20/03/2025 | 07:50 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Hội nghị cấp cao ASEAN 42: Hướng đến một cộng đồng “Tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng”

Khánh Bình
Hội nghị cấp cao ASEAN 42: Hướng đến một cộng đồng “Tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng” Lãnh đạo các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á chụp ảnh lưu niệm trước phiên khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN 42_Ảnh: TL
Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 42 (ASEAN 42) được tổ chức tại thành phố Labuan Bajo (Indonesia), đã kết thúc sau 3 ngày làm việc (từ ngày 9 đến 11-5-2023) tích cực và hiệu quả, với 8 phiên họp thượng đỉnh cùng nhiều cuộc gặp song phương. Đây là hội nghị cấp cao đầu tiên trong năm Chủ tịch ASEAN 2023 của Indonesia.

“Luôn nỗ lực làm mới mình”

Với chủ đề “Tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng”, một chương trình nghị sự đầy ắp nội dung đã được các nước thành viên chuẩn bị cho 3 ngày họp của các nhà lãnh đạo ASEAN và đối tác; được lồng ghép trong những nội dung thông lệ của các kỳ hội nghị cấp cao ASEAN, như tăng cường liên kết ASEAN, củng cố Cộng đồng ASEAN (AC) đoàn kết và thống nhất, mở rộng quan hệ với các đối tác, đề cao vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực, hợp tác ứng phó với những thách thức đang nổi lên. ASEAN 42 tập trung bàn thảo về nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến tình hình kinh tế, chính trị, an ninh khu vực, như phục hồi kinh tế, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, kinh tế xanh, chuyển đổi số và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Liên quan đến Cộng đồng ASEAN, các nhà lãnh đạo ASEAN đánh giá cao những kết quả mà AC đã đạt được trong việc thực hiện những kế hoạch đề ra thời gian qua và nhất trí quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai hiệu quả, đúng lộ trình Tầm nhìn ASEAN 2025 cùng các kế hoạch tổng thể trên cả 3 trụ cột: Chính trị - An ninh, Kinh tế và Văn hóa - Xã hội, nhằm đưa liên kết ASEAN ngày càng đi vào chiều sâu, toàn diện và thực chất; tiếp tục xây dựng AC hướng tới người dân, vì nhân dân, đáp ứng nhu cầu của mọi tầng lớp nhân dân để người dân được hưởng những lợi ích mà Cộng đồng đem lại.

Liên kết kinh tế luôn được coi là “xương sống” trong các nỗ lực xây dựng AC đoàn kết và thống nhất; do đó, các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí xây dựng hệ sinh thái ô-tô điện và quyết tâm trở thành một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng thế giới, lấy công nghiệp hạ nguồn làm trọng điểm; đẩy mạnh hợp tác trong một số lĩnh vực mới, chiến lược, như tăng cường thương mại, đầu tư nội khối, chuyển đổi số, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo...

Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không ngừng củng cố và duy trì đoàn kết, thống nhất trong AC, giữ vững và đề cao vai trò trung tâm của ASEAN trong các tiến trình hợp tác và liên kết khu vực. Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều vấn đề mang tính đa diện, xuyên quốc gia, các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí cần phát huy vai trò chủ động hơn nữa của các nước thành viên trên các vấn đề quan trọng liên quan đến hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển của khu vực. Những công cụ, khuôn khổ hợp tác chính trị - an ninh và xây dựng lòng tin mà ASEAN đã thiết lập cần được tiếp tục đề cao và phát huy hiệu quả hơn nữa.

Đặc biệt, các nhà lãnh đạo ASEAN đã đạt được đồng thuận về những vấn đề liên quan đến lợi ích của người dân, bao gồm bảo vệ lao động nhập cư và nạn nhân của tình trạng buôn bán người; đồng thời, đưa ra những cam kết về việc kiên quyết chống lại tình trạng buôn bán người, lạm dụng công nghệ.

Thông qua các hoạt động ngoại giao đa phương, các cuộc hội kiến, gặp gỡ, tiếp xúc song phương dày đặc mà Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu tham dự ASEAN 42 cùng các hội nghị liên quan cho thấy, Việt Nam luôn xứng đáng với vai trò là thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm với ASEAN và các đối tác, góp phần tăng cường sự hiểu biết, củng cố tin cậy chính trị và lòng tin chiến lược, thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN với các quốc gia trên thế giới.

Liên quan đến tình hình Myanmar, các nhà lãnh đạo ASEAN đều ủng hộ cách tiếp cận của nước chủ nhà Indonesia là tiếp xúc với tất cả các bên liên quan tại Myanmar. Các nhà lãnh đạo ASEAN cho rằng, mặc dù chưa có những bước tiến đáng kể đối với Kế hoạch hòa bình 5 điểm nhưng không có nghĩa là các nỗ lực phải dừng lại, đặc biệt là việc từ bỏ nguyên tắc của Hiến chương ASEAN; do đó, sự đoàn kết và thống nhất của ASEAN đóng vai trò hết sức quan trọng trong thúc đẩy giải pháp cho vấn đề Myanmar.

Đối với vấn đề Biển Đông, các nhà lãnh đạo ASEAN tiếp tục khẳng định lập trường nguyên tắc trong việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông; kêu gọi các bên kiềm chế, không quân sự hóa, không có các hành động làm phức tạp tình hình, leo thang căng thẳng hoặc tranh chấp; không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS năm 1982.

Vì một ASEAN bản sắc, giá trị, sức sống, uy tín và tự cường

Hiện nay, mặc dù vị thế cũng như ảnh hưởng quốc tế của ASEAN tiếp tục được gia tăng và vai trò của ASEAN trong các cơ chế đa phương ngày càng nổi bật, nhưng tầm ảnh hưởng của ASEAN đối với các nước lớn trong khu vực và thế giới vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, ASEAN cũng phải đối mặt với không ít khó khăn khi: 1- Khoảng cách phát triển giữa ASEAN-4[1] và ASEAN-6[2] là không nhỏ; 2- Sự khác biệt về lợi ích, chế độ chính trị và hệ tư tưởng giữa các nước ASEAN và giữa các vùng, miền trong Hiệp hội vẫn còn khá xa; 3- “Phương cách ASEAN” với nguyên tắc không can thiệp là “rào cản” rất lớn cho việc đi tới một cộng đồng thống nhất; 4- Bản chất của ASEAN là một tổ chức liên chính phủ, các cơ chế hợp tác lỏng lẻo, không có tính ràng buộc cao; 5- Quá trình di chuyển lao động tạo ra những thay đổi về cơ cấu dân cư, dân số, phân bổ lao động và việc làm, dẫn đến chi phí xã hội và chi phí kinh tế tăng cao; 6- Thế giới luôn biến chuyển, căng thẳng địa - chính trị trong và ngoài khu vực đang tăng nhanh, các vấn đề môi trường cũng trở nên nghiêm trọng hơn, cùng với đó là các hình thức hợp tác khu vực, như Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) và các thỏa thuận của Nhóm “Bộ tứ kim cương” (QUAD, gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ) đòi hỏi ASEAN phải có những sáng kiến mới, cũng như lập trường chủ động, tích cực và có trách nhiệm hơn nữa, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và an ninh chung của khu vực.

Do đó, ASEAN cần tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, tinh thần tập thể vì mục tiêu chung, hài hòa lợi ích quốc gia với lợi ích của Hiệp hội trong tiến trình xây dựng AC ngày càng trở nên tự cường. Hiện nay, cùng với việc đẩy nhanh hoàn tất đúng hạn các kế hoạch tổng thể trên cả 3 trụ cột Cộng đồng vào năm 2025, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thảo luận và thông qua Tuyên bố chung về Tầm nhìn AC sau năm 2025 với định hướng có tầm nhìn xa, truyền cảm hứng, mạnh mẽ, toàn diện, bao trùm và hướng tới tương lai, nhằm giải quyết các thách thức và xu hướng trong và ngoài khu vực trong 20 năm tới, đồng thời đặt thời gian biểu thông qua văn kiện này vào năm 2025. Các nội dung, như nâng cao bản sắc, giá trị, sức sống, uy tín, sự hiện diện của ASEAN, cải tiến và đổi mới phương thức làm việc của ASEAN cũng được ASEAN ngày càng quan tâm và đẩy mạnh.

Bên cạnh những kế hoạch này, ASEAN còn cân nhắc thúc đẩy quan hệ với các đối tác bên ngoài thông qua những cơ chế hợp tác đa phương linh hoạt. Trên thực tế, ASEAN thường khó đạt sự đồng thuận trong từng lĩnh vực hợp tác cụ thể với các đối tác bên ngoài. Do đó, ASEAN có thể xem xét hợp tác với các nước đối tác bên ngoài với tư cách là những quốc gia riêng lẻ. Những cơ chế hợp tác ba bên, như Ấn Độ - Australia - Indonesia hay Ấn Độ - Việt Nam - Nhật Bản đang phát huy hiệu quả và đem lại lợi ích thiết thực, đồng thời giúp ASEAN thích nghi tốt hơn với bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa nước lớn diễn ra ngày một phức tạp hiện nay.

Lịch sử phát triển của Hiệp hội 56 năm qua cho thấy, qua mỗi lần sóng gió, ASEAN lại tìm ra hướng đi mới để vững vàng bước tiếp trên con đường xây dựng và giữ vững vai trò một tổ chức liên kết khu vực ngày càng được coi trọng trên thế giới. Điều cần thiết đối với ASEAN lúc này là tiếp tục tạo ra những “cú hích” có tác dụng như đòn bẩy trong tiến trình liên kết để thực sự đưa ASEAN bứt phá trở thành tâm điểm tăng trưởng của khu vực và toàn cầu. Trọng trách đối với Indonesia - nước Chủ tịch ASEAN trong năm 2023 - là rất lớn. Tương lai của ASEAN sẽ ngày càng bền vững nếu các mục tiêu chung về hòa bình, ổn định và hợp tác là lợi ích bao trùm ở khu vực và những giá trị mà ASEAN đem lại cho các quốc gia thành viên và người dân được duy trì./.



[1] ASEAN-4 gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar.




13 June 2023
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 3 4 5 6 Sau