Phát triển bền vững quá trình đô thị hóa
Đoàn Duy Khương
Tiêu chí phát triển đô thị bền vững trên thế giới
Theo ước tính của Liên hợp quốc, hiện có khoảng 4,2 tỷ người sống ở các đô thị, chiếm hơn 55% dân số thế giới. Trong 30 năm tới, dân số đô thị toàn cầu có thể tăng thêm khoảng 2,5 tỷ người. Điều đó có nghĩa là tỷ lệ người sống ở các thành phố sẽ lên tới gần 70% số dân toàn cầu vào năm 2050. Đây là xu hướng tất yếu của sự phát triển xã hội công nghiệp, hiển nhiên nó cũng gây ra nhiều thách thức, thậm chí là thảm họa như: khủng hoảng nhà ở, quá tải cơ sở hạ tầng, thất nghiệp, dịch bệnh, ô nhiễm, đảo nhiệt độ, tội phạm...
Đứng trước những thách thức của thời đại, năm 2015, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã đề ra 17 mục tiêu toàn cầu nhằm hướng tới một tương lai tốt đẹp và phát triển bền vững cho toàn thế giới. Trong việc thực hiện những mục tiêu này, các thành phố được coi là điểm nóng. Thông qua các công nghệ thông minh, đến năm 2030 các thành phố sẽ tạo ra một hệ sinh thái bền vững về xã hội và môi trường.
Quy hoạch và phát triển đô thị để đối phó với những thách thức phát sinh từ quá trình đô thị hóa, cũng như tính không bền vững của các dạng đô thị hiện nay là công cụ quan trọng để giải quyết những vấn đề xã hội, kinh tế và môi trường. Cách thức tốt nhất mà chính quyền cần thực hiện là áp dụng cách tiếp cận toàn diện, dài hạn, quản trị hiệu quả các loại nguồn lực nhằm thúc đẩy sự bền vững của đô thị. Phát triển của đô thị thông minh được xem như một giải pháp đầy hứa hẹn trước những nguy cơ, thách thức do sự phát triển đô thị hiện tại và tương lai, trong đó mục tiêu hướng tới là: hiệu quả, kỹ trị và dân chủ. Để hiện thực hóa những mục tiêu này, công nghệ thông tin - truyền thông và quan hệ đối tác công - tư là phương tiện để tối ưu hóa quá trình phát triển đô thị.
Định hướng mục tiêu phát triển đô thị Việt Nam tầm nhìn đến năm 2050
Nhằm định hướng phát triển và quản lý hiệu quả quy hoạch, bảo đảm sự phát triển đô thị bền vững theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nhà nước đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều đạo luật liên quan đến việc quản lý phát triển đô thị. Nhờ đó, mạng lưới đô thị ở nước ta được hình thành rõ nét, đô thị trở thành hạt nhân, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của từng khu vực, từng vùng trên cả nước. Các đô thị lớn như Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh,... là cực tăng trưởng chủ đạo, lan tỏa tri thức, thúc đẩy sáng tạo, cạnh tranh, hội nhập quốc tế, đa dạng hóa các hoạt động kinh tế, tác động tích cực đến sự phát triển nền kinh tế...
Tuy nhiên, thời gian qua, quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị nước ta vẫn còn có những hạn chế nhất định. Quá trình đô thị hóa diễn ra không đồng đều giữa các vùng, miền ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn, miền núi. Tỷ lệ đô thị hóa ở nước ta còn thấp so với mức trung bình của các nước trong khu vực ASEAN và bình quân của thế giới. Đô thị hóa chủ yếu phát triển theo chiều rộng với mật độ thấp và phân tán thiếu kết nối, gây lãng phí đất đai, hạn chế tích tụ kinh tế, tăng trưởng về số lượng, chưa đi đôi với chất lượng, hạ tầng chưa đồng bộ, hiện đại... Để đạt được mục tiêu phát triển đô thị bền vững tầm nhìn đến năm 2050 cần thực hiện một số nhiệm vụ sau đây:
Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức chung của toàn xã hội về cơ hội và thách thức của quá trình đô thị hoá trong xu thế phát triển đô thị thông minh, bền vững hiện nay. Cần quy hoạch và phát triển kết nối các đô thị để tạo ra nguồn lực sản phẩm vĩ mô cho sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc gia, đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại để giải quyết các vấn đô thị như: quy hoạch, kết nối, dữ liệu, năng lượng, giao thông...
Thứ hai, phát triển đô thị thông minh, bền vững hướng đến một số tiêu chí cơ bản như: an ninh, hòa nhập, tiện ích, dễ tiếp cận, không gian, cảnh quan thân thiện, hệ thống giao công cộng nhanh, thuận lợi, an toàn, đồng thời, kết hợp với cơ sở hạ tầng viễn thông, bảo đảm cho sự phát triển kinh tế số và phát triển bền vững.
Thứ ba, xây dựng, thiết lập chính quyền đô thị, mô hình đô thị 2 cấp, ban hành các đạo luật phù hợp với nhu cầu, đặc điểm, tính chất đô thị về kinh tế, xã hội, môi trường, bảo đảm tính năng động, tự chủ, hiệu quả hoạt động kinh tế, xã hội, sự tham gia tích cực của cộng đồng, dân cư.
Thứ tư, trong quá trình phát triển đô thị và đô thị hóa cần nâng cao ý thức cộng đồng, kỹ năng kết nối cộng đồng, ý thức pháp luật, ý thức trách nhiệm công dân trong việc bảo vệ cảnh quan, môi trường, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, quản trị hiệu quả những vấn đề phát sinh trong đời sống xã hội đô thị, bảo đảm kỷ cương, trật tự xã hội đô thị...
Thứ năm, xây dựng quy hoạch đô thị tầm nhìn đến năm 2050 làm nền tảng cho các kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia trên cơ sở tích hợp các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội hiện tại và tương lai như: tài nguyên, con người, sản phẩm, tài chính./.