Nan giải bài toán nguồn nhân lực
Nguyễn Sơn
Đỏ mắt tìm lao động dệt may
Nếu như mấy năm trước, do sức mua suy giảm mạnh bởi hậu quả của dịch bệnh COVID-19, cộng với sự đứt gãy chuỗi logistics toàn cầu, ngành dệt may thiếu đơn hàng trầm trọng, buộc phải cắt giảm lao động hàng loạt, thì từ giữa năm 2024 đến nay, tình hình lại đảo ngược.
Số đơn hàng tăng mạnh khiến ngành dệt may phải nhanh chóng khôi phục năng lực sản xuất, các công ty dệt may không ngừng tuyển dụng lao động. Tuy nhiên, việc tuyển dụng trở nên khó khăn bởi người lao động, phần nhiều là lao động phổ thông, không qua đào tạo, đã tìm được những công việc khác có thu nhập ổn định hơn.
Cần tuyển gấp 1.000 lao động để thực hiện các đơn hàng mới nhận mà chỉ tuyển được 450 người, anh Tiến - chủ một doanh nghiệp may xuất khẩu tại Thành phố Hồ Chí Minh - cho biết: “hơn 20 năm trong ngành, tôi chưa bao giờ thấy tuyển dụng công nhân may khó như lúc này. Lương thấp, công việc thiếu tính ổn định, lại có sự cạnh tranh của các công ty may mặc tại quê nhà tuyển dụng, nên công nhân không còn muốn lên thành phố làm việc nữa. Tôi đang tính phải chuyển máy may của mình về một vùng quê nào đó, nơi công nhân không phải thuê nhà và chi phí sinh hoạt thấp hơn nhiều so với ở đây”.
May mặc là một điểm sáng tự hào của thời đổi mới và mở cửa, luôn đứng top đầu trong danh mục xuất khẩu của đất nước với con số 44 tỷ USD trong năm 2024, tạo ra hàng triệu việc làm cho lao động nông thôn.
Tổng số lao động làm việc trong ngành dệt may tăng từ gần 1,8 triệu người năm 2012 lên trên dưới 3 triệu người năm 2024. Gần 3/4 lực lượng lao động này là nữ, góp phần không nhỏ vào việc tăng cường bình đẳng giới và thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ khác của Liên hợp quốc.
Tuy nhiên, thu nhập của người lao động ngành dệt may thấp hơn mức trung bình của cả nước tới 20%. Bình quân đạt 10,83 triệu đồng/người/tháng, trong ngành may còn thấp hơn với chỉ 9,14 triệu đồng/người/tháng, trong khi thu nhập bình quân chung của cả nước là 11,499 triệu đồng.
Tốc độ tăng lương trung bình của công nhân ngành dệt may hằng năm chỉ đạt 3,3%, không theo kịp lạm phát. Để cải thiện thu nhập, người lao động buộc phải làm thêm, tăng ca tăng kíp, khiến họ có ít thời gian hơn cho sinh hoạt cá nhân, chăm sóc gia đình và tái sản xuất sức lao động xã hội.
Một cuộc khảo sát 735 doanh nghiệp trong số hơn 7.000 doanh nghiệp dệt may của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho thấy triển vọng của ngành trong năm 2025 và những năm tiếp theo rất khả quan. Dự báo 71,3% số doanh nghiệp duy trì được ổn định đơn hàng như năm 2024 và 22,6% số doanh nghiệp có sự gia tăng đơn hàng.
Dự báo 62,6% số doanh nghiệp tuyển dụng thêm lao động và 33,6% số doanh nghiệp giữ nguyên số lao động hiện tại. Thế nhưng, tăng tuyển dụng trong tình hình như hiện nay không phải là bài toán dễ dàng cho các doanh nghiệp dệt may.
Lời giải nào cho bài toán nhân lực dệt may?
Lương thấp, môi trường làm việc vất vả, không đủ sống là lý do đầu tiên khiến người lao động không mặn mà với nghề dệt may. Thiếu tính ổn định là lý do thứ hai, đặc biệt sau thời gian dịch COVID-19 khiến người lao động mất niềm tin đáng kể vào tính ổn định của nghề này.
Không có cơ hội thăng tiến là lý do thứ ba, trong khi ai cũng hy vọng có một tương lai tươi sáng hơn vào ngày mai. Không tìm được lời giải cho 3 lý do đó, không thể giải được bài toán nhân lực cho toàn ngành dệt may.
Thời đại công nghệ số đặt ra những thách thức không nhỏ cho ngành dệt may, nhưng cũng mở ra những cơ hội mang nhiều hy vọng. Đã đến lúc chúng ta cần những tư duy mới mang tính đột phá để đối diện thách thức, tận dụng cơ hội cho phát triển. Như vậy, vấn đề đầu tiên là tư duy.
Trước kia, người lao động phải bỏ thói quen “con trâu đi trước, cái cày theo sau” để lên thành phố làm công nhân may. Giờ đây, lao động ngành may cũng phải bỏ tư duy “tay rê chân đạp” máy may để tiến xa hơn trong nghề này.
Vì sao lương thấp? Vì chúng ta mới chỉ chiếm lĩnh được những “mảng miếng” có giá trị gia tăng rất thấp trong chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu của ngành dệt may. Các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ khẳng định được vị thế quốc tế trong việc cắt may gia công với kỹ năng tay nghề chưa đủ cao và tỷ lệ lỗi sản phẩm chưa đủ thấp, đứng đâu đó giữa Trung Quốc và Bangladesh.
Với các “mảng miếng” có giá trị gia tăng cao như thiết kế mẫu mã, thời trang, bán lẻ phân khúc cao cấp, chúng ta gần như chưa có tên tuổi gì trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Có những doanh nghiệp dệt may rất lớn nhưng không mua nổi các phần mềm thiết kế, cắt may hiện đại; không dám chi cho việc tham gia các show trình diễn thời trang quốc tế và các nghiên cứu nghiêm túc xu hướng thời trang từ cao cấp đến đại trà.
Có nhà máy dệt nhuộm xây dựng rất đồ sộ, hệ thống xử lý môi trường rất “xanh”, nhưng lại không có nổi một hệ thống pha thuốc màu và đánh giá sự biến thiên màu theo độ khô vải điện tử đủ mạnh để nhuộm chính xác được công thức màu của các mẫu vải thời thượng.
Mức độ tự động hóa trong ngành khá thấp, thành thử khi các nhà máy may mặc Âu - Mỹ tiến hành tự động hóa, giới chuyên gia còn lo ngại “ngành may mặc sẽ về lại với các nước tiên tiến từng chia tay nghề dệt may”.
Ước mơ “bắt đầu từ cái máy khâu để thành nhà tạo mốt hàng đầu thế giới” là một giấc mơ đẹp, nhưng thực tế thương trường khiến không ít người làm dệt may tỉnh mộng, chấp nhận may gia công cho các đối tác “thượng thặng” nước người với một mức lợi nhuận, nói nhẹ ra, là “thôi thì cũng chấp nhận được”.
Lương thấp còn do tỷ lệ lao động được đào tạo rất thấp, chỉ trên dưới 10% (VITAS), còn tuyệt đại đa số nhân lực ngành dệt may có kiến thức là do tự học và học nghề tại chỗ làm. Rất ít các chương trình đào tạo chất lượng cho ngành này.
Phần lớn nhân sự kỹ sư, quản lý trung, cao cấp chuyển từ ngành nghề khác sang, rất thiếu kiến thức chuyên ngành cũng như những “ngón thương trường” đặc trưng của thị trường dệt may. Tỷ lệ lao động nữ cao cũng là một bất lợi của ngành: do bị ảnh hưởng bởi sức khỏe, thai sản, an toàn lao động khiến họ thường bị “ép” lương thấp, trong khi các cơ chế thỏa ước lao động tập thể và hoạt động của công đoàn cơ sở, dù đã rất cố gắng, nhưng chưa đủ mạnh để khỏa lấp bất lợi này.
Công nghệ số mở ra cơ hội to lớn cho cái nhìn toàn cảnh ngành dệt may toàn cầu, từ đó giảm thiểu rủi ro dư thừa và thiếu hụt hàng tồn kho để có kế hoạch sản xuất phù hợp. Các doanh nghiệp may mặc đã bắt đầu có cơ sở dữ liệu về hàng tồn kho của các thương hiệu lớn, nhưng mới chỉ dừng ở dữ liệu thứ cấp, chỉ đủ để ước lượng (với sai số còn khá cao) về sản lượng cần đưa ra thị trường chứ chưa đủ để giảm thiểu chi phí hàng tồn ở mức tối ưu.
Cũng chưa tạo dựng được các chuỗi bán lẻ hàng may mặc đẳng cấp thế giới và chủ động tiếp thị để chủ động trong việc sản xuất. Đây là những vấn đề trọng yếu để giảm thiểu tính bấp bênh của thị trường, tạo nên tính ổn định cho người lao động trong ngành.
Ngành dệt may đang đứng trước những cơ hội to lớn do công nghệ số mang lại. Nhưng để tận dụng được cơ hội đó, cần có tư duy mới, kỹ năng xử lý dữ liệu, làm chủ các công nghệ dệt nhuộm và may mặc số hóa, nâng cao tay nghề, mở rộng bán hàng, tiếp thị số cũng như bán hàng và tiếp thị trực tiếp.
Để làm được điều đó, trước hết phải từ bỏ thói quen, tiếp nhận tư duy đổi mới, phải coi nhân sự là giải pháp của mọi giải pháp. Người lao động phải được đào tạo, nâng cao tay nghề, tiếp cận công nghệ mới, nắm bắt được thị trường thế giới, không ngừng học hỏi, đổi mới, sáng tạo. Nguồn nhân lực chất lượng cao ấy là bài toán sống còn đối với ngành dệt may Việt Nam trong thời công nghệ số.
Giải pháp để thu hút lao động trở lại ngành dệt may là tăng lương. Giải pháp để tăng lương là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từ lãnh đạo, quản lý, kỹ sư đến những người lao động trực tiếp. Chúng ta phải thay đổi nhận thức về ngành dệt may, từ ngành thâm dụng lao động trở thành ngành thâm dụng công nghệ.
Giải được bài toán ấy, ngành dệt may Việt Nam sẽ không chỉ tiếp tục ngự trị top “tam hùng” bên cạnh Trung Quốc và Bangladesh như hiện nay, mà còn trở thành người dẫn dắt ngành dệt may thế giới tiến vào kỷ nguyên số./.
Các bài cũ hơn



