Chống biến đổi khí hậu: Chung tay ứng phó vì mục tiêu của cộng đồng quốc tế
Thanh HằngViệt Nam là quốc gia đang phát triển có mức thu nhập trung bình và là quốc gia có lượng phát thải thấp, nhưng đang nỗ lực để ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần quan trọng vào cuộc chiến toàn cầu bằng nhiều cam kết và hành động cụ thể.
Những nỗ lực và thành tựu của thế giới trong chống biến đổi khí hậu
Dù không phải tất cả các hiện tượng thời tiết cực đoan đều có thể được quy do biến đổi khí hậu, nhưng theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu rõ ràng đang làm gia tăng tần suất và mức độ của các hiện tượng này.
Nhiều nhà khoa học cảnh báo, thế giới có thể sẽ phải đối mặt với những tác động tồi tệ hơn trong tương lai nếu biến đổi khí hậu không được ngăn chặn, những hiện tượng như bão, sóng nhiệt, hạn hán và lũ lụt sẽ ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn, tần suất gia tăng và phạm vi ảnh hưởng rộng hơn.
Những vùng đất trũng ven biển có thể bị nhấn chìm, nhiều quốc gia nghèo sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư khí hậu và cuộc sống của hàng triệu người sẽ vĩnh viễn bị thay đổi.
Trong những thập niên gần đây, cộng đồng quốc tế đã có nhiều nỗ lực trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Một trong những tiến triển tích cực là nhận thức ngày càng tăng của cá nhân, cộng đồng về những tác động và hậu quả nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, từ đó đã có nhiều sáng kiến ở cấp độ khác nhau cùng nhiều giải pháp về phát triển bền vững được đưa ra.
Nhiều quốc gia phát triển đã tập trung, chú trọng thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, dành các khoản đầu tư lớn vào năng lượng gió, năng lượng Mặt trời. Các mô hình kinh tế tuần hoàn, tập trung vào việc tái sử dụng tài nguyên và giảm thiểu chất thải ngày càng được nhiều quốc gia ưa chuộng.
Bên cạnh nỗ lực của các quốc gia, hợp tác quốc tế cũng trở thành yếu tố then chốt để chia sẻ kiến thức, công nghệ và tài nguyên nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Ngoài các hiệp định toàn cầu, nhiều thỏa thuận khu vực và song phương đã được thiết lập. Ở cấp khu vực, Thỏa thuận Xanh của Liên minh châu Âu (EU Green Deal) đặt ra mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng đã thông qua Thỏa thuận về Kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới (ATHP).
Các thỏa thuận song phương, như Hiệp định Đối tác Khí hậu và Năng lượng giữa Mỹ và Trung Quốc, Thỏa thuận EU - Trung Quốc về biến đổi khí hậu và năng lượng sạch đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác về công nghệ sạch và giảm thiểu khí thải.
Ở cấp độ toàn cầu, Hội nghị các bên (COP) là cơ quan ra quyết định cao nhất của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC). Các hội nghị thượng đỉnh thường niên COP trong những năm gần đây tiếp tục là diễn đàn quan trọng, thúc đẩy các hành động chung toàn cầu, tạo ra cơ hội hợp tác, đóng vai trò hình thành và định hướng chính sách toàn cầu về khí hậu, giúp các quốc gia xây dựng một khuôn khổ chung nhằm giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Hiệp định Paris (được ký kết năm 2015) đánh dấu bước ngoặt quan trọng khi 196 quốc gia cam kết giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là thỏa thuận chống biến đổi khí hậu đầu tiên có tính ràng buộc và phổ quát, được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-21).
Tháng 11-2022, COP-27 đã chứng kiến việc thành lập Quỹ Tổn thất và Thiệt hại. Đây là một trong những tiến bộ lớn nhất trong các cuộc đàm phán về khí hậu, đặc biệt là đối với các quốc gia nghèo và đang phát triển.
Đến COP-29 (tháng 11-2024), mặc dù thỏa thuận tài chính đạt được (cam kết cung cấp 300 tỷ USD hằng năm cho các quốc gia đang phát triển nhằm hỗ trợ giảm lượng phát thải và thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu) nhưng không thể hoàn toàn giải quyết các yêu cầu tài chính mà các quốc gia đang phát triển đưa ra.
Tuy nhiên, việc thông qua thỏa thuận này được coi là một bước tiến quan trọng, củng cố các cam kết toàn cầu về biến đổi khí hậu, mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới và tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động khẩn cấp.
Thách thức lớn nhất hiện nay là vấn đề chia sẻ đóng góp về tài chính khí hậu, giảm mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch,... vẫn gây nhiều tranh cãi giữa các bên, dẫn đến các cuộc đàm phán về khí hậu gặp nhiều cản trở do mâu thuẫn lợi ích giữa các nước.
Việt Nam chung tay với các nỗ lực quốc tế ứng phó chống biến đổi khí hậu
Nhiều tổ chức quốc tế có chung nhận định, trên thực tế Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu. Trong 10 năm tới, nếu như Việt Nam không có các giải pháp thích ứng hiệu quả, khi nhiệt độ của Trái đất tăng 1 độ C đến 1,5 độ C có thể gây tổn thất khoảng 1,8% GDP đến 4,5% GDP; thiệt hại về kinh tế lên đến khoảng 4,3 tỷ USD.
Trong những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, tính chất cực đoan của các hình thái thiên tai ngày càng phổ biến, Việt Nam thường xuyên phải chống chịu với nhiều loại thiên tai, nhất là bão, lũ, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn, với những diễn biến hết sức bất thường. Suốt hơn 30 năm qua, trung bình mỗi năm, thiên tai gây thiệt hại về kinh tế khoảng 1% - 1,5% GDP.
Trước thực tế khắc nghiệt và cấp bách này, Việt Nam nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện các giải pháp kìm hãm tốc độ nóng lên của Trái đất và có những đóng góp thiết thực, hiệu quả cho mục tiêu này.
Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt và các nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh. Chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Việt Nam là quyết tâm ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và thân thiện với môi trường.
Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) khẳng định: “thích ứng với biến đổi khí hậu là yêu cầu cấp thiết, đồng thời là những thách thức rất lớn đối với nước ta trong thời gian tới”, biến đổi khí hậu đã thực sự trở thành thách thức lớn nhất đối với nhân loại.
Từ đó, Đảng xác định ứng phó với biến đổi khí hậu là 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm để đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới.
Trong những năm qua, Việt Nam đã sớm tham gia các cơ chế, thỏa thuận liên quan, như UNFCCC, Nghị định thư Kyoto, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch,... liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu.
Điển hình như tại COP-21, Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ góp phần cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời tuyên bố đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu Xanh giai đoạn 2016 - 2020.
Tại Hội nghị COP-26 (năm 2021), Việt Nam bày tỏ sự đồng hành mạnh mẽ cùng 150 quốc gia trên thế giới cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Việt Nam cũng đã cùng với hơn 100 quốc gia tham gia Tuyên bố Glassgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh hành động 2 thích ứng an toàn.
Chính phủ Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP-26, ban hành Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050...
Việt Nam tích cực thực hiện các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, định hướng phát triển nền kinh tế theo hướng carbon thấp, tăng trưởng xanh và tăng cường thực hiện các biện pháp giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, giao thông vận tải, nông nghiệp, chất thải cũng như tăng cường khả năng hấp thụ carbon trong lĩnh vực sử dụng đất...
Nhiều đối tác quốc tế đánh giá Việt Nam đã rất chủ động trong triển khai các biện pháp và kế hoạch để biến cam kết thành hành động, thể hiện là một quốc gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong việc thực hiện các cam kết quốc tế.
Tuy nhiên, nguồn lực tài chính còn hạn chế, khó khăn về kết cấu hạ tầng và kỹ thuật, công nghệ còn lạc hậu cho mục tiêu chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, hạn chế về năng lực kỹ thuật và nhân lực chuyên môn trong quản lý môi trường và ứng dụng công nghệ xanh, cùng việc phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong triển khai các chính sách về môi trường còn chưa đạt hiệu quả như mong muốn... cũng là những khó khăn mà Việt Nam còn phải đối mặt trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
Tại Hội nghị COP-29 năm 2024, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã khẳng định, hành động vì khí hậu không phải là tùy chọn, mà là bắt buộc, bởi “thời gian đang đếm ngược”. Với mức độ ngày càng nghiêm trọng của vấn đề và sự cấp thiết phải hành động, chống biến đổi khí hậu thực sự là trách nhiệm của mỗi cá nhân, cộng đồng và mỗi quốc gia./.