21/11/2024 | 16:47 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Thương mại, thị trường Hà Nội: Từ quá khứ hào hùng hướng tới bản sắc, văn minh, hiện đại

Thanh Bình - Linh Giang
Thương mại, thị trường Hà Nội: Từ quá khứ hào hùng hướng tới bản sắc, văn minh, hiện đại Trung tâm thương mại Vincom Times City (Hà Nội) thu hút đông đảo khách tham quan và mua sắm trong dịp nghỉ lễ_Ảnh: T.T
70 năm trôi qua, từ phở gánh, hàng rong, chợ phiên, chợ cóc ngày đầu giải phóng đến cửa hàng bách hóa, thực phẩm, ki-ốt, các tiệm tạp hóa, công ty cấp 2, công ty huyện, với hệ thống chi nhánh, trạm, trại, cửa hàng phân phối,... của thời bao cấp, đến nay, bộ mặt thương mại và thị trường Hà Nội đã có những đổi thay to lớn.

Dấu ấn qua 70 năm phát triển

Từ một thành phố sau giải phóng (10-10-1954) với diện tích 152km2, dân số 430.000 người, đến nay Hà Nội đã trở thành một đô thị lớn với diện tích 3.359,84km2 (gấp 22,1 lần) vào top 17 thủ đô trên thế giới có diện tích rộng nhất trên thế giới. Năm 2023, dân số đã là 8,6 triệu (chưa tính khách vãng lai, tạm trú...), bằng 35,9% dân số vùng đồng bằng sông Hồng; chiếm 8,5% dân số toàn quốc. Trong đó, dân số thành thị chiếm 49,1% và nông thôn là 50,9%.

Quy mô và dung lượng thị trường không ngừng gia tăng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng từ 206,3 nghìn tỷ đồng năm 2010 lên 377,4 nghìn tỷ đồng năm 2015, cán mốc 800,2 nghìn tỷ đồng năm 2023 (gấp 3,9 lần năm 2010). Giá trị tăng thêm ngành thương mại Hà Nội theo giá hiện hành tăng trưởng mạnh, từ 31,272 nghìn tỷ đồng năm 2010 lên 115,722 nghìn tỷ đồng năm 2015, đạt 149,222 nghìn tỷ đồng năm 2023. Nhờ đó, tốc độ tăng bình quân (giá so sánh 2010) thời kỳ 2011 - 2023 khá cao, đạt 7,6% năm.

Hà Nội đang dần trở thành một “chợ” khổng lồ với mạng lưới khá dày đặc bao gồm 29 trung tâm thương mại; 131 siêu thị (103 siêu thị tổng hợp, 28 siêu thị chuyên doanh) cùng 453 chợ (15 chợ hạng 1, 58 chợ hạng 2, 348 chợ hạng 3) và 1.840 cửa hàng tiện ích; 493 cửa hàng xăng dầu; 415 máy bán hàng tự động; 16.184 website ứng dụng thương mại điện tử,... ở các quận, huyện, trục giao thông.

Thống kê (tính đến năm 2022) cho thấy, toàn thành phố có 58.418 doanh nghiệp thương mại. Số lượng cơ sở kinh tế cá thể phi nông nghiệp hoạt động thương mại trên địa bàn thành phố năm 2022 là 161.684 cơ sở, tăng bình quân 2,17%/năm trong giai đoạn 2011 - 2022. Năm 2023, có 60.692 doanh nghiệp thương mại, tăng 1,04% so với năm 2022. 

Mặc dù đã có những bước tiến khá dài, song nhìn chung Hà Nội vẫn còn ít những doanh nghiệp và hệ thống phân phối đủ mạnh, với khả năng tài chính, mạng lưới kinh doanh, nguồn nhân lực, công nghệ quản lý và điều hành phù hợp với xu thế hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa, đủ khả năng tổ chức, dẫn dắt, điều phối thị trường.

Thương nghiệp tư nhân với số lượng đông đảo các hợp tác xã thương mại và doanh nghiệp góp phần tạo nên sự sống động của thị trường. Tuy nhiên, do quy mô nhỏ bé, phân tán nên hiệu quả và sức cạnh tranh còn yếu, đang là thách thức to lớn khi dịch vụ phân phối mở cửa và hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới...

Bối cảnh mới và những yêu cầu đặt ra

Năm 2045, khi Việt Nam ở một vị thế đất nước phát triển, Thủ đô không chỉ là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, mà phải là một trong các trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Đông Á như khát vọng hùng cường của dân tộc và tinh thần của “Chiếu dời đô” cách đây hơn 1.000 năm. 

Vì vậy, Hà Nội cần đặt mục tiêu ganh đua, cạnh tranh với các thành phố trong khu vực, châu lục như Bangkok (Thái Lan), Manila (Philippines), Jakarta (Indonesia), Thượng Hải (Trung Quốc)...

Tuy nhiên, do tăng trưởng chưa thực sự ổn định, bền vững; khoảng cách giàu - nghèo có xu hướng gia tăng; tình trạng quá tải đối với hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội; khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư trong và ngoài nước; tốc độ gia tăng dân số cơ học vào Hà Nội tăng đều qua các năm và xu thế sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới;... sẽ là những thách thức không nhỏ. Đặt trong tương quan so sánh quốc tế và yêu cầu phát triển trong môi trường cạnh tranh và hội nhập quốc tế, Hà Nội vẫn chưa phát triển đúng tầm, chưa phát huy được tiềm năng và lợi thế.

Hà Nội nghìn năm văn hiến, gắn với những con sông và cảnh buôn bán tấp nập trên bến, dưới thuyền,... cần phải được tái hiện trong cả hiện tại và tương lai.

Với khoảng 9 triệu dân trong hiện tại và tới năm 2030 là 10,5 triệu dân (chưa kể lượng khách vãng lai, tạm trú, tạm vắng), đó là một lợi thế về dung lượng thị trường và về sự “đậm đặc” của nhu cầu. Hà Nội còn nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng - một vùng có số lượng và mật độ dân số lớn nhất so với các vùng khác; cách không xa cửa ngõ của vùng trung du và miền núi phía Bắc - một vùng rộng lớn, còn thưa dân, trình độ phát triển kinh tế và tiêu dùng còn thấp, nhưng chứa đựng quy mô rất lớn nhu cầu tiềm ẩn về hàng hóa và dịch vụ.

Hà Nội là nơi đón đầu luồng hàng hóa từ các tỉnh trung du, miền núi, nơi tiếp nhận luồng hàng nông sản của vùng đồng bằng sông Hồng... - một lợi thế của “điểm nút” giao lưu hàng hóa giữa các vùng và với nước ngoài.
Giải pháp cho thời gian tới

Hà Nội cần hạn chế phát triển kết cấu hạ tầng thương mại trong khu vực nội đô, song hành với những giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng thương mại ở khu vực ngoại ô và các đô thị vệ tinh theo cơ chế “trong đẩy, ngoài hút”. Khuyến khích phát triển cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi tại các chung cư, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kết nối các tuyến giao thông, khu vực nhà ga các tuyến đường sắt đô thị...

Các chợ đầu mối không nên chỉ tập trung ở khu vực cận đô, mà cần phát triển cả ở những huyện có tiềm năng về sản xuất, kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối với nội đô và các vùng phụ cận. Mặc dù chợ truyền thống đang mất một số lợi thế cạnh tranh so với đa dạng hình thức mua bán trực tuyến, nhưng nhìn chung, chợ truyền thống là một nét văn hóa đẹp và không thể hoàn toàn thay thế bởi kênh mua sắm khác. 

Thành phố có thể xem xét bố trí các chợ phiên văn hóa để tạo cái mới mang tính chu kỳ, như chợ phiên mỹ thuật (hàng mỹ thuật, mỹ nghệ, tranh nghệ thuật, đồ trang sức...); chợ phiên đồ gốm sứ, đồ mỹ thuật gia dụng; chợ phiên hàng đan lát, ẩm thực đường phố, ẩm thực biển, cà-phê... Đồng thời, thành phố cần tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp thương mại tham gia sàn giao dịch hàng hóa trực tuyến, sàn giao dịch thương mại điện tử cấp độ vùng và quốc gia.

Việc hình thành các tuyến phố chuyên doanh được đánh giá là cần thiết, nhưng phố phải đi từ nhu cầu thực tế, phải để thị trường quyết định, không nên máy móc và áp đặt và cũng không nên gom tất cả ngành, nghề vào một con đường. Khó khăn lớn nhất trong việc xây dựng phố chuyên doanh trở nên đặc trưng của thành phố là kết cấu hạ tầng tại các phố chưa đồng bộ. Vì vậy, cần phải đưa ra quy chuẩn chung cho các phố chuyên doanh dựa trên nhiều yếu tố.

Có lẽ không ở đâu vỉa hè lại có nét đặc trưng như ở Hà Nội. Việc mất đi những vỉa hè sống động, một trong những tài sản đô thị lớn nhất của Hà Nội, sẽ là vĩnh viễn. Hà Nội cần nỗ lực để bảo vệ vỉa hè rộng rãi cho người Hà Nội được tụ tập, bán mua, ăn uống, gặp gỡ bạn bè... 

Cần quan tâm thực hiện lập quy hoạch thiết kế đô thị quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường từng tuyến phố, tuyến đường, có tính tới các yếu tố thực tiễn trước mắt và lâu dài, phù hợp với đặc điểm của từng khu vực, từng địa bàn cụ thể như khu phố cổ, phố cũ và mới. 

Nghiên cứu áp dụng mô hình quản lý của các nước phát triển như cho phép kinh doanh vỉa hè (có thể tính cả giải pháp cho thuê thu phí theo giờ...). Sau khi có quy hoạch, có sự đồng thuận của người dân thì tiến hành “số hóa” để tổ chức thực hiện. 

Sự kết hợp hài hòa giữa hiện đại hóa và giữ gìn bản sắc văn hóa sẽ giúp Hà Nội không chỉ phát triển về mặt vật chất, mà còn trở nên giàu có về tinh thần.

Bên cạnh đó, thành phố cần chú trọng phát triển kinh tế đêm thông qua các sản phẩm du lịch. Theo đó, các sản phẩm du lịch ban đêm cần được phát triển đa dạng và phải có tính đặc trưng của vùng, miền. Không chỉ tập trung vào giải trí, ẩm thực, mua sắm, mà cần đầu tư vào các trải nghiệm tinh thần, hoạt động thể chất, như team building, thể thao, ngắm cảnh đêm,... và những hoạt động văn hóa nghệ thuật khác. 

Thủ đô cần trở thành điểm đến an toàn, sôi động, hấp dẫn, đặc sắc có thương hiệu về kinh tế đêm, đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách, có năng lực cạnh tranh cao hơn so với các điểm đến khác trong nước và quốc tế./.

11 October 2024
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 3 Sau