18/10/2024 | 09:19 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Dân chủ về kinh tế ở Việt Nam: Góp phần vào kết quả của tiến bộ, công bằng xã hội

Vũ Thị Thu Hương
TS, Học viện Tài chính
Dân chủ về kinh tế ở Việt Nam: Góp phần vào kết quả của tiến bộ, công bằng xã hội Người dân làm chủ sở hữu nguồn lực kinh tế và có quyền tự quyết định phương thức sử dụng các nguồn lực, được hưởng thụ kết quả lao động, sản xuất_Ảnh minh họa
Dân chủ về kinh tế là một nội dung hàng đầu trong công cuộc xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Dân chủ về kinh tế vừa là cơ sở, cung cấp những điều kiện vật chất thuận lợi để thực hiện nội dung dân chủ ở các lĩnh vực khác; đồng thời đây cũng là nội dung thể hiện thực chất, mục tiêu của dân chủ một cách rõ nét. Trải qua quá trình thực hiện, dân chủ về kinh tế ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật, góp phần vào những kết quả của tiến bộ, công bằng xã hội.

Góp phần vào những kết quả của tiến bộ, công bằng xã hội

Dưới góc nhìn kinh tế, dân chủ về kinh tế là người dân làm chủ sở hữu nguồn lực kinh tế, người dân có quyền tự quyết định phương thức sử dụng các nguồn lực của mình, đồng thời dân cũng là người được hưởng thụ kết quả lao động, sản xuất, kinh doanh của mình. 

Theo đó, dân chủ về kinh tế đồng nghĩa với người dân có quyền sở hữu, quyền tự quyết và quyền hưởng lợi từ các hoạt động kinh tế của mình.

Mục tiêu của thực hiện dân chủ về kinh tế là phát triển lực lượng sản xuất, không ngừng nâng cao năng suất lao động và cải thiện đời sống của người dân. Trải qua quá trình thực hiện dân chủ về kinh tế, Việt Nam đạt được những kết quả nổi bật.

Thứ nhất, chỉ số tự do kinh tế (EF) của Việt Nam tăng mạnh. Năm 2015, Chỉ số tự do kinh tế của Việt Nam là 51,7, xếp hạng 148 trên thế giới và 32/42 quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương được xếp vào nhóm nước có “tự do kinh tế ở mức thấp”. 

Đến năm 2024, chỉ số EF của Việt Nam là 62,8, xếp hạng 59 trên thế giới và 11/39 quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chỉ số EF của Việt Nam cao hơn mức trung bình của thế giới (58,6) và khu vực (57,4), là năm thứ ba liên tiếp xếp ở nhóm quốc gia có “tự do vừa phải”.

Theo đó, chỉ số EF của Việt Nam được cải thiện ở cả 4 trụ cột lớn: nhà nước pháp quyền, quy mô của chính phủ; hiệu quả của quy định và độ mở của nền kinh tế. Trong đó có những tiêu chí có chỉ số tăng vọt và cao hơn mức trung bình của thế giới như gánh nặng thuế (80,4/100); chi tiêu của chính phủ (87,9/100); sức khỏe chính sách tài khóa (94,6/100); tự do kinh doanh (73,9/100); tự do thương mại quốc tế (79,8/100).

Thứ hai, người dân được tham gia ngày càng nhiều hơn vào quá trình quản trị quốc gia. Theo dữ liệu quản trị quốc gia của Ngân hàng thế giới (WB), chỉ số tiếng nói của người dân và trách nhiệm giải trình được cải thiện theo thời gian. Năm 2010, chỉ số này là 7,58 điểm phần trăm; năm 2020 tăng lên 11,59 điểm phần trăm; năm 2022 là 13,53 điểm phần trăm. 

Điều đó chứng tỏ người dân tham gia ngày càng nhiều và tích cực hơn vào bộ máy quản trị quốc gia, cũng như ý kiến phản biện về các chính sách điều hành của chính phủ.

Mục tiêu cao nhất của thực hiện dân chủ về kinh tế là đạt được tiến bộ và công bằng xã hội. Kết quả đạt được nói trên trong quá trình thực hiện dân chủ về kinh tế đã góp phần vào những kết quả tiến bộ, công bằng xã hội của đất nước.

Một là, hệ số Gini của Việt Nam theo báo cáo của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) trong giai đoạn 2010 - 2022 có xu hướng giảm dần; trong đó giai đoạn 2010 - 2015 giảm nhanh, từ 0,39 xuống 0,35; đến giai đoạn 2015 - 2020 tăng nhẹ lên 0,37 và đến năm 2022 thì giảm nhẹ về 0,36. Dữ liệu này cho thấy, hệ số Gini trong giai đoạn này đều thấp hơn 0,4 - có nghĩa là có sự công bằng trong phân phối thu nhập giữa các nhóm dân cư khác nhau trong xã hội.

Hai là, trong giai đoạn 2010 - 2022, tỷ lệ nghèo của Việt Nam đều giảm liên tục theo nhiều chỉ tiêu đo lường khác nhau. Theo báo cáo của WB, tỷ lệ nghèo nói chung giảm từ 16% năm 2010 xuống còn 6% năm 2016; tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 9% năm 2016 xuống còn 5% vào năm 2020. 

Theo tiêu chí đánh giá nghèo ở các nước đang và kém phát triển của WB, tỷ lệ nghèo ở Việt Nam giảm từ 17% năm 2010 xuống còn 5% năm 2020; chỉ số nghèo đa chiều (MPI) giảm từ 0,035 năm 2016 xuống còn 0,008 năm 2022. Xu hướng này diễn ra ở cả khu vực thành thị, nông thôn và 6 vùng kinh tế của Việt Nam.

Ba là, mức thu nhập bình quân đầu người tăng đáng kể, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có thu nhập bình quân đầu người trung bình thấp. Năm 2000, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng 498,58 USD, xếp thứ 7/11 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 173/200 trên thế giới. 

Đến năm 2022, GDP bình quân đầu người Việt Nam đạt khoảng 4.162,94 USD, xếp thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á và 117/200 trên thế giới. Với con số này, GDP bình quân đầu người Việt Nam năm 2022 tăng 7 bậc so với năm 2021 và 56 bậc so với năm 2000 trên quy mô thế giới.

Bốn là, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam năm 2022 là 0,726, đứng thứ 107/193 quốc gia và vùng lãnh thổ; tăng 0,703 điểm so với năm 2021. Từ năm 1990 đến năm 2022, giá trị HDI của Việt Nam thay đổi từ 0,492 lên 0,726, tăng gần 50%, ví trị xếp hạng từ cuối bảng lên giữa bảng và liên tục tiến bộ trong 30 năm qua. 

Từ năm 2020, chỉ số HDI của Việt Nam lớn hơn 0,7, thuộc nhóm các nước có chỉ số HDI ở mức cao. Điều đáng chú ý là thứ bậc của Việt Nam về HDI cao hơn thứ bậc về GDP bình quân đầu người, nên điều kiện phát triển của con người ở Việt Nam cao hơn một số nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.

Định hướng giải pháp cho thời gian tới

Thành quả đạt được là nhờ sự nỗ lực của nhiều phía, trước hết Đảng và Nhà nước, Chính phủ là nhân tố đi đầu trong việc đưa ra chủ trương, chính sách, thực hiện dân chủ về kinh tế, thực hiện đổi mới. 

Trong giai đoạn 2015 - 2024, Nhà nước nỗ lực hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo lập đầy đủ và đồng bộ các yếu tố của thị trường, các loại thị trường để người dân có thể tự do giao địch kinh doanh trong nền kinh tế thị trường; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền tài sản và các quyền phát sinh từ tài sản của người dân và doanh nghiệp; Đảng và Nhà nước thực hiện chiến dịch chống tham nhũng, tiêu cực, đạt được một số kết quả nổi bật; Nhà nước thực hiện cải cách thủ tục hành chính, thực hiện chuyển đổi số;... tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nhiều chương trình an sinh xã hội, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển giáo dục đào tạo ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn,... được triển khai, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng. Chính sách hỗ trợ cho những đối tượng dễ bị tổn thương được triển khai để phân phối thành quả của quá trình tăng trưởng một cách công bằng, bình đẳng hơn. Nhà nước xây dựng cơ chế huy động nguồn lực của toàn xã hội, đặc biệt là của doanh nghiệp và người dân trong thực hiện xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ đối tượng khó khăn, nhóm yếu thế trong xã hội.

Hệ thống doanh nghiệp thực sự lớn mạnh cùng đất nước cũng có những đóng góp không nhỏ. Hệ thống các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng về số lượng, về quy mô, nâng cao về trình độ công nghệ và sức cạnh tranh, khẳng định tên tuổi của mình trên thị trường quốc tế. Tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo sản phẩm và dịch vụ đạt 83,5% vào năm 2024. 

Các doanh nghiệp đã góp phần đưa hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam đến hàng trăm thị trường trên toàn cầu, thành công trong việc huy động vốn từ thị trường vốn quốc tế dưới hình thức phát hành trái phiếu, hay niêm yết trên thị trường chứng khoán khó tính như Singapore hay Mỹ.

Người dân phát huy quyền làm chủ của mình thông qua phát huy năng động sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm với hoạt động của mình, không ngừng nỗ lực học tập và lao động, tham gia vào các quan hệ kinh tế để tìm kiếm những lợi ích chính đáng. 

Trách nhiệm xã hội của người dân ngày một nâng cao khi tích cực tham gia các hoạt động xã hội và quản lý nhà nước. Văn hóa tự quản, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư và xã hội ngày càng phát triển.

Để tiếp tục phát huy những thành quả trên, thực hiện dân chủ kinh tế trong thời gian tới, cần thực hiện một số định hướng giải pháp sau:

Về phía Nhà nước, nhất quán thực hiện con đường đổi mới kinh tế theo hướng thực hiện quyền tự do kinh tế của người dân ở mức cao hơn thông qua hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. 

Nhà nước cải cách hệ thống pháp luật, cũng như hiệu lực của pháp luật thông qua hệ thống giám sát, hệ thống tư pháp để bảo vệ quyền tài sản và các quyền phát sinh từ quyền tài sản một cách đầy đủ trên thực tế. Trong thời gian tới, cần coi trọng xây dựng cơ chế giám sát chéo hiệu quả bởi người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội để thực hiện và phát huy vai trò làm chủ của người dân.

Nhà nước thiết lập một môi trường kinh doanh tự do thuận lợi, môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng để các doanh nghiệp tự do kinh doanh và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, vươn tầm khu vực và thế giới thông qua gỡ bỏ những rào cản tự do đầu tư, tự do thương mại, tự do tài chính. Những rào cản hạn chế đầu tư, hạn chế di chuyển vốn cần phải gỡ bỏ.

Về phía doanh nghiệp, trên môi trường cạnh tranh bình đẳng, các doanh nghiệp không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua ứng dụng công nghệ hiện đại và phát triển những sản phẩm mới, từ đó mở rộng thị trường, nâng cao vị thế trên thị trường quốc tế.

Về phía người dân, người dân một mặt phát huy tinh thần tự lực, tự cường, không ngừng nỗ lực cố gắng vươn lên hoàn thiện bản thân mình về trình độ nhận thức, kỹ năng, nắm bắt và ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ mới,... để nâng cao năng lực làm chủ của mình; mặt khác, tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, quản lý nhà nước; tích cực tham gia đóng góp ý kiến, phản biện chính sách,... xây dựng được hệ thống chính sách pháp luật phù hợp; tích cực tham gia phòng chống tham nhũng, phát hiện, tố cáo những hiện tượng tiêu cực, nhũng nhiễu, vi phạm quyền làm chủ người dân. 

Đồng thời, nâng cao trách nhiệm xã hội, xây dựng nền văn hóa cộng đồng tương thân tương ái, hỗ trợ giúp đỡ nhau cùng tiến bộ./.

13 September 2024
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 3 Sau