21/11/2024 | 17:08 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Những thành tựu lý luận và kết quả vận dụng về lĩnh vực kinh tế của Đảng Cộng sản Việt Nam qua gần 40 năm đổi mới

Thu Trang
Những thành tựu lý luận và kết quả vận dụng về lĩnh vực kinh tế của Đảng Cộng sản Việt Nam qua gần 40 năm đổi mới PGS, TS. Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản và PGS, TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chủ trì Hội thảo_Ảnh: Lưu Tiến
Ngày 11-10-2024, tại Hà Nội, Tạp chí Cộng sản phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức hội thảo khoa học: “Những thành tựu lý luận và kết quả vận dụng về lĩnh vực kinh tế của Đảng Cộng sản Việt Nam qua gần 40 năm đổi mới”.

Chủ trì hội thảo có các đồng chí: PGS, TS. Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; PGS, TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí PGS, TS. Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh, lý luận về phát triển kinh tế, nhất là về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đã được thể chế hóa và cụ thể hóa bằng các luật, chính sách và chiến lược phát triển đất nước.

Việc thực hiện những chính sách và chiến lược này đã đưa nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu trở thành một nước thu nhập trung bình và đang bước vào một giai đoạn phát triển với thế và lực mới như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần phát biểu “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, với tầm nhìn và mục tiêu đặt ra cụ thể hơn và khát vọng hơn về phát triển đất nước giàu mạnh, dân chủ, phồn vinh, văn minh và hạnh phúc; là giai đoạn phát triển mang tính bền vững hơn, bao trùm hơn, dựa nhiều hơn vào nâng cao hiệu quả các nguồn lực và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều thay đổi nhanh, mạnh và khó lường; giai đoạn nước ta đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới, tiên tiến, văn minh, hiện đại, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như được nhấn mạnh trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, nhân kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2-9-1945 - 2-9-2024) “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”.

Hội thảo có mục đích đánh giá một cách khách quan, khoa học về: 1- Những thành tựu về lý luận của Đảng ta về phát triển kinh tế qua gần 40 năm đổi mới; 2- Những kết quả đạt được và hạn chế trong vận dụng lý luận của Đảng về phát triển kinh tế qua gần 40 năm đổi mới; 3- Gợi mở những ý tưởng mới về lý luận; những giải pháp mới nhằm vận dụng thành công lý luận phát triển kinh tế của Đảng trong giai đoạn mới.Tại phiên thứ nhất, các đại biểu: PGS, TS. Trần Quốc Toản, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Thượng tướng, PGS, TS. Nguyễn Văn Thành, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ; PGS, TS. Nguyễn Văn Thạo, nguyên Trợ lý Chủ tịch nước, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; GS, TS. Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân và nhiều ý kiến tập trung thảo luận làm rõ:

Một là, quá trình nhận thức của Đảng về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa qua gần 40 năm đổi mới, đặc biệt việc khẳng định đây là mô hình kinh tế tổng quát của Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, làm rõ bước chuyển trong nhận thức về tính tất yếu khách quan và vai trò của kinh tế thị trường đối với xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta; về sở hữu và các thành tố của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về vai trò lãnh đạo của Đảng; quản lý của Nhà nước và các tổ chức xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về cơ chế vận hành của nền kinh tế và phân phối trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về hội nhập kinh tế quốc tế; về đổi mới mô hình tăng trưởng…

Hai là, đánh giá, tổng kết kết quả vận dụng lý luận của Đảng về lĩnh vực kinh tế. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện; chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng tiếp tục được thể chế hóa thành luật pháp, cơ chế, chính sách ngày càng đầy đủ, đồng bộ hơn; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành, địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; các yếu tố thị trường và các loại thị trường tiếp tục hình thành, phát triển; nền kinh tế nhiều thành phần có bước phát triển mạnh. Hội nhập kinh tế quốc tế, quan hệ kinh tế của Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế ngày càng được mở rộng.

Ba là, về mối quan hệ giữa các khu vực kinh tế trong việc thực hiện vai trò, chức năng của mình trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Kinh tế nhà nước được xác định là có vai trò chủ đạo, cùng với kinh tế tập thể là nền tảng của nền kinh tế; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là quan trọng và được khuyến khích phát triển. Cách thức để bảo đảm sự bình đẳng giữa các khu vực kinh tế khi các khu vực này thực hiện vai trò, chức năng của mình. Bên cạnh đó, gợi mở một số để từng khu vực kinh tế có thể phát huy đúng, phát huy cao nhất vai trò, chức năng của mình trong nền kinh tế.

Tại phiên thứ hai, các đại biểu: PGS, TS. Nguyễn Anh Thu, Trường Đại học Kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội; PGS, TS. Vũ Văn Hà, Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS, TS. Ngô Tuấn Nghĩa, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; TS. Nguyễn Minh Phong, Báo Nhân dân; PGS, TS. Nguyễn Thường Lạng, Trường Đại học Kinh tế quốc dân; PGS, TS. Lê Xuân Đình, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo; PGS, TS. Trần Kim Chung, Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS, TS. Nguyễn Thị Bích Loan, Trường Đại học Thương mại và nhiều ý kiến thảo luận đã làm rõ:

Một là, những giải pháp mới, nhất là những giải pháp đột phá để có thể đạt được các mục tiêu phát triển đã đặt ra đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, đặc biệt là các giải pháp nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá; đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, lấy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng; phát triển các mô hình, phương thức kinh tế mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn).

Hai là, gợi mở những điểm mới về lý luận và thực tiễn trong lĩnh vực kinh tế gắn với bối cảnh hiện nay, đồng thời đề xuất một số định hướng cho thời gian tới, gồm:

1- Tiếp tục nâng cao sự thống nhất trong nhận thức về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

2- Đẩy mạnh hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách, tập trung vào tháo gỡ các “điểm nghẽn”, “nút thắt” đang cản trở quá trình sản xuất, lưu thông, trao đổi, hội nhập.

3- Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chuyển dịch cơ cấu một cách nhanh chóng, toàn diện và hợp lý, đồng thời gắn liền với việc cấu trúc lại nền kinh tế.

4- Tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược và các mô hình, phương thức phát triển kinh tế mới. Đẩy mạnh việc tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy chuyển đổi số trong nền kinh tế.

5- Phát triển lực lượng doanh nghiệp đủ mạnh gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế đất nước nhanh, bền vững.Kết luận hội thảo, đồng chí PGS, TS. Lê Hải Bình - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản - cho rằng, qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991), lý luận về đường lối đổi mới, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sở hữu, thành phần kinh tế và doanh nghiệp nhà nước, hội nhập kinh tế quốc tế,… ở nước ta ngày càng được phát triển và hoàn thiện.

Công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng từ năm 1986 đến nay thu được những thắng lợi, thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; đưa đất nước ta từ một nước nghèo trên thế giới trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình.

Có được những thành tựu to lớn, đáng tự hào đó là do nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng là Đảng ta đã kiên định vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; thường xuyên tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cho phù hợp với thực tiễn phát triển của từng thời kỳ.

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 40 bài tham luận của các nhà khoa học và hoạt động thực tiễn. Tại Hội thảo, các bài tham luận và ý kiến phát biểu là những tư liệu quý, cung cấp những luận cứ khoa học - thực tiễn góp phần tổng kết 40 năm đổi mới./.

11 October 2024
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 3 Sau