Tỉnh Vĩnh Phúc: Xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội Kỳ cuối: Tăng cường phối hợp, tháo gỡ khó khăn, triển khai đồng bộ
Nguyễn ThếTích cực, chủ động, nhanh chóng triển khai
Tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều ngôi làng cổ kính, giàu bản sắc văn hóa, rợp bóng tre xanh. Làng là một xã hội thu nhỏ, có vai trò quan trọng đối với đời sống, sự phát triển của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội. Từ khi tái thành lập năm 1997, phong trào xây dựng “Làng văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Gia đình văn hóa” được triển khai rộng trên khắp các làng thôn, tổ dân phố trong tỉnh. Năm 2021, tỉnh có 1.161/1.237 (chiếm 93,85%) đơn vị đạt thôn, làng, tổ dân phố văn hóa. Xuất phát từ vai trò truyền thống của làng và để khởi động một mô hình phát triển mới hiện đại, dựa trên bản sắc văn hóa, ngày 16-3-2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Nghị quyết số 19 về “Xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025”.
Sau khi Nghị quyết số 19 được ban hành, các cấp, các ngành và toàn hệ thống chính trị đã tích cực, chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Ngày 5-5-2023, Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc thông qua 2 văn bản quan trọng là Nghị quyết số 06 “Ban hành Quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 - 2030” và Nghị quyết số 08 “Thông qua Đề án xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 - 2030”, trong đó có những quy định cụ thể về phạm vi, nguyên tắc, đối tượng áp dụng và kinh phí thực hiện.
Trên cơ sở Nghị quyết số 19, đồng thời kế thừa và phát huy những thành quả đạt được của quá trình xây dựng “Làng văn hóa” và “Nông thôn mới”, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt Đề án về “Xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 - 2030”. Mục tiêu cơ bản của Đề án là phát triển văn hóa của tỉnh Vĩnh Phúc ngang tầm với sự phát triển của kinh tế, chính trị và xã hội. Xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu còn nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, dịch vụ, thương mại, du lịch, tạo ra những sản phẩm chất lượng, đặc trưng, độc đáo của địa phương, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân.
Với 14 nội dung, tiêu chí thành phần khác nhau, xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu là một nhiệm vụ quan trọng của các cấp, các ngành và toàn bộ hệ thống chính trị. Các sở, ngành của tỉnh chủ động thực hiện nhiệm vụ, đồng thời tăng cường sự phối hợp liên ngành. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc được giao nhiệm vụ là cơ quan thường trực. Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc là đơn vị có trách nhiệm triển khai chính sách hỗ trợ vay vốn cho các hộ gia đình phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Các phòng ban chức năng ở các huyện, thị xã; chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ,... ở các xã, thị trấn đều được phân công những công việc cụ thể.
Một số khó khăn, trở ngại
Xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu ở tỉnh Vĩnh Phúc là mô hình phát triển sáng tạo, đi tiên phong, có sự kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế, văn hóa và xã hội. Đây là địa phương đầu tiên trong cả nước đưa ra mô hình phát triển kinh tế mới, dựa trên cơ sở là lịch sử, truyền thống văn hóa lâu đời ở khu vực nông thôn. Bên cạnh lợi thế, thuận lợi, tỉnh Vĩnh Phúc cũng phải đối mặt với không ít khó khăn.
Do ảnh hưởng của tư duy phát triển lạc hậu và quá trình đô thị hóa không được quản trị một cách khoa học nên phần lớn quy hoạch, cấu trúc không gian làng quê trên địa bàn đều có những hạn chế nhất định. Mặc dù đóng góp tích cực cho quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, song nhìn chung quy hoạch xây dựng nông thôn mới chưa đáp ứng mục tiêu phát triển toàn diện kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực nông thôn. Cấu trúc không gian, cảnh quan trầm mặc, cổ xưa vốn có ở nhiều làng thôn nay thay đổi đáng kể, mất đi bản sắc, hồn quê. Việc duy trì, bảo tồn, khôi phục cảnh quan, hồn cốt của văn hóa, đời sống nông thôn truyền thống gặp khá nhiều khó khăn. Một số di tích lịch sử, văn hóa không được đầu tư, bảo tồn nên bị mai một, xuống cấp. Ở nhiều thôn, thiết chế văn hóa, thể thao còn khá nghèo nàn, đơn điệu.
Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng nông thôn còn thiếu đồng bộ, sơ sài, đặc biệt là hệ thống cửa hàng, kho bãi, khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp, làng nghề, dịch vụ và du lịch. Đường sá nông thôn còn chật hẹp. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững còn hạn chế. Các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động chưa hiệu quả, năng lực quản trị, cạnh tranh còn thấp. Đa số hộ nông dân thiếu kiến thức về phát triển kinh tế nông nghiệp và thiếu nguồn lực mở rộng sản xuất. Đây là những trở ngại đối với quá trình phát triển khu vực nông thôn và xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu.
Xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu là mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội quan trọng, song để bố trí đủ nguồn vốn đầu tư là một vấn đề lớn đối với tỉnh Vĩnh Phúc. Việc đầu tư phát triển, mở rộng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế nông nghiệp, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, hỗ trợ phát triển sản xuất, du lịch,... đều cần khá nhiều kinh phí. Giai đoạn hiện nay, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng lên, nhưng do chiến tranh, xung đột quốc tế nên hoạt động, doanh thu của các doanh nghiệp ít nhiều bị ảnh hưởng. Đại dịch COVID-19 vừa qua, tỉnh đã chi khá nhiều kinh phí cho công tác phòng chống dịch bệnh và hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội. Thêm vào đó, kinh tế của các hộ gia đình ở nông thôn còn khá hạn hẹp, thiếu nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh và du lịch. Vì vậy, hỗ trợ khoản kinh phí phù hợp cho các hộ gia đình phát triển kinh tế và bố trí đủ nguồn vốn đầu tư, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu là một công việc không dễ dàng hiện nay.
Đầu tư, hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời
Trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới đặt ra, tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt việc là bố trí đủ nguồn vốn để hoàn thành mục tiêu của Đề án. Bà Cao Thị Thu Hà - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc - cho biết: “do ý nghĩa, tầm quan trọng của Đề án, tỉnh đã thông qua khoản chi khoảng 3% ngân sách để triển khai thực hiện”. Đây là nguồn kinh phí quan trọng, cần thiết cho các huyện, xã và các hộ gia đình ở các Làng văn hóa kiểu mẫu.
Làng văn hóa kiểu mẫu ở tỉnh Vĩnh Phúc là một mô hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội hiện đại ở khu vực nông thôn. Để phát huy hiệu quả của chương trình, tỉnh Vĩnh Phúc cần bổ sung, đầu tư thêm nguồn vốn, đồng thời ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, hộ gia đình vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển nghề thủ công truyền thống và tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, bản sắc, có sức hấp dẫn... |
Theo Nghị quyết số 06 của Hội đồng nhân dân tỉnh, để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ tối đa là 25 tỷ đồng/làng văn hóa kiểu mẫu cho ủy ban nhân dân huyện, thị xã sở tại. Cùng với đó, tỉnh Vĩnh Phúc còn dành kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình để bảo tồn di sản, bản sắc văn hóa, phát triển mô hình kinh doanh, sản xuất, du lịch, dịch vụ, thương mại. Mức hỗ trợ mô hình siêu thị mini cho hộ gia đình là 200 triệu đồng/siêu thị. Còn mức hỗ trợ cho mô hình điểm du lịch cộng đồng và Farmstay đạt chuẩn là 300 triệu đồng. Đối với trường hợp trùng tu, tu bổ nhà có giá trị kiến trúc, nhà thờ họ tỉnh hỗ trợ 200 triệu đồng/nhà... Ngoài ra, tỉnh còn có chính sách hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân thường trú tại địa phương vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Chính sách này được thực hiện thông qua chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Phúc, mức vay tối đa là 200 triệu đồng/hộ với lãi suất ưu đãi...
Cùng chung tay, góp sức chấn hưng văn hóa, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, người dân ở các Làng văn hóa kiểu mẫu trong toàn tỉnh đều tích cực tham gia, ủng hộ phong trào bằng vật chất, tinh thần và ngày công lao động. Ở Làng văn hóa kiểu mẫu thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường, bằng việc trồng cây cảnh trên các tuyến đường, sơn sửa, chỉnh trang, trang trí tường rào, đường hoa, làm đẹp cảnh quan thôn xóm..., người dân ở đây đã ủng hộ, đóng góp với giá trị quy đổi lên đến trên 2 tỷ đồng.
Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc và triển khai có hiệu quả Đề án Làng văn hóa kiểu mẫu, các sở, ngành đều ban hành văn bản hướng dẫn nội dung, tiêu chí, quy định rõ ràng, cụ thể. Thủ tục hành chính, phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cũng được chính quyền các xã, thị trấn niêm yết công khai, minh bạch. Vì vậy, quá trình triển khai thực hiện Đề án ở các huyện, thị xã, cũng như ở các xã, thị trấn đều diễn ra nhanh chóng, thuận lợi. Ở các huyện có nhiều Làng văn hóa kiểu mẫu như Tam Đảo, Vĩnh Tường, tiến độ thực hiện Đề án đều rất nhanh. Ngày 10-9-2023, thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường đã tổ chức lễ khánh thành Khu thiết chế văn hóa - thể thao diện tích 5.000m2 với đủ 2 lĩnh vực văn hóa và thể thao./.