15/01/2025 | 14:02 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc: Nhấn mạnh hợp tác, gác lại bất đồng

Văn Đạt
Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc: Nhấn mạnh hợp tác, gác lại bất đồng Hội nghị thượng đỉnh giữa 3 nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc lần thứ 9 được tổ chức ở Thủ đô Seoul, Hàn Quốc_Ảnh: Yonhap/TTXVN
Trong 2 ngày 26 và 27-5-2024, Hội nghị thượng đỉnh giữa 3 nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc lần thứ 9 được tổ chức ở Thủ đô Seoul (Hàn Quốc) sau 4 năm trì hoãn. Tại Hội nghị, lãnh đạo 3 nước đã có động thái thu hẹp bất đồng, nhằm tìm kiếm triển vọng hợp tác mới vì lợi ích của mỗi nước cũng như hòa bình, ổn định ở khu vực.

Củng cố hợp tác vì lợi ích chung

Hội nghị thượng đỉnh ba bên Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc được dư luận đánh giá là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với khu vực và thế giới, khi cả 3 quốc gia Đông Bắc Á đều là những cường quốc kinh tế, chiếm khoảng 25% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu. 

Do đó, sự hợp tác giữa 3 nước là chìa khóa để thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới. Tại hội nghị lần này, lãnh đạo 3 nước tập trung thảo luận về 6 lĩnh vực chính, bao gồm: hợp tác kinh tế - thương mại, giao lưu nhân dân, khoa học - công nghệ, phát triển bền vững, y tế công cộng, hòa bình và an ninh.

Về hợp tác kinh tế - thương mại, các nhà lãnh đạo coi đây là động lực chính thúc đẩy 3 nước nối lại đàm phán sau 4 năm gián đoạn. Đối với Hàn Quốc và Nhật Bản, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của 2 nước vào năm 2023, tuy nhiên, mối quan hệ thương mại giữa các nước đang có dấu hiệu sụt giảm. Trong 2 năm liên tiếp (2022 - 2023), số lượng dự án đầu tư mới của Nhật Bản vào Trung Quốc giảm tới 10 lần so với số lượng dự án đầu tư mới của Nhật Bản vào Mỹ. 

Tương tự, số lượng đầu tư của Hàn Quốc vào Trung Quốc cũng ở mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Ngược lại, các doanh nghiệp Hàn Quốc tăng cường đầu tư vào Mỹ, cố gắng tận dụng những ưu đãi đầu tư của chính quyền Mỹ vào sản xuất công nghệ cao. 

Trong khi đó, đối mặt với một nền kinh tế đang có dấu hiệu trì trệ, Trung Quốc được cho là đã thay đổi lập trường, mong muốn thúc đẩy hợp tác thương mại - đầu tư với các quốc gia láng giềng, một mặt, nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước; mặt khác, tạo một đối trọng địa - chính trị đối với sự hỗ trợ và ủng hộ của Mỹ dành cho các đồng minh trong khu vực.

Chính vì vậy, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản tái khẳng định sự ủng hộ đối với hệ thống thương mại đa phương cởi mở, minh bạch, toàn diện, không phân biệt đối xử và dựa trên luật lệ, với cốt lõi là Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Ba nước cũng khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) một cách minh bạch, suôn sẻ và hiệu quả, làm cơ sở cho hiệp định thương mại tự do (FTA) ba bên; đồng thời, cam kết duy trì thị trường mở và tăng cường hợp tác chuỗi cung ứng cũng như tránh gián đoạn chuỗi cung ứng.

Trong mối quan hệ đối tác chặt chẽ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các nhà lãnh đạo Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản nhất trí cần tiếp tục mở rộng hợp tác ba bên trong các khuôn khổ ASEAN, như ASEAN+3, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với vai trò trung tâm và đoàn kết của ASEAN.

Các chuyên gia cho rằng, mục tiêu của CHDCND Triều Tiên là nhằm đối phó với các hoạt động hợp tác quân sự giữa Mỹ - Hàn Quốc - Nhật Bản, mà nước này cho là mối đe dọa trực tiếp đến môi trường an ninh quốc gia; đồng thời, gây áp lực Mỹ phải chấp nhận ý tưởng coi CHDCND Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân, từ đó ngồi vào bàn đàm phán và nhượng bộ về kinh tế cũng như an ninh.      

Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cũng được lãnh đạo các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đặc biệt quan tâm. Lãnh đạo 3 nước cam kết tiếp tục nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, bao gồm cả phi hạt nhân hóa thông qua biện pháp chính trị. 

Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc nhấn mạnh việc duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên, cũng như khu vực Đông Bắc Á là trách nhiệm chung của các nước trong khu vực. 

Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều thể hiện sự quan tâm đến ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên và mong muốn Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn trong nỗ lực kiềm chế các chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. 

Trong khi đó, Trung Quốc mong muốn thúc đẩy hòa bình, ổn định ở khu vực bởi nếu vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên leo thang và biến thành một cuộc xung đột thì khu vực an ninh biên giới của Trung Quốc cũng khó tránh khỏi bị tác động, ảnh hưởng.

Kết thúc hội nghị, lãnh đạo 3 nước nhất trí thông qua Tuyên bố chung, trong đó đánh giá cao sự hợp tác giữa ba bên ngày càng chặt chẽ, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, mang lại lợi ích cho quốc gia và nhân dân 3 nước; khẳng định, đây là hội nghị có ý nghĩa quan trọng đối với việc khôi phục quan hệ hợp tác ba bên, do đó sẽ cùng nhau thúc đẩy “hợp tác ba bên +” để lợi ích hợp tác mở rộng sang các nước khác, đồng thời nhấn mạnh ba bên cần đẩy mạnh hợp tác hơn nữa thông qua các cơ chế tham vấn liên chính phủ, như các cuộc họp cấp cao và hội nghị bộ trưởng trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, du lịch, thể thao, thương mại, y tế công cộng và nông nghiệp.

Thu hẹp bất đồng

Hội nghị năm 2024 diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh trên bán đảo Triều Tiên nói riêng, khu vực Đông Bắc Á nói chung diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Từ đầu năm 2024, CHDCND Triều Tiên vẫn duy trì tốc độ thử nghiệm vũ khí. 

Gần đây nhất, ngày 10-5-2024, CHDCND Triều Tiên tiến hành vụ thử nghiệm nhằm xác nhận “ưu điểm và sức mạnh hủy diệt” của bệ phóng tên lửa đa năng 240mm có đầu đạn dẫn đường. 

Bên cạnh đó, căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục leo thang do những tranh chấp trên biển Hoa Đông. Theo Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản và truyền thông Nhật Bản ngày 28-4-2024, lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã đối đầu với tàu chở các nhà lập pháp Nhật Bản tại vùng biển Senkaku/Điếu Ngư, mà cả 2 nước đều tuyên bố chủ quyền ở biển Hoa Đông. Đây là vụ việc mới nhất liên quan đến tranh chấp hàng hải giữa 2 nước tại vùng biển này.

Trước thềm cuộc gặp mặt ba bên vào ngày 27-5-2024, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã tổ chức các cuộc đàm phán song phương với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio vào ngày 26-5-2024. 

Cùng ngày 26-5-2024, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cũng có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường. Trong các cuộc gặp, lãnh đạo các nước được cho là có cách tiếp cận mới theo hướng thảo luận vấn đề một cách trực diện nhằm tìm ra giải pháp hài hòa lợi ích của các bên, cải thiện quan hệ hợp tác. 

Do đó, theo Hãng tin AP (Mỹ), trong các cuộc gặp riêng với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc đã thẳng thắn đề cập đến những chủ đề vốn không nằm trong chương trình nghị sự chính thức của hội nghị ba bên, như vấn đề Đài Loan (Trung Quốc), hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, Biển Đông.

Sự chân thành, hợp tác còn được phản ánh qua việc 3 nhà lãnh đạo thảo luận cách thức tăng cường hợp tác kinh tế và các lĩnh vực khác mà 3 nước chia sẻ lợi ích. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường nhất trí triển khai kênh đối thoại Hàn Quốc - Trung Quốc mới, với sự tham gia của các nhà ngoại giao cấp cao và các quan chức quốc phòng vào giữa tháng 6-2024. 

Hai nhà lãnh đạo cũng thống nhất khởi động lại các cuộc đàm phán để mở rộng FTA và “kích hoạt lại” các cơ quan hiện đã dừng hoạt động về trao đổi nhân sự, đầu tư cùng những vấn đề khác. Đặc biệt, Tổng thống Yoon Suk Yeol đề nghị 3 nước cần hợp tác chặt chẽ hơn trong giải quyết những thách thức chung, như tác động tiêu cực của các cuộc xung đột ở Ukraina và Dải Gaza đối với nền kinh tế toàn cầu.

Trong cuộc gặp giữa Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa mối quan hệ song phương vốn “ấm” lên đáng kể sau giai đoạn bất đồng về việc giải quyết các vấn đề liên quan đến sự cai trị thuộc địa của Nhật Bản trên bán đảo Triều Tiên giai đoạn 1910 - 1945. 

Bày tỏ sự nhất trí, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cho rằng, 3 nước nên coi nhau là đối tác và tìm kiếm cơ hội phát triển, từ chối chủ nghĩa bảo hộ và ủng hộ toàn cầu hóa.

Mặc dù chưa tạo được bước đột phá nào đáng kể, song việc Tuyên bố chung giữa 3 nhà lãnh đạo có nội dung tương đối toàn diện, bao trùm lên nhiều lĩnh vực hợp tác chủ chốt giữa các nước, kể cả những nội dung gai góc như vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên được cho là tín hiệu tích cực, tạo nền tảng vững chắc để 3 nước từng bước thu hẹp bất đồng, khởi động lại đàm phán, thúc đẩy hợp tác vì lợi ích chiến lược của mỗi quốc gia, cũng như hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới./.

11 June 2024
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 3 4 5 6 Sau