng để phát triển báo chí.
Có thể thấy điều này ở việc sử dụng trí tuệ để tổ chức toà soạn thông minh, kết nối các công đoạn, giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm thời gian, nhân lực, kiểm định thông tin, ngăn ngừa trùng lặp, sao chép, làm giả và lũng đoạn thông tin trong thực thi các nghiệp vụ báo chí.
Lấy trí tuệ làm tiêu chí để định tính hóa và định lượng hóa kết quả của quá trình phát triển báo chí là việc không thể không làm khi lựa chọn báo chí trí tuệ là một hình thức phát triển báo chí trong thế giới hiện đại. Thực chất ở đây là sử dụng trí tuệ trong hoạt động báo chí và phát triển báo chí.
Thật ra, trí tuệ và tri thức vốn đã luôn được sử dụng, tận dụng trong hoạt động, kinh doanh, phát triển báo chí. Những người liên quan ở các thời khác nhau nhiều khi không để ý đến điều đó. Vấn đề chỉ ở chỗ trí tuệ có thể sử dụng, tận dụng ở những thời đó chưa được sử dụng và tận dụng nhiều nhất nên chưa phát huy được tối đa giá trị, tác dụng của nó.
Thời nay, báo chí muốn phát triển thành công và để thực hiện được sứ mệnh cao cả của nó, không thể không coi báo chí trí tuệ vừa là mục tiêu phát triển của báo chí, vừa là một hình thức phát triển của báo chí. Về định tính thì các cách hiểu về báo chí trí tuệ có thể không khác nhau nhiều.
Nhưng trong quá trình gây dựng, phát triển báo chí trí tuệ sẽ thấy tồn tại các cấp độ phát triển khác nhau của báo chí trí tuệ. Cũng vì thế hiện tồn tại và sẽ còn nảy sinh thêm những vấn đề về lý luận, thực tiễn liên quan đến báo chí trí tuệ cần được tiếp tục trao đổi, nghiên cứu./.