21/11/2024 | 16:59 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Miễn, giảm thuế trong trường hợp thiên tai

Thanh Vân
Miễn, giảm thuế trong trường hợp thiên tai Tại Mỹ, cá nhân bị ảnh hưởng bởi thiên tai được tự động gia hạn thời hạn nộp thuế, tùy theo mỗi địa phương và loại hình thiên tai_Ảnh minh họa
Chính sách miễn, giảm thuế trong trường hợp thiên tai được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng nhằm chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy sự phục hồi kinh tế. Tuy cách làm, đối tượng và phạm vi áp dụng khác nhau nhưng chính sách này đều thể hiện tinh thần nhân văn. Tuy nhiên, chính sách miễn, giảm thuế trong trường hợp thiên tai chỉ phát huy được hiệu quả thực chất khi có sự phân hóa đối tượng và kết hợp với các chính sách phục hồi kinh tế, khắc phục hậu quả và an sinh xã hội.

Chính sách nhân văn

Bão lũ và các thiên tai khác xảy ra, hoạt động và đời sống của người dân, doanh nghiệp bị đảo lộn, gián đoạn. Khi những thiệt hại về người và của cần thời gian để khắc phục, bất kỳ sự hỗ trợ nào, dù nhỏ, cũng là cần thiết và ý nghĩa. Trong khi các cá nhân, đoàn thể và doanh nghiệp thực hiện những hỗ trợ trực tiếp, tức thời, nhà nước có thể triển khai các chính sách hỗ trợ toàn diện, bền vững. Nhiều quốc gia trên thế giới xây dựng, triển khai chính sách miễn, giảm thuế trong trường hợp thiên tai, áp dụng với cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thiên tai theo các tiêu chí cụ thể.

Tại Mỹ, các cá nhân bị ảnh hưởng bởi thiên tai được tự động gia hạn thời hạn nộp thuế, thời hạn này có thể thay đổi theo địa phương và loại hình thiên tai. Thông tin về hình thức, tiêu chí, quy trình giải quyết yêu cầu miễn, giảm thuế được công khai trên trang web của Sở Thuế vụ Mỹ (IRS). Thông báo số 231, ngày 5-9-2024, của IRS ghi rõ: “người đóng thuế sống, làm việc, hoặc có doanh nghiệp tại địa phương chịu thiên tai sẽ đương nhiên đủ điều kiện được hoãn thời hạn thanh toán thuế”. Theo đó, người đóng thuế tại một số bang bị thiên tai như Arkansas, Iowa, Mississippi,

New Mexico,... được gia hạn từ ngày 16-9-2024 sang ngày 1-11-2024, trong khi một số bang bị ảnh hưởng nặng nề hơn như Florida, Georgia, Kentucky, Minnesota,... được gia hạn đến 3-2-2025.

IRS định nghĩa người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi thiên tai gồm các cá nhân cư trú ở khu vực thiên tai, các doanh nghiệp tư nhân hoặc đơn vị kinh doanh có địa điểm sản xuất, kinh doanh chính ở khu vực thiên tai, các nhân viên của chính phủ hoặc các tổ chức nhân đạo đang tham gia khắc phục hậu quả ở những khu vực thiên tai, hoặc cá nhân không cư trú ở khu vực bị thiên tai nhưng có hồ sơ, thủ tục thuế cần thực hiện ở khu vực thiên tai... IRS cũng đưa ra các câu hỏi thường gặp để giúp người dân và doanh nghiệp nắm được những thông tin cơ bản trước khi kê khai đề nghị miễn, giảm thuế. Khi thiên tai xảy ra, Cơ quan Quản lý tình huống khẩn cấp liên bang (FEMA) sẽ tiến hành đánh giá sơ bộ thiệt hại theo đề nghị của thống đốc bang có thiên tai, từ đó xác định các khu vực đủ điều kiện được hỗ trợ về chính sách thuế.

Chính phủ Australia lại có chính sách miễn hoặc giảm thuế đối với các khoản hỗ trợ dành cho người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Người dân ở vùng thiên tai có thể nhận được các khoản hỗ trợ từ chính quyền liên bang, chính quyền địa phương, nhóm từ thiện, chủ lao động, gia đình hoặc bạn bè. Những khoản hỗ trợ một lần này có thể được giảm thuế nếu được xác định là thu nhập miễn thuế và người dân sẽ không phải kê khai, không phải đóng thuế. Ví dụ, nếu người dân nhận được khoản hỗ trợ phục hồi thiên tai của Chính phủ Australia (DRP), họ sẽ không phải đóng thuế. Ngoài sự hỗ trợ đối với người dân ở khu vực bị thiên tai, Chính phủ Australia áp dụng chính sách miễn, giảm thuế đối với các tình nguyện viên tham gia chữa cháy rừng.

Cần thiết thực hơn

Chính sách miễn giảm thuế trong trường hợp thiên tai là cần thiết, mang tính nhân văn, được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng nhằm thể hiện sự hỗ trợ, chia sẻ với người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Tuy cách tiếp cận, quy trình thực hiện khác nhau, nhưng chính sách này cùng với các chính sách và sự hỗ trợ khác đều nhằm khắc phục thiệt hại, nhanh chóng ổn định đời sống và hoạt động của người dân, doanh nghiệp. Các nhà nghiên cứu và nhà hoạch định chính sách ngày càng quan tâm đến việc xây dựng, triển khai chính sách miễn, giảm thuế trong trường hợp thiên tai như thế nào cho thiết thực, mang lại lợi ích cho cả nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Có ý kiến cho rằng, khi nhà nước thực hiện chính sách miễn, giảm thuế cho người nộp thuế, nhà nước cho đi thứ mà mình không mất, khoản tiền đó có thể được coi là sự đầu tư của nhà nước cho người dân, doanh nghiệp. Sự phục hồi và hoạt động hiệu quả trở lại của doanh nghiệp tiếp tục bảo đảm nguồn thu thuế của nhà nước. Ngược lại, nếu doanh nghiệp chịu thiệt hại nghiêm trọng do thiên tai, không đủ khả năng khắc phục, trong khi không có những sự hỗ trợ cần thiết, doanh nghiệp có thể ngừng hoạt động. Đây là quan điểm mang tính hào phóng và thực tế từng được các triều đại trong lịch sử Việt Nam áp dụng. Khi bão lũ, hạn hán, hay khi mới lên ngôi, hoặc sau chiến tranh, nhà vua ban bố việc miễn thuế cho dân chúng. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, Vua Lý Thái Tổ nhiều lần đại xá các thuế khóa cho thiên hạ.

Tại Việt Nam, ngay khi cơn bão Yagi đi qua, Cục Thuế Hà Nội đã ban hành chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế trong trường hợp thiên tai. Theo đó, người nộp thuế không có khả năng nộp hồ sơ khai thuế đúng hạn do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ thì được cơ quan thuế quản lý trực tiếp gia hạn nộp hồ sơ khai thuế. Người nộp thuế phải nộp tiền chậm nộp theo quy định được miễn tiền chậm nộp trong trường hợp bất khả kháng. Người nộp thuế cần có đề nghị được xem xét gia hạn nộp thuế khi hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp trường hợp bất khả kháng do thiên tai. Những biện pháp này nhằm góp phần khắc phục những thiệt hại nặng nề mà cơn bão Yagi gây ra cho người nộp thuế là cá nhân và doanh nghiệp.

Merve Kucuk (Viện Nghiên cứu kinh tế Đức) và Mehmet Ulubasoglu (Đại học Deakin, Australia) thực hiện nghiên cứu tác động của lũ lụt đối với các nhóm thu nhập khác nhau ở Australia, từ đó đề xuất sự hỗ trợ tương ứng. Hai chuyên gia phát hiện, những người thu nhập cao được giảm thuế nhiều hơn so với những người thu nhập trung bình và thu nhập thấp. Với khoản thu nhập thấp, mức độ miễn giảm thuế của họ không đáng kể, trong khi họ là đối tượng cần nhận được sự hỗ trợ nhiều nhất. Điều này đặt ra câu hỏi, làm sao để chính sách miễn giảm thuế có sự phân hóa các đối tượng khác nhau, ít nhất là theo thu nhập? Merve Kucuk và Mehmet Ulubasoglu cũng đề xuất, các chương trình khắc phục thiệt hại thiên tai và chính sách miễn, giảm thuế cần cân nhắc đến những nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội như các doanh nghiệp nhỏ và những lao động bán thời gian, lao động thời vụ.

Thiên tai là tình huống bất khả kháng nhưng các chính phủ cần thiết kế sẵn các chương trình khắc phục hậu quả và chính sách miễn, giảm thuế. Các chương trình và chính sách này có thể được thiết kế ở các mức độ khác nhau, áp dụng trong thời gian khác nhau tùy thuộc vào quy mô, mức độ, thời gian của thiên tai. Việc áp dụng chính sách miễn giảm thuế nên thực hiện theo cơ chế công khai, minh bạch và tự động, hạn chế tối đa việc áp dụng quy trình đề nghị hoặc các tiêu chí xem xét không rõ ràng. Theo các chuyên gia, quy trình đề nghị và tiêu chí xem xét không rõ ràng có thể làm phát sinh tiêu cực, gia tăng thủ tục, thời gian giải quyết thủ tục. Đây là lý do chính phủ nhiều nước vận hành cơ chế theo dõi trực tuyến đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp.

Một số chuyên gia cho rằng, mặc dù chính sách miễn, giảm thuế cho người dân, doanh nghiệp trong trường hợp thiên tai là cần thiết nhưng đây là sự hỗ trợ ngắn hạn, mang tính thời điểm. Hơn nữa, chỉ riêng chính sách miễn, giảm thuế không thể mang lại kết quả như mong muốn. Hai chuyên gia chính sách công Aisha S. Ahmadu và Julius A. Nukpezah (Đại học bang Mississippi, Mỹ) cho rằng, các chính sách cần tập trung vào việc cải thiện hệ thống xây dựng kế hoạch tài chính, đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và cải thiện cơ hội việc làm để khắc phục ảnh hưởng của thiên tai đối với nguồn thu thuế, đồng thời bảo đảm các chương trình phúc lợi xã hội./.

11 October 2024
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 3 Sau