Hàng giả, hàng nhái - khi độ quái của trí tuệ nhân tạo hỗ trợ dây chuyền sản xuất
Nguyễn Trí Dũng
Vấn đề này không chỉ giới hạn ở lĩnh vực thời trang mà còn tác động đến đồ điện tử, túi xách, đồng hồ và thuốc men. Tổng giá trị hàng giả và hàng vi phạm bản quyền lên tới 3.000 tỷ USD vào năm 2022, tăng gấp 3 lần so với năm 2013.
Tuy vậy, việc giá thành tăng cao tới mức khó tiếp cận, người tiêu dùng lại lựa chọn chi một khoản khiêm tốn hơn cho hàng giả, tuy chất lượng có thể không bằng 80 - 90% so với hàng thật.
Làm giả gây hại cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và nền kinh tế. Văn phòng Sở hữu trí tuệ Liên minh châu Âu (EUIPO) ước tính hàng giả gây thiệt hại cho Liên minh châu Âu (EU) 60 tỷ euro mỗi năm và làm mất 434.000 việc làm. Những sản phẩm này thường không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn.
Gần 97% số hàng giả gây ra rủi ro nghiêm trọng, ví như quần áo giả được xử lý bằng hóa chất độc hại có thể ảnh hưởng sức khỏe như kích ứng da và phát ban. Sự phát triển của các nền tảng bán hàng trực tuyến như DHGate và AliExpress giúp việc mua hàng giả trở nên dễ dàng hơn, trong khi vẫn mang lại trải nghiệm mua sắm tương tự như Amazon.
Trước đây, hàng giả chủ yếu được phân phối thông qua những người bán hàng rong và các khu chợ không dễ thấy. Ví dụ, phố Canal ở thành phố New York nổi tiếng với các hoạt động làm hàng giả, bao gồm cả việc người tiêu dùng được hộ tống lặng lẽ đến các phòng để thực hiện giao dịch. Các doanh nghiệp tương tự có thể được nhìn thấy ở các khu đô thị hoặc khu du lịch trên khắp châu Âu, bao gồm La Rambla ở Barcelona (Tây Ban Nha), Grand Bazaar ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ)...
Hơn nữa, những kẻ làm hàng giả đã cải thiện chất lượng của chúng, tạo ra “hàng siêu giả” gần như giống hệt với hàng thật. Các nhà bán lẻ và thương hiệu cao cấp, đặc biệt là những người bán sản phẩm của họ trên thị trường toàn cầu, chịu thiệt hại nhiều nhất bởi hàng giả.
Các thương hiệu không chỉ phải lo lắng về những đối thủ cạnh tranh hợp pháp chiếm lĩnh thị phần, mà còn phải bận tâm đến những kẻ làm hàng giả phá hủy lòng tin của khách hàng. Ngoài việc lấy đi doanh thu của doanh nghiệp, hàng giả còn ảnh hưởng đến khả năng tin tưởng hàng hóa của người tiêu dùng trên thị trường.
Nếu không có các biện pháp bảo mật và theo dõi phù hợp, người tiêu dùng sẽ nhanh chóng mất lòng tin vào các thương hiệu. Công ty bảo vệ thương hiệu và sở hữu trí tuệ IncoPro phát hiện rằng, 52% số người tiêu dùng mất lòng tin vào một thương hiệu sau khi mua hàng giả trực tuyến, trong khi 64% mất lòng tin vào các ứng dụng mua hàng trực tuyến như Shopee, Lazada, thậm chí là “ông lớn” Amazon. Điều này đã khiến Nike ngừng bán sản phẩm của mình trên nền tảng Amazon.
Làm hàng giả thường bị “bỏ qua”, khi các thương hiệu không thể hành động vì họ không có công cụ quản lý hoặc thông tin. Trong khi đó, kết nối toàn cầu của Internet và việc kiểm soát còn lỏng lẻo đã khiến nhiều chính phủ bất lực trong việc giải quyết vấn nạn làm giả trực tuyến, dù vẫn đấu tranh chống lại nạn vi phạm bản quyền tràn lan.
Vì lý do này, các thương hiệu có trách nhiệm bảo vệ sản phẩm và hình ảnh của mình khỏi hành vi trộm cắp và gian lận. Đã có một số công cụ và chiến lược để họ có thể bảo vệ doanh nghiệp của mình và duy trì lòng tin với người tiêu dùng, ví như các hình thức xác thực độc quyền (thẻ cứng từ Gucci với mã QR có thể được kiểm tra, các đường chỉ tinh vi trong thiết kế của những đôi giày LV).
Thậm chí, một bước đi sáng tạo hơn của công ty TheRealReal khi dựng một cuộc triển lãm trông giống như một cửa hàng nhằm mục đích thu hút sự chú ý đến tình trạng phổ biến của những chiếc túi xách “siêu giả”.
Nhìn qua cửa sổ mặt tiền cửa hàng ở góc phố Broadway và phố Canal, có vẻ như đây chỉ là một cửa hàng thời trang cao cấp. Bên trong, những chiếc túi xa xỉ như Lady D-lite của Dior, Loop của Louis Vuitton, Puzzle của Loewe, túi Shopping Bag của Telfar và một số chiếc túi Hermes Birkins,... được sắp xếp trên một lưới các kệ màu trắng và được thắp sáng như những tác phẩm nghệ thuật riêng lẻ. Tuy nhiên, tất cả các mặt hàng tại đây đều là hàng giả.
Ngay cả đèn trần cũng là bản sao thiết kế của Serge Mouille. Những người mua sắm không thể bước vào, khi một biển báo chỉ giờ mở cửa ghi: thứ hai: đóng cửa; thứ ba: đóng cửa; thứ tư: đóng cửa;... thúc giục những người qua đường tò mò quét mã QR để biết thêm thông tin.
Những gì trông giống như một cửa hàng mới thực ra là một cuộc triển lãm “Hãy tự hỏi bản thân điều gì là thật”, chỉ có thể được xem từ đường phố. Theo truyền thống, những chiếc túi siêu giả tốt nhất thường có hình dạng của những kiểu dáng phổ biến từ lâu như túi Birkins, Louis Vuitton Speedy, túi nắp Chanel, túi tote Dior và Goyard.
Nhưng gần đây, nhân viên tại thị trường bán lẻ xa xỉ đang thấy ngày càng nhiều bản sao tinh xảo của các sản phẩm từ các thương hiệu như Khaite, Jil Sander và the Row, có thể khó phân biệt hơn, Hunter Thompson - Giám đốc xác thực tại RealReal - cho biết.
Ý tưởng của triển lãm - và địa điểm tổ chức triển lãm nằm trên một con phố được biết đến là tâm điểm của hàng giả ở New York - nhằm mục đích truyền cảm hứng cho những cuộc trò chuyện về tính xác thực, một trụ cột của mô hình kinh doanh được RealReal sử dụng.
Mặc dù việc phân phối, tiêu thụ hàng giả là bất hợp pháp, nhiều cá nhân hám lợi vẫn làm như vậy vì chúng có giá cả phải chăng, dễ mua hơn quần áo và túi xách cao cấp. Tình trạng này làm giảm thiểu nỗ lực của các nhà thiết kế và nhà sản xuất dành thời gian và nguồn lực để sản xuất các mặt hàng chất lượng cao, gây ra hậu quả kinh tế rộng hơn, bao gồm cả sự đổi mới và việc làm trong ngành thời trang.
Nhu cầu đối với hàng giả, hàng nhái vẫn tiếp tục, miễn là người mua chú trọng giá cả hơn là tính xác thực. Điều này làm giảm tầm quan trọng của tay nghề đích thực và tính độc đáo trong thiết kế thời trang. Điều quan trọng là người tiêu dùng phải nhận ra tầm quan trọng của việc ủng hộ những người sáng tạo ban đầu và những đóng góp độc đáo mà họ dành cho ngành.
Bằng cách lựa chọn tính xác thực (hàng hiệu), mỗi cá nhân có thể giúp thúc đẩy một thị trường coi trọng sự đổi mới và tôn vinh công sức bỏ ra cho nghệ thuật đích thực. Nhưng đó chỉ là về mặt lý thuyết, là điều mong muốn của các thương hiệu thời trang nổi tiếng, trong bối cảnh nhiều người thích “hàng hiệu” nhưng tài chính hạn chế, mà công nghệ làm giả ngày càng tinh vi hơn, nhờ sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo./.
Các bài cũ hơn



