12/09/2024 | 09:58 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Hoàn thiện quan hệ sở hữu tư liệu sản xuất để thích ứng với cuộc cách mạng 4.0

TS, Vũ Thị Thu Hương
Học viện Tài chính
Hoàn thiện quan hệ sở hữu tư liệu sản xuất để thích ứng với cuộc cách mạng 4.0 Công nhân làm việc trên dây chuyền tại Nhà máy lắp ráp ô tô Ford Hải Dương_Ảnh: vietnamplus.vn

Quan hệ sở hữu tư liệu sản xuất (TLSX) thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) phải tạo địa bàn cho thành tựu của cuộc CMCN 4.0 được lan tỏa, ứng dụng rộng rãi trong nền kinh tế. Vì vậy, sở hữu nhà nước về TLSX cần tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân ứng dụng công nghệ hiện đại, lấy khu vực tư nhân với các hình thức sở hữu liên kết đa dạng là động lực chủ yếu, thúc đẩy đổi mới công nghệ trong toàn bộ nền kinh tế.

Kết quả nổi bật

Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật hoàn thiện quan hệ sở hữu TLSX, vừa bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, vừa thích ứng với cuộc CMCN 4.0, đạt được những kết quả tích cực.

Một là, đa dạng hóa quan hệ sở hữu. Sở hữu tư nhân từ chỗ được thừa nhận đến chỗ là một động lực quan trọng trong nền kinh tế, chủ trương phát triển kinh tế tư nhân không hạn chế về quy mô, xây dựng những tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại để tăng cường tiềm lực kinh tế vững chắc cho đất nước. Theo đó, nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại được hình thành, mở rộng vai trò đối với nền kinh tế. Giai đoạn 2014 - 2017, tốc độ tăng trưởng hằng năm của top 500 doanh nghiệp (DN) tư nhân lớn nhất Việt Nam đạt 21,8%; xuất hiện những tập đoàn tư nhân ứng dụng công nghệ hiện đại, điển hình là Vingroup, FPT, CMC, VNG...

Hai là, tỷ trọng sở hữu của khu vực kinh tế nhà nước giảm dần, khu vực ngoài nhà nước tăng lên và trở thành khu vực lớn nhất, có đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng kinh tế. Tỷ trọng vốn nhà nước giảm từ 31,7% năm 2015 xuống 24,7% năm 2021 tổng vốn đầu tư; tỷ trọng đóng góp vào GDP của khu vực kinh tế nhà nước giảm từ 25,2% năm 2015 xuống còn 22,4% năm 2021. Cũng trong năm 2021, khu vực ngoài nhà nước đóng góp 57% GDP và 59,5% vốn đầu tư. Sở hữu nhà nước giảm đầu tư vào DN nhà nước, gia tăng đầu tư công tập trung vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng, y tế, giáo dục. Sự phân định chức năng, nhiệm vụ của sở hữu nhà nước và sở hữu tư nhân rõ ràng hơn thông qua Nghị định số 94/2017/NĐ-CP về hàng hóa, dịch vụ độc quyền Nhà nước, nhờ đó môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân bước đầu được hình thành.

Ba là, sở hữu nhà nước được thiết lập trong các lĩnh vực hỗ trợ cho khu vực tư nhân đổi mới công nghệ. Nhà nước tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, thành lập các trung tâm, các quỹ đầu tư để hỗ trợ khu vực tư nhân đổi mới sáng tạo như Trung tâm hỗ trợ Khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (NSSC); Trung tâm Đổi mới sáng tạo về Internet vạn vật (IoT Innovation Hub); Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC).

Bốn là, sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài được tạo điều kiện thuận lợi phát triển và đã tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, hiện đại. Từ năm 2019 đến nay, lượng vốn thu hút mới đều đạt trên dưới 30 tỷ USD/năm, hơn 75% lượng vốn mới đều tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo và nhiều dự án áp dụng công nghệ cao thuộc lĩnh vực bán dẫn, cơ khí chính xác, năng lượng xanh, logistics... Đặc biệt, thu hút được những tập đoàn công nghệ lớn đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam như Samsung, Intel...

Năm là, tỷ trọng sở hữu những sản phẩm có hàm lượng trí tuệ, công nghệ cao, những tài sản sở hữu trí tuệ ngày càng tăng lên. Năm 2015, vốn đầu tư vào nhóm ngành công nghệ cao trong lĩnh vực chế biến, chế tạo là 30,2%, đến năm 2020 tăng lên 34,2%, vốn đầu tư vào nhóm ngành công nghệ thấp giảm xuống, từ 38,6% xuống còn 35,2%.

Tồn tại cần khắc phục

Bên cạnh những kết quả tích cực, hoàn thiện quan hệ sở hữu TLSX để thích ứng với CMCN 4.0 còn có những hạn chế sau

Sở hữu tư nhân phát triển chậm chạp, chưa vững chắc, chưa đáp ứng được vai trò là động lực quan trọng trong nền kinh tế, trong khi sở hữu nhà nước vẫn chiếm giữ tỷ trọng lớn trong nền kinh tế. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2018, DN tư nhân đóng góp 9,1% GDP, còn kinh tế cá thể, tiểu chủ đóng góp 30% GDP. Khu vực nhà nước vẫn chiếm 22,7% vốn đầu tư và đóng góp 22,4% GDP. Việc thoái vốn, rút vốn, cổ phần hóa đối với những đơn vị mà nhà nước không cần nắm giữ quyền sở hữu vốn vẫn diễn ra chậm chạp. Vì vậy, vẫn xảy ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa sở hữu nhà nước và sở hữu tư nhân trong việc cung ứng một số mặt hàng tiêu dùng.

Bên cạnh đó, nguồn lực nhà nước hỗ trợ khu vực tư nhân đổi mới công nghệ đã được thiết lập nhưng quy mô hạn hẹp, ít đa dạng về hình thức và mang nặng tính cấp phát. Nhiều chính sách đề ra không phù hợp với các DN hoặc DN không có khả năng tiếp cận. Chính sách hỗ trợ chưa “trúng” nhu cầu của DN. Điều kiện xét duyệt của các chính sách ưu đãi thường đi kèm quy mô sản xuất lớn và trình độ công nghệ, cho nên chỉ một số những DN lớn mới tiếp cận được chính sách. Điều này vô hình trung tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các DN lớn và các DN nhỏ.

Các hình thức sở hữu liên doanh, liên kết giữa khu vực tư nhân trong nước với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài để lan tỏa ứng dụng công nghệ chưa nhiều, tác động lan tỏa về công nghệ đối với các DN trong nước chưa cao. Một số DN lớn mới tham gia được vào tác động lan tỏa này, còn những DN nhỏ và vừa không đủ năng lực tài chính, công nghệ, nhân lực để tham gia. Hiện chỉ có khoảng 20% số DN nhỏ và vừa tham gia một số chuỗi giá trị toàn cầu, 14% thành công trong việc liên kết với đối tác nước ngoài.

Định hướng đầu tư, đổi mới khoa học công nghệ của nhà nước trong thời gian qua chú trọng quá nhiều đến nghiên cứu triển khai, chỉ một phần nhỏ đầu tư vào mạng lưới chuyển giao công nghệ. Hệ thống tư vấn, hỗ trợ DN, môi giới, nâng cao năng lực cho các DN có nhu cầu, ý định đổi mới công nghệ chủ yếu hoạt động dưới hình thức các trung tâm, tự hạch toán thu chi theo nguyên tắc thị trường nên giá dịch vụ tư vấn khá cao, trong khi chất lượng tư vấn chưa cao. Mạng lưới quỹ đầu tư phát triển, quỹ hỗ trợ DN, quỹ đầu tư mạo hiểm,... đã hình thành nhưng nguồn lực hạn chế, nên chưa đáp ứng đủ nhu cầu rất lớn của các DN có ý định đổi mới công nghệ và phương thức kinh doanh.

Luật sở hữu trí tuệ được triển khai áp dụng song hiệu lực thực thi chưa cao, còn nhiều vi phạm, các chủ thể sáng tạo sở hữu trí tuệ chưa được bảo vệ lợi ích chủ sở hữu. Đây là nguyên nhân chính cản trở các công ty công nghệ tầm cỡ thế giới chuyển giao công nghệ cho các công ty của Việt Nam, do lo ngại bị lộ bí mật và mất bản quyền.

Một số giải pháp

Để thích ứng với tốc độ đổi mới và tiến bộ không ngừng về công nghệ trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0, việc hoàn thiện quan hệ sở hữu TLSX cần thực hiện các giải pháp sau

Thứ nhất, củng cố và phát triển các hình thức sở hữu tư nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân đổi mới công nghệ. Rà soát lại chính sách đối với khu vực tư nhân, gỡ bỏ các rào cản, hỗ trợ nguồn lực khu vực tư nhân đổi mới công nghệ. Đặc biệt là mở rộng và nâng cao năng lực của hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho khu vực tư nhân thông qua nâng cao năng lực quản trị, tiếp cận nguồn lực tài chính, công nghệ và thị trường cho khu vực tư nhân để đẩy mạnh ứng dụng và đổi mới công nghệ.

Thứ hai, đối với sở hữu nhà nước, thu hẹp sở hữu nhà nước vào những lĩnh vực then chốt cần duy trì sở hữu nhà nước để bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. Xác định lại và cụ thể hơn những lĩnh vực nào cần duy trì sở hữu nhà nước, lĩnh vực nào nhà nước chịu trách nhiệm cung ứng nhưng có thể đặt hàng cho khu vực tư nhân sản xuất để gia tăng tính hiệu quả của sở hữu nhà nước. Cùng với đó, đổi mới hệ thống nghiên cứu khoa học của nhà nước theo hướng thu hẹp phạm vi, tăng nguồn lực đầu tư và gia tăng cơ chế áp lực đòi hỏi về chất lượng kết quả nghiên cứu. Đối với hệ thống giáo dục - đào tạo, cần tập trung nguồn lực và nâng cao chất lượng giáo dục sau phổ thông để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Thứ ba, chính sách hỗ trợ các DN đổi mới khoa học công nghệ không nên tập trung vào DN lớn, DN nhà nước, dễ tạo ra tình trạng độc quyền, cạnh tranh bất bình đẳng. Cụ thể, giảm công cụ tài trợ thông qua chính sách thuế, tín dụng; tăng cường hỗ trợ thông qua công cụ cung cấp các dịch vụ tư vấn về quản trị, công nghệ, thông tin thị trường,... để nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của DN trong nước. Mở rộng các hoạt động môi giới, bảo đảm pháp lý liên doanh liên kết giữa các DN trong nước với các DN có vốn đầu tư nước ngoài nhằm lan tỏa công nghệ hiện đại. Đồng thời, tăng cường đổi mới chính sách tín dụng thông qua sử dụng các động sản, các tài sản vô hình làm tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng. Gia tăng nguồn lực và đổi mới phương thức hoạt động của các quỹ đầu tư, quỹ đổi mới khoa học công nghệ, quỹ đổi mới sáng tạo, quỹ đầu tư mạo hiểm với sự góp vốn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước để nâng cao hiệu quả hoạt động./.  Hồ sơ sự kiện số 481, ngày 25-10-2022

6 November 2023
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 Sau