Vùng cao giàu tiềm năng phát triển nông nghiệp
Nguyễn Thời
Những lợi thế
Lai Châu nằm ở miền Tây Bắc xa xôi. Địa hình ở đây chủ yếu là những ngọn núi cao, sườn dốc nghiêng, quanh năm mây phủ trắng. Rừng cây, đồi chè, ruộng lúa, nương ngô xanh ngát khắp nơi. Đường giao thông ở đây quanh co, uốn lượn theo địa hình đồi núi nên việc đi lại của người dân cũng vất vả hơn dưới xuôi. Đất rộng, nhiều sông, suối, khí hậu mát mẻ nên vùng đất Lai Châu là nơi sinh sống của 20 dân tộc anh em. Người Thái và Mông đông nhất, sau đó là người Kinh, Dao, Giáy, Khơ Mú, Kháng, Hà Nhì, Lào... Người Thái thường chọn những khu vực ven sông, ven suối, dưới thung lũng làm ruộng bậc thang để trồng lúa và đánh bắt cá. Do ăn ngô nhiều hơn lúa gạo nên người Mông thường trồng nhiều loại cây này. Các dân tộc như Dao, Giáy, Khơ Mú, Kháng,... đều sống ở các vùng sâu, vùng cao, giữa lưng chừng núi nên việc canh tác, sản xuất nông nghiệp gặp không ít khó khăn. Nhiều giống cây trồng, vật nuôi của đồng bào dân tộc có hương thơm, vị ngon đặc biệt nhưng năng suất thấp, chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và có dư đôi chút để dành.
Xét trên nhiều khía cạnh, Lai Châu là vùng đất giàu tiềm năng về sản xuất nông nghiệp. Đứng thứ 10 về diện tích trong các tỉnh, thành phố của cả nước, với trên 9 triệu ki-lô-mét vuông, nhưng dân số ít, chỉ khoảng 460.196 người, sống rải rác ở các khu vực nên quỹ đất cho nông nghiệp ở Lai Châu còn rất nhiều. Đây chính là điều kiện thuận lợi để người dân ở các thôn, bản mở rộng sản xuất, xóa đói, giảm nghèo và nâng cao thu nhập. Đất nông nghiệp đã sử dụng ở đây chỉ mới khoảng trên 64.299,9ha, chiếm 7,09% tổng diện tích đất tự nhiên. Đất đồi núi trọc có thể sử dụng cho sản xuất nông nghiệp của Lai Châu còn rất lớn, khoảng 525.862ha (chiếm đến 58% diện tích tự nhiên). Ở độ cao trên dưới 1.000 mét so với mực nước biển, lượng mưa nhiều, khí hậu mát, nhiệt độ từ 210C - 230C,... là những điều kiện khá lý tưởng để Lai Châu phát triển đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi. Các thôn, bản ở vùng cao rất thích hợp với việc trồng mơ, đào, mận và các loại cây ăn quả ôn đới. Do thổ nhưỡng thích hợp, Lai Châu hiện đứng đầu cả nước về diện tích trồng cây mắc ca và được gọi là “thủ phủ” của loại cây này. Ngoài những đặc sản nổi tiếng như gạo Tẻ Râu, Séng Cù..., Lai Châu còn có nhiều tiềm năng về phát triển chăn nuôi đại gia súc, nuôi trồng thủy sản, với khoảng 5.978ha đất đồng cỏ chăn nuôi và 409ha mặt nước. Trên 82% dân số sống ở nông thôn cũng là một thế mạnh về lực lượng sản xuất nông nghiệp của Lai Châu.
Những mô hình sản xuất giá trị kinh tế cao
Lai Châu có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao. Tam Đường, Than Uyên, Tân Uyên, Sìn Hồ,... là những vùng chuyên canh cây lúa. Trồng chè cũng mang lại nhiều hiệu quả kinh tế cho người dân nơi đây. Không chỉ là cây xóa đói, giảm nghèo, hiện nay, việc đầu tư sản xuất chè ở Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ gia đình. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa, ngô năng suất thấp sang các loại cây có hiệu quả kinh tế cao, như chè, cao su, mắc ca, sa nhân, đương quy, đậu, hoa hồng,... đang được tiến hành ở nhiều thôn, bản.
Xã San Thàng, thành phố Lai Châu được nhiều người biết đến bởi những cánh đồng hoa hồng. Từ trung tâm thành phố, qua bản Chin Chu Chải là những cánh đồng hoa hồng trải dài giữa các thung lũng. Ông Đặng Đức Hiến - chủ của 1 trại hoa bản Chin Chu Chải - cho biết, quê ông ở Mê Linh, Hà Nội, mới lên đây được 1 năm. Ông có 4ha đất trồng hoa hồng Pháp, thuê lại của bà con ở đây với giá 60 triệu/1ha/năm. Số lao động làm việc cho trại hoa của ông Hiến là 20 người. Thời tiết dịu mát nên hoa hồng trồng ở đây cánh đều, dầy, đẹp, sắc thắm, tươi lâu. Thu hoạch được bao nhiêu đều có xe đến chở về Hà Nội. Ông Hiến cho biết: “Cách đây 1 năm, tôi bỏ ra gần 3 tỷ đồng để lên đây thuê đất trồng hoa. Cứ như hiện nay, chỉ khoảng hơn năm nữa là tôi có thể thu lại được vốn”.
Xuất xứ từ châu Đại Dương, cây mắc ca được trồng thử nghiệm trên địa bàn thành phố và các huyện Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ, Nậm Nhùn vào năm 2011. Đến nay, diện tích trồng cây được mở rộng lên tới 1.812,3ha. Trừ đi các chi phí sản xuất, 1ha mắc ca thời kỳ mới thu hoạch mang lại cho các hộ sản xuất 48 triệu đồng. |
Một mô hình sản xuất nông nghiệp khác cho hiệu quả kinh tế cao là trồng rau thủy canh hồi lưu ở trang trại Hà Sơn tại bản Cắng Đắng, xã San Thàng, thành phố Lai Châu. Trang trại Hà Sơn được trang thiết bị hệ thống phun sương làm mát, cắt nắng, thủy canh hồi lưu tự động, với mức đầu tư 10 tỷ đồng. Khu nhà lưới sản xuất có diện tích 4.000m2 trồng các loại rau, như cải Nhật, xà lách, cà chua bi, dưa vàng kim vương hoàng hậu,... Năng suất rau ở đây cao hơn từ 50% - 300% so với cách trồng rau thông thường. Mỗi ngày, cơ sở xuất ra thị trường khoảng 200kg rau quả. Doanh thu 1 năm của cơ sở Hà Sơn đạt khoảng 3 tỷ đồng.
Nhiều mô hình nông nghiệp mới, đạt hiệu quả kinh tế cao đang được triển khai tại nhiều nơi, như nuôi cá lồng ở các huyện Than Uyên, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Tân Uyên, Mường Tè, nuôi cá nước lạnh trồng sa nhân, đương quy ở huyện Tam Đường, trồng dưa hấu phủ nilon ở huyện Tân Uyên, trồng lê Đài Loan, đào Pháp, đào chín sớm Flordaprince, mận Dow Worth, hồng Fuju ở các huyện Sìn Hồ, Tam Đường...
Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa
Những năm qua, sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Lai Châu có nhiều khởi sắc và đạt được những kết quả quan trọng. Mặc dù chỉ chiếm 15,63% trong cơ cấu kinh tế, nhưng nông nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội ở đây. Do truyền thống văn hóa và những tập quán lâu đời nên phần lớn dân số tại các huyện đều sống ở nông thôn, miền núi. Ở khu vực nông thôn, hầu như đời sống người dân đều phụ thuộc vào nông nghiệp. Xuất phát từ lợi thế, tiềm năng và những đặc điểm kinh tế - xã hội mang đậm tính vùng, miền nên phát triển nông nghiệp ở Lai Châu là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Đây không chỉ là công việc có ý nghĩa về việc bảo đảm an ninh lương thực, phát triển kinh tế - xã hội, mà còn là nhiệm vụ chính trị, quốc phòng - an ninh của một tỉnh miền núi biên giới xa xôi.
Trên cơ sở phát triển lợi thế, tiềm năng, những năm vừa qua, ngành nông nghiệp Lai Châu đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung với nhiều sản phẩm, vùng sản xuất có thế mạnh. Tổng diện tích lúa ở đây lên đến 2.358ha, với các giống lúa thơm ngon như: Séng cù, Khẩu ký, Nếp tan Cò Giàng,... Sản phẩm gạo Tẻ Râu ở huyện Phong Thổ đã được công nhận thương hiệu hàng hóa. Đất chuyên canh trồng chè ở đây không ngừng tăng lên, với những vùng chè tên tuổi ở Tam Đường, Tân Uyên..., Lai Châu có 6.183ha chè, trong đó diện tích chè kinh doanh là 3.377ha, sản lượng chè búp tươi đạt 28.000 tấn. Có đến 1.154ha chè được trồng mới. Hiện nay, tỉnh có trên 3.446ha cây cao su đang khai thác. Trồng cây ăn quả cũng là một thế mạnh của Lai Châu. Do đồng bào tích cực, chủ động cải tạo vườn tạp, nhập giống, trồng mới,... nên tổng diện tích cây ăn quả ở đây hiện có 5.924ha. Đây là tiềm năng và điều kiện thuận lợi để các huyện mở rộng, phát triển các vùng chuyên canh cây ăn quả.
Mặc dù có nhiều thế mạnh và đạt được những kết quả quan trọng, nhưng nông nghiệp Lai Châu vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn về vốn đầu tư, công nghệ sản xuất... Để phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, ngành nông nghiệp của tỉnh Lai Châu đang cố gắng tăng nguồn vốn đầu tư vào hoạt động sản xuất. Từ năm 2004 đến nay, Lai Châu thu hút được 23 dự án về lĩnh vực nông nghiệp, với tổng vốn đăng ký 4.061 tỷ đồng. Hiện nay, phát triển sản xuất nông nghiệp, như trồng rau thủy canh hồi lưu, trồng hoa hồng, nuôi cá nước lạnh, chăn nuôi đại gia súc, trồng hoa quả ôn đới,... đều cần đến những khoản đầu tư khá lớn. Vì vậy, việc huy động vốn, khuyến khích, thu hút đầu tư là một trong những yếu tố quan trọng, giữ vai trò quyết định đối với sự phát triển của lĩnh vực nông nghiệp ở Lai Châu. Nếu được đầu tư vốn, giống, công nghệ sản xuất hiện đại, với sự cần cù, chịu khó của người dân nơi đây, vùng đất này sẽ có nhiều trang trại xanh ngát, vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa cho hiệu quả kinh tế cao, đời sống người dân sẽ khấm khá hơn và diện mạo khu vực nông thôn khởi sắc, tươi đẹp./.
(HSSK 407: 25/9/2019)
MỚI NHẤT
Các bài cũ hơn




