Làng thông minh ở “thiên đường bưởi” Bạch Đằng
Dũng MinhTrước khi đến nơi, tôi đã được nghe rằng, ngôi làng đó thực ra là xã thuần nông, là 1 trong 2 xã cù lao của thị xã Tân Uyên. Chỉ cần đi qua cây cầu Bạch Đằng bắc ngang sông Đồng Nai thôi, mọi thứ sẽ khác, nhất là không khí, môi trường. Bởi sẽ không có sự xô bồ, náo nhiệt, ồn ã, tấp nập, đông đúc như bên thị xã phồn hoa, đô hội. Thay vào đó, là sự mướt xanh, tĩnh lặng, êm đềm, mênh mông, hoang sơ và bình dị. Quả có thế thật, vừa qua cầu đã thấy thấp thoáng bóng dáng những ngôi nhà cấp bốn ẩn hiện giữa xanh tốt các vườn cây, nhất là các loại bưởi đặc sản ngon không nơi nào sánh được. Thi thoảng, là những biệt thự khang trang, hiện đại, rộng rãi bên những con đường nhỏ trải nhựa phẳng lỳ.
Ở ngôi làng hoang sơ, yên bình ấy, tôi để ý mãi chưa thấy sự thông minh ở đâu. Đem thắc mắc đi hỏi lãnh đạo địa phương, được ông Đoàn Hồng Tươi - Phó Bí thư thị ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Tân Uyên - trả lời thì biết rằng, ý tưởng xây dựng ngôi làng thông minh được hình thành vào năm 2021, sau ý tưởng của lãnh đạo tỉnh Bình Dương về xây dựng thành phố thông minh. “Chưa có tiêu chí, khái niệm gì, điều kiện như thế nào cả, chỉ biết là sẽ gắn với nông thôn mới kiểu mẫu. Chúng tôi cứ mày mò từng bước thôi. Nhưng suốt 2 năm dịch bệnh không làm gì được, dù đề án đã được phê duyệt rồi”, ông Tươi cho biết.
Ra là vậy, nên khi dịch giã được kiểm soát rồi, nhịp sống bình thường mới trở lại, việc bắt tay vào xây dựng làng thông minh đã khởi động trở lại. Theo ông Tươi, bước 1 là việc đầu tư thay toàn bộ đèn thắp sáng bằng đèn led, lắp camera, lắp wifi miễn phí, cài đặt app hỗ trợ sản xuất cho bà con nông dân. Nôm na là như vậy. Và có một điều khá quan trọng để hình thành làng thông minh, để ngôi làng cù lao thuần nông này thực sự là “lá phổi xanh” trong thị xã, đó là những trợ giúp bởi các cơ chế, chính sách, ưu đãi từ tỉnh đến thị xã để “bù đắp” cho người dân không được hưởng lợi từ công nghiệp, để họ chuyên tâm giữ vững làng, gắn với việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Thế nên, “cứ có gì thông mình thì cho vào, cả những gì có lợi, tập trung cho sự phát triển, nâng cao đời sống của nhân dân để dần dần sẽ hoàn thiện tiêu chí của làng thông minh”.
Ông Tươi nói thế có lý do, bởi trong quá trình mày mò, tìm tòi buổi ban đầu, đã có gì làm căn cứ đâu mà rõ ràng, chắc chắn. Chỉ cần rõ ràng ở việc là làng thông minh cần có sự hiện diện của thiết bị thông minh trong những quá trình sản xuất, trong những sản phẩm, dịch vụ, cũng như sự sinh hoạt thông minh. Ví như, chắc chắn lễ hội “Hương bưởi Bạch Đằng” sẽ được hỗ trợ, áp dụng nhiều công đoạn thông minh trong việc quảng bá sản phẩm, hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất phát triển. Tất cả, đều nhằm mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, với sự hỗ trợ tích cực, đắc lực của công nghệ trong mọi lĩnh vực, quá trình, nhất là đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao được bắt đầu từ năm 2019.
Xin được nói thêm rằng, đã có sự ví von cù lao này là “thiên đường bưởi”, bởi điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp. Cũng là có lý, bởi bưởi Bạch Đằng là tên gọi dùng chung cho 5 loại bưởi đặc sản của mảnh đất cù lao màu mỡ phù sa này là bưởi đường da láng (bưởi đường núm), bưởi đường lá cam, bưởi ổi, bưởi thanh và bưởi da xanh. Hơn nữa, toàn xã hiện có khoảng 450ha trồng bưởi, chiếm gần 50% diện tích đất tự nhiên của xã (hơn 1.000ha). Với kinh nghiệm lâu năm, bà con nông dân xã Bạch Đằng đã “điều khiển” để cây bưởi cho thu hoạch đúng vào dịp tết nguyên đán hằng năm, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho cây bưởi, cũng như thu nhập của người nông dân. Điều này càng có cơ sở chắc chắn hơn, khi năm 2011, bưởi Bạch Đằng đã chính thức được công nhận là nhãn hiệu tập thể do Hội nông dân xã Bạch Đằng sở hữu. Và hiện nay, đã có khá nhiều sản phẩm chế biến từ bưởi Bạch Đằng được thị trường, du khách biết đến, quen tên, như: gỏi bưởi, rượu bưởi, nem bưởi, mứt bưởi, tinh dầu bưởi... Và nữa, đến thăm xã Bạch Đằng, du khách không chỉ được tận hưởng sự khác biệt thú vị về môi trường, khí hậu, trải nghiệm đáng nhớ tại các vườn bưởi đặc sản, mà còn có thể tham quan nhiều điểm đến, như: di tích đình Tân Trạch với lễ hội truyền thống Kỳ yên, các ngôi nhà cổ Đỗ Cao Thứa, Dương Văn Hổ...
Bà Võ Thị Bảo Xuyên - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bạch Đằng - cho biết: “xã Bạch Đằng nằm trong hành trình tuyến du lịch xanh của thị xã Tân Uyên và tỉnh Bình Dương. Xã là điểm đến cho khách tham quan trải nghiệm du lịch sinh thái tại các vườn bưởi, thưởng thức những món ăn dân dã và tham quan các di tích lịch sử trên địa bàn. Lễ hội “Hương bưởi Bạch Đằng” được tổ chức 2 năm một lần là cầu nối hiệu quả giúp quả bưởi của địa phương tiến xa hơn, tạo động lực phát triển du lịch sinh thái trên cù lao xanh này”.
Sau này, khi xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, làng thông minh, trục đường chính sẽ được mở rộng thành 9m, có gắn biển như các tuyến phố ở thị xã. Nhưng khác biệt căn bản là dọc các con đường sẽ trồng các loại hoa hai bên, đặc biệt là loại hoa chuông vàng dễ chăm sóc, rực rỡ sắc màu. Và điều đặc biệt, công nghiệp sẽ không hiện diện ở ngôi làng thông minh, để cù lao Bạch Đằng luôn mát xanh giữa bốn bề mênh mông sông nước Đồng Nai trĩu nặng phù sa. Như một “đặc sản” của thị xã Tân Uyên, của tỉnh Bình Dương, không chỉ trong lĩnh vực du lịch sinh thái, mà cả trong phát triển kinh tế - xã hội./.