03/04/2025 | 17:26 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Con đường phát triển bền vững của ngành dệt may Việt Nam

Lê Tiến Trường
TS, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam
Con đường phát triển bền vững của ngành dệt may Việt Nam Cần ứng dụng công nghệ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo để giảm sự phụ thuộc vào lao động, đưa giá trị của một người lao động trong ngành dệt may theo kịp bước tiến của kinh tế cả nước_Ả
Trong những năm tới, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội trong nước, ngành dệt may cần vươn lên nấc thang mới. Qua đó, làm chủ nguồn cung ứng hàng hóa và phát triển sản phẩm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Quá trình đó cần được thực hiện trên nền tảng quản lý hiệu quả và hiệu lực cao, không ngừng đổi mới sáng tạo, bắt nhịp chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây chính là sức mạnh để dệt may Việt Nam tiến bước cùng đất nước trong kỷ nguyên mới.

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) ngành dệt may Việt Nam đạt 44 tỷ USD, tăng 11,26% so với năm 2023. Đặc biệt, KNXK tháng 7 đạt gần 4,7 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ, là tháng có kim ngạch cao nhất từ trước đến nay của ngành, góp phần đưa Việt Nam trở lại vị trí thứ 2 về xuất khẩu dệt may trên toàn thế giới. 

Với đơn hàng đã ký kết đến quý 2 và đơn hàng đang thương thảo cho nhiều hy vọng về khả năng có thể tăng trưởng khoảng 6% KNXK năm 2025, đạt từ 46 - 47 tỷ USD, hướng tới mục tiêu cao đặt ra từ đầu năm của toàn ngành. 

Trong bối cảnh tổng cầu thương mại dệt may của thế giới năm 2025 dự báo tăng khoảng 7% so với 2024 nhưng chưa bằng tổng cầu năm 2022, kết quả 2 tháng của dệt may Việt Nam rất đáng ghi nhận với việc duy trì số 2 thị phần tại thị trường Mỹ (lên tới 19%), lần đầu tiên đạt gần ngang thị phần hàng dệt may với Trung Quốc (20,3%). Giữ vững vị trí thứ 2 tại thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và ASEAN, thứ 4 tại Liên minh châu Âu (EU). 

Năm 2024, dệt may Việt Nam có 7 thị trường đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD là Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN và Canada. Trong đó, 3 thị trường trên 5 tỷ USD. Tuy nhiên, những ngày gần đây, một yếu tố bất định lớn nhất đang cần được theo dõi, có nguy cơ làm đảo chiều các dự báo đến giờ phút này, đó chính là chính sách thuế quan mới của Mỹ ngay lập tức đã cho tín hiệu nền kinh tế Mỹ sẽ suy giảm trong quý I-2025, mà đây lại là thị trường lớn nhất của dệt may Việt Nam.

Đối mặt với thiếu hụt lao động

Cũng trong năm 2024, khó khăn lớn nhất, phổ biến nhất của doanh nghiệp dệt may Việt Nam lại nằm ngoài các yếu tố thị trường xuất khẩu, đó là thiếu hụt lao động. Sau năm 2021 đóng cửa trên 3 tháng ở phía Nam và năm 2023 có xu thế thu hẹp sản xuất, một lượng lao động đã dịch chuyển khỏi ngành dệt may. 

Năm 2024, khi đơn hàng quay lại, các doanh nghiệp dệt may đều vấp phải khó khăn trong tìm kiếm tuyển dụng lao động dù đã nâng mức lương cao hơn 15% so với năm 2022. Đặc biệt là ở ngành sợi, dệt, nhuộm đi làm theo 3 ca, lao động thực sự là bài toán khó. Với mức thu nhập bình quân năm 2024 của doanh nghiệp trong Tập đoàn Dệt May Việt Nam khoảng 320 - 380 USD/tháng/người, chi phí cho 1 lao động ở Việt Nam gấp khoảng 3 lần ở Bangladesh, 2 lần ở Ấn Độ và Campuchia. 

Với chi phí như vậy, dù có đạt năng suất lao động kỹ thuật cao hơn các quốc gia cạnh tranh từ 20 - 30%, chi phí sản xuất theo hình thức gia công đơn giản (CMT) của Việt Nam cũng không còn cạnh tranh tốt như trước.

Nhiều năm qua, Việt Nam tập trung vào các sản phẩm khó, chất lượng cao, đơn hàng nhỏ, giao hàng nhanh để cạnh tranh, nhưng đã bắt đầu đi đến “vùng tới hạn” của năng lực đáp ứng. Đồng thời, các quốc gia khác cũng có thể sao chép cách tiếp cận này để cạnh tranh chúng ta khi thị trường thu hẹp. Điển hình như mặt hàng suite nam, nữ trước đây là thế mạnh độc quyền của Việt Nam, hiện nay Bangladesh đã sản xuất với quy mô khá lớn. 

Về mặt thiết bị và công nghệ, nếu như khối ngành sản xuất nguyên liệu đi 3 ca dùng ít lao động chúng ta đang tích cực thay thế thiết bị, áp dụng công nghệ tự động, cố gắng giảm 50% hàm lượng lao động trên 1 đơn vị sản phẩm, qua đó tăng được thu nhập lên cao hơn 30 - 40% so với ngành may đi ca ngày để giữ được lao động. 

Trong lúc đó, khối ngành may đã trang bị những thiết bị tiên tiến nhất để tăng năng suất, giảm lao động trên 1 đơn vị sản phẩm, dư địa cải thiện năng suất kỹ thuật còn hạn chế, giải pháp để vượt qua áp lực duy trì lao động trong điều kiện quy mô kinh tế và tổng sản phẩm trong nước (GDP) đầu người của Việt Nam luôn tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất là hết sức khó khăn.

Nâng cao năng lực cạnh tranh: Những vấn đề đặt ra

Qua nghiên cứu về chuỗi cung ứng toàn cầu, có thể tóm tắt lại công thức xác định năng lực cạnh tranh tổng hợp trong bối cảnh mới là: năng lực cạnh tranh tổng hợp = f [(năng lực cạnh tranh quốc gia), (năng lực cạnh tranh doanh nghiệp)].

Trong công thức này: năng lực cạnh tranh quốc gia thể hiện qua thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực, các chính sách phát triển, chính sách tiền tệ và tài khóa...

Năng lực cạnh tranh doanh nghiệp có thể miêu tả bằng công thức: năng lực cạnh tranh doanh nghiệp = năng lực cạnh tranh kỹ thuật + năng lực cạnh tranh quản lý + năng lực cạnh tranh đổi mới sáng tạo (công thức tổng hợp bởi tác giả).

Trong đó:

- Năng lực cạnh tranh về kỹ thuật: bao gồm năng lực sản xuất bảo đảm chất lượng, giá thành sản phẩm và năng suất lao động kỹ thuật.

- Năng lực cạnh tranh về quản lý: là tốc độ ra quyết định, tính minh bạch của hệ thống quản trị và năng lực đáp ứng các yêu cầu về ESG (môi trường - xã hội và quản trị doanh nghiệp).

- Năng lực cạnh tranh về đổi mới sáng tạo: là năng lực tạo ra các thiết kế, sản xuất thử nghiệm, đưa ra các yếu tố cạnh tranh mới trong sản phẩm mới, năng lực tiếp cận khách hàng và thị trường.

Xét từ công thức tổng quát về năng lực cạnh tranh doanh nghiệp, có thể thấy trong nhiều năm qua, khu vực được khai thác mạnh mẽ, tạo dựng nên sức cạnh tranh của doanh nghiệp dệt may Việt Nam chủ yếu tập trung ở năng lực cạnh tranh về kỹ thuật, với đặc trưng là chất lượng sản phẩm tốt, năng suất sản phẩm theo đầu người lao động cao hơn bình quân của các đối thủ. 

Trong vài năm trở lại đây, Việt Nam xây dựng năng lực cạnh tranh về quản lý, nhưng chủ yếu vẫn dưới áp lực của các tiêu chuẩn, tiêu chí mới của chuỗi cung ứng như các tiêu chuẩn về thực hành ESG.

Có thể rút ra kết luận, trong công thức xây dựng năng lực cạnh tranh, chúng ta chỉ còn dư địa trong 2 thành phần, là năng lực quản lý và năng lực đổi mới sáng tạo, còn với thành phần năng lực kỹ thuật - công nghệ chủ yếu chỉ còn cập nhật kịp thời các thành tựu mới.

Vậy tập trung cải thiện năng lực quản lý và năng lực đổi mới sáng tạo, chúng ta cần làm gì?

Về năng lực quản lý

Năng lực quản lý thể hiện qua các khía cạnh: tốc độ ra quyết định nhanh, chính xác; dữ liệu quản lý đầy đủ, tin cậy, nhờ đó tạo được lợi thế so với đối thủ; khả năng thông tin trong nội bộ và ra ngoài với đối tác chính xác, hiệu quả.

Với đặc thù thị trường yêu cầu ngày càng cao, thời gian giao hàng nhanh, chi phí thấp, với kế hoạch sản xuất thay đổi liên tục về kích cỡ, màu sắc phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng, rõ ràng phương thức quản lý cũ đối với đơn hàng lớn, ít thay đổi, kế hoạch có sớm không còn phù hợp. 

Năng lực quản lý trong giai đoạn mới cần dựa trên nền tảng các công cụ hỗ trợ sử dụng triệt để tiến bộ của công nghệ để ra quyết định và lập kế hoạch nhanh nhất, dữ liệu chính xác nhất. Chính vì vậy, lựa chọn giải pháp tổng thể để nâng cao năng lực quản lý là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay. 

Mô hình vận hành doanh nghiệp trên hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP) là một trong các phương thức thực hiện việc nâng cấp năng lực quản lý doanh nghiệp.

Có thể thấy, mô hình tổng thể ERP của doanh nghiệp sở hữu cả chuỗi sợi - dệt - nhuộm - may (hình 1), toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được số hóa và quản trị theo thời gian thực, đồng thời luôn có giá thành thực của từng đơn hàng sản xuất. 

Đối với đối tác, khách hàng, doanh nghiệp cung ứng thông tin trên giao diện số thân thiện, giúp khách hàng tự theo dõi được thông tin về chất lượng, tiến độ đơn hàng. Các giao diện với đối tác vận tải, hải quan cũng được quản trị chung trên hệ thống.

Về năng lực đổi mới sáng tạo

Trong chuỗi cung ứng hàng thời trang thể hiện (hình 2) được phân chia thành 7 công đoạn chính đó là: 

1- Lập kế hoạch kinh doanh xuất phát từ những nghiên cứu xu thế và nhu cầu của khách hàng, cũng như các dữ liệu kinh doanh quá khứ; 

2- Thiết kế - xác định các thiết kế concepts tiềm năng; 

3- Phát triển các bộ phận của sản phẩm và ráp nối lại; 

4- Sourcing - tìm nguồn cung ứng tối ưu về chất lượng và giá thành; 

5- Sản xuất; 

6- Phân phối - đưa hàng hóa đến các thị trường và trung tâm kinh doanh; 

7- Bán hàng đến người tiêu dùng cuối. 

Với chuỗi cung ứng này, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam tập trung ở khâu số 5 - sản xuất, một số vươn lên đảm nhận thêm một phần việc tại khâu số 4 - sourcing, nhưng cũng chủ yếu là theo sourcing chỉ định của đối tác, khách hàng.

Nhìn vào một sơ đồ đơn giản hơn (hình 3) chỉ tập trung vào quá trình nghiên cứu phát triển, tức là triển khai sâu hơn các phần việc của 3 khâu đầu tiên trong chuỗi cung ứng, ta có thể thấy gồm 3 phần việc lớn đó là phát hiện, thiết kế và triển khai. 

Trong đó, phần việc phát hiện có trọng tâm là thấu cảm những yêu cầu vô cùng đa dạng và phức tạp của người tiêu dùng, từ đó định nghĩa được các yêu cầu tổng quát cho sản phẩm - dịch vụ. Phần việc thiết kế trọng tâm là phát triển ý tưởng và tổ chức sản xuất thử nghiệm. Khâu cuối cùng là triển khai và kiểm nghiệm. 

Với sơ đồ này, dễ dàng nhận thấy định vị của hoạt động nghiên cứu phát triển tại Việt Nam trong thời gian 3 - 5 năm tới chính là phát triển mẫu, sản xuất thử nghiệm để kiểm định thị trường, tức là thuộc về nửa sau của hoạt động thiết kế và phát triển.

Kế hoạch hành động của ngành dệt may Việt Nam trong kỷ nguyên mới

Từ những phân tích ở trên, cơ bản chúng ta đã xác định được con đường duy nhất để duy trì năng lực cạnh tranh với ngành dệt may Việt Nam là nâng cao năng lực quản lý thông qua các nền tảng vận hành hệ thống mới. 

Cùng với đó là nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo mà trọng tâm trong 5 năm tới là tham gia sâu vào khâu sourcing, cũng như khâu phát triển sản phẩm với mục tiêu chính là chế thử, phát triển mẫu. Với nhận thức như vậy, chúng ta có thể bắt đầu triển khai phù hợp nguồn lực và quy mô doanh nghiệp theo các định hướng:

Với năng lực quản lý: xây dựng hệ thống ERP với nhà cung ứng giải pháp trong nước hoặc quốc tế phù hợp quy mô, đặc điểm kinh doanh của doanh nghiệp. 

Từ nền tảng hoạt động số trên môi trường chung của hệ thống ERP, doanh nghiệp gia tăng được năng suất của khu vực gián tiếp, giảm lao động xử lý công việc theo quy trình. Đồng thời, tạo ra giao diện thời gian thực giữa các bộ phận trong doanh nghiệp cũng như với cả các thành viên khác trong chuỗi cung ứng.

Với năng lực đổi mới sáng tạo: doanh nghiệp quy mô lớn trên 3.000 lao động, doanh thu xuất khẩu trên 150 triệu USD/năm cần tập trung xây dựng năng lực sourcing và phát triển mẫu. Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ yếu làm gia công, cần hình thành liên kết xoay quanh các trung tâm nghiên cứu phát triển. 

Hiện nay, Tập đoàn Dệt May Việt Nam chính thức đưa vào vận hành trung tâm nghiên cứu sản phẩm và kinh doanh hàng thời trang (PD&B) để cùng hình thành năng lực thiết kế mẫu, sản xuất mẫu và triển khai sản xuất từ loạt nhỏ. Đồng thời, PD&B cũng xây dựng năng lực sourcing, thư viện nguyên liệu để làm dịch vụ sourcing cho khách hàng và cả chính các doanh nghiệp vừa và nhỏ phía Bắc.

Có thể tạm thời định nghĩa kỷ nguyên mới của dệt may Việt Nam phải là kỷ nguyên của phát triển bền vững trên cả 4 trụ cột là, môi trường - xã hội - quản trị và tài chính (ESGF), có vị thế vững chắc trong các chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, sở hữu những sức mạnh cạnh tranh riêng thông qua ứng dụng công nghệ mới và sản phẩm đặc biệt, có văn hóa doanh nghiệp kết hợp chọn lọc giữa truyền thống nhân văn của các thế hệ đi trước và khoa học, hiện đại hướng đến người lao động của hôm nay.

Có thể bước đầu định hình các giải pháp để ngành dệt may Việt Nam “vươn mình” trong kỷ nguyên mới như sau:

Một là, tiếp tục phát huy sức mạnh nội sinh tiềm tàng của từng doanh nghiệp, trong định hướng phải tổng hợp được thành sức mạnh chung toàn hệ thống. Đây cũng là điều kiện số một để dệt may Việt Nam gia nhập các chuỗi cung ứng toàn cầu với vị thế cao.

Hai là, thu hút, đãi ngộ và sử dụng chung một cách có hiệu quả nguồn lực con người chất lượng cao. Tạo lực kéo tất cả các doanh nghiệp cùng tiến bộ, không chờ đợi việc phát triển nguồn nhân lực ở từng doanh nghiệp trong điều kiện cạnh tranh trên thị trường lao động rất cao, nhân lực giỏi khan hiếm.

Ba là, đẩy nhanh tốc độ đổi mới phương thức quản trị thông qua chuyển đổi số và áp dụng các mô hình quản trị doanh nghiệp tốt nhất đang có trong tập đoàn đến tất cả các doanh nghiệp.

Bốn là, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, thị trường ngách, tạo những giá trị riêng ngoài sản xuất hàng dệt may thông thường, tự xây dựng rào cản công nghệ và thị trường để bảo vệ sự bền vững của ngành. Từng bước cân bằng giữa khu vực sản xuất cạnh tranh cao với khu vực có giá trị sáng tạo lớn.

Năm là, ứng dụng công nghệ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo để giảm sự phụ thuộc vào lao động, đưa giá trị của một người lao động trong ngành dệt may theo kịp bước tiến của kinh tế cả nước./.


Trang: 1 2 3 4 5 ... 25 Sau