Giải pháp xây dựng và thúc đẩy phát triển hiệu quả kinh tế xanh tại tỉnh Hà Giang
Nguyễn Công TâyMột số vấn đề cơ bản về kinh tế xanh
Phát triển kinh tế xanh để đạt được tăng trưởng xanh đã trở thành xu hướng tất yếu của kinh tế thế giới hiện đại. Tăng trưởng xanh phản ánh cách thức phản ứng của các nền kinh tế trước diễn biến của tình hình biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên; phản ánh các xu hướng tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới với ngành công nghiệp xanh nổi lên như một mũi nhọn, tạo động lực tăng trưởng mới và mang tính cạnh tranh cao; đồng thời thể hiện những nỗ lực của các chính phủ trong tái cấu trúc nền kinh tế hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững.
Trên thế giới có nhiều định nghĩa khác nhau về kinh tế xanh (green economy), trong đó Liên minh châu Âu (EU) cho rằng, “kinh tế xanh là nền kinh tế tăng trưởng thông minh, bền vững và công bằng”; Nhóm Liên minh kinh tế xanh định nghĩa kinh tế xanh là “nền kinh tế tạo ra chất lượng cuộc sống tốt hơn cho tất cả mọi người trong giới hạn sinh thái của Trái đất”; Phòng Thương mại quốc tế xem xét kinh tế xanh từ góc độ kinh doanh và cho rằng: “kinh tế xanh là nền kinh tế mà tăng trưởng kinh tế và trách nhiệm môi trường đi đôi với nhau và tương hỗ cho nhau, đồng thời hỗ trợ quá trình phát triển xã hội”.
Báo cáo của Ủy ban các vấn đề Kinh tế - Xã hội của Liên hợp quốc (UNDESA, 2012) tổng hợp các định nghĩa của nhiều quốc gia và chỉ ra điểm chung mà một nền kinh tế xanh cần hướng tới là việc giảm các tác động tiêu cực của hoạt động kinh tế tới môi trường và xã hội.
Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đưa ra khái niệm về kinh tế xanh: “là nền kinh tế mang lại phúc lợi cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái”. Đây được coi là định nghĩa chính xác và đầy đủ nhất về kinh tế xanh.
Theo đó, kinh tế xanh đơn giản là một nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm tính công bằng về mặt xã hội. Trong nền kinh tế xanh, sự tăng trưởng về thu nhập, việc làm thông qua việc đầu tư của nhà nước và tư nhân cho nền kinh tế làm giảm thiểu phát thải carbon, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học và dịch vụ của hệ sinh thái.
Trong khái niệm về kinh tế xanh của UNEP, “kinh tế xanh” là khái niệm đối lập với “kinh tế nâu”. Kinh tế xanh không chỉ đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế mà còn quan tâm nhiều tới hạnh phúc của con người, công bằng xã hội và các vấn đề môi trường, sinh thái.
Nội hàm của kinh tế xanh bao gồm: phát thải carbon thấp, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo đảm công bằng xã hội. Xét theo lĩnh vực, kinh tế xanh được xuất phát bởi việc tăng cường đầu tư cho các lĩnh vực giúp bảo vệ và phát triển vốn tự nhiên của Trái đất, hạn chế suy giảm sinh thái và các rủi ro về môi trường, bao gồm: năng lượng tái tạo, giao thông phát thải carbon thấp, xây dựng nhà hiệu quả năng lượng, các công nghệ sạch, hệ thống quản lý chất thải tiên tiến, hệ thống cung cấp nước sạch tiên tiến và nông - lâm - ngư nghiệp bền vững (UNEP, 2010).
Đặc biệt, việc đầu tư này cần được hỗ trợ bởi các cải cách về chính sách trong nước, chính sách quốc tế và những nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng của thị trường.
Với những ý tưởng về nền kinh tế xanh, một nền kinh tế vừa thỏa mãn nhu cầu tăng trưởng kinh tế, vừa giải quyết được những thách thức về môi trường đã được nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến từ khá sớm. Trong đó, hầu hết các nghiên cứu đều thống nhất quan điểm, xu hướng phát triển kinh tế xanh tập trung sẽ bám sát 3 trụ cột chính, đó là: công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.
Các nhà nghiên cứu cũng khẳng định khái niệm kinh tế xanh không thay thế khái niệm bền vững, nhưng nó ngày càng được công nhận là mô hình phù hợp, làm nền tảng cho phát triển bền vững. Trong đó tính bền vững là một mục tiêu dài hạn quan trọng, nhưng xanh hóa nền kinh tế là phương tiện đưa mỗi quốc gia đi tới đích phát triển bền vững.
Trong suốt chặng đường hơn 10 năm triển khai và thực hiện kinh tế xanh, với sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước cùng với nhận thức của cộng đồng xã hội về tầm quan trọng của kinh tế xanh, cho đến nay nền kinh tế Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc:
+ Hành vi sản xuất và tiêu dùng có nhiều thay đổi đáng kể và được cải thiện tích cực;
+ Ngày càng có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào việc phát triển kinh tế xanh;
+ Đời sống của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, nhiều khu đô thị nổi lên, đặc biệt là hình thành các vùng nông thôn mới.
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, năm 2021 Việt Nam chịu tác động mạnh mẽ từ đại dịch COVID-19, đặc biệt là hoạt động thương mại và dịch vụ nhưng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn đạt 2,58%, giảm không đáng kể so với năm 2020.
Cơ cấu kinh tế Việt Nam năm 2021 được đóng góp chủ yếu từ khu vực dịch vụ và công nghiệp. So với các năm trước đó, cơ cấu kinh tế Việt Nam năm 2021 có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, xu hướng này phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xanh của Chính phủ.
Đồng hành với quá trình phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam, thời gian qua, Ngân hàng Thế giới đã tích cực hỗ trợ cho Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là việc đầu tư vốn vào các dự án về công nghiệp xanh, năng lượng xanh, phát triển cơ sở hạ tầng, quản lý môi trường đô thị và ứng phó với biến đổi khí hậu. Kể từ năm 1994 cho đến nay, Ngân hàng Thế giới đã cam kết hỗ trợ Việt Nam hơn 25,3 tỷ USD trong phát triển đất nước (The World Bank, 2022).
Việc phát triển kinh tế xanh có ảnh hưởng tích cực đến lao động trong nước, cơ cấu lao động Việt Nam có xu hướng chuyển dịch rõ nét theo hướng phi nông nghiệp. Xu hướng này phù hợp với mục tiêu xanh hóa nền kinh tế, góp phần bổ sung và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho việc ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào phát triển kinh tế quốc gia.
Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của phát triển kinh tế xanh, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã chỉ rõ nhiệm vụ phát triển kinh tế cần gắn với bảo vệ môi trường. Theo đó, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh cụ thể hóa nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường bằng các quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển cho từng ngành, địa phương, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh.
Kết quả quá trình phát triển kinh tế trong thời gian qua của tỉnh Hà Giang ghi nhận nhiều dấu ấn tích cực, song cũng bộc lộ một số hạn chế làm ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế xanh và bền vững. Cụ thể:
Mô hình tăng trưởng nông nghiệp của tỉnh Hà Giang hiện nay còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: quy mô sản xuất hộ gia đình nhỏ lẻ, khó áp dụng các quy trình sản xuất khép kín, quy mô lớn của nông nghiệp xanh, trình độ ứng dụng khoa học và công nghệ của nông dân chưa cao.
Một số địa phương chưa tuân thủ tốt các quy định, quy chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường. Mặc dù trang trại, hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, chế biến nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh có phương pháp, hệ thống xử lý nước thải, chất thải, song phương pháp, phương tiện xử lý còn đơn giản, thô sơ, gây ảnh hưởng tới môi trường.
Tỉnh Hà Giang đặc biệt chú trọng công tác bảo vệ rừng, nhất là đối với khu vực rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Tuy nhiên, việc chuyển đổi đất rừng thành đất canh tác nông nghiệp, trồng cây công nghiệp hoặc nuôi trồng thủy sản, hoạt động khai thác khoáng sản, quá trình đô thị hóa và phát triển cơ sở hạ tầng hoặc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng thời gian gần đây đã dẫn đến việc mất, chia cắt hay phá vỡ các hệ sinh thái, sinh cảnh tự nhiên, làm suy giảm đa dạng sinh học.
Nguy cơ mất rừng, suy thoái rừng còn tiềm ẩn. Ngành lâm nghiệp tỉnh Hà Giang mặc dù có tiềm năng phát triển lớn, có sứ mệnh quan trọng nhưng đang trong tình trạng phát triển chưa bền vững và đóng góp chưa tương xứng cho nền kinh tế - xã hội.
Hiện nay, tỉnh Hà Giang có 36 nhà máy thủy điện đang hoạt động với tổng công suất thiết kế 725,7 MW. So với nhiệt điện, thủy điện cung cấp một nguồn năng lượng sạch, không phát sinh khí thải gây hiệu ứng nhà kính, giải quyết nhu cầu sử dụng điện của địa phương. Tuy nhiên, việc xây dựng nhà máy thủy điện làm nhấn chìm nhiều nguồn thực vật, rừng cây, thay đổi dòng chảy, sạt lở, xói mòn đất.
Tỉnh có 38 mỏ đang hoạt động khai thác, trong đó có 33 mỏ vật liệu xây dựng thông thường, 5 mỏ khoáng sản kim loại; 18 mỏ tạm dừng hoặc dừng hoạt động, trong đó có 12 mỏ khoáng sản kim loại, 6 mỏ vật liệu xây dựng thông thường. Số còn lại đang trong quá trình xây dựng, chưa đủ điều kiện đi vào khai thác.
Mặc dù phần lớn cơ sở sản xuất, khai thác mỏ trên địa bàn tỉnh đã đầu tư thu gom xử lý bùn thải quặng, tuy nhiên, do các nhà máy tuyển quặng thường đặt cạnh dòng suối, ao lắng đắp bằng đập đất nên có những thời điểm xảy ra sự cố tràn bùn thải, nước thải ra suối, ảnh hưởng đến nước phục vụ tưới tiêu và sản xuất nông nghiệp của người dân phía hạ lưu, phát sinh bụi do quá trình vận chuyển. Tình trạng này đòi hỏi tỉnh Hà Giang cần phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng đi mới, ít ảnh hưởng đến môi trường; đẩy mạnh quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường.
Hà Giang có tài nguyên thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, có văn hóa dân tộc độc đáo. Đảng bộ tỉnh Hà Giang xác định phát triển du lịch xanh là một trong những nội dung trọng tâm trong phát triển kinh tế xanh. Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về phát triển du lịch gắn với văn hóa, tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, đẩy mạnh mô hình phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch lịch sử, du lịch tâm linh.
Do đó, lượng khách du lịch đến Hà Giang ngày càng gia tăng. Năm 2023, lượng khách du lịch đến Hà Giang đạt 3 triệu lượt người, tăng 32% so với năm 2022, vượt 20% kế hoạch. Tổng doanh thu du lịch đạt 7.050 tỷ đồng. Hà Giang được công nhận là điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á do Giải thưởng Du lịch thế giới - World Travel Awards (WTA) lần thứ 30 khu vực châu Á và châu Đại Dương bình chọn. Tờ New York Times (Mỹ) xếp Hà Giang vào top 25/52 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới.
Tuy nhiên, kết quả phát triển du lịch ở Hà Giang thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng du lịch của tỉnh.
Một số giải pháp phát triển kinh tế xanh ở tỉnh Hà Giang
Một là, đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức của người dân, doanh nghiệp, hệ thống chính trị về vai trò, ý nghĩa của phát triển kinh tế xanh; tuyên truyền các chương trình, dự án, nhiệm vụ phát triển kinh tế xanh, phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo tồn hiệu quả các loài và nguồn gene, đặc biệt là áp dụng các giải pháp nhằm giảm nhẹ tác động từ sự phát triển kinh tế - xã hội tới các hệ sinh thái, thúc đẩy việc xây dựng và thực hiện các mô hình kinh tế sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên; tuyên truyền về phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, hữu cơ bền vững, công tác bảo vệ rừng, phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững; tuyên truyền các gương điển hình tiên tiến tại các địa phương trong toàn tỉnh.
Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn; giảm thiểu tối đa sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; không săn bắt, vận chuyển, tiêu thụ động vật hoang dã, quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng; không khai thác, đánh bắt, hủy diệt, sử dụng cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên; thả động vật con giống về với tự nhiên... Từ đó, từng bước thay đổi hành vi sản xuất, sinh hoạt của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xanh của tỉnh Hà Giang.
Hai là, trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, hữu cơ, bền vững. Đẩy nhanh tiến độ các dự án trồng rừng, tái tạo rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững. Thực hiện dồn điền đổi thửa và sử dụng đất theo định hướng thị trường để thúc đẩy cơ giới hóa và đa dạng hóa cây trồng, từ đó dẫn đến tăng năng suất.
Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nông nghiệp bằng cách mở rộng hạn điền, cho phép tích tụ đất đai, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp một cách thông thoáng, linh hoạt hơn; nghiên cứu phát triển các mô hình liên kết khác trong nông nghiệp để người nông dân đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Ba là, trong lĩnh vực công nghiệp, cần khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh, bảo đảm dự trữ hợp lý tài nguyên khoáng sản nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế địa phương bền vững; không triển khai mới các dự án khai thác khoáng sản, thủy điện khi chưa đáp ứng đủ các điều kiện về quy hoạch, bảo vệ môi trường. Tăng cường quản lý việc cấp phép, khai thác và chế biến khoáng sản bảo đảm đúng quy định, hạn chế tối đa tác động ô nhiễm môi trường.
Từng bước hạn chế các ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, tạo điều kiện phát triển các ngành sản xuất xanh mới. Khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế, tạo động lực cho tăng trưởng xanh phát triển, trong đó có nội dung thúc đẩy công nghiệp; thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác; kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị của sản phẩm công nghiệp; từng bước chuyển dịch ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản từ quy mô nhỏ mang tính truyền thống sang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, vừa tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, vừa bảo vệ môi trường.
Bốn là, về lĩnh vực du lịch, tiếp tục có giải pháp thực hiện mục tiêu phát triển du lịch xanh, bản sắc với việc phát triển 5 loại hình sản phẩm du lịch: du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, mạo hiểm và thương mại biên giới.
Trong đó, đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, hướng tới danh hiệu “Làng văn hóa du lịch tiêu biểu”; thực hiện tốt chương trình mỗi xã một sản phẩm tiêu biểu; phát huy lợi thế về cảnh quan, giá trị đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn thiên nhiên gắn với các di tích lịch sử, văn hóa,... để hình thành, phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch mạo hiểm, đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước và ngoài nước.
Năm là, thực hiện các quy hoạch gắn với mục tiêu tăng trưởng xanh. Quá trình phát triển đô thị cần gắn liền với các mục tiêu như: hiện đại hóa, tăng trưởng xanh, đô thị thông minh, đô thị có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu...
Quan tâm chỉ đạo, tích cực lồng ghép các mục tiêu phát triển đô thị tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu trong công tác lập Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tại các đô thị trên địa bàn tỉnh.
Xác định rõ vai trò, chức năng của từng đô thị, nhất là các đô thị có vai trò động lực phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bản sắc, thông minh, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu./.