12/09/2024 | 08:49 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Lai Châu: Phát triển đô thị trở thành đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Dũng Minh
Lai Châu: Phát triển đô thị trở thành đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Một góc thành phố Lai Châu_Ảnh: Dũng Minh
Khi tách tỉnh cách đây 15 năm, khó khăn bề bộn, chất chồng, nhưng công tác xây dựng và phát triển đô thị đến nay đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Rút ra những bài học kinh nghiệm, nhận rõ thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức đối với công tác quy hoạch và phát triển đô thị trong thời gian tới; Lai Châu nêu rõ quan điểm, định hướng phát triển cũng như một số nhiệm vụ, giải pháp để việc phát triển đô thị tiếp tục trở thành đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...

Kết quả đáng ghi nhận

Ngày chia tách tỉnh, Lai Châu (mới) chỉ có 5 đô thị (là thị trấn thuộc các huyện Phong Thổ, Tam Đường, Sìn Hồ, Mường Tè và Than Uyên chuyển từ tỉnh Lào Cai về). Cả tỉnh chưa có thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh. Đáng chú ý, các thị trấn này chưa được lập quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết; các đô thị chưa được công nhận hạng đô thị; kết cấu hạ tầng chưa được quan tâm, đầu tư, các đô thị chủ yếu phát triển bám theo trục dọc quốc lộ, tỉnh lộ chạy qua các điểm dân cư tập trung... Diện tích rộng lớn (9.068,788km2, lớn thứ 10/63 tỉnh, thành phố), dân cư thưa thớt (460.196 người, mật độ 49 người/km2, là tỉnh ít dân nhất vùng Tây Bắc), số người sống ở thành thị không nhiều (81.777 người, chiếm 17,8%). Đối với một tỉnh mới được thành lập, công tác quy hoạch và định hướng phát triển đô thị là yếu tố tiên quyết, hết sức quan trọng trong việc triển khai thực hiện, quản lý quy hoạch và phát triển các đô thị trên địa bàn tỉnh, tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, cũng như liên kết các vùng, khu vực trong toàn tỉnh...

Chính vì vậy, ngay từ sau khi chia tách tỉnh, công tác quy hoạch, phát triển đô thị đã được lãnh đạo tỉnh Lai Châu quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát. Lai Châu có sự điều chỉnh địa giới hành chính từng bước, các đô thị cũng được hình thành tại các trung tâm huyện lỵ mới. Ngày 10-10-2004, thị xã Lai Châu được thành lập và đến ngày 27-12-2013 trở thành thành phố.

Lai Châu hiện có 8 đô thị, trong đó 1 đô thị được công nhận loại III (thành phố Lai Châu), 7 đô thị được công nhận loại V (7 thị trấn huyện lỵ là Mường Tè, Nậm Nhùn, Sìn Hồ, Phong Thổ, Tam Đường, Tân Uyên và Than Uyên). Định hướng phát triển trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Lai Châu có 10 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại II là thành phố Lai Châu; 2 đô thị loại IV là Than Uyên và Phong Thổ; 7 đô thị loại V gồm: Tam Đường, Tân Uyên, Sìn Hồ, Mường Tè, Nậm Nhùn, Ma Lù Thàng, Phúc Than.

Ông Nguyễn Văn Nghiệp - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lai Châu - cho biết: 100% các đô thị được lập, phê duyệt quy hoạch chung và cơ bản được rà soát điều chỉnh theo định kỳ; trong đó tỷ lệ quy hoạch chi tiết đạt trên 65%; tỷ lệ đô thị hóa đạt 17,24% (trung bình cả nước là 37,5%); việc thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản theo quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được quy hoạch và đầu tư xây dựng khá nhanh, khang trang, hiện đại, kết hợp với bản sắc văn hóa của từng địa phương, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài. Các khu dân cư mới được đầu tư đồng bộ (về giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước, điện chiếu sáng...); các khu dân cư cũ được sắp xếp lại, cải tạo, chỉnh trang bảo đảm mỹ quan đô thị. Các công trình nhà ở dân cư khi xây dựng cơ bản nhân dân đều xin cấp phép, bảo đảm thủ tục đúng quy định, qua đó nâng cao nhận thức và ý thức của người dân trong việc xây dựng theo quy hoạch, góp phần từng bước hình thành nếp sống văn minh đô thị.

“Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư và cải thiện rõ rệt, nhất là hạ tầng giao thông, với các tuyến quốc lộ 4D, 12, 32 cơ bản đã hoàn thành, các tuyến tỉnh lộ được đầu tư mở mới, cải tạo, nâng cấp; hệ thống đô thị được xây dựng khang trang, hiện đại, đồng bộ. Hạ tầng giáo dục, y tế tiếp tục được đầu tư và hoàn thành nhiều công trình quan trọng”, ông Nghiệp cho biết.

Có thể khẳng định rằng, sau 15 năm tách tỉnh, công tác quy hoạch và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, các đô thị đã trở thành đầu tàu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các khu vực trong tỉnh. Tuy nhiên, những khó khăn vẫn còn và cần tiếp tục tháo gỡ...

Tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội

Với đặc trưng là tỉnh miền núi, điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về nhân lực, vật lực để quy hoạch, đầu tư phát triển đô thị, nên còn một số hạn chế như: chất lượng một số đồ án quy hoạch chưa cao, chưa bảo đảm tính dự báo và khả thi dẫn đến quy hoạch sau khi được phê duyệt phải điều chỉnh tổng thể và điều chỉnh cục bộ nhiều lần, chưa lồng ghép các nội dung về ứng phó với biến đổi khí hậu trong các đồ án quy hoạch, chưa huy động hết sự tham gia của cộng đồng trong việc lập quy hoạch, vì vậy quy hoạch chưa phát huy hết tiềm năng của đô thị; vẫn còn tình trạng một số tổ chức, cá nhân khi xây dựng không chấp hành quy định, thực hiện không theo giấy phép xây dựng, tự cơi nới lấn chiếm vi phạm quy hoạch dẫn đến phá vỡ kiến trúc cảnh quan đô thị, xử lý chưa kịp thời, thiếu kiên quyết; vấn đề môi trường, hệ thống thoát nước, quy hoạch các chợ, quy hoạch nhà văn hóa,... vẫn đang là bức xúc ở một số khu dân cư; cán bộ phát triển đô thị thực hiện công tác thẩm định, quản lý đô thị còn thiếu, lực lượng thanh tra, kiểm tra còn mỏng; cơ chế, chế tài còn chưa đủ mạnh để xử lý các vi phạm...

Bên cạnh đó, theo ông Nghiệp, tỷ lệ đô thị hóa, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp còn thấp; cơ cấu tổ chức không gian hệ thống đô thị chưa hợp lý với địa bàn rộng của tỉnh, mật độ đô thị quá thưa và mỏng, đặc biệt khu vực phía Tây và Nam còn thiếu đô thị làm hạt nhân phát triển kinh tế. “Quy hoạch tỉnh chưa được lập, dẫn đến việc phát triển hệ thống đô thị, khớp nối các quy hoạch ngành còn gặp nhiều khó khăn; nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị còn thiếu, chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước. Chưa có nhiều nhà đầu tư thực hiện các dự án lớn trên địa bàn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, ông Nghiệp cho biết.

Nhìn chung, các đô thị của tỉnh Lai Châu cơ bản là đô thị trẻ, được quy hoạch bài bản ngay từ đầu; các đô thị có điều kiện địa hình, điều kiện tự nhiên đặc trưng của khu vực miền núi phía Bắc, có nhiều cảnh quan đẹp, thuận lợi cho phát triển du lịch. Về quan điểm, tỉnh chủ trương phát triển đô thị phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển đô thị đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động, phân bố dân cư giữa các khu vực đô thị và nông thôn; phát triển đô thị có trọng tâm, trọng điểm bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, nguồn lực đầu tư, quỹ đất xây dựng, đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội, kiểm soát chất lượng môi trường; giữ gìn văn hóa, bản sắc của đô thị miền núi phía Bắc; phát triển đô thị bền vững, thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là hiện tượng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.../.

(HSSK 407: 25/9/2019)

5 September 2023
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 Sau