Cuộc cách mạng số ở “kinh đô dệt may” của thế giới
La Tuấn
Giữa tháng 2-2025, giới lãnh đạo Trung Quốc tái khẳng định cam kết bảo vệ cạnh tranh công bằng trên thị trường và thúc đẩy đổi mới. Vì vậy, ngành dệt may của tỉnh Quảng Đông đang vạch ra kế hoạch hiện đại hóa hơn nữa ngành công nghiệp này để phù hợp với những nỗ lực rộng lớn hơn của chính Trung Quốc, nhằm hỗ trợ tăng trưởng khu vực tư nhân và đổi mới công nghệ.
Lộ trình rõ ràng
Chuyển đổi số ngành dệt may của tỉnh Quảng Đông hiện có lộ trình rất rõ ràng. Xuất phát từ đặc thù của doanh nghiệp tư nhân ngành dệt may, vốn chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính quyền tỉnh Quảng Đông chủ trương xây dựng các giải pháp số hiệu quả, gọn nhẹ, dựa trên nền tảng, chi phí thấp, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy doanh nghiệp lên nền tảng và hỗ trợ các viện nghiên cứu xây dựng nền tảng dịch vụ công cho doanh nghiệp.
Năm 2023, Sở Công nghiệp và Công nghệ thông tin tỉnh Quảng Đông đã ban hành “Hướng dẫn chuyển đổi số ngành dệt may và đồ nội thất tỉnh Quảng Đông”, theo đó, đến năm 2025, ngành dệt may của tỉnh đạt hơn 60% mức độ tích hợp, các doanh nghiệp quy mô lớn đạt hơn 70%. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ thúc đẩy một số nhà máy kết nối hoàn toàn mạng 5G, nhà máy trình diễn sản xuất thông minh và các kịch bản ứng dụng hoàn thiện trong ngành dệt may.
Hiện nay, ngành hàng tiêu dùng bao gồm nhiều lĩnh vực như quần áo, thực phẩm, nhà ở, du lịch, mua sắm và giải trí, và là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo ý kiến của các chuyên gia Trung Quốc, để hiện thực hóa sự chuyển đổi cơ bản của sản phẩm thành thương hiệu và chuyển lợi thế về chất lượng thành lợi thế về thương hiệu, việc phát huy và nhân rộng công nghệ số để nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng của sản phẩm và chi phí thương hiệu là hết sức cấp thiết.
Tiên phong đi đầu
Ngành dệt may cũng đang chứng kiến mức độ hợp nhất cao hơn tại Trung Quốc khi ngày càng nhiều doanh nghiệp dệt may nước này đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi số dựa trên các sáng kiến 5G, Internet công nghiệp và trí tuệ nhân tạo (AI). Vùng Triều Sán, nằm ở phía Đông tỉnh Quảng Đông, đã đi tiên phong trong sự phát triển của ngành dệt may tại Trung Quốc và thế giới.
Kể từ khi công cuộc cải cách và mở cửa được khởi động vào cuối những năm 70 của thế kỷ XX, thành phố Sán Đầu của vùng này từng chứng kiến sự phát triển rất nhanh chóng của ngành dệt may. Năm 2023, tổng giá trị sản lượng trong các doanh nghiệp dệt may của Sán Đầu vượt quá quy mô do chính phủ chỉ định, đạt 111,8 tỷ nhân dân tệ (15,73 tỷ USD).
So với các nhà máy dệt may ở những nơi khác, sự đổi mới công nghệ trong vật liệu may mặc và những thay đổi trong chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng đã tạo điều kiện cho ngành dệt may của thành phố Sán Đầu trở nên có sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Trong những năm gần đây, thành phố Sán Đầu đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi và nâng cấp công nghiệp, giới thiệu các thiết bị thân thiện với môi trường và các công nghệ có tính sáng tạo cao.
Bằng cách sử dụng 5G, AI và công nghệ robot mới nhất, các dây chuyền lắp ráp thâm dụng lao động truyền thống của thành phố này đang nhường chỗ cho các công cụ sản xuất xanh, ít ô nhiễm, công nghệ cao và giá trị cao, qua đó tạo ra động lực để đẩy nhanh sự tăng trưởng của ngành dệt may.
Theo giới chức thành phố Sán Đầu, tỷ lệ số hóa trong ngành dệt may của thành phố đã đạt 55,6%, trong khi gần 75% thiết bị chế biến nguyên liệu thô, dệt, nhuộm và các quy trình khác đang ngày càng trở nên thông minh hơn. Sản xuất thông minh không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất của thành phố, mà còn đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển đổi xanh rất được trông đợi.
Ví dụ, Công ty Dệt may Vinh Xương Quảng Đông cho biết họ đã triển khai một bộ hệ thống điều khiển kỹ thuật số bao gồm Internet vạn vật (IoT) và lập kế hoạch nguồn lực doanh nghiệp, qua đó cho phép công ty thu thập và phân tích dữ liệu trong toàn bộ quá trình sản xuất, như mức tiêu thụ năng lượng và kiểm soát chất lượng.
Công ty này cho hay: “công nghệ mới giúp chúng tôi hạn chế chi phí tiêu thụ nguyên liệu thô và năng lượng trong sản xuất, đồng thời cải thiện đáng kể việc tái chế chất thải và đạt được mục tiêu sản xuất xanh và ít carbon”.
Về phương diện nghiên cứu khoa học và trình độ đổi mới công nghệ, các công ty dệt may Trung Quốc được coi là “rất tiên tiến” bởi ngành dệt may dự kiến sẽ tiếp tục phát triển các loại sợi thông minh chất lượng cao không chỉ dùng để may quần áo, mà còn phục vụ các ngành công nghiệp mới nổi khác như sợi nano.
Đẩy mạnh cách mạng số
Có thể nói, tác động của công cuộc chuyển đổi số ở Trung Quốc là đáng kể. Đầu tiên, nó làm gia tăng hiệu quả sản xuất. Cụ thể, tự động hóa và hoạch định dựa trên dữ liệu đã dẫn đến hiệu quả sản xuất tăng 30% tại một số nhà máy ở Sán Đầu.
Bên cạnh đó, cuộc cách mạng này cũng đã làm giảm chi phí. Các quy trình hợp lý hóa và phân bổ nguồn lực được tối ưu hóa đã giúp tiết kiệm chi phí lên tới 20%. Các kỹ thuật sản xuất tiên tiến và hệ thống kiểm soát chất lượng đã cải thiện chất lượng sản phẩm, dẫn đến sự hài lòng cao hơn của khách hàng. Các công nghệ số cũng cho phép thực hiện những hoạt động bền vững hơn, chẳng hạn như giảm lượng nước tiêu thụ trong các quy trình nhuộm và giảm thiểu chất thải dệt may.
Công ty Công nghệ thông tin Công Doanh Quảng Đông (GGIT) là một ví dụ hàng đầu về chuyển đổi số của thành phố Sán Đầu, khi GGIT đã phát triển nhiều nền tảng đám mây thông minh bao phủ toàn bộ chuỗi sản xuất hàng dệt may. Nền tảng tìm nguồn vải thông minh của công ty đã giảm đáng kể thời gian và chi phí tìm nguồn cho các nhà sản xuất.
Trên phương diện tiêu chuẩn quốc tế, Lý Lăng Thân (Li Lingshen) - Phó Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Dệt may Trung Quốc - cho biết: “hiện có khoảng 530 tiêu chuẩn ISO trong ngành dệt may trên toàn thế giới, trong đó chỉ có 37 tiêu chuẩn do Trung Quốc dẫn đầu. Điều này đồng nghĩa với việc xét về tiêu chuẩn ISO, chúng tôi chỉ chịu trách nhiệm về 7%, qua đó cho thấy chúng tôi không có nhiều tiếng nói trong việc xây dựng các quy tắc quốc tế”.
Đối mặt với sự chênh lệch như vậy, tỉnh Quảng Đông cam kết thu hẹp khoảng cách thông qua sức mạnh công nghệ. Quyết tâm này đã làm dấy lên làn sóng các sáng kiến kỹ thuật số nhằm cách mạng hóa các quy trình công nghiệp và khuôn khổ tổ chức.
Đi đầu trong cuộc cách mạng kỹ thuật số này là Công ty TNHH Công nghệ thông tin Trí Cảnh Quảng Châu (GZIT), một lực lượng tiên phong trong việc khai thác các công nghệ kỹ thuật số để hợp lý hóa các hoạt động dệt may.
Lý Á Bình (Li Yaping) - đồng sáng lập kiêm Phó Chủ tịch cấp cao GZIT - cho biết: “từ các nền tảng thiết kế quần áo thông minh - vốn hỗ trợ rút ngắn thời gian thiết kế từ nhiều tuần xuống chỉ còn vài phút - cho đến các hệ thống kiểm tra vải hoàn toàn tự động bảo đảm chất lượng tuyệt đối, công ty chúng tôi đặt mục tiêu trao quyền cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng số hóa và thúc đẩy hiệu quả trong toàn ngành sản xuất dệt may”.
Theo các báo cáo của phương tiện truyền thông, Trung Quốc hiện nay sở hữu hệ thống dệt may lớn nhất và phức tạp nhất thế giới, với quy mô sản xuất và thương mại quốc tế của nước này cũng dẫn đầu thế giới. Tận dụng các công nghệ, công ty đã phát triển nhiều nền tảng đám mây thông minh bao phủ toàn bộ chuỗi sản xuất, mua sắm, thiết kế và bán hàng dệt may.
Thi Đại Khánh (Shi Daqing) - Tổng Giám đốc Công ty Công Doanh Quảng Đông (GGCC) - cho hay: “những tháng ngày phải điều hướng thị trường vải trong nhiều ngày liền đã trở thành dĩ vãng nhờ nền tảng tìm nguồn vải thông minh do GZIT phát triển. Với công nghệ mới này, việc lựa chọn vải đã được sắp xếp hợp lý chỉ trong vài phút”.
Trên thực tế, tác động của quá trình chuyển đổi số này vượt xa biên giới của công ty. Dữ liệu từ GZIT cho thấy kể từ khi thành lập, công ty đã cung cấp dịch vụ trao quyền số cho hơn 50.000 doanh nghiệp dệt may trên toàn Trung Quốc, đẩy mạnh sự tích hợp giữa sản xuất và Internet, đồng thời thúc đẩy các ngành công nghiệp tiến tới tương lai.
Tóm lại, việc áp dụng chuyển đổi số của ngành dệt may của tỉnh Quảng Đông đang mang lại những giải pháp tiềm năng, qua đó cho thấy tự động hóa và công nghệ số giúp giảm thiểu tác động của chi phí lao động tăng cao, cho phép sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn và giảm thiểu chất thải.
Ngoài ra, việc đổi mới và áp dụng công nghệ cũng sẽ nâng cao chất lượng và thiết kế sản phẩm, thúc đẩy khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, qua đó tạo điều kiện để Quảng Đông tiếp tục duy trì vị thế cạnh tranh và tìm lại danh hiệu “kinh đô dệt may” của Trung Quốc nói riêng, thế giới nói chung./.
Các bài cũ hơn



