12/09/2024 | 09:16 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Phát triển đô thị thông minh Việt Nam trong Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN

Phạm Khánh Toàn
Phát triển đô thị thông minh Việt Nam trong Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN Xa lộ Hà Nội đoạn qua Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh_Ảnh: Trúc Châu
Hiện nay, các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có đến 49% dân số sống trong khu vực đô thị, dự kiến đến năm 2030, có đến 90 triệu người sống tại các thành phố ASEAN. Khu vực ASEAN đang đóng góp giá trị quan trọng cho nền kinh tế thế giới. Trong tương lai, các thành phố nhỏ và vừa với dân số từ 200.000 người đến 2 triệu người sẽ giúp thúc đẩy 40% tăng trưởng của khu vực.

Mật độ dân số các thành phố trong 10 quốc gia thành viên của Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN đang gia tăng nhanh chóng, vượt qua các khu vực khác của châu Á. Với sự tăng trưởng này, khu vực đô thị thuộc Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong quản lý phát triển đô thị, như ùn tắc giao thông đô thị, ô nhiễm môi trường, quản lý rác thải, đói nghèo, an ninh xã hội...

Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN

Nhằm bắt kịp với xu hướng thế giới và học hỏi những thành công từ các nước khác về phát triển đô thị thông minh trên nền tảng áp dụng thành quả công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, năm 2018 tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 32 tại Singapore, sáng kiến về một mạng lưới đô thị thông minh đã được đề xuất nhằm hỗ trợ Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN 2025. Theo đó, “Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN” (ASEAN Smart Cities Network - ASCN) chính thức được thành lập với mục tiêu xây dựng nền tảng hợp tác để các đô thị có thể chia sẻ những mục tiêu chung về phát triển đô thị thông minh và hướng đến phát triển bền vững. Ở giai đoạn đầu, có tổng cộng 26 đô thị thí điểm được chọn từ các quốc gia thành viên để hình thành Mạng lưới thành phố thông minh ASEAN. Trong đó Việt Nam có 3 đô thị tham gia là Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng. Các đô thị thí điểm duy trì các mối quan hệ hợp tác với các đối tác ngoài khối (15 đối tác), được kết nối và hỗ trợ bởi những nhà cung cấp giải pháp đến từ khu vực tư nhân và các tổ chức chính sách, thể chế tài chính đa phương.

Mạng lưới đã phát triển định nghĩa “thông minh” mang tính bao trùm và mở để phù hợp với bối cảnh phát triển, điều kiện xã hội, bản sắc văn hóa, khả năng ứng dụng cũng như năng lực của từng đô thị.


Năm 2019, Hà Nội đã ban hành kế hoạch về ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai một số thành phần cơ bản của thành phố thông minh. Hà Nội xác định hình thành Trung tâm Điều hành thông minh thành phố với 8 trung tâm chức năng, gồm: trung tâm giám sát bảo mật, an toàn thông tin; trung tâm hỗ trợ cán bộ sử dụng công nghệ thông tin của thành phố; trung tâm giám sát, điều hành giao thông và phòng, chống tội phạm nơi công cộng; trung tâm phân tích dữ liệu; trung tâm hỏi đáp ý kiến phục vụ người dân... Ngoài ra, thành phố cũng hình thành và đưa vào khai thác, sử dụng một số thành phần cơ bản của hệ thống giao thông thông minh và du lịch thông minh. Tháng 10-2019, Dự án thành phố thông minh do liên doanh giữa Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đầu tư phát triển với tổng mức đầu tư 4,138 tỷ USD trên diện tích 272ha tại các xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc và Kim Nỗ (huyện Đông Anh) đánh dấu bước đi trong việc triển khai xây dựng đô thị thông minh của Hà Nội.

Khung Mục tiêu (ASCF) của Mạng lưới 2018 được xây dựng và thống nhất, tạo nền tảng nhận thức quan trọng về mục tiêu phát triển đô thị thông minh. Theo đó, 3 đầu ra chiến lược của mạng lưới là: (i) Mức sống cao, (ii) Nền kinh tế cạnh tranh và (iii) Môi trường tự nhiên bền vững. Khung ASCF tập trung vào các lĩnh vực, gồm: sự tham gia của công dân và xã hội, sức khỏe và phúc lợi, an toàn và an ninh, môi trường tự nhiên có chất lượng, kết cấu hạ tầng được xây dựng và công nghiệp và đổi mới. Để thực hiện được 3 mục tiêu đầu ra trên, 2 nền tảng thúc đẩy là ứng dụng và phát triển hạ tầng kỹ thuật số và nguồn lực tài chính cùng các đối tác.

Năm 2019, Mạng lưới ASCN đã thông qua Điều khoản Tham chiếu định hình khung hoạt động chính của Mạng lưới, gồm: thúc đẩy các đối thoại giữa các thành viên; cung cấp các đầu vào chiến lược về sáng kiến đô thị thông minh; đề xuất giải pháp thực hiện; chia sẻ các thực tiễn hiệu quả về thúc đẩy đô thị thông minh; cung cấp mối quan hệ hợp tác với các đối tác để xúc tiến xây dựng đô thị thông minh; thúc đẩy tiêu chuẩn thành phố thông minh phù hợp đặc điểm của từng địa phương. Nhiều hoạt động ý nghĩa đã được tổ chức tại Thái Lan và tại các nước đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam

Kể từ khi tham gia ASCN, Việt Nam triển khai nhiều hành động cụ thể. Ngày 1-8-2018, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 950-QĐ/TTg phê duyệt Đề án “Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030”. Theo đó, Đề án xác định 3 nhóm nội hàm ưu tiên gồm: quy hoạch đô thị thông minh; quản lý đô thị thông minh; tiện ích đô thị thông minh. Trên nền tảng cơ sở dữ liệu liên thông, hiện nay, nhiều đô thị ở Việt Nam, trong đó có Thủ đô Hà Nội, thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh đã có những thành công bước đầu trong việc cung cấp các tiện ích thông minh trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông, xây dựng, môi trường..., từng bước tối ưu hóa quản lý phát triển đô thị, nâng cao chất lượng sống cư dân đô thị và tạo ra cơ hội phát triển con người, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Tháng 1-2018, Đà Nẵng ban hành Kiến trúc tổng thể Thành phố thông minh. Tháng 11-2018, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 6439 về Đề án xây dựng Thành phố thông minh giai đoạn 2018 - 2025. Khung kiến trúc tổng thể thành phố thông minh xác định 6 trụ cột trên cơ sở mô hình khung kiến trúc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông ở 17 lĩnh vực. Ba giai đoạn xây dựng Thành phố thông minh Đà Nẵng, bao gồm: Giai đoạn từ 2018 - 2020, thực hiện sẵn sàng hạ tầng, nền tảng và dữ liệu thông minh; giai đoạn 2021 - 2025, thực hiện thông minh hóa các ứng dụng; giai đoạn 2026 - 2030, thực hiện thông minh hóa các ứng dụng công nghệ thông tin trên cơ sở tổng kết hoạt động giai đoạn 2021 - 2025.

Phát triển đô thị thông minh là xu hướng của thời đại, trong đó công tác quản lý phát triển đô thị hiệu quả, khoa học, toàn diện được thực hiện thông qua việc hoàn thiện năng lực ra quyết định dựa trên nền tảng hệ thống dữ liệu liên thông và tăng cường hợp tác, chia sẻ và phối hợp đa ngành, đa lĩnh vực; phát triển đô thị thông minh đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn và nguồn nhân lực của toàn xã hội, trong đó, sự tham gia của khối tư nhân trong vai trò hỗ trợ nguồn lực, sáng kiến và giải pháp công nghệ là rất quan trọng để đẩy nhanh tiến trình và hiện thực hóa đô thị thông minh, bảo đảm hiệu quả toàn diện.

Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở cho Thành phố Hồ Chí Minh; xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh; thành lập Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội. Thành phố đã ban hành hướng dẫn mô hình triển khai đô thị thông minh cho các sở, ban, ngành quận, huyện làm cơ sở để các đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai. Một số tiện ích được cung cấp cho người dân thông qua cổng thông tin hoặc ứng dụng trên điện thoại di động, như: Cổng thông tin giao thông cung cấp trực tuyến cho người dân các thông tin liên quan về tình hình giao thông, các tiện ích trong quá trình tham gia giao thông theo thời gian thực; Cổng thông tin của ngành y tế cung cấp nhiều chuyên mục thuộc các lĩnh vực khám, chữa bệnh, y tế dự phòng, cải cách hành chính; ứng dụng thông tin quy hoạch Thành phố cung cấp các thông tin quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch giao thông...

Năm 2020, Việt Nam là nước Chủ tịch luân phiên của Mạng lưới chủ trì tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ 3 của Mạng lưới ASCN 2020. Chủ đề xuyên suốt cả năm cho các hoạt động đô thị thông minh là “Đô thị Thông minh - hướng tới cộng đồng, bản sắc và phát triển bền vững vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”. Các hoạt động được tổ chức hướng tới các mục tiêu, đó là: (i) Thúc đẩy sự đa dạng trong sự thống nhất; (ii) Thúc đẩy sự tham gia tích cực và hợp tác thống nhất của các thành viên; (iii) Thúc đẩy các chương trình nghị sự với các đối tác ngoài khối; (iv) Thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân; (v) Duy trì và phát triển các đối thoại của Mạng lưới.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã và đang gây ra những tác động tiêu cực, bất lợi và hệ lụy chưa từng có đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia, trong đó có các nước ASEAN, Hội nghị Thường niên lần thứ 3 ASCN 2020 được tổ chức ngày 17-7-2020 theo hình thức trực tuyến là minh chứng rõ nét cho “một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” trước những thách thức và cơ hội mới. Trên cơ sở những nguyên tắc thống nhất của Hội nghị thường niên này, 26 đô thị thành viên của ASCN sẽ xây dựng tầm nhìn trung hạn, lập và triển khai kế hoạch hành động của mỗi năm phù hợp với điều kiện địa phương của mỗi quốc gia, bảo đảm phát huy được bản sắc riêng của từng đô thị, từng quốc gia, đóng góp cho bản sắc chung của ASCN./.

(HSSK 427: 25/7/2020)

 

13 September 2023
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 Sau