Trí tuệ nhân tạo - nhân tố thay đổi cuộc chơi
Vũ Thanh Vân
“Bước đi tự nhiên trong hành trình”
Trí tuệ nhân tạo đã có những bước phát triển vượt bậc trong thời gian qua, được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong các lĩnh vực sản xuất và kinh doanh. Trong ngành dệt may, AI được ứng dụng từ khâu nghiên cứu thị trường, thiết kế, sản xuất, quản lý chuỗi phân phối đến cải thiện trải nghiệm của khách hàng.
Việc ứng dụng AI mang lại những lợi ích không thể phủ nhận, giúp các công ty dệt may nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm bớt lãng phí nguyên vật liệu đồng thời đáp ứng nhu cầu thời trang cá nhân hóa.
Hãy tưởng tượng, khách hàng mong muốn thiết kế một đôi giày cá tính với màu sắc tổng thể, màu sắc chi tiết, họa tiết theo ý thích. Họ muốn đôi giày màu đen, đế giày màu trắng, biểu tượng màu vàng, dây giày màu đỏ và in tên riêng của mình vào phần gót giầy.
Đây là điều không thể thực hiện được với mô hình sản xuất truyền thống khi các mẫu giày giống nhau được bán ra hàng loạt và khách hàng chỉ có thể chọn theo các mẫu có sẵn. Thế nhưng, nhờ ứng dụng AI, hãng giày Nike cho phép khách hàng cá nhân hóa đôi giày theo mong muốn.
Với chức năng cá nhân hóa Nike by you, khách hàng có thể tùy ý thiết kế mẫu giày riêng cho mình trên trang web của Nike và gửi thẳng yêu cầu đến nhà máy. Bằng việc ứng dụng AI, Nike đã thay đổi trải nghiệm khách hàng, cho phép khách hàng tham gia vào quá trình thiết kế.
Khách hàng không chỉ hứng khởi bởi việc được thỏa sức sử dụng trí sáng tạo của mình mà còn được đi đôi giày mang màu sắc cá nhân không giống ai. Tất nhiên, giá cả của những đôi giày cá nhân hóa cũng cao hơn so với những đôi giày sản xuất hàng loạt.
Nike không phải công ty duy nhất sử dụng AI để thay đổi trải nghiệm khách hàng. Hãng thời trang H&M (Thụy Điển) cũng ứng dụng AI trong Creator Studio, cho phép khách hàng lựa chọn kiểu mẫu và in các hình ảnh theo sở thích từ năm 2023.
Dinesh Nayar - điều hành của bộ phận Creator Studio - cho biết: “chúng tôi không ngừng tìm kiếm các cách thức mới để giảm bớt rào cản sáng tạo nội dung cho khách hàng và tích hợp công cụ sáng tạo ứng dụng AI là bước đi tự nhiên trong hành trình này”.
Brandon Ginsberg - Giám đốc điều hành của công ty chuyên cung cấp giải pháp tổng thể cho ngành dệt may ApparelMagic (Mỹ) - cho rằng, AI đang là nhân tố thay đổi cuộc chơi trong ngành dệt may. Theo đó, AI có thể được ứng dụng trong quản lý chuỗi cung cấp, marketing và thiết kế.
Ông nhận định: “các thuật toán của AI có thể dự báo xu hướng và phân tích nhu cầu của khách hàng, nhờ vậy, doanh nghiệp dệt may có thể đưa ra các thiết kế phù hợp với thị trường mục tiêu và giảm thiểu nguy cơ sản xuất ra những sản phẩm không bán được... Điều này mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp trong việc tạo ra những thiết kế sáng tạo và được thị trường đón nhận”.
Việc ứng dụng AI cũng giúp cho các công ty dệt may giảm bớt lao động, nhất là các lao động thủ công. Những tiến bộ về công nghệ robot và tự động hóa do AI thúc đẩy đã tạo ra những chiếc máy khâu thông minh, hệ thống phát hiện lỗi dệt và kiểm soát chất lượng tự động, giảm bớt rủi ro sai sót do con người gây ra, đồng thời nâng cao mức độ chính xác.
Trong bối cảnh phải đối diện với cuộc cạnh tranh toàn cầu và nhu cầu thị trường đa dạng, các công ty dệt may phải nâng cao hiệu quả của quy trình sản xuất, đưa ra thị trường sản phẩm thời trang một cách nhanh chóng, với chi phí thấp nhất có thể.
Cần nhanh chóng xác định hướng đi
Tuy nhiên, việc ứng dụng AI trong ngành dệt may không phải không đặt ra những vấn đề và thách thức. Vấn đề trước tiên chính là hàng loạt lao động thủ công sẽ bị thay thế bằng máy móc. Khi AI có thể làm công việc thiết kế, điều khiển máy móc và tiếp thị sản phẩm, những nhân sự này sẽ từng bước bị thay thế.
Đây là mối lo ngại chính đối với việc ứng dụng AI trong ngành dệt may hiện nay. Việc ứng dụng AI trong ngành dệt may được ví như việc sản xuất ra máy dệt vào thế kỷ XVII. Khi đó, các công nhân Anh đã đập phá máy dệt vì cho rằng, những cỗ máy này đã cướp việc làm của họ.
Theo Brandon Ginsberg, mặc dù có những thách thức nhưng phần lớn các doanh nghiệp dệt may vẫn mở rộng vòng tay đón nhận AI: “mặc dù AI có khả năng tạo ra cuộc cách mạng trong ngành dệt may, nhưng nó cũng đặt ra những thách thức mới mà các doanh nghiệp phải giải quyết.
Tuy nhiên, như với bất kỳ công nghệ nào, lợi ích và hạn chế của AI trong ngành dệt may là do góc độ nhìn nhận của mỗi người. Với cách tiếp cận phù hợp, các doanh nghiệp có thể sử dụng AI để thúc đẩy tăng trưởng và gia tăng lợi nhuận”.
Khi xu hướng ứng dụng AI trong ngành dệt may là tất yếu và không thể đảo ngược, việc tìm kiếm các giải pháp thích ứng là cần thiết. Năng lực sáng tạo, tư duy phản biện và khả năng truyền đạt cảm xúc vẫn là thế mạnh đặc biệt của con người. Những nhà thiết kế thời trang sáng tạo vẫn có lợi thế và cơ hội việc làm, trong khi những lao động giản đơn buộc phải học tập những kỹ năng cao cấp hơn.
Không chỉ trong ngành dệt may mà trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, những lao động thủ công, giản đơn sẽ từng bước bị máy móc, AI thay thế. Nếu cảm nhận được áp lực này, những sinh viên ngành dệt may và thời trang phải chú trọng phát triển trí sáng tạo.
Bên cạnh việc chú trọng phát triển kỹ năng sáng tạo, các trường thiết kế và thời trang có thể tăng cường các khóa huấn luyện về AI. Các khóa học về thiết kế trên nền tảng AI, phân tích dự báo, công nghệ tự động hóa,... sẽ giúp sinh viên sẵn sàng tham gia thị trường lao động.
Nhà báo công nghệ Emma Feldner-Busztin tại tạp chí chuyên về công nghệ thời trang Interline (Mỹ) cho rằng, các trường thời trang phải nhanh chóng tích hợp nội dung về AI vào chương trình đào tạo để chuẩn bị cho sinh viên bước vào ngành nghề liên tục thay đổi.
Bà đặt ra câu hỏi: “rõ ràng là giáo dục sẽ đi chậm hơn so với tốc độ đổi mới công nghệ, nhưng với AI đang thay đổi mọi thứ toàn diện và liên tục như hiện nay, các trường thời trang có đủ năng lực để rút ngắn khoảng cách đó trong khoảng thời gian hợp lý?”
Tiến sĩ Pinar Yanardag tại Đại học Virginia Tech (Mỹ) cho rằng, các kỹ năng lập trình và ứng dụng AI có vai trò thiết yếu đối với các nhà thiết kế thời trang. Theo bà, “việc ứng dụng các công nghệ như AI vào ngành dệt may đòi hỏi sinh viên phải có những kỹ năng cơ bản về lập trình.
Kiến thức này không chỉ giúp các nhà thiết kế đổi mới và tối ưu hóa các quy trình từ thiết kế đến bán lẻ mà còn nâng cao khả năng sáng tạo ra những sản phẩm tùy biến, theo nhu cầu của khách hàng thông qua các thiết kế lập trình”. Nếu sinh viên không ý thức được những thay đổi này, việc bị AI lấy mất việc làm là không thể tránh khỏi.
AI đặt các doanh nghiệp dệt may, các trường đào tạo thời trang và các nhà thiết kế thời trang trước ngã tư mà họ phải nhanh chóng xác định hướng đi và cách đi. Những lợi ích không thể phủ nhận khiến việc ứng dụng AI trở thành xu hướng tất yếu trong ngành thời trang nhưng cũng đặt ra nguy cơ lấy đi việc làm của hàng triệu người.
Nếu không muốn bị thay thế, các nhà trường phải đào tạo những kỹ năng mà AI không làm được và các sinh viên phải phát triển năng lực mà AI không có./.
Các bài cũ hơn



