21/11/2024 | 17:05 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Vượt khó để xây dựng huyện miền núi Quỳ Hợp giàu đẹp, văn minh

Phan Đình Đạt
Bí thư huyện uỷ Quỳ Hợp
Vượt khó để xây dựng huyện miền núi Quỳ Hợp giàu đẹp, văn minh
Là huyện miền núi phía Tây Bắc tỉnh Nghệ An, khi mới thành lập (ngày 19-4-1963), Quỳ Hợp gặp vô vàn khó khăn, thách thức. Với phương châm biến khó khăn thách thức thành lợi thế thông qua hành động cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn huyện đã phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng để xây dựng quê hương đạt được nhiều thành quả đáng trân trọng.

Cam Vinh huyện Quỳ Hợp là địa lý chỉ dẫn cho thương hiệu nổi tiếng _Ảnh: T.Đ.T

Đi lên từ gian khó

Những ngày đầu thành lập, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Quỳ Hợp phải đối mặt với muôn vàn gian khổ, thiếu thốn trăm bề. Quỳ Hợp là huyện vùng cao, địa hình phức tạp, có 3 dân tộc (Kinh, Thái và Thổ) cùng chung sống, các xã đều thuộc vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; điều kiện tự nhiên hết sức khắc nghiệt; quỹ đất sản xuất nông nghiệp manh mún; trình độ dân trí thấp, tập quán sản xuất nông nghiệp chủ yếu là làm nương rẫy, cuộc sống nghèo nàn, lạc hậu và đa số người dân còn mù chữ. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị với đội ngũ cán bộ còn thiếu và yếu, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển. Cũng như nhiều địa phương khác, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Quỳ Hợp thường xuyên phải đối mặt với cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ.

Trong bối cảnh đó, huyện phải thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, vừa sản xuất làm nghĩa vụ hậu phương. Trải qua các cuộc kháng chiến, huyện có 10.250 thanh niên lên đường phục vụ chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, trong đó có 647 người đã anh dũng hy sinh; 2.432 người là thương binh, bệnh binh; 12.312 gia đình có công với cách mạng và 25 Mẹ Việt Nam Anh hùng; nhiều gia đình cựu chiến binh phải chịu hậu quả hết sức nặng nề của chất độc màu da cam. Giai đoạn 1976 - 1985, huyện Quỳ Hợp lại đối mặt với cơ chế cũ quan liêu bao cấp, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội, làm cho đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, cùng với cả nước bước sang thời kỳ đổi mới, huyện đã nắm bắt thời cơ để vươn mình, nhanh chóng xóa bỏ cơ chế cũ, khắc phục những mặt tồn tại, yếu kém.

Nhìn lại 60 năm xây dựng, phát triển, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy Nghệ An và Trung ương, nhiều thế hệ lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Quỳ Hợp đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” để biến đau thương thành hành động cách mạng. Với tinh thần đó, Đảng bộ, chính quyền và các dân tộc huyện không ngừng phát huy đức tính cần cù, chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thử thách để xây dựng và bảo vệ quê hương.

Những dấu ấn đáng ghi nhận

Thực hiện phương châm xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, công tác xây dựng Đảng được Đảng bộ huyện Quỳ Hợp chú trọng phát triển toàn diện trên các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, hệ thống chính trị từng bước được kiện toàn, củng cố, vững mạnh. Cùng với đó, Đảng bộ, chính quyền huyện vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn địa phương, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Đồng thời, đánh thức tiềm năng, lợi thế, huy động nhiều nguồn lực để tổ chức sản xuất, khai thác,... thúc đẩy cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần giá trị công nghiệp, xây dựng cơ bản và dịch vụ thương mại.

Năm 2001, Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và tỉnh Nghệ An chọn huyện Quỳ Hợp xây dựng huyện điểm văn hóa miền núi và dân tộc thiểu số. Nhiều năm qua, huyện Quỳ Hợp là nơi được tổ chức đăng cai nhiều hoạt động văn hóa lớn; các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư, xây dựng; công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cộng đồng các dân tộc được đẩy mạnh; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” mang lại hiệu quả tích cực trên nhiều mặt của đời sống văn hóa - xã hội. Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới làm thay đổi đáng kể diện mạo của địa phương, các công trình trọng điểm được đầu tư xây dựng, hạ tầng nông thôn từng bước được cải thiện; các tuyến đường liên xã được nâng cấp mở rộng... Đến nay, huyện đã có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới và đang xây dựng xã Minh Hợp trở thành xã nông thôn mới nâng cao.

Từ việc xác định phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ là khâu đột phá nhằm chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế và nguồn lực lao động, huyện luôn tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư có năng lực, quy mô lớn. Đến nay, toàn huyện có 6 cụm công nghiệp; 158 xưởng chế biến đá tập trung; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh luôn duy trì sản xuất ổn định, hằng năm giải quyết việc làm cho gần 1.200 lao động. Những năm gần đây, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là đưa giống mới vào sản xuất, chăn nuôi được đẩy mạnh; tổ chức sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp an toàn theo chuỗi giá trị. Các mô hình sản xuất tập trung công nghệ cao, sản xuất hữu cơ được hình thành, phát triển đem lại hiệu quả kinh tế đáng ghi nhận, điển hình, như Nhà máy đường NASU, Công ty trách nhiệm hữu hạn MNS Farm Nghệ An ở Hạ Sơn, Công ty nông - công nghiệp 3/2, Công ty nông nghiệp Xuân Thành, Trang trại cam Phủ Quỳ... Đến nay, toàn huyện xây dựng được 14 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn “3 sao” cấp tỉnh. Đặc biệt, Quỳ Hợp là vùng nguyên liệu lớn phát triển cây có múi và là địa lý chỉ dẫn nổi tiếng với thương hiệu Cam Vinh. Các công ty liên doanh với nước ngoài trên các lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản, khoáng sản ngày càng góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thúc đẩy dịch vụ thương mại phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành dịch vụ giai đoạn 2016 - 2022 (tính theo giá hiện hành) là 7,54%.

Vượt qua bao thăng trầm lịch sử, Đảng bộ, chính quyền huyện Quỳ Hợp đã vận dụng sáng tạo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn, góp phần quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ngày càng toàn diện. Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng luôn duy trì ở mức khá, thu ngân sách hằng năm và thu nhập bình quân đầu người đều tăng, vượt kế hoạch đề ra; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm trên 2%; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống trường học, y tế được quan tâm, đầu tư nâng cấp mở rộng theo hướng đạt chuẩn quốc gia; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao... Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Quỳ Hợp đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý.

Quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh

Những thành quả đạt được của huyện Quỳ Hợp thời gian qua rất đáng ghi nhận, nhưng chưa thực sự tương xứng với tiềm năng. Đến năm 2025, huyện phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 8,5%/năm; thu nhập bình quân đầu người trên 70 triệu đồng/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng “công nghiệp xây dựng, dịch vụ thương mại, nông nghiệp”; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, phục vụ tốt đời sống nhân dân; huyện có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Quỳ Hợp phát huy tinh thần đoàn kết, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, xây dựng hệ thống chính trị các cấp trong sạch, vững mạnh. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp, chuyển từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ nhân dân; nỗ lực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ. Huyện Quỳ Hợp sẽ chú trọng khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế; ưu tiên thu hút đầu tư các dự án có công nghệ hiện đại, có giá trị gia tăng cao; sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ ưu tiên, tạo động lực và sự lan tỏa trong tăng trưởng kinh tế; ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa. Trong đó, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, kiên trì phấn đấu mục tiêu đưa huyện Quỳ Hợp từng bước trở thành trung tâm cây ăn quả của tỉnh Nghệ An; phát huy các tiềm năng về văn hóa du lịch gắn với việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc.

Đảng bộ, chính quyền huyện Quỳ Hợp luôn nhận thức rằng, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, đòi hỏi phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Cùng với việc nhanh chóng xác lập tầm nhìn và tư duy chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện sẽ cùng chung sức, đồng lòng tạo ra thế và lực mới, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc./.

7 June 2023
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 3 Sau