12/09/2024 | 09:36 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu): Trọng điểm phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Diệu Vân
Huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu): Trọng điểm phát triển nông nghiệp công nghệ cao Chị Tú Anh - nhân viên Công ty Cổ phần Binon Cacao giới thiệu cho du khách dây chuyền sản xuất ca cao tại nhà máy_Ảnh: Ngọc Sơn
Là huyện có lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, thuận lợi cho phát triển các loại cây trồng, vật nuôi, huyện Châu Đức được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định là địa bàn trọng điểm phát triển nông nghiệp. Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, Châu Đức phát triển nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra những sản phẩm chất lượng, mang lại thu nhập bền vững cho nông dân.

Phát triển nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Nhờ có khí hậu và thổ nhưỡng đặc trưng, cây ca cao trồng ở khu vực huyện Châu Đức vừa có năng suất cao, vừa có chất lượng vượt trội. Các chuyên gia đến từ Pháp, Mỹ, Nhật Bản,... đánh giá ca cao Châu Đức mang hương vị rất riêng, thơm ngon hàng đầu thế giới. Nhận thấy lợi thế trên, từ năm 2010, huyện Châu Đức vận động nông dân tham gia các lớp tập huấn áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế UTZ - chương trình hợp tác cùng các thương hiệu hiện có để bảo đảm phát triển bền vững cho chè, ca cao và cà phê. Từ đây, vùng nguyên liệu ca cao tại huyện Châu Đức hình thành, phục vụ hoạt động chế xuất thành ca cao lên men để xuất khẩu. Năm 2011, 122ha ca cao của 195 hộ nông dân trên địa bàn huyện Châu Đức được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn UTZ toàn cầu.

Từ bước đi trên, Châu Đức thu hút các chuyên gia Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với doanh nghiệp ca cao Việt Nam thành lập Công ty Cổ phần Binon Cacao, với mong muốn sản xuất những sản phẩm sạch từ “Farm to Bar” đến với người tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy ngành nông nghiệp ca cao ở địa phương. Theo đó, cây ca cao được canh tác theo mô hình nông nghiệp hữu cơ thay cho phương pháp truyền thống. Không chỉ phát triển thương hiệu các dòng sản phẩm chất lượng cao từ ca cao sạch, được sự hỗ trợ nhiệt tình của huyện, Công ty Cổ phần Binon Cacao còn xây dựng Binon Cacao Park và đưa vào khai thác từ tháng 5-2019 nhằm kết hợp phát triển du lịch nông trại. Đến với loại hình du lịch này, khách tham quan được trải nghiệm, tận mắt thấy quả ca cao trên cây, nếm thử vị chua chua, ngọt ngọt của hạt ca cao tươi, nghe hướng dẫn viên giới thiệu quy trình từ ươm trồng, thu hoạch, lên men, phơi sấy, tách vỏ,... để ra được nhân hạt ca cao, cho đến quy trình sản xuất ra thành bột ca cao và sô-cô-la. Du khách cũng có thể tự tay làm ra những thanh sô-cô-la thơm ngon.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Binon Cacao ông Trịnh Văn Thành cho biết: “thời gian tới, công ty sẽ phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Châu Đức, Ủy ban nhân dân xã Xà Bang mở rộng khuôn viên, kết nối với các nông hộ trồng cây nông nghiệp, cây ăn quả quanh khu vực, xây dựng chuỗi các sản phẩm sạch đạt chuẩn để phục vụ người tiêu dùng. Đồng thời, công ty sẽ không ngừng nỗ lực mở rộng thị trường ca cao của Việt Nam nói chung và thương hiệu ca cao Châu Đức nói riêng vươn tầm thế giới”. Theo ông Nguyễn Tấn Bản - Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Châu Đức - Công viên Ca cao là một mô hình nông nghiệp kết hợp với du lịch. Đây là một trong những sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

Nằm trong chủ trương chung thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó, công nghệ sinh học đóng vai trò chủ đạo, cuối năm 2019, Công ty trách nhiệm hữu hạn Nấm sinh học Việt Nam được thành lập tại thôn Tân Bình, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức. Giám đốc Công ty Trần Tài chia sẻ: “tiềm năng phát triển nấm linh chi tại địa phương rất cao, đây là loại nấm dược liệu, bổ trợ tốt cho sức khỏe. Nắm bắt được nhu cầu thị trường, lại được tỉnh hỗ trợ, có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi về tài chính, nhờ đó doanh nghiệp đã chủ động trong công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất”. Chỉ sau 2 năm hoạt động, công ty sản xuất gần 1 tấn nấm linh chi khô/năm, 250kg nấm đông trùng hạ thảo và cung cấp trên 80.000 phôi nấm ra thị trường. Doanh thu của công ty đạt gần 9 tỷ đồng, lợi nhuận trên 3 tỷ đồng mỗi năm, thu nhập bình quân của người lao động đạt 6 - 8 triệu đồng/tháng. Hiện nay, Công ty xúc tiến liên kết với đối tác Nhật Bản, chế biến ra nhiều sản phẩm từ 2 loại nấm trên như cao, trà, bột thực phẩm dinh dưỡng.


Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trên địa bàn huyện Châu Đức hiện có 63 cơ sở sản xuất trồng trọt đang áp dụng quy trình sản xuất ứng dụng công nghệ cao đối với các loại cây trồng, như cây ăn quả, rau các loại, nấm, cây ăn quả trên quy mô diện tích đất sản xuất là 415,35ha, trong đó có 335,08ha đang cho sản phẩm. Trong chăn nuôi, có 21 trang trại chăn nuôi áp dụng công nghệ cao như chuồng lạnh, hệ thống máng ăn, máng uống tự động.

Phát huy tối đa lợi thế vùng và địa phương

Quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng, huyện Châu Đức đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung chuyên canh. Ông Nguyễn Mạnh Tân - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Đức - cho biết: “Nông nghiệp công nghệ cao được phát triển có hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời bảo đảm vệ sinh môi trường. Theo định hướng về phát triển, huyện đã triển khai những mô hình sản xuất hiệu quả để nhân rộng cho người dân trên địa bàn. Tỉnh định hướng 2 vùng sản xuất, 2 khu nông nghiệp công nghệ cao tại huyện. Đây cũng là cơ sở để huyện kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, triển khai những kỹ thuật, hướng dẫn cho người dân và liên kết với người dân để phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện”.

Theo ông Hoàng Nguyên Dinh - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Châu Đức - huyện sẽ tiếp tục phát triển kinh tế theo cơ cấu “nông nghiệp - dịch vụ - công nghiệp”, trong đó, nông nghiệp vẫn được xác định là mũi nhọn hàng đầu. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện quyết tâm phát triển Châu Đức thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh; huyện phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 40.564 tỷ đồng, tăng trưởng mỗi năm hơn 6,6%; hình thành khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Xuân Sơn (315ha); đến năm 2025 hình thành khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Quảng Thành (400ha) và xã Cù Bị (khoảng 315ha).

Cụ thể hóa mục tiêu này, huyện sẽ tập trung nguồn lực đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư và phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với liên kết 5 nhà “nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - Nhà nước - nhà bank (ngân hàng)” trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu. Huyện cũng chú trọng lựa chọn, ưu tiên các dự án công nghiệp chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; tăng cường sự liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ nhằm phát huy tối đa lợi thế vùng và địa phương./.

HSSK 478 (10/9/2022)

 

20 September 2023
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 Sau