Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao BRICS: Thúc đẩy hợp tác, nâng cao vai trò
Mai Lan
Hợp tác giải quyết vấn đề toàn cầu
Với 5 nước thành viên ban đầu, bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, kể từ ngày 1-1-2024, BRICS chính thức có thêm 5 nước thành viên mới là Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất. Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao BRICS năm 2024, ngoài 10 nước thành viên, hội nghị có sự tham dự của đại diện các nước bạn bè của BRICS.
Trao đổi về những vấn đề toàn cầu đang nổi lên, bên cạnh nội dung đẩy mạnh, tăng cường chủ nghĩa đa phương trong quan hệ quốc tế, với trọng tâm hình thành một trật tự thế giới công bằng hơn cũng như vai trò của các quốc gia ở khu vực phía Nam và phía Đông toàn cầu trong quá trình này, các bộ trưởng còn thảo luận nhiều vấn đề nổi bật khác.
Đối với cuộc xung đột ở Ukraina, các bộ trưởng đánh giá cao những đề xuất liên quan đến giải quyết xung đột bằng các biện pháp hòa bình thông qua đối thoại, ngoại giao.
Về cuộc xung đột Israel - Hamas, các bộ trưởng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình ngày càng xấu đi ở phần lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, nhất là tình trạng bạo lực leo thang chưa từng có ở Dải Gaza do hoạt động quân sự của Israel dẫn đến tình trạng người dân Palestine phải di tản, tử vong và thương vong hàng loạt cũng như sự tàn phá các cơ sở hạ tầng dân sự.
Các bộ trưởng kêu gọi thực hiện hiệu quả nghị quyết của Đại Hội đồng Liên hợp quốc, đồng thời kêu gọi cung cấp hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp, trực tiếp tới người dân Palestine trên quy mô lớn tại Dải Gaza.
Về hợp tác kinh tế và vấn đề phi đô la hóa, Hội nghị nhất trí nỗ lực không ngừng hướng tới phi đô la hóa các nền kinh tế BRICS, thúc đẩy xây dựng hệ thống thanh toán chung của BRICS và từ bỏ các hệ thống tài chính của phương Tây.
Trong khi ý tưởng về một đồng tiền chung đang được xem xét với trọng tâm tăng cường sử dụng đồng tiền quốc gia để thanh toán chung, Ngân hàng Phát triển mới (NDB) sẽ phải xây dựng kế hoạch chi tiết cho loại tiền tệ tiềm năng này, nhằm tạo ra một hệ thống thanh toán độc lập với ngoại tệ và hệ thống ngân hàng nước ngoài.
Về phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu, Hội nghị tái khẳng định cam kết đối với Chương trình nghị sự đến năm 2030 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc huy động các nguồn lực để đạt được mục tiêu này.
Hội nghị cũng nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết đối với các nước phát triển là thực hiện cam kết về tài chính khí hậu và chuyển giao công nghệ để hỗ trợ hành động về khí hậu ở các nước đang phát triển.
Về mở rộng BRICS, theo Bộ Ngoại giao Nga, hiện có khoảng 30 quốc gia muốn gia nhập BRICS. Do đó, BRICS đang xây dựng các cơ chế hợp tác, những định dạng đối thoại BRICS+ để tiếp xúc với những đối tác không thuộc khối.
Các bộ trưởng đang nghiên cứu xác định tiêu chí đối với thành viên mới, nhưng chưa có ứng cử viên cụ thể nào được ưu tiên. Khái niệm “những người bạn của BRICS”, bao gồm các quốc gia như Iran, Saudi Arabia và Ai Cập, cũng được xem xét như một phương thức để mở rộng ảnh hưởng của khối mà không làm phức tạp quá trình ra quyết định.
Về vấn đề dân chủ và nhân quyền, các bộ trưởng nhắc lại cam kết của khối đối với nội dung này; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề dân chủ và nhân quyền theo cách không chọn lọc, không chính trị hóa; đồng thời, tiếp tục kêu gọi tôn trọng dân chủ và nhân quyền ở cả cấp quốc gia và toàn cầu.
Nâng cao vai trò của BRICS
Các bộ trưởng nhấn mạnh sự cần thiết phải cải cách toàn diện Liên hợp quốc, nhất là Hội đồng Bảo an, để tổ chức này mang tính đại diện đa dạng hơn; ủng hộ việc các nước đang phát triển từ khu vực châu Phi, châu Á và Mỹ Latin cần có tiếng nói lớn hơn trong các tổ chức quốc tế để giải quyết những thách thức toàn cầu một cách hiệu quả hơn.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, các quốc gia thành viên của BRICS cần đảm nhận trách nhiệm lớn hơn và thể hiện mình là một tổ chức hòa nhập với thế giới; đồng thời cho rằng, việc BRICS mở rộng sẽ xây dựng khối trở thành “một cơ chế hợp tác đa phương mới” được thúc đẩy bởi các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển.
Trong bối cảnh chính trị và kinh tế thế giới hiện nay, các quốc gia BRICS cùng các nước đang phát triển khác đang ngày càng khẳng định sức ảnh hưởng của mình trên toàn cầu. Sức mạnh kinh tế ngày càng lớn của BRICS đã và đang gia tăng sức ảnh hưởng về chính trị của BRICS, cho phép BRICS thách thức vị thế của các cường quốc phương Tây truyền thống và ủng hộ một thế giới đa cực hơn.
Từng bị gạt ra ngoài lề trong các cơ chế ra quyết định quốc tế, các quốc gia BRICS đang tận dụng tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, lợi thế về dân số đông và vai trò địa - chính trị để ủng hộ một trật tự toàn cầu cân bằng hơn. Sự thay đổi này không chỉ đơn thuần tìm kiếm tính đại diện cao hơn, mà còn để xác định lại những chuẩn mực và cấu trúc chi phối quan hệ quốc tế.
Thực tế, BRICS đang phát huy vai trò trên cả lĩnh vực hợp tác kinh tế và hợp tác chính trị. Về hợp tác và phát triển kinh tế, các quốc gia BRICS đã thành lập các cơ chế, như NDB, Thỏa thuận Dự trữ Dự phòng (CRA), nhằm cung cấp hỗ trợ tài chính và thúc đẩy các dự án phát triển bền vững ở các quốc gia thành viên và hơn thế nữa.
Về hợp tác thương mại - đầu tư, thương mại nội khối BRICS tăng trưởng ổn định, thúc đẩy sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế nhiều hơn giữa các nước thành viên. Các sáng kiến như Hội đồng Doanh nghiệp BRICS tạo điều kiện thuận lợi cho đối thoại và hợp tác giữa các khu vực tư nhân, thúc đẩy đầu tư vào kết cấu hạ tầng, công nghệ và đổi mới.
Về hợp tác chính trị - an ninh, BRICS cũng là nền tảng cho đối thoại chính trị và hợp tác về các vấn đề an ninh toàn cầu. Các hội nghị cấp cao và cuộc họp cấp bộ trưởng thường kỳ góp phần cung cấp một diễn đàn để thảo luận và phối hợp ứng phó với các cuộc khủng hoảng quốc tế, khủng bố và các mối đe dọa an ninh mạng.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của BRICS hiện nay tính theo sức mua tương đương (PPP) đạt 59.000 tỷ USD, chiếm khoảng 1/3 GDP toàn cầu, vượt G-7. Các quốc gia BRICS chiếm 36% diện tích đất đai và 45% dân số của thế giới. Việt Nam là một trong 15 nước ngoài BRICS tham dự phiên Đối thoại BRICS với các nước đang phát triển vào ngày 11-6-2024 |
Tuy nhiên, BRICS đang phải đối mặt với một số thách thức. Một là, BRICS bao gồm 10 quốc gia thành viên có sự khác biệt lớn về thể chế chính trị và trình độ phát triển. Nếu so với Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-7), bao gồm các nền kinh tế thuộc nhóm phát triển nhất thế giới với mô hình chính trị dân chủ phương Tây, BRICS bao gồm các nền kinh tế mới nổi với thể chế chính trị khác biệt.
Hai là, giữa Trung Quốc và Ấn Độ - 2 thành viên sáng lập và quan trọng của BRICS - còn tồn tại không ít mâu thuẫn liên quan tới vấn đề tranh chấp lãnh thổ và địa - chính trị. Ba là, Trung Quốc và Nga có quan điểm khác các nước, như Brazil, Ấn Độ và Nam Phi, về sự mở rộng và phát triển của BRICS.
Trong khi Trung Quốc và Nga chủ trương thúc đẩy mở rộng tổ chức, các nước Brazil, Ấn Độ và Nam Phi quan tâm hơn đến phối hợp hành động giữa các thành viên để nâng cao vị thế, vai trò của nhóm và các nền kinh tế mới nổi trong các tổ chức quốc tế.
Sự nổi lên của BRICS và các nước đang phát triển khác trong nền chính trị toàn cầu là minh chứng cho sự thay đổi cán cân quyền lực trong hệ thống quốc tế. Khi các quốc gia thành viên tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế và khẳng định ảnh hưởng chính trị trên trường quốc tế, BRICS sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành một trật tự thế giới đa cực và công bằng hơn.
Thông qua hợp tác, liên minh chiến lược và kiên trì vận động cải cách, BRICS và các nước đang phát triển có thể bảo đảm tiếng nói và lợi ích của khối được thể hiện mạnh mẽ trên toàn cầu. Sau Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao BRICS, dự kiến Hội nghị thượng đỉnh BRICS sẽ diễn ra tại thành phố Kazan (Nga) vào tháng 10-2024.
Đây được xem là dấu mốc quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược của khối, xác định những ưu tiên của BRICS trong những năm tới./.