18/10/2024 | 07:30 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh 2024: Thúc đẩy hòa bình vì tương lai chung của nhân loại

Hà An
Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh 2024: Thúc đẩy hòa bình vì tương lai chung của nhân loại Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 11 tại Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), ngày 13-9-2024_Ảnh: TTXVN
Từ ngày 12 đến 14-9-2024, tại Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) diễn ra Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 11, với sự tham gia của đông đảo lãnh đạo Bộ Quốc phòng, quân đội, chuyên gia, học giả đến từ nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế. Đây không chỉ là sự kiện ngoại giao quốc phòng thường niên lớn nhất của Trung Quốc, mà còn là một trong những diễn đàn an ninh được đánh giá đóng vai trò quan trọng đối với khu vực và thế giới.

Chung tay hợp tác trên tinh thần bình đẳng, cởi mở

Gửi thư chúc mừng tới lễ khai mạc diễn đàn, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ, trước những thay đổi lớn chưa từng thấy của thế giới, Trung Quốc đã thực hiện Sáng kiến An ninh toàn cầu (GSI), không ngừng xây dựng sự đồng thuận giữa các bên, thúc đẩy việc xóa bỏ căng thẳng và cải thiện quản trị an ninh toàn cầu; nhấn mạnh diễn đàn sẽ là nơi để các nước nêu cao tinh thần bình đẳng, cởi mở, toàn diện và học hỏi lẫn nhau, đóng góp tích cực vào việc ứng phó với các thách thức an ninh toàn cầu. Lĩnh hội tinh thần đó, trong các bài phát biểu, lãnh đạo Trung Quốc đều truyền tải thông điệp nhấn mạnh tầm quan trọng của GSI; tăng cường hợp tác giải quyết thách thức an ninh phi truyền thống, nỗ lực tìm kiếm giải pháp chung, đặc biệt trong những lĩnh vực mới nổi, như trí tuệ nhân tạo (AI), quản trị an ninh dữ liệu; thúc đẩy hợp tác với các nước đang phát triển tại khu vực châu Phi, Mỹ Latin...

Diễn đàn Hương Sơn được Hiệp hội Khoa học quân sự Trung Quốc (CAMS) khởi xướng vào năm 2006 như một diễn đàn học giả kênh 2 cho đối thoại về các vấn đề an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Kể từ năm 2015, Diễn đàn Hương Sơn do CAMS và Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế Trung Quốc đồng tổ chức. Năm 2018, Diễn đàn Hương Sơn được đổi tên thành Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh.

Với chủ đề chính “Cùng nhau xây dựng hòa bình, cùng chia sẻ tương lai”, 4 phiên toàn thể theo 4 chủ đề: “Hợp tác an ninh và thịnh vượng, ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương”, “Xu hướng đa cực hóa và trật tự quốc tế”, “Hòa bình và phát triển ở Nam bán cầu và thế giới”, “Cơ chế quốc tế và quản trị an ninh toàn cầu” và 8 phiên thảo luận nhóm xoay quanh các chủ đề, như: “ASEAN và cấu trúc an ninh của châu Á - Thái Bình Dương”, “Duy trì an ninh của Đông Bắc Á”, công nghệ mới nổi, khủng hoảng nhân đạo..., đã thể hiện quyết tâm của Trung Quốc thiết lập một diễn đàn nhằm thúc đẩy việc thực hiện GSI và xây dựng “Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại”, mong muốn cùng các quốc gia chung tay xây dựng một thế giới hòa bình và phát triển. Các chuyên gia đánh giá cao nội hàm của chủ đề diễn đàn lần này khi bàn luận đến những vấn đề nóng của an ninh toàn cầu hiện nay; đánh giá thực tiễn sâu rộng về khái niệm an ninh chung, toàn diện, hợp tác và bền vững, thể hiện việc theo đuổi mẫu số chung lớn nhất về mối quan ngại an ninh toàn cầu, mong muốn của Trung Quốc về việc đưa ra giải pháp đối với vấn đề quản trị an ninh toàn cầu; đồng thời nhận định, diễn đàn sẽ trở thành nơi để các quốc gia xây dựng sự đồng thuận và tăng cường lòng tin lẫn nhau, qua đó đóng góp vào việc giải quyết các thách thức an ninh toàn cầu.

Trong khuôn khổ diễn đàn, các đại biểu còn tập trung trao đổi, chia sẻ về chủ đề “Đa cực hóa và hướng đi của trật tự quốc tế”, “Nam bán cầu và sự phát triển hòa bình của thế giới”... Một số học giả đánh giá, việc đưa ra trao đổi thảo luận về những vấn đề này tại một diễn đàn lớn sẽ tạo thêm cơ hội để các nước đang phát triển có thể bày tỏ quan điểm, qua đó góp phần tăng cường hợp tác Nam - Nam và thúc đẩy tiến bộ chung của toàn nhân loại.

Mở rộng và thúc đẩy quan điểm về an ninh toàn cầu

Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh năm 2024 được đánh giá có quy mô tổ chức lớn và đa dạng, thu hút sự tham gia của trên 500 đại biểu đến từ 100 nước và tổ chức quốc tế cùng hơn 200 chuyên gia, học giả Trung Quốc và nước ngoài, trong đó có đến 34 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Tư lệnh quân đội, đại diện của các tổ chức quốc tế và khu vực, như Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, Hội nghị về các biện pháp tương tác và xây dựng lòng tin ở châu Á, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Liên minh châu Âu (EU)... Điều này cho thấy tầm ảnh hưởng quốc tế của Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh đã không ngừng gia tăng, dần trở thành cơ chế đối thoại an ninh và quốc phòng cao cấp ở phạm vi toàn cầu. Nhiều học giả đánh giá, Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh sẽ trở thành một nền tảng hợp tác quan trọng, nơi Trung Quốc chia sẻ và đưa ra những đề xuất về an ninh quốc tế, góp phần thúc đẩy GSI.

Những chủ đề trong các phiên họp được đánh giá có chiều sâu và tính thực tiễn cao; thể hiện mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế đối với những thách thức an ninh, phản ánh kỳ vọng của người dân các nước về việc tăng cường đoàn kết và hợp tác; nhấn mạnh vấn đề an ninh toàn cầu, khuyến khích các bên liên quan trao đổi sâu rộng, tham vấn bình đẳng và đưa ra giải pháp an ninh mới dựa trên đối thoại thay vì đối đầu, hợp tác thay vì liên minh, cùng có lợi thay vì lối tư duy “tổng bằng 0” (zero sum). Việc trao đổi, thảo luận trực tiếp những vấn đề về an ninh góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau, xây dựng niềm tin chiến lược giữa các nước, các đối tác, cũng như thúc đẩy hợp tác an ninh chung.

Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam do Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu tham dự Diễn đàn nhằm triển khai nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao 2 nước, nhất là Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược (tháng 12-2023); thể hiện sự ủng hộ và tích cực tham gia các hoạt động đa phương quốc tế do Bộ Quốc phòng Trung Quốc tổ chức, góp phần tăng cường hợp tác quốc phòng song phương, đóng góp cho quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc; đồng thời, tiếp tục khẳng định vai trò tích cực, trách nhiệm của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế và khu vực.

Ngoài ra, Trung Quốc đã triển khai nhiều hình thức tổ chức sáng tạo và đa dạng hơn trong khuôn khổ diễn đàn so với các năm trước. Đơn cử như, thực hiện phỏng vấn cấp cao và đối thoại với những nhân vật nổi tiếng trong và ngoài nước với sự tham gia của các chuyên gia và học giả hàng đầu; tổ chức các hoạt động trao đổi học thuật, đối thoại giữa giới nghiên cứu trẻ, sĩ quan trẻ và học giả quân sự trẻ của Trung Quốc với nước ngoài; triển lãm đổi mới khoa học - công nghệ và quốc phòng. Đây là những hoạt động đóng góp vào việc tăng cường và mở rộng các chủ đề thảo luận, thúc đẩy sự trao đổi học thuật giữa Trung Quốc với các nước.

Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự diễn đàn cũng đề xuất các định hướng để thúc đẩy GSI và xây dựng “cộng đồng chia sẻ tương lai vì nhân loại”. Điều này thể hiện sự cam kết thúc đẩy phát triển và an ninh thông qua hợp tác, nhằm duy trì hòa bình và an ninh toàn cầu. Các chuyên gia nhận định, mặc dù Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh đang trở thành nơi để Trung Quốc “mở rộng tầm ảnh hưởng” đối với khu vực Nam bán cầu cũng như thúc đẩy GSI, góp phần hiện thực hóa khái niệm an ninh toàn cầu, toàn diện, hợp tác và bền vững, song vẫn tiếp tục là diễn đàn đối thoại cho các quốc gia đang phát triển cũng như các nước vừa và nhỏ.

Dự kiến trong tương lai, diễn đàn sẽ hướng đến mở rộng sự tham gia của các nước phát triển, như Mỹ, châu Âu và các quốc gia mới nổi, qua đó góp phần thúc đẩy hợp tác Nam - Nam và Bắc - Nam nói riêng, xây dựng một môi trường hòa bình, hợp tác và cùng phát triển nói chung. Song cũng có học giả cho rằng, mặc dù Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh đang dần mở rộng quy mô lớn và sự tham gia đa dạng, nhưng khó có thể đem đến những tiến triển đáng kể trong ngăn ngừa xung đột hoặc đề xuất những biện pháp làm dịu căng thẳng khu vực.

Tham dự Diễn đàn, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang nhấn mạnh, châu Á - Thái Bình Dương đã thực sự trở thành một trung tâm phát triển của thế giới, ngày càng thu hút sự quan tâm của các nước ngoài khu vực, nhưng vẫn còn những điểm nóng phức tạp, có thể dẫn đến nguy cơ xung đột. Vì vậy, để hiện thực hóa nguyện vọng về một châu Á - Thái Bình Dương ngày càng phát triển phồn vinh và ổn định, các nước cần có sự thấu hiểu, tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, hợp tác cùng phát triển giữa các nước, trong đó hợp tác an ninh đóng vai trò quan trọng./.

11 October 2024
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 3 4 5 Sau