Chuyến thăm thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc
Lê Xuân Thuận
Tăng cường quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã thăm, làm việc tại tỉnh Quảng Đông và Thủ đô Bắc Kinh. Trong đó, có các cuộc gặp, hội đàm, hội kiến với các lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước Trung Quốc, bao gồm: 1- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình; 2- Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường; 3- Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế; 4- Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc Vương Hộ Ninh. Tại tỉnh Quảng Đông, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có cuộc hội kiến với Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông Hoàng Khôn Minh.
Tại các buổi làm việc, hai bên tập trung trao đổi về quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh, kinh tế, thương mại tới kết cấu hạ tầng, nông nghiệp, công nghệ, phòng chống, giảm thiểu tác hại thiên tai.
Bên cạnh các cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng tham gia một số hoạt động đáng chú ý khác như: 1- Thăm Khu di tích trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông - địa danh gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc sáng lập; 2- Thăm và làm việc tại Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc; 3- Tham quan Công ty MEGVII - một trong những doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).
Kết thúc chuyến thăm, hai bên đã ký kết 16 văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực, như lý luận chính trị, giao thông, công nghiệp, tài chính, kiểm nghiệm kiểm dịch hải quan, y tế, báo chí - truyền thông, địa phương và dân sinh. Hai bên đưa ra Tuyên bố chung về việc tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc.
Thành công tốt đẹp trên nhiều phương diện
Nhiều chuyên gia, học giả trong nước, khu vực và quốc tế đều nhất trí đánh giá, chuyến thăm đã mang lại thành công tốt đẹp trên mọi phương diện, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy quan hệ 2 nước, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới, thể hiện rõ nét qua 3 điểm:
Thứ nhất, lòng tin chiến lược giữa 2 đảng, 2 nước, nhất là giữa các đồng chí lãnh đạo cấp cao 2 nước được tăng cường, đóng vai trò quan trọng trong quá trình định hướng chiến lược phát triển quan hệ song phương. Hai bên đã đạt được nhận thức chung quan trọng về việc tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, đi sâu xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc. Mối quan hệ “đồng chí, anh em” giữa 2 đảng, 2 nước Việt Nam - Trung Quốc được củng cố và tăng cường.
Tại các buổi làm việc, phía Việt Nam bày tỏ sự ghi nhận những thành tựu to lớn, quan trọng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc đã đạt được dưới sự lãnh đạo “hạt nhân” của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình trong 10 năm “thời đại mới”, nhất là từ sau Đại hội XX đến nay.
Nổi bật là thực hiện thành công đúng thời hạn mục tiêu “100 năm thứ nhất” về xây dựng toàn diện xã hội khá giả, hướng tới thực hiện thắng lợi mục tiêu phấn đấu 100 năm lần thứ hai. Trong khi đó, phía Trung Quốc đánh giá, ảnh hưởng quốc tế của Việt Nam hiện đã đạt tới tầm cao chưa từng có và tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu và nhiệm vụ lớn mà Đại hội XIII của Đảng đề ra, chuẩn bị tốt và tổ chức thành công Đại hội XIV của Đảng vào năm 2026, xây dựng Việt Nam trở thành nước phát triển thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.
Năm 2025 có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ song phương, là dịp 2 nước kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1950 - 2025), vì vậy, hai bên đều nhất trí lấy năm 2025 là “Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc”.
Thứ hai, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và hợp tác trong các lĩnh vực mới như AI, phát triển xanh, phát triển bền vững tiếp tục được thúc đẩy. Hợp tác về kết nối giao thông là lĩnh vực hợp tác mang lại kết quả nổi bật trong chuyến thăm.
Tại các cuộc làm việc, hai bên nhất trí: 1- Khuyến khích và ủng hộ các doanh nghiệp có thực lực, uy tín và công nghệ tiên tiến sang đầu tư tại nước kia, trọng điểm là tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, kết cấu hạ tầng, năng lượng sạch, kinh tế số, phát triển xanh; 2- Tăng cường thúc đẩy “kết nối cứng” giữa 2 nước về đường sắt, đường bộ cao tốc, kết cấu hạ tầng cửa khẩu và nghiên cứu triển khai xây dựng thí điểm khu hợp tác kinh tế qua biên giới, cùng xây dựng chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng an toàn, ổn định.
Trung Quốc đồng ý cung cấp hỗ trợ để Việt Nam lập quy hoạch và xây dựng báo cáo nghiên cứu về tính khả thi của một số tuyến đường sắt tiêu chuẩn nhằm tăng cường kết nối 2 nước.
Thứ ba, tăng cường hợp tác chia sẻ về các vấn đề của khu vực và thế giới. Hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ các sáng kiến lớn, như Cộng đồng chia sẻ tương lai nhân loại, Sáng kiến Phát triển toàn cầu (GDI), Sáng kiến An ninh toàn cầu (GSI)và Sáng kiến Văn minh toàn cầu (GCI), vì sự nghiệp hòa bình, chính nghĩa và tiến bộ của nhân dân thế giới.
Hai bên cũng trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về các vấn đề trên biển và nhấn mạnh, cần kiểm soát tốt hơn và tích cực giải quyết bất đồng trên biển trên cơ sở tuân thủ nhận thức chung cấp cao, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Triển vọng quan hệ Việt Nam - Trung Quốc
Thời gian tới, trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục có nhiều diễn biến mới, phức tạp, để phát huy cao nhất tiềm năng hợp tác, bên cạnh việc kế thừa đường lối đối ngoại thời gian qua, tiếp tục chú trọng đẩy mạnh, làm sâu sắc mối quan hệ hữu nghị truyền thống, Việt Nam và Trung Quốc sẽ có những bổ sung phù hợp với bối cảnh mới của thời đại.
Theo đó, về chủ trương, phương châm, hai bên sẽ tiếp tục: 1- Coi nhau là ưu tiên hàng đầu và là lựa chọn chiến lược trong chính sách đối ngoại; 2- Tuân theo phương châm “16 chữ” và tinh thần “4 tốt”, kiên trì thực hiện phương hướng “6 hơn” trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, bao gồm tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn, hợp tác thực chất sâu sắc hơn, nền tảng xã hội vững chắc hơn, phối hợp đa phương chặt chẽ hơn, kiểm soát và giải quyết bất đồng tốt hơn; 3- Đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc đạt được nhiều thành quả thực chất hơn nữa, góp phần củng cố cục diện đối ngoại thuận lợi, tạo môi trường hòa bình, ổn định, mang lại nhiều điều kiện thuận lợi hơn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế, uy tín của 2 đảng, 2 nước. Cụ thể là:
Một là, tiếp tục làm sâu sắc quan hệ, tăng cường mức độ tin cậy chính trị thông qua tổ chức, triển khai các hoạt động trao đổi đoàn, tiếp xúc trên tất cả các kênh với vai trò điều phối tổng thể của các cơ chế giao lưu, hợp tác giữa 2 đảng trong quan hệ song phương.
Các cơ quan Trung ương và địa phương 2 nước sẽ tiếp tục coi trọng ưu tiên triển khai hợp tác song phương, đưa các cam kết đi vào thực tiễn cuộc sống, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân 2 nước.
Hai là, tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, văn hóa, lao động, giáo dục trên cơ sở thế mạnh và đặc thù của từng lĩnh vực để củng cố vững chắc hơn nữa nền tảng quan hệ 2 nước.
Hai bên sẽ tiếp tục dành cho nhau những ưu đãi về tiếp cận thị trường, hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư, kinh doanh cũng như tăng cường hợp tác trong các cơ chế như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA).
Ba là, tăng cường điều phối, phối hợp trong các cơ chế đa phương như Liên hợp quốc, Tổ chức Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), ủng hộ nhau ứng cử vào các tổ chức quốc tế; nhất trí cần duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, tích cực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên cùng chấp nhận được phù hợp với “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”, luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Có thể nói, chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã thành công tốt đẹp trên mọi phương diện, thể hiện rõ tinh thần “Việt Nam luôn coi Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại”, nỗ lực phát huy truyền thống hữu nghị tốt đẹp mà các thế hệ lãnh đạo của 2 đảng và 2 nước dày công vun đắp.
Chuyến thăm còn góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc, đóng góp cho hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới./.