21/11/2024 | 14:23 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Nghị quyết 162 - “Chìa khóa vàng” để nông nghiệp Quảng Trị cất cánh - Kỳ cuối: Để nông nghiệp Quảng Trị "cất cánh"

Xuân Thức - Tấn Toàn
Nghị quyết 162 - “Chìa khóa vàng” để nông nghiệp Quảng Trị cất cánh - Kỳ cuối: Để nông nghiệp Quảng Trị "cất cánh" Thu hoạch lúa hữu cơ bằng máy gặt đập liên hợp tại tỉnh Quảng Trị_Ảnh: VGP
Sau một thời gian triển khai, Nghị quyết 162 đã phát huy được tính hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị, chất lượng các mặt hàng nông sản của địa phương, tuy nhiên vẫn tồn một số hạn chế dẫn đến chưa phát huy được giá trị về cây trồng, vật nuôi đặc thù của địa phương khiến nông nghiệp Quảng Trị chưa thật sự “cất cánh”.

Những “điểm nghẽn” cần tháo gỡ

Mục tiêu của Nghị quyết 162 được xác định là bền vững, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh Quảng Trị đối với từng vật nuôi, cây trồng. Tuy nhiên, để các mô hình nông nghiệp mang lại giá trị tăng cao, cần phải điều chỉnh, cơ cấu lại các mô hình theo điều kiện phát triển thực tế.

Mô hình sản xuất lúa hữu cơ được đánh giá hiệu quả với chi phí đầu tư thấp, ít rủi ro, tuy nhiên, Nghị quyết 162 quy định chỉ hỗ trợ tối đa không quá 2 vụ liên tiếp trên 1 vùng sản xuất. Trong khi đó, sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ 2 vụ đầu tiên thường cho năng suất lúa thấp hơn so với sản xuất lúa truyền thống, hiệu quả kinh tế không cao nên chưa khuyến khích được người dân tham gia. 

Từ vụ thứ 3 trở đi khi đất đã được cải tạo, năng suất, chất lượng lúa tăng nhanh, hiệu quả kinh tế mang lại tương xứng với chi phí đầu tư thì chính sách không áp dụng hỗ trợ. Ngoài ra, việc các địa phương chưa gắn quá trình sản xuất với chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ đã dẫn đến tình trạng lúa hữu cơ được chứng nhận còn ít so với diện tích hỗ trợ thực hiện.

Là địa phương có diện tích trồng lúa hữu cơ lớn, huyện Hải Lăng đã có 29,58ha lúa được chứng nhận hữu cơ và 25,2ha lúa được chứng nhận VietGAP, tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị quyết 162 vẫn gặp không ít khó khăn. 

Ông Dương Viết Hải - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hải Lăng - cho biết: “hệ thống tưới tiêu của địa phương chưa đáp ứng nhu cầu theo quy trình sản xuất lúa hữu cơ (đảm bảo thường xuyên để diệt trừ, hạn chế cỏ dại). Nước tưới từ nguồn Nam Thạch Hãn thực hiện chế độ đóng mở định kỳ (5 đóng 5 mở) nên rất khó khăn khi điều tiết nước đáp ứng đủ nhu cầu cho vùng sản xuất lúa hữu cơ. Ngoài ra, hệ thống giao thông nội đồng chưa đáp ứng nhu cầu cơ giới hóa trong vùng sản xuất lúa hữu cơ làm phát sinh, tăng chi phí sản xuất”.

Tại huyện Triệu Phong, các hộ thực hiện dự án đang tiến hành xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng hệ thống ao nuôi, ao ương đảm bảo quy mô, kỹ thuật nuôi 2 - 3 giai đoạn ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay, tại vùng bãi ngang, ven biển đã hình thành mô hình nuôi tôm công nghệ cao theo 3 giai đoạn theo quy trình CPF-Combine. 

Hơn nữa, việc lựa chọn hộ thực hiện dự án nuôi tôm gặp khó khăn do dự án chỉ hỗ trợ 30% kinh phí cho phần xây dựng cơ sở hạ tầng (hệ thống bể/ao ương, bể/ao nuôi; hệ thống cấp, thoát xử lý nước; hệ thống nhà kính, nhà lưới; hệ thống mái che và hệ thống máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất) và để được giải ngân phần kinh phí hỗ trợ, các hộ phải có hóa đơn chứng từ hợp lệ chứng minh tổng mức đầu tư, trong lúc các cơ sở nuôi tôm khi xây dựng cơ sở hạ tầng thường thuê các tổ chức, cá nhân dẫn đến khó khăn cho các hộ thực hiện dự án. 

Mặt khác, dự án hỗ trợ nuôi tôm công nghệ cao có mức hỗ trợ tối đa 500 triệu đồng, trong đó ngân sách huyện đối ứng 150 triệu đồng, do đó có địa phương chỉ đủ kinh phí đối ứng hỗ trợ được 1 dự án nuôi tôm/năm.

“Mô hình nuôi tôm công nghệ cao bước đầu cho thấy hiệu quả, nhưng việc nuôi trồng đòi hỏi đầu tư lớn, khó nhân rộng, về lâu dài sản xuất sẽ thiếu ổn định, dễ dẫn tới phá vỡ liên kết giữa các bên”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Triệu Phong Vũ Thành Công thông tin. Thành phố Đông Hà cũng là địa phương đề xuất trả lại nguồn kinh phí từ ngân sách đã hỗ trợ do hộ đăng ký thực hiện dự án không có vốn đối ứng.

Đối với chính sách hỗ trợ trồng rừng nguyên liệu chất lượng cao, kế hoạch được giao trong toàn tỉnh năm 2023 là 505ha, nhưng đến nay mới chỉ có huyện Hải Lăng thực hiện được 44,5ha. 

Huyện Đakrông là địa phương được giao thực hiện trồng rừng nguyên liệu chất lượng cao theo chính sách hỗ trợ của Nghị quyết 162 nhưng đã có văn bản đề nghị không thực hiện vì không bảo đảm nguồn vốn đối ứng dẫn đến đa số người dân, các hợp tác xã trên địa bàn huyện không đăng ký tham gia. 

Đối với các hộ dân có điều kiện kinh tế thì có sự so sánh về việc đầu tư trồng rừng bằng giống cây nuôi cấy mô (theo quy định nếu thụ hưởng chính sách hỗ trợ) giá thành cao hơn rất nhiều so với trồng cây giâm hom, do đó người dân cũng không tha thiết tham gia.

"Bên cạnh những kết quả đạt được, Nghị quyết 162 vẫn tồn tại một số hạn chế lớn như: về nguồn kinh phí hỗ trợ; mức kinh phí hỗ trợ và sự phù hợp của nghị quyết với thực tiễn phát triển của địa phương. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu để Ủy ban nhân dân tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 62 nhằm sửa đổi để hiệu chỉnh, bổ sung một số điểm chưa phù hợp của Nghị quyết 162. Đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 62", ông Nguyễn Hữu Vinh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị - cho biết.

Quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ với các nội dung khác cũng cho thấy nhiều vấn đề cần phải hiệu chỉnh. Đơn cử như việc hỗ trợ phát triển các cây ăn quả, nghị quyết chỉ hỗ trợ các cây như cam, bưởi, bơ, chanh leo, nên một số huyện có cây chủ lực khác không được hỗ trợ. 

Huyện Hướng Hóa có tổng diện tích lên đến hơn 1.800ha, được xem là vùng trồng chuối chủ lực của tỉnh và của vùng với thương hiệu chuối mốc mật miền Trung lại không được hỗ trợ. Việc hỗ trợ chăn nuôi bò chuyên thịt thâm canh cũng gặp hạn chế khi giới hạn hỗ trợ mỗi năm 5 mô hình, trong khi nhu cầu đăng ký của người dân rất lớn...

Sáng tạo, linh hoạt đưa nghị quyết vào cuộc sống

Ngày 11-7-2024, kỳ họp thứ 26, HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VIII ban hành Nghị quyết Nghị quyết số 62/2024/NQ-HĐND sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 162/2021/NQ-HĐND, Nghị quyết số 69/2022/NQ-HĐND và Nghị quyết số 99/2022/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị. 

Nghị quyết 62 đã điều chỉnh về đối tượng, điều kiện hỗ trợ phát triển một số cây trồng, vật nuôi nhằm phù hợp điều kiện với thực tiễn sau một thời gian chính sách được áp dụng.

Đối với mô hình sản xuất lúa hữu cơ, Nghị quyết 62 đã hỗ trợ tối đa cho 3 vụ sản xuất liên tiếp thay vì 2 vụ như trước đây, đối tượng và các điều kiện hỗ trợ cũng được mở rộng khi ưu tiên hỗ trợ hợp tác xã đăng ký tham gia trồng lúa hữu cơ và có liên kết theo quy định. 

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao cũng được tăng cường hỗ trợ thêm chi phí giống, thức ăn nuôi tôm, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; định mức hỗ trợ dự án cũng được mở rộng khi hỗ trợ kinh phí giống, thức ăn nuôi tôm, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản tối đa 50% tổng định mức hỗ trợ dự án.

Nghị quyết 62 cũng đã gỡ “nút thắt” đối với các vật nuôi, cây trồng chủ lực như dược liệu, trồng rừng nguyên liệu cao, chăn nuôi bò chuyên thịt thâm canh..., tạo điều kiện để các cây trồng, vật nuôi được phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Nhằm khuyến khích người dân tham gia vào các mô hình trồng cây dược liệu để xây dựng các vùng dược liệu thế mạnh, nghị quyết cho phép các tổ chức, cá nhân tham gia trồng các loại cây dược liệu sẽ được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại các đề án, kế hoạch phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh. 

Chính sách hỗ trợ trồng rừng nguyên liệu chất lượng cao cũng có thay đổi khi hỗ trợ hoàn toàn một lần chi phí giống cây keo lai nuôi cấy thay vì chỉ hỗ trợ 50% như trước đây. Bên cạnh đó, mỗi hộ gia đình, cá nhân được hỗ trợ tối đa 5ha; mỗi tổ chức được hỗ trợ tối đa 20ha. Định mức hỗ trợ tối đa 8 triệu đồng/ha. Mỗi năm hỗ trợ tối đa 500ha.

“Thời gian tới, cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về hiệu quả thực hiện của Nghị quyết 62 nhằm tạo tính lan tỏa, giá trị thật sự đối với các cây trồng, vật nuôi được hỗ trợ từ chính sách”, ông Nguyễn Trần Huy - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị - khẳng định.

Nghị quyết 62 nhằm bổ sung, điều chỉnh một số điểm chưa phù hợp của Nghị quyết 162 là giải pháp quan trọng, tạo nền tảng đối với sự phát triển nông nghiệp của tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên, để nghị quyết đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, cơ quan chuyên môn của các cấp, ngành cùng với các địa phương phải “xắn tay áo” đồng hành cùng người nông dân hơn nữa để thực hiện nghị quyết, kế hoạch được giao, tăng tốc triển khai các điều chỉnh của chính sách tại Nghị quyết 62.

Theo đó, các cơ quan chuyên môn cần tiếp tục hỗ trợ bà con, nông dân về mặt kỹ thuật nuôi trồng, thường xuyên mở các lớp tập huấn về phát triển các cây trồng, vật nuôi mang tính lợi thế của địa phương. 

Đồng thời trong quá trình triển khai các mô hình, người dân cần tuân thủ những khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, thẩm quyền; đồng thời từng bước thay đổi thói quen canh tác, chuyển dần từ phương thức truyền thống sang hữu cơ, bền vững. Từ đó, để tạo thành quy trình bài bản gắn kết 3 nhà là Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà nông để nông nghiệp của địa phương phát triển bền vững và thật sự cất cánh./.

Chủ đề: nghị quyết 162
19 November 2024
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 3 Sau