Sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad và tác động đối với khu vực, thế giới
Văn ĐạtNguy cơ bất ổn gia tăng ở khu vực
Syria là một quốc gia đóng vai trò trung tâm trong khu vực Trung Đông, và sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Syria B. al-Assad có thể tạo ra một khoảng trống quyền lực. Trong bối cảnh Syria đã trải qua hơn 10 năm nội chiến, sự tan rã của chính quyền B. al-Assad có thể dẫn đến leo thang bạo lực giữa các phe đối lập và tranh giành quyền lực.
Chưa kể, mặc dù các tổ chức cực đoan, như Tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Cận đông (ISIS) hay Al-Qaeda đã suy giảm, nhưng sự hỗn loạn sau sự sụp đổ của chính quyền B. al-Assad có thể làm “sống lại đám tro tàn”. ISIS hoặc Al-Qaeda có thể tận dụng tình trạng hỗn loạn để tạo lập lại sức mạnh và ảnh hưởng trong khu vực.
“Triều đại” B. al-Assad nổi lên từ cộng đồng Alawit - một nhánh của người Hồi giáo dòng Shiite và trong 50 năm qua, Nhà nước Baath ở Syria phần lớn do người Alawite nắm quyền. Các lực lượng dân quân Alawite đóng vai trò quan trọng đối với phe chính phủ trong cuộc chiến và gây ra nhiều tội ác đối với những người phản đối, nhất là áp bức cộng đồng Hồi giáo dòng Sunni.
Mặc dù lực lượng đối lập Hayat Tahrir al-Sham (HTS) ở Syria cam kết không trả thù người Alawite vì điều này, tôn trọng quyền của nhóm thiểu số và không áp đặt luật Hồi giáo dòng Sunni nghiêm ngặt; tuy nhiên, tương lai không thể bảo đảm HTS có thực hiện đúng lời hứa hay không và nguy cơ chiến tranh tôn giáo ở Syria vẫn hiện hữu.
Theo giới chuyên gia, tình hình Trung Đông giống như một bàn billiard mà trên đó, chuyển động của một quả bóng sẽ khiến các quả bóng khác lăn “không kiểm soát” và va vào nhau. Điểm khác biệt là không giống như trong billiard, ngay cả người chơi giỏi nhất cũng khó có thể dự đoán được hướng di chuyển của bóng và người xem càng không thể kiểm soát được những quả bóng đó. |
Syria có mối quan hệ hết sức phức tạp và bất ổn với các nước láng giềng, vì vậy chính quyền mới ở Syria cho phép duy trì các căn cứ này để đổi lấy nguồn cung dầu mỏ và thực phẩm từ Nga nhằm cân bằng lựa chọn ngoại giao và kinh tế.
HTS có thể cũng muốn duy trì các căn cứ quân sự của Nga nhằm trấn an người Alawite và Cơ đốc giáo. Tuy nhiên, chính quyền mới của Syria vẫn lo sợ các cuộc nổi loạn của các nhóm thiểu số có thể xảy ra và coi những căn cứ quân sự của Nga là sự hỗ trợ tiềm tàng cho những cuộc nổi loạn.
Các nước Arab Vùng Vịnh trước đây dường như chiếm ưu thế trong cuộc đấu tranh bền bỉ chống ảnh hưởng của chủ nghĩa Hồi giáo trong khu vực đã bị rung chuyển bởi cơn địa chấn chính trị ở Syria.
Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và Saudi Arabia - phối hợp với Jordan và Ai Cập trước đây, chủ trương bình thường hóa quan hệ ngoại giao với chế độ B. al-Assad do cho rằng, lực lượng B. al-Assad đang chiếm ưu thế trong cuộc nội chiến.
Tuy nhiên, “cú sốc” chính trị vừa qua tại Syria cho thấy đây là một bước đi sai lầm, cho dù những nước này lập luận muốn bình thường hóa quan hệ với Syria với tư cách là một quốc gia, mà không phải một chế độ cụ thể nào.
Iran là một đối tác lớn của chính quyền B. al-Assad và việc chế độ B. al-Assad có thể làm suy giảm ảnh hưởng của Iran trong khu vực. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và các quốc gia Vùng Vịnh như Saudi Arabia có thể tăng cường vai trò của mình.
Một số quốc gia Vùng Vịnh (trừ Qatar) có thể lo ngại khả năng Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia được cho là có quan hệ mật thiết với HTS - sẽ tái thực hiện chiến lược bá quyền ở khu vực thông qua các chính quyền ủy nhiệm Hồi giáo theo dòng Sunni như ở Syria, cạnh tranh với các chính phủ Hồi giáo theo dòng Shiite ở Trung Đông.
Giống như Israel, hầu hết các nước Vùng Vịnh sẽ cảnh giác với chiến thắng của HTS và các đồng minh Hồi giáo cực đoan tại Syria, thận trọng theo dõi HTS có thực sự từ bỏ nguồn gốc Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng như nhóm này tuyên bố và liệu thành công của HTS có truyền cảm hứng cho các lực lượng cực đoan ở các nước khác?
Tác động đối với các nước lớn
Không giống như chế độ Hosni Mubarak ở Ai Cập hay chế độ Moammar al-Gadhafi ở Libya, chế độ Bashar al-Assad không bị sụp đổ sau khi làn sóng “mùa xuân Arab” nổ ra vào cuối năm 2010. Kết quả này phần lớn nhờ vào hỗ trợ quân sự và tài chính khổng lồ từ Nga, Iran.
Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Syria vào tháng 9-2015, Nga đã hỗ trợ quân đội của chính quyền Tổng thống Syria B. al-Assad thông qua sự hiện diện đáng kể của lực lượng không quân, các hệ thống phòng không và lực lượng bán quân sự của Tập đoàn Wagner.
Việc HTS lật đổ chính quyền B. al-Assad vào tháng 12-2024 có nguy cơ đe dọa các lợi ích của Nga. Thứ nhất, hy vọng duy trì một nước đối tác Trung Đông thân cận của Nga đã không thể thực hiện sau khi chế độ B. al-Assad sụp đổ. Thứ hai, việc ngăn ngừa mối đe dọa khủng bố nằm ngoài tầm kiểm soát của Nga.
Mặc dù HTS có thể “rũ bỏ” quá khứ liên quan đến tổ chức khủng bố Al Qaeda sau khi lên nắm quyền, song HTS không thể bảo đảm các đồng minh Hồi giáo cực đoan ở trong và ngoài Syria ngừng những hành vi khủng bố.
Ở Afghanistan, lực lượng Taliban sau khi lên nắm quyền từng cam kết không hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Tuy nhiên, lực lượng Taliban không thể ngăn chặn IS tỉnh Khorasan có trụ sở ở Afghanistan trong việc hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố quốc tế.
Vấn đề còn lại là căn cứ hải quân của Nga ở Tartus (Syria) và căn cứ không quân của nước này gần Latakia (Syria). Đối với chính quyền mới tại Syria, Nga có nguy cơ mất quyền tiếp cận các cơ sở quân sự của mình ở vùng ven biển Lakatia và Tartus của Syria. Điều này có thể sẽ cản trở hoạt động hậu cần và làm tăng chi phí cho các nỗ lực triển khai chiến dịch quân sự của Nga trong khu vực, bởi việc tìm kiếm các căn cứ thay thế sẽ khó khăn và tốn kém hơn.
Giới chuyên gia cho rằng, kịch bản tốt nhất với Nga là trong ngắn hạn, chính phủ lâm thời ở Syria có thể không yêu cầu Nga lập tức rút quân đội khỏi căn cứ hải quân ở Tartus và căn cứ không quân gần Latakia, mà thay vào đó sử dụng các căn cứ làm đối trọng với sự hiện diện của quân đội Mỹ ở phía bên kia đất nước, cũng như làm quân bài mặc cả để bảo đảm chính phủ mới của Syria không bị cộng đồng quốc tế cô lập.
Ngoài ra, HTS có thể sẽ cho phép Nga duy trì các căn cứ này để đổi lấy nguồn cung dầu mỏ, thực phẩm nhằm cân bằng lựa chọn ngoại giao và kinh tế.
Mỹ cũng là nước bị tác động mạnh mẽ bởi sự sụp đổ của chính quyền B. al-Assad bởi nước này vẫn còn một số căn cứ quân sự tại Syria. Việc chế độ mới cho phép Mỹ duy trì các căn cứ quân sự này hay không phụ thuộc vào chính sách của Mỹ đối với chính quyền mới của Syria.
Mỹ đã cắt đứt quan hệ với phe nổi dậy từ nhiều năm trước, coi HTS là tổ chức khủng bố nước ngoài, áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với chế độ B. al-Assad và cung cấp viện trợ nhân đạo đáng kể nhằm giảm bớt gánh nặng cho người dân Syria.
Trong nhiều năm qua, Mỹ đã kêu gọi giải pháp chính trị ở Syria phù hợp với Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và giải trình về tội ác của chế độ B. al-Assad cùng những mục tiêu chưa thể đạt được.
Vấn đề lớn nhất của Mỹ là số phận của người Kurd ở Syria. Trong cuộc nội chiến Syria, với sự giúp đỡ to lớn của Mỹ và nhà nước bán độc lập của người Kurd ở miền Bắc Iraq, lực lượng người Kurd ở Syria (Đảng Liên minh dân chủ - PYD) đã chiếm một khu vực rộng lớn ở Đông Bắc Syria, vượt ra ngoài phạm vi lãnh thổ Syria.
Các căn cứ quân sự và hoạt động hậu cần của Mỹ cũng hoạt động trong khu vực này. Việc Mỹ ủng hộ lực lượng người Kurd có thể tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực tới đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ bởi Thổ Nhĩ Kỳ chống người Kurd ở Syria. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ vận động HTS tấn công nhằm vào lãnh thổ do người Kurd kiểm soát, Mỹ sẽ phải đối mặt với tình thế nan giải.
Trong thời gian tới, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có “bỏ rơi” đồng minh người Kurd như tuyên bố của ông trước đây: “đây không phải cuộc chiến của chúng ta. Hãy để nó diễn ra tự nhiên. Đừng can thiệp” hay không, đang là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Nếu muốn giữ uy tín với các đồng minh khác trên thế giới, Mỹ sẽ phải hỗ trợ người Kurd và cái giá phải trả là cuộc khủng hoảng sâu sắc với Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, Trung Quốc có cách tiếp cận riêng đối với vấn đề Syria nên chịu tác động ở mức tối thiểu. Mặc dù Trung Quốc nhập khẩu phần lớn năng lượng từ khu vực này, nhưng từ trước đến nay, Trung Quốc luôn hạn chế tối đa can thiệp trong các cuộc xung đột tại đây.
Sau cơn địa chấn chính trị ở Syria, phần còn lại của thế giới, nhất là các quốc gia láng giềng Vùng Vịnh và các nước lớn sẽ theo dõi một cách sát sao và thận trọng.
Việc tất cả các nước cùng tham gia góp phần ổn định tình hình nhằm bảo đảm một nền trật tự mới ở Syria không chỉ cho phép người dân nước này được sống trong hòa bình, mà còn giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực đối với tình hình khu vực và thế giới./.