Nghị quyết 162 - “Chìa khóa vàng” để nông nghiệp Quảng Trị cất cánh
Xuân Thức - Tấn Toàn
Kỳ 1: Nghị quyết “đúng” và “trúng”
Nghị quyết 162/2021/NQ-HĐND được ban hành ngày 9-12-2021, với kỳ vọng khơi thông các điểm nghẽn về phát triển một số cây trồng, vật nuôi tạo sản phẩm chủ lực của tỉnh Quảng Trị, nhất là về sơ chế, chế biến, chứng nhận chất lượng sản phẩm, phát triển sản phẩm gắn với công nghiệp chế biến, liên kết theo chuỗi giá trị, chuyển đổi dần từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ đó nâng cao chất lượng, giá trị và tính cạnh tranh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu tái cơ cấu ngành theo hướng xanh và bền vững.
“Bắt mạch” điểm nghẽn để ban hành nghị quyết đúng
Quảng Trị xác định nông nghiệp có vị trí quan trọng trong bảo đảm sự phát triển kinh tế - xã hội. Với nhiều quyết sách đúng - trúng, sự quyết liệt trong lãnh đạo, nông nghiệp Quảng Trị đã có nhiều bứt phá, tuy nhiên bức tranh toàn cảnh về phát triển một số cây trồng, vật nuôi thế mạnh của địa phương tạo sản phẩm chủ lực vẫn chưa khởi sắc, mặc dù trước đó HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐND về hỗ trợ phát triển một số cây trồng, con nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bản tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025.
Mặc dù đã đạt được một số kết quả quan trọng, tuy nhiên thực tiễn cho thấy, Nghị quyết 03 vẫn tồn tại một số hạn chế, như chính sách hỗ trợ thực hiện mô hình tái canh cây cà phê chưa đủ mạnh và phù hợp với tình hình, chính sách hỗ trợ bò giống còn phân tán, manh mún, nhỏ lẻ, chưa tạo được quy mô sản xuất lớn; chính sách hỗ trợ cây cao su, cây gỗ nguyên liệu chưa thực sự đáp ứng kỳ vọng của người sản xuất, do đó chưa thu hút sự tham gia của các tổ chức, hộ gia đình thụ hưởng chính sách; một số địa phương vẫn còn lúng túng trong định hướng, lựa chọn đối tượng cây ăn quả đặc sản, đặc thù,... dẫn đến việc phát triển các cây trồng, vật nuôi tạo sản phẩm chủ lực của địa phương vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, đầu ra chưa ổn định, chưa bền vững dẫn đến không làm chủ được giá cả sản phẩm.
Thực hiện chức năng giám sát, HĐND tỉnh Quảng Trị đã nghiêm túc đánh giá, tích cực rà soát, khảo sát để “bắt mạch” những điểm nghẽn của các nghị quyết trước, tạo cơ sở để ban hành Nghị quyết 162 nhằm khởi thông cho nông nghiệp của tỉnh nhà phát huy được lợi thế, tiềm năng của từng vùng, từ đó tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng của sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh.
Tại kỳ họp thứ sáu, HĐND tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã quyết nghị thông qua Nghị quyết 162/2021/NQ-HĐND về việc ban hành Chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, vật nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Nghị quyết 162 ra đời với mục tiêu khắc phục những hạn chế, tồn tại của các nghị quyết đã và đang thực hiện.
Nghị quyết 162 cũng là bước cụ thể hóa Kết luận số 168-KL/TU, tại Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Đồng thời, nhằm thực hiện 1 trong 4 nhiệm vụ trọng tâm Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII đề ra: “Phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hiệu quả, bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa, ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ, canh tác tự nhiên, công nghệ cao”.
Ông Nguyễn Đăng Ánh - Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh Quảng Trị - cho biết: “Nghị quyết 162 ra đời nhằm bổ khuyết những tồn tại, hạn chế của các nghị quyết trước, đặc biệt là Nghị quyết 03 về hỗ trợ một số cây trồng, vật nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017 - 2020. Trước khi ban hành Nghị quyết số 162, HĐND đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn đánh giá toàn diện quá trình tổ chức thực hiện các chính sách của địa phương, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho việc điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chính sách cho giai đoạn mới”.
Nghị quyết 162 tiếp tục xác định sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và nước ngoài gồm “6 cây, 2 con”, bao gồm: cà phê, hồ tiêu, một số loại cây ăn quả chính, lúa, dược liệu, trồng rừng nguyên liệu chất lượng cao; nuôi bò, nuôi tôm công nghệ cao để triển khai chính sách hỗ trợ với chuỗi giá trị sản phẩm liên kết từ sản xuất đến chế biến, bảo quản, thị trường phân phối tiêu thụ, chính sách tín dụng...
Điểm mới của Nghị quyết 162 là tăng cường hỗ trợ phát triển sản xuất, tính liên kết gắn với công nghiệp chế biến và chuỗi giá trị nhằm mục tiêu tiếp tục phát triển kinh tế nông nghiệp sâu hơn với chuỗi giá trị có tính liên kết với chất lượng sản phẩm được chứng nhận. Từ đó, đưa các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh tăng tính cạnh tranh, tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn cho nền kinh tế nông nghiệp tỉnh.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 162 được điều chỉnh thực hiện một lần tối đa từ 50% - 70% chi phí giống, vật tư nông nghiệp thiết yếu trong trồng trọt; hỗ trợ 30% - 50% chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng.
“Quả ngọt” từ một chủ trương đúng
Sau gần 3 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết 162 đã bước đầu cho thấy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp chủ lực trên địa bàn theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp đạt các chứng nhận quản lý chất lượng theo hướng tập trung, hàng hóa, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo chuỗi giá trị.
Chia sẻ về hiệu quả của chính sách, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đánh giá: “Nghị quyết 162 là một chủ trương lớn của tỉnh Quảng Trị. Sau 3 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết đã hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp chủ lực trên địa bàn theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp thông minh, chuyển từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang kinh tế nông nghiệp sản phẩm, nông nghiệp đạt các chứng nhận quản lý chất lượng theo hướng tập trung, hàng hóa, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo chuỗi giá trị. Để Nghị quyết tiếp tục phát huy hiệu quả, trong năm 2024, tỉnh đã bố trí 9,799 tỷ đồng cho các đơn vị, địa phương thực hiện chính sách”.
Sau khi Nghị quyết 162 ra đời, các địa phương trong tỉnh đã nhanh chóng ban hành đề án thực hiện; chỉ đạo các xã, thị trấn thông tin, tuyên truyền đầy đủ, kịp thời về nội dung, các tiêu chí cụ thể của nghị quyết để người dân nắm rõ các nội dung đề án, đăng ký tham gia. Nhiều địa phương đã thành lập hội đồng thẩm định, tổ chức tập huấn kỹ thuật, thủ tục cho các hộ dân đăng ký tham gia thực hiện nghị quyết.
Huyện Gio Linh là một trong những địa phương triển khai có hiệu quả việc hỗ trợ dự án lúa sản xuất theo tiêu chuẩn lúa hữu cơ và canh tác tự nhiên, nuôi tôm công nghệ cao theo Nghị quyết 162. Từ mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn ban đầu, các hộ gia đình đã chủ động nhân rộng thêm ra 2 mô hình nuôi tôm khép kín có sản lượng, năng suất hằng năm trên 100 tấn, tạo được các vùng nuôi tôm chủ lực trên địa bàn huyện. Tại 2 huyện Vĩnh Linh và Triệu Phong, các hộ thực hiện dự án nuôi tôm đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng hệ thống ao nuôi, ao ươm đảm bảo quy mô kỹ thuật nuôi từ 2-3 giai đoạn ứng dụng công nghệ cao.
Đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.784ha cây trồng có liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm với 11.104ha sản xuất theo tiêu chuẩn, 346,58ha lúa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ và canh tác tự nhiên, 502ha sản xuất theo hướng hữu cơ và 94,3ha theo hướng VietGap; cây ăn quả đặc sản đạt hơn 50ha; hồ tiêu, cà phê và dược liệu hơn 300ha. Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất được áp dụng, mang lại hiệu quả tích cực đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng và giá trị nông sản của địa phương.
So với các nghị quyết nông nghiệp trước đây, Nghị quyết 162 bước đầu được đánh giá đạt hiệu quả với các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, tạo ra những sản phẩm sạch từ nguồn cây trồng, con vật chủ lực của tỉnh. Đây là kết quả quan trọng, là tiền đề giúp khai phóng sản xuất nông nghiệp, mở ra cơ hội thúc đẩy phát triển chuỗi nông sản hàng hóa của các địa phương trong tỉnh./.
Kỳ 2: Hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững