“Giải cứu” và điệp khúc “được mùa mất giá”
Tuần này, một thông tin mới nhưng vô cùng quen thuộc lại xuất hiện trên báo chí, các phương tiện truyền thông xã hội. Đó là việc người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh xuống tận nhà vườn “giải cứu” cam ở tỉnh Vĩnh Long. Mới là sự việc vừa diễn ra, đang và sẽ còn diễn ra, cho đến hết mùa cam. Nhưng quen thuộc, rất cũ, là những sự việc, hiện tượng như vậy diễn ra khá thường xuyên, không chỉ với Vĩnh Long, không chỉ với miền Tây, mà cả nước, đã nhiều năm nay, đó là điệp khúc buồn “được mùa mất giá”.
Chuyện bắt đầu khi một số người dân trồng vườn ở miền Tây lên mạng xã hội đăng tải video kêu gọi “giải cứu” cam. Thấu hiểu, hưởng ứng, chia sẻ với những khó khăn mà bà con đang gặp phải, nhiều cá nhân, hội nhóm thiện nguyện ở Thành phố Hồ Chí Minh đã về tận vườn cảm ở các tỉnh miền Tây, đặc biệt là tại tỉnh Vĩnh Long - vùng trồng cam sành lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long, để chung tay “giải cứu”.
Nhiều điểm “Giải cứu cam miền Tây” xuất hiện, bán phi lợi nhuận. Như anh Trần Thiện Dương (32 tuổi, ở quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh) chạy xe máy 120km về huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, tìm nhà vườn có cam cần “giải cứu” và mua cam theo giá chủ vườn mong muốn, tiền công cộng thêm chi phí vận chuyển lên Sài Gòn. Rồi anh Dương đăng lên mạng xã hội, rao bán cam với giá 6.000 đồng/kg, bằng đúng tiền vốn đã bỏ ra, không tính công sức cá nhân.
Trước nỗi khổ của người trồng vườn, trước sự hào hiệp, nghĩa tình của cá nhân, nhiều người đã chung tay “giải cứu”. Những vườn cam được bán với giá có lãi, chứ không quá thấp như thương lái mua với giá 2.000 - 3.000 đồng/kg - mức giá khiến người trồng cam lỗ khoảng 60 triệu đồng mỗi công đất (1.000m2). Không chỉ anh Dương, nhiều cá nhân, hội nhóm thiện nguyện cũng lên mạng xã hội livestream trong thời gian dài, đăng tải các thông tin liên quan đến việc “giải cứu” cam và được nhiều người ủng hộ, mua với số lượng lớn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long cho biết, diện tích trồng cam sành của địa phương tăng nhanh trong khoảng 5 năm trở lại đây. Giá cam các vụ trước dao động ở mức cao, 13.000-18.000 đồng/kg, mang lại lợi nhuận tốt. Nhưng khi diện tích tăng, năng suất cao, sản lượng cam bán ra thị trường ngày càng lớn, khó tiêu thụ, giá giảm thê thảm. Bằng chứng là hồi tháng 2-2023, nhiều cá nhân, hội nhóm cũng đã thức đêm “giải cứu” cam giúp bà con làm vườn Vĩnh Long. Hồi ấy, thậm chí giá cam giảm chỉ còn 1.000 đồng/kg mà không mấy người mua.
Đến đây thì “vỡ” ra câu chuyện trồng cam và điệp khúc “được mùa mất giá” buồn thảm lại giống như kịch bản không ít cây trồng, vật nuôi khác, như cà phê, hạt tiêu, điều, tôm, lợn, gà… đã xảy ra nhiều năm qua. Cái chính vẫn là sự thấy cây trồng, vật nuôi nào có lợi ích kinh tế là bà con đổ xô vào nuôi, trồng để rồi cung lớn hơn cầu rất nhiều, trong khi các vấn đề liên quan sau thu hoạch chưa thật đồng bộ, hiệu quả. Trong khi đó, việc quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm còn không ít bất cập, dù đã được nhận diện từ lâu.
Tôi đi miền Tây nhiều lần. Mới nhất, hôm 11-12 rồi, tại một hội nghị liên quan đến truyền thông đối ngoại ở tỉnh Sóc Trăng, tôi có nêu một vấn đề nho nhỏ với các đại biểu tham dự rằng, ở Sóc Trăng, khi muốn giới thiệu ra tỉnh ngoài, thậm chí ra cả thế giới, chúng ta sẽ nói gì ngoài gạo ST 25 ngon nhất thế giới và bánh pía đặc sản. Liệu địa phương có thể tìm ra giải pháp hiệu quả để gia tăng giá trị từ những sản vật này, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giúp đời sống bà con nông dân khấm khá vững bền? Và nữa, liên quan đến du lịch của miền Tây, liệu có cách nào để tạo sự khác biệt giữa các tỉnh, ngoài đặc thù sông nước, miệt vườn, cù lao, cây trái, sản vật địa phương, để du khách không thể chỉ đến một tỉnh cũng có thể cảm nhận phần nào của cả miền Tây trù phú, hữu tình, phóng khoáng, mến khách?
Thực ra thì câu chuyện giải bài toán “được mùa mất giá”, tránh cảnh “giải cứu” đã được tiến hành từ lâu, liên tục, ngày một quyết tâm hơn. Xin lấy một ví dụ, từ ngày 21-2-2020, tại hội nghị trực tuyến về thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp do Thủ tướng chủ trì, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thời điểm đó là ông Nguyễn Xuân Cường cho rằng, để giải bài toán nông sản “được mùa mất giá” phải giải quyết được những bất cập từ khâu thương mại, chế biến.
Ông Cường giải thích, vì nền kinh tế thị trường rất khó dự báo giá cả nên phải làm tốt khâu chế biến mới dập được câu chuyện “được mùa mất giá”. Thế nhưng, sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là sơ chế có giá trị gia tăng thấp (chiếm 70-85%); sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao chiếm khoảng 15-30% (thủy sản khoảng 30%, các loại nông sản khác khoảng 10-20%, sản phẩm bao gói nhỏ cung cấp cho bán lẻ chỉ chiếm khoảng 10%). Đây chính là khâu yếu nhất của ngành nông nghiệp.
Thêm một ví dụ nữa, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội chiều ngày 7-6-2022, kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XV. Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận được nhiều câu hỏi về giải pháp căn cơ cho tình trạng “được mùa mất giá”, ông tâm sự rằng: “Tôi sợ nhất câu hỏi đến bao giờ, vì đang điều hành trong nền kinh tế thị trường, chiến lược xây dựng từ trên xuống dưới, nhưng thực hiện từ dưới lên trên, rất cần sự năng động của chính quyền địa phương, dù ở vai đại biểu, tôi cũng sẽ hỏi như vậy, vì đó là mối quan tâm lớn”.
Rõ ràng, đó là mối quan tâm lớn, là sự đau đáu của không chỉ vị tư lệnh ngành. Bài toán đã được đặt ra từ lâu, giải pháp cũng đã có, thậm chí là giải pháp căn cơ, gốc rễ. Nhưng đến bao giờ trở thành hiện thực thì chắc chắn không chỉ riêng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn có thể trả lời, không chỉ riêng những người nông dân “chân lấm tay bùn” có thể triển khai. Mà để tìm được lời giải một cách thấu đáo, hiệu quả “cần sự vào cuộc của cả chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, các hiệp hội, hộ nông dân và cần thời gian”, như Bộ trưởng Hoan trả lời.
Và câu chuyện “giải cứu” cam sành ở Vĩnh Long thêm một lần hâm nóng việc thúc đẩy hành trình tìm lời giải bài toán “được mùa mất giá” đầy gian truân. (theo baodanang.vn)