18/10/2024 | 09:27 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Thành phố Hồ Chí Minh - những hy vọng mở ra từ cơ chế đột phá

Khánh Linh
Từng là đầu tàu trong công cuộc đổi mới đất nước, Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) dường như thiếu động lực để phát triển suốt một thời gian dài. Nghị quyết số 98/2023/QH15, Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 98) đang thổi một luồng sinh khí mới vào Thành phố, mở ra những hy vọng mới về một sự phát triển đột phá trong tương lai gần.
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh_Ảnh: TL
Đáp ứng nhu cầu cấp bách của Thành phố Hồ Chí Minh

Nằm trong top 20 thành phố đông dân nhất thế giới, là 1 trong 2 đầu tàu kinh tế chủ lực của đất nước, TPHCM từng có những sáng kiến đột phá, góp phần to lớn đưa đất nước thoát ra khỏi cơ chế kinh tế bao cấp ở thập niên 80 của thế kỷ XX. Tuy nhiên, khoảng 20 năm trở lại đây, Thành phố dường như “giậm chân tại chỗ”, ít dần những sáng kiến vượt trội xứng tầm.

Với quy mô kinh tế lớn nhất nước, chiếm khoảng 16 - 17% GDP, đóng góp 26 - 27% tổng thu ngân sách nhà nước, 1/3 tổng số lượng doanh nghiệp cả nước, TPHCM như một “người khổng lồ” với hàng loạt tiềm năng, lợi thế nhưng chưa được phát huy, khai thác đúng mức. Nhiều chuyên gia cho rằng “chiếc áo quá chật” đang bó buộc Thành phố này và Thành phố cần một chiếc áo mới, rộng rãi, phù hợp hơn để có thể giải được hệ phương trình đa biến kinh tế, xã hội, quản lý đô thị, môi trường,... đang thách thức. Nói cách khác, Thành phố cần một cơ chế đột phá, đủ vượt trội để tái khởi động lại đầu tàu, lấy lại vai trò mà nó đã từng đảm nhiệm suốt thời kỳ đầu Đổi mới.

Ý thức được tầm quan trọng của việc phải có cơ chế đột phá, chính quyền Thành phố và đông đảo các nhà khoa học trên địa bàn cũng như cả nước luôn trăn trở để có những đề xuất “đầy táo bạo nhưng cũng phải đủ vững chắc” trình Trung ương. Qua rất nhiều các hội thảo, các kỳ hội họp, nhiều sáng kiến được đưa ra nhằm đi tới một đề xuất tổng thể về cơ chế đột phá giải tỏa những bó buộc cho Thành phố phát triển.

Ngày 24-6-2023, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 98/2023/QH15, Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Nghị quyết này thay thế cho Nghị quyết số 54/2017/QH14 từ lâu đã tỏ ra có nhiều bất cập đối với kinh tế và quản lý đô thị TPHCM. Nghị quyết 98 có 44 cơ chế, chính sách với 7 lĩnh vực, được chia thành 2 nhóm, gồm những cơ chế, chính sách kế thừa Nghị quyết 54 của Quốc hội và những cơ chế, chính sách mới.

Nhiều cơ hội cho phát triển bền vững

Trong số các cơ chế đột phá từ Nghị quyết 98, mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD) được kỳ vọng nhiều nhất. Đây là lần đầu tiên việc quy hoạch phát triển có một nền tảng chiến lược, giúp Thành phố sử dụng tối đa không gian dọc các tuyến đường trọng yếu như tàu điện nội đô, đường Vành đai 3... Nghị quyết 98 cho phép TPHCM phân bổ ngân sách để triển khai các dự án đầu tư công độc lập, bao gồm bồi thường giải tỏa, hỗ trợ tái định cư, đẩy nhanh các dự án đầu tư vùng phụ cận các nhà ga thuộc tuyến đường sắt nội đô, các khu đất tiệm cận các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3, tiến hành thu hồi đất, bố trí tái định cư tại chỗ và tạo quỹ đất sạch chuẩn bị sẵn cho các nhà đầu tư có tiềm năng thực hiện các dự án phát triển đô thị.

Nghị quyết 98 cũng cho phép TPHCM được chủ động quy định quy mô và áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đối với các dự án trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, được áp dụng hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) đối với dự án công trình đường bộ hiện hữu, cũng như các dự án xây dựng - chuyển giao (BT) thanh toán từ ngân sách. Thành phố cũng được sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ liên vùng, tạo kết nối vùng và hỗ trợ các địa phương khác trong vùng.

Bên cạnh đó, TPHCM được chủ động điều chỉnh quy hoạch xây dựng đô thị và cấp giấy phép xây dựng có thời hạn các công trình công cộng (nhà ở, sân bãi để xe, nhà vệ sinh công cộng) trên đất do Nhà nước quản lý. Thành phố cũng được thu tiền duy tu, tái tạo cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất từ các doanh nghiệp trong khu.

Không chỉ đột phá về cơ chế phát triển hạ tầng, Nghị quyết 98 còn mở ra cho TPHCM cơ hội khơi thông các nguồn lực phát triển khác như tài chính, môi trường, khoa học - công nghệ. Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) được phép tăng vốn điều lệ từ việc bán cổ phần các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do thành phố chủ sở hữu, được hỗ trợ lãi vay đối với các khoản cho vay để thực hiện các dự án đầu tư thuộc diện ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố.

Nghị quyết 98 ghi nhận nguồn thu từ mua bán tín chỉ carbon thuộc về ngân sách thành phố, cho phép các mái nhà của trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của thành phố được lắp đặt pin Mặt trời nhằm cung cấp điện phục vụ cho hoạt động của trụ sở. Nghị quyết còn khuyến khích, hỗ trợ chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch, đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện giao thông mới, phát triển giao thông công cộng để giảm bớt khí thải và hạn chế ùn tắc giao thông.

Thành phố còn được miễn, giảm thuế thu nhập đối với các cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, được quy định về các chính sách thu hút, đãi ngộ và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp phát triển khoa học - công nghệ.

Nghị quyết 98 cũng mở ra cơ hội to lớn cho nhà ở xã hội. Thành phố được bố trí quỹ đất nhà ở xã hội trong phạm vi dự án nhà ở thương mại, được quy định các loại đất cụ thể để phát triển nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, Sở An toàn thực phẩm được thành lập để quản lý, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch, thanh tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm.

Chính quyền thành phố được kiện toàn

Để biến những cơ hội to lớn nói trên thành hiện thực, ngoài cơ chế chính sách còn cần một chính quyền vững mạnh. Nghị quyết 98 dành nhiều điều khoản cho việc tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm và tăng cường năng lực bộ máy chính quyền Thành phố. Nhiều người kỳ vọng cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm có thể biến Thành phố thành “chiếc hộp thử nghiệm”, mạnh dạn đưa ra những cơ chế, chính sách đột phá tiên phong cho cả nước.

Về mặt tổ chức, Nghị quyết cho phép Chủ tịch Ủy ban nhân dân TPHCM được ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan hành chính khác thuộc Ủy ban, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban được quyết định cơ cấu số lượng cán bộ, công chức tại các phường, xã, thị trấn; quyết định số lượng, chức danh, chế độ chính sách của người hoạt động không chuyên trách tại các phường, xã, thị trấn, bảo đảm tinh gọn tổ chức bộ máy. Được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân TPHCM. Nghị quyết cũng quy định số lượng cấp phó của ủy ban nhân dân các cấp, tăng cường tính chủ động và bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của Thành phố.

Người dân TPHCM và cả nước hy vọng, cơ chế đột phá có được từ Nghị quyết 98 sẽ mở ra những cơ hội mới cho thành phố vươn lên, xứng đáng với thương hiệu “đầu tàu kinh tế” của đất nước./.

5 August 2023
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 3 Sau