21/11/2024 | 14:37 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Nghị quyết 162 - “Chìa khóa vàng” để nông nghiệp Quảng Trị cất cánh - Kỳ 2: Hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững

Xuân Thức - Tấn Toàn
Nghị quyết 162 - “Chìa khóa vàng” để nông nghiệp Quảng Trị cất cánh - Kỳ 2: Hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp thành công mang lại thu nhập cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân Quảng Trị_Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn
Sau 3 năm thực hiện, Nghị quyết 162 đã khuyến khích, định hướng giúp nông dân Quảng Trị từng bước thay đổi sản xuất theo hướng hữu cơ, tạo ra những sản phẩm có thế mạnh cạnh tranh để tiếp cận thị trường. Qua đó, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, mang lại thu nhập cao cho người nông dân.

Đổi thay cuộc sống người dân

Là hộ dân tiên phong, tích cực tham giam mô hình sản xuất lúa hữu cơ khi Nghị quyết 162 được thực hiện, đến nay hộ ông Nguyễn Văn Thạch (thôn Xuân Hoà, xã Trung Hải, huyện Gio Linh) đã có 0,6ha diện tích trồng lúa hữu cơ. 

Sau khi thực hiện gieo trồng theo quy trình sản xuất lúa hữu cơ, năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế tăng theo vụ và vượt trội so với canh tác bình thường (chủ yếu sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để diệt cỏ, phòng trừ sâu bệnh). Năm 2024, năng suất bình quân vụ lúa đông xuân đạt 5,0 - 5,6 tấn/ha, vụ hè thu đạt 6,6 - 7,0 tấn/ha.

Ông Thạch chia sẻ: “được sự hỗ trợ, tư vấn định hướng các của các cơ quan chuyên môn, ban ngành, trong quá trình tham gia mô hình lúa hữu cơ, chúng tôi dần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp. Quá tình trồng lúa hữu cơ được Tổng công ty thương mại Quảng Trị hỗ trợ công chăm sóc, phân bón và thu hoạch lúa tươi theo giá công ty cam kết, người dân ko phải bỏ công để gặt, phơi và cất giữ. Đất canh tác theo hướng hữu ngày càng được cải tạo, tơi xốp”.

Ông Phan Văn Hòa - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gio Linh - chia sẻ: mô hình áp dụng theo quy trình sản xuất lúa hữu cơ ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đã giảm chi phí nhân công, tăng hiệu quả kinh tế, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe con người, nâng cao giá trị nông sản; xử lý gốc rạ trên đồng ruộng bằng các chế phẩm vi sinh để trả lại hữu cơ cho đất, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái

Huyện Gio Linh hiện có quy mô sản xuất lúa hữu cơ đạt 130ha, với tổng kinh phí thực hiện 1,8 tỷ đồng. Đến nay, huyện vẫn tiếp tục duy trì các mô hình sản xuất lúa hữu cơ đã thực hiện trước năm 2022, như mô hình sản xuất lúa hữu cơ ở Hợp tác xã Phước Thị do Tập đoàn Đại Nam - Nhà máy sản xuất phân bón Obi Ong biển - liên kết thực hiện.

Từ năm 2022, huyện tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, diện tích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ ngày càng tăng, từ 25ha được thực hiện ở Hợp tác xã Phước Thị, trong 2 năm (2022 - 2023) diện tích canh tác đã tăng lên gần 170ha do các hợp tác xã (Cẩm Phổ, Lại An, An Mỹ, Lan Đình, Quang Hạ, Xuân Hòa...) liên lết với Công ty cổ phần nông sản hữu cơ Quảng Trị, Công ty cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị, Tổng công ty Sông Gianh.

Các mô hình liên kết phát triển sản xuất lúa theo hướng hữu cơ mang lại hiệu quả cao. Năng suất lúa bình quân đạt trên 65 tạ/ha; doanh nghiệp thu mua lúa tươi ngay tại ruộng hoặc lúa khô với giá thỏa thuận từ đầu vụ, người sản xuất thu nhập 65 - 78 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí có lãi gần 30 triệu đồng/ha, cao hơn canh tác thông thường 7 - 10 triệu đồng/ha; thông qua chuỗi liên kết, nông dân có đầu ra ổn định, không bị tư thương ép giá.

Gio Linh cũng là địa phương có nhiều hộ dân tham gia thực hiện dự án nuôi tôm đang tiến hành xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng hệ thống ao nuôi và tiến hành thả nuôi. Quy trình nuôi tôm nhiều giai đoạn (2 - 3 giai đoạn) có nhiều ưu điểm hơn so với quy trình nuôi 1 giai đoạn truyền thống, đó là: tiết kiệm thức ăn, hóa chất xử lý nước; kích cỡ tôm thu hoạch lớn, năng suất cao hơn 4 - 5 lần so với nuôi tôm bình quân (năng suất nuôi tôm thẻ bình quân khoảng 5 tấn/ha trong khi đó nuôi theo quy trình 2 - 3 giai đoạn đạt 25-30 tấn/ha); quản lý môi trường ao nuôi, nhất là xử lý chất thải và khí độc trong ao nuôi. Mặt khác, thời gian nuôi 1 vụ của các ao không quá 2 tháng, ao nuôi được luân chuyển theo hình thức cuốn chiếu nên tăng số vụ nuôi trong năm.

Sở hữu diện tích trang trại 7.880m2, trong đó diện tích mặt nước 3.800m2, sau khi tìm hiểu về mô hình nuôi tôm ở nhiều địa phương, năm 2022, anh Trương Quang Nhật Thắng (thôn Mai xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh) đã đầu tư xây dựng trang trại nuôi tôm công nghệ cao. 

Đăng ký tham gia Nghị quyết 162, sau khi thực hiện các bước theo quy trình nuôi tôm công cao dưới sự giám sát, hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, phòng chuyên môn của huyện và chính quyền địa phương, vụ tôm đầu tiên anh đạt sản lượng 8 tấn/vụ, lợi nhuận đạt 800 triệu đồng. 

Mô hình thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, quản lý được dịch bệnh, đạt hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, nguồn vốn từ Nghị quyết 162 giúp anh tiếp cận được với nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao mới, cách thức nuôi tôm công nghệ, quá trình xử lý nguồn nước.

“Với những tác động tích cực từ chính sách của các Nghị quyết mang lại đã góp phần giúp ngành nông nghiệp của tỉnh đạt được những kết quả tích cực, đưa tốc độ tăng trưởng bình quân khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2021 - 2023 đạt 3,23%, 9 tháng đầu năm 2024 đạt 3,54%”, ông Hồ Xuân Hòe - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị - nhận định.

Cần cú hích đủ mạnh

Bên cạnh những tín hiệu khả quan ban đầu, Nghị quyết 162 cũng đã bộc lộ nhiều điểm chưa phù hợp. Các mô hình phát triển muốn phát huy được hiệu quả và nâng cao chất lượng vẫn còn nhiều chuyện phải bàn, nhất là bài toán về cơ chế, chính sách mang tính đột phá hỗ trợ người dân.

 Việc xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, do chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia nên khó triển khai thực hiện. Thị trường tiêu thụ không ổn định, chi phí đầu vào tăng, giá thành sản xuất tăng trong khi giá bán sản phẩm của người chăn nuôi ở mức thấp kéo dài; dịch bệnh diễn biến khó lường và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, ảnh hưởng hoạt động sản xuất chăn nuôi; xử lý môi trường chăn nuôi còn bất cập, áp lực chi phí môi trường tăng cao...

Chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu quy mô chăn nuôi; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức. Chưa có các doanh nghiệp lớn đủ khả năng liên kết bao tiêu sản phẩm bò thịt cho các hộ chăn nuôi. 

Những năm gần đây, dịch bệnh đối với tôm xảy ra nhiều, rủi ro rất cao, giá bán không ổn định; suất đầu tư lớn trong khi đó để nhận được số tiền Nhà nước hỗ trợ sau đầu tư, hộ dân phải mất nhiều chi phí, thủ tục hoá đơn giá trị gia tăng...

Hệ thống giao thông nội đồng phục vụ sản xuất lúa hữu cơ chưa đáp ứng nhu cầu cơ giới hóa trong vùng sản xuất lúa hữu cơ (vận chuyển phân hữu cơ, vận chuyển mạ để cấy...) làm phát sinh, tăng chi phí sản xuất. 

Vùng sản xuất còn nhiều ô, thửa (do sở hữu của nhiều hộ) ảnh hưởng lớn đến áp dụng cơ giới hóa và quản lý điều hành sản xuất. Cơ sở bảo quản, chế biến tại địa bàn mới hình thành, còn hạn chế công suất nên dễ bị thất thoát sau thu hoạch khi gặp điều kiện bất lợi của thời tiết.

Để khắc phục những tồn tại của Nghị quyết 162, HĐND cần thực hiện hiệu quả hơn nữa chức năng giám sát, khảo sát nhằm nắm bắt thông tin từ các địa phương thông qua những kỳ họp, báo cáo của các địa phương, kiến nghị của cử tri trên địa bàn tỉnh, đồng thời tổ chức giám sát chuyên đề tại các địa phương thụ hưởng chính sách của nghị quyết để kiến nghị với Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành liên quan để kịp thời tháo gỡ những “nút thắt” của chính sách trong quá trình triển khai thực hiện./.

Kỳ cuối: Để nông nghiệp Quảng Trị cất cánh

Chủ đề: Nghị quyết 162
29 October 2024
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 3 Sau