Cạnh tranh quốc tế sôi động, quyết liệt
Trần Nhàn
Đa dạng và quyết liệt
Công nghệ số làm thay đổi thế giới và mọi mặt của đời sống con người, tác động rất mạnh mẽ, sâu rộng tới sự phát triển kinh tế - xã hội, cũng như hợp tác quốc tế, quan hệ đối ngoại của mọi quốc gia và nền kinh tế trên thế giới. Ngành công nghiệp dệt may không phải là ngành ngoại lệ. Cuộc cạnh tranh quốc tế trong ngành công nghiệp này đa dạng và quyết liệt hơn rất nhiều so với trước.
Đối với ngành công nghiệp dệt may ở thời công nghệ số, cạnh tranh quốc tế trước hết ở phương diện chuyển đổi số và tự động hóa mọi dây chuyền từ thiết kế đến sản xuất, logistics đến tiêu thụ. Tác động chính ở đây là năng suất lao động cao hơn với chi phí sản xuất thấp hơn, tiết kiệm được nhiều thời gian trong khi cung ứng kịp thời hơn, quản lý hiệu quả và thu về lợi nhuận nhiều hơn, nhanh hơn. Ai hơn ai ở những khía cạnh này đều có được lợi thế so sánh và ưu thế cạnh tranh quốc tế nổi trội.
Ở đây cần phải đặc biệt đề cập đến 3 nhân tố là sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), người máy công nghiệp và hệ thống sản xuất, tiêu thụ và cung ứng thông minh - vốn đều chỉ thấy có ở thời công nghệ số và đều đưa lại hiệu suất kinh tế rất cao trong ngành công nghiệp dệt may trên thế giới.
Vì thế, để có thể cạnh tranh quốc tế thành công ở thời công nghệ số, không thể không đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số và cạnh tranh về phát triển cũng như ứng dụng công nghệ số trong ngành công nghiệp dệt may.
Lĩnh vực cạnh tranh quốc tế tiếp theo trong ngành công nghiệp dệt may là cạnh tranh quốc tế về nguồn cung ứng nguyên vật liệu. Công nghệ số làm thay đổi cách tiếp cận cho giải pháp đối với các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng. Những yêu cầu, đòi hỏi đặt ra cho chuỗi cung ứng là đa dạng, kịp thời, ổn định, đáng tin cậy hơn và đương nhiên không thể thiếu tiêu chí rẻ hơn, an toàn hơn.
Ở thời công nghệ số, chuỗi cung ứng cho ngành công nghiệp dệt may cần phải linh hoạt, đa dạng để thích ứng được ngay và tốt nhất vào sự thay đổi nhanh chóng của nhu cầu về sản xuất, của người tiêu dùng. Vấn đề đặt ra ở đây về cạnh tranh quốc tế cho ngành công nghiệp dệt may không chỉ đơn thuần bảo đảm được nguồn cung ứng ổn định bền vững, mà còn bảo đảm có nguồn cung ứng có khả năng cạnh tranh quốc tế cao nhất.
Đòi hỏi ưu tiên chính sách thỏa đáng
Ở thời công nghệ số, mục tiêu đề ra cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung, cho ngành công nghiệp dệt may nói riêng, là tăng trưởng bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái. Áp lực giảm khí thải, kinh tế tuần hoàn, tái sử dụng nguyên vật liệu, công nghệ nhuộm, sử dụng hóa chất sao cho thân thiện với môi trường là rất lớn và bức bách. Việc này đòi hỏi phải có nhận thức, cách tiếp cận đúng đắn, ưu tiên chính sách thỏa đáng và đầu tư đủ mức. Cuộc cạnh tranh quốc tế cũng diễn ra ngay trên chính những khía cạnh đó.
Thời công nghệ số là thời của thương mại điện tử, xu hướng cá nhân hóa trong thiết kế mẫu mã, tính năng sử dụng của sản phẩm trong ngành công nghiệp dệt may trên thế giới. Chẳng hạn như tổ chức sản xuất và kinh doanh, quản lý và vận hành doanh nghiệp trực tuyến, mua sắm trực tuyến, thực hiện những đơn hàng số lượng nhỏ nhưng giá trị gia tăng cao theo sở thích, nhu cầu riêng của những bộ phận người tiêu dùng nhất định. Cạnh tranh quốc tế vì thế đa dạng hơn, quyết liệt hơn.
Ở thời công nghệ số, cuộc cạnh tranh quốc tế về nguồn nhân lực, chi phí nhân công, nơi đặt công xưởng sản xuất có tầm quan trọng rất quyết định đối với ngành công nghiệp dệt may.
Những lợi thế so sánh và ưu thế đặc thù của các nền kinh tế trong ngành công nghiệp dệt may có thể được nhân lên gấp nhiều lần nhờ công nghệ số, nhưng đồng thời cũng có thể không được tận lợi tối đa nếu không biết khai thác tác dụng của chúng để nổi trội trong cạnh tranh quốc tế.
Cùng tham gia quyết định thắng thua
Cuộc cạnh tranh quốc tế trong ngành công nghiệp dệt may ở thời công nghệ số bị tác động rất mạnh mẽ và sâu sắc bởi các thỏa thuận thương mại song phương cũng như đa phương; bởi sự tiến triển của toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại ở cấp độ khu vực, châu lục, cũng như trên bình diện toàn thế giới.
Thuế quan thuận lợi hay điều kiện khắt khe, tự do hóa thương mại hay bảo hộ thương mại, hợp tác hay không hợp tác về chuyển giao công nghệ, tiêu chí về lao động và về môi trường sinh thái, các nguyên tắc và quy chuẩn chung về sản xuất và tiêu thụ của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và của các thỏa thuận về khu vực mậu dịch tự do,... đều cùng tham gia quyết định thắng thua, lợi hại trong cuộc cạnh tranh quốc tế ở ngành công nghiệp dệt may thời hiện tại.
Cuộc cạnh tranh quốc tế trong ngành công nghiệp dệt may thời công nghệ số diễn ra ở mọi công đoạn của toàn bộ quá trình tạo ra giá trị. Công nghệ số làm nên cuộc cách mạng thật sự về thiết kế, thời trang, công nghệ sản xuất vật liệu và sản phẩm, thương mại điện tử...
Cuộc cạnh tranh quốc tế này buộc tất cả các bên liên quan, trực tiếp cũng như gián tiếp, đến ngành công nghiệp dệt may và kinh doanh dệt may phải luôn thức thời, linh hoạt để ứng biến kịp thời và hiệu quả, phải cầu thị và quyết đoán để tự điều chỉnh, chuyển đổi đúng thời điểm, mức độ.
Các bên này phải tự tạo được tầm nhìn chiến lược để đầu tư phát triển hiệu quả, thích hợp với không những chỉ mức độ phát triển hiện tại, mà còn cả trong tương lai xa và gần nữa của công nghệ số.
Những thành tố bộ phận chủ chốt nhất của ngành công nghiệp dệt may là thiết kế và tổ chức sản xuất, vật tư và công nghệ, phân phối và tiêu dùng, gia công và xuất nhập khẩu, thị trường và hợp tác quốc tế, chính trị thế giới và luật pháp quốc tế, ngoại giao song phương và quan hệ quốc tế.
Do đó, thời công nghệ số, nhân tố chính trị thế giới và quan hệ quốc tế cũng chi phối ở mức độ rất mạnh mẽ, sâu sắc cuộc cạnh tranh quốc tế trong ngành công nghiệp dệt may trên thế giới.
Nếu xử lý kịp thời và ổn thỏa lâu bền những khía cạnh liên quan đến chính trị thế giới, quan hệ quốc tế thì sẽ rất thuận lợi về cạnh tranh quốc tế trong ngành công nghiệp dệt may ở mọi nền kinh tế trên thế giới./.
Các bài cũ hơn



