AMM-57 cùng các hội nghị liên quan: Dấu ấn về một ASEAN kết nối và tự cường
Phan Vũ Tuấn Anh* - Vương Đoàn Đức*** TS, Học viện Ngoại giao - ** Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Đẩy mạnh “kết nối” và “tự cường”
Với chủ đề “ASEAN: Thúc đẩy kết nối và tự cường”, AMM-57 tập trung vào 9 hạng mục ưu tiên chính, trong đó đề cập đến 4 vấn đề liên quan tới tăng cường kết nối ASEAN (hội nhập và kết nối kinh tế, xây dựng tương lai bền vững toàn diện, chuyển đổi kỹ thuật số, văn hóa - nghệ thuật); 5 vấn đề liên quan đến thúc đẩy tự cường ASEAN (chuẩn bị cho Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến năm 2045, duy trì vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực môi trường, phụ nữ - trẻ em và y tế).
Trưởng đoàn các nước ASEAN đề cao ý nghĩa của chủ đề AMM-57; đồng thuận ủng hộ ASEAN tăng cường kết nối và tự cường, triển khai các trọng tâm và ưu tiên của ASEAN trong năm 2024, nhất là việc tăng cường kết nối và liên kết các nền kinh tế, nâng cao tự cường của khu vực, ứng phó với các thách thức hiện tại và tương lai.
Đối với các đối tác được gắn kết, ASEAN nỗ lực mở rộng hợp tác trong lĩnh vực kinh tế số, chuyển đổi xanh, tự cường chuỗi cung ứng, tăng cường kết nối khu vực về hạ tầng, thể chế và con người; đồng thời, thông qua nhiều văn kiện, sáng kiến, như Tuyên bố Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Anh về tăng cường kết nối; Quỹ Tương lai số ASEAN - Ấn Độ; Sáng kiến xanh và Gói kết nối bền vững ASEAN - Liên minh châu Âu (EU).
Đối với các hội nghị liên quan, như tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN - Hoa Kỳ, hai bên hoan nghênh những tiến triển tích cực trong quan hệ hợp tác thời gian qua, nhất là tiến độ triển khai Kế hoạch hành động giai đoạn 2021 - 2025 đạt tỷ lệ 98,4%. Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken khẳng định, Hoa Kỳ coi trọng quan hệ với ASEAN, xem đây là trọng tâm trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) của Hoa Kỳ, đồng thời cam kết ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và quan điểm của ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Hiện nay, Hoa Kỳ tiếp tục là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất và là đối tác thương mại lớn thứ 2 của ASEAN. Hai bên nhất trí đẩy mạnh phối hợp ứng phó thách thức chung, thúc đẩy hợp tác vì an ninh, thịnh vượng, tự cường và kết nối, tập trung ưu tiên tăng cường thương mại, đầu tư, năng lượng, an ninh mạng, y tế, môi trường và khí hậu, hợp tác khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, quản trị trí tuệ nhân tạo.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), các bên đánh giá cao tỷ lệ triển khai Kế hoạch công tác hợp tác ASEAN+3 giai đoạn 2023 - 2027 (đạt được gần 50% chỉ sau 18 tháng); nhất trí tiếp tục làm sâu sắc các lĩnh vực hợp tác hiện có, nhất là thương mại - đầu tư - tài chính; phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia và các thách thức an ninh phi truyền thống; củng cố các cơ chế ổn định tài chính khu vực, mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực mới, như đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, xe điện, năng lượng, tăng trưởng xanh.
Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, Trưởng cuộc họp các quan chức cấp cao (SOM) ASEAN của Việt Nam dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự các hội nghị. Về đóng góp của đoàn đại biểu Việt Nam tại các hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cho biết, như các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam nhiều lần khẳng định, Việt Nam ủng hộ và hỗ trợ Lào đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch ASEAN năm 2024. Trên tinh thần đó, đoàn đại biểu Việt Nam tham gia các hội nghị lần này với tâm thế chủ động, tích cực, trách nhiệm, cùng đóng góp vào công việc chung |
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao cấp cao Đông Á (EAS), các bên khẳng định tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò là diễn đàn của các lãnh đạo về những vấn đề chiến lược ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh, thịnh vượng và triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động EAS giai đoạn 2024 - 2028, tập trung vào những lĩnh vực giàu tiềm năng mà ASEAN quan tâm và đối tác EAS có thế mạnh.
Tại khuôn khổ Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), các nước tiếp tục khẳng định ARF là diễn đàn hàng đầu ở khu vực trao đổi và đối thoại về vấn đề chính trị, an ninh, nhất trí cần duy trì đối thoại thiện chí, thúc đẩy xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, nâng cao hiệu quả hoạt động của ARF nhằm ứng phó hiệu quả, kịp thời các thách thức đang nổi lên, bao gồm cả thách thức an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống.
Đáng chú ý, tại các hội nghị, các nước đều trao đổi, chia sẻ quan điểm và lập trường về những vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông, hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, cuộc xung đột Nga - Ukraina; trao đổi hợp tác về an ninh năng lượng, năng lượng tái tạo.
Các nước chia sẻ quan ngại về những vụ, việc gần đây trên Biển Đông ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh, ổn định của khu vực; khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN trong vấn đề Biển Đông, nhấn mạnh thượng tôn luật pháp quốc tế, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như nỗ lực xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông(COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Bên cạnh đó, tính kết nối giữa các nước ASEAN còn được thể hiện thông qua việc thảo luận về vấn đề Đông Timor gia nhập ASEAN; đặc biệt là, ngay trong hoạt động đầu tiên của AMM-57, các nước đã dành một phút mặc niệm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và ra Tuyên bố chia buồn của các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN (ngày 24-7-2024). Đây là một trong những minh chứng sâu sắc và giàu ý nghĩa của các nước đối với lãnh đạo cấp cao của Việt Nam.
Củng cố đoàn kết, thống nhất và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN
Bộ trưởng Ngoại giao và quan chức chính phủ các nước ASEAN đều đánh giá cao thành công của AMM-57 và các hội nghị liên quan được tổ chức tại Lào; trao đổi phương hướng làm sâu sắc hơn quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực truyền thống, mở rộng hợp tác trong những lĩnh vực tiềm năng mới và cho rằng các hội nghị lần này sẽ đặt nền tảng cho Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 44, 45 và các hội nghị liên quan được tổ chức vào tháng 10-2024.
Các hoạt động trong hội nghị phản ánh rõ nét tính kết nối và tự cường của ASEAN, trong đó các nước bày tỏ đoàn kết và tin cậy là điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công của ASEAN; tự cường là khả năng và năng lực của ASEAN vượt qua mọi biến động của thời cuộc, để chủ động ứng phó với các thách thức, sẵn sàng đón nhận cơ hội và luôn bản lĩnh trước mọi khó khăn.
Với ý nghĩa quan trọng đó, các nước nhất trí “tự cường” và “kết nối” sẽ được thể hiện xuyên suốt trong các chiến lược hợp tác triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến năm 2045. Ngoài ra, thông qua kết quả đạt được tại các hội nghị lần này cũng cho thấy nỗ lực của ASEAN trong việc thúc đẩy kết nối và vươn tầm rộng lớn hơn, nỗ lực giữ vững vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực và đóng góp của ASEAN ở khu vực cũng như trên thế giới; đề cao các nguyên tắc và chuẩn mực ứng xử của ASEAN.
Việc các nước lớn (Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản...) đến tham gia các hội nghị liên quan tiếp tục cho thấy tầm quan trọng của ASEAN, không chỉ ở khu vực mà đã vươn ra phạm vi thế giới, nhất là ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đây cũng là một minh chứng cho thấy ASEAN đang tiếp tục trở thành “điểm sáng”, phần nào thể hiện được “vai trò trung tâm” thúc đẩy hợp tác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, phát huy vai trò dẫn dắt trong các cơ chế, diễn đàn do ASEAN khởi xướng.
Nhiều học giả cho rằng, điểm này đã giúp ASEAN giữ được sự cân bằng trong cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn để thu hút nguồn lực bên ngoài, duy trì an ninh, hợp tác và phát triển.
Các nước đánh giá những sáng kiến và đóng góp thực chất của Việt Nam tại ASEAN nói chung và AMM-57 cùng các hội nghị liên quan nói riêng; hoan nghênh Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều sáng kiến trong những năm tới. Trong đó, đánh giá cao việc Việt Nam tổ chức Diễn đàn Tương lai ASEAN vào tháng 4-2024 không chỉ góp phần vào nỗ lực tăng cường liên kết khu vực, mà còn đóng góp cho Hội nghị thượng đỉnh Tương lai Liên hợp quốc, dự kiến diễn ra vào tháng 9-2024, gắn kết mối quan tâm chung của khu vực với mối quan tâm chung của toàn cầu.
Qua đó, đóng góp vào đoàn kết nội bộ, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN, mở rộng hợp tác quốc tế của ASEAN, nâng cao vị thế của ASEAN trong khu vực. Có thể thấy, từ khi gia nhập ASEAN vào năm 1995 đến nay, Việt Nam đã trở thành một phần không thiếu của ASEAN; chú trọng phát huy vai trò dẫn dắt trong ASEAN thông qua việc đề xuất, triển khai nhiều sáng kiến, góp phần không nhỏ vào tiến trình hợp tác, liên kết ASEAN và giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN./.
[1] Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Hoa Kỳ, ASEAN+3, Hội nghị cấp cao Đông Á, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF).