18/05/2024 | 23:30 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

“Thế giới không phẳng” và ứng phó của Việt Nam

DOÃN CÔNG KHÁNH
“Thế giới không phẳng” và ứng phó của Việt Nam Việt Nam cần nâng cấp, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, rà soát chế tài đối với hàng nhập khẩu, tiến tới loại bỏ việc nhập khẩu công nghệ cũ, lạc hậu_Ảnh: thanhnien.vn
Mặc dù được dự báo khá lạc quan, song xu thế phát triển kinh tế, thương mại thế giới những năm gần đây không diễn ra như kỳ vọng. Hàng loạt rào cản như Cơ chế Điều chỉnh Carbon biên giới (CBAM), Quy định về Chống phá rừng của EU (EUDR),... đang gia tăng sức ép lên hoạt động kinh tế, thương mại nước ta. Để ứng phó với những biến đổi khó lường của tình hình kinh tế thế giới, Việt Nam cần có những chính sách kinh tế tích cực, chủ động.

Hiện tượng tái toàn cầu hóa

 “Thế giới phẳng” - tên một cuốn sách của Thomas L. Friedman xuất bản năm 2005 - đã trở thành thuật ngữ quen thuộc chỉ sự biến đổi kinh tế - xã hội diễn ra trong thế giới hiện đại. Với sự phát triển của 10 thành tố lớn như kinh tế, khoa học, công nghệ..., thế giới đương đại trở nên “phẳng” hơn bao giờ hết, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, những diễn biến trong năm 2023 cho thấy, sự hồ hởi, chào đón về tự do thương mại, với dự báo rằng, sẽ làm cho “thế giới phẳng” hơn, mà Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) lấy làm nền tảng, đã không diễn ra như mong đợi. Thực tế cho thấy, kinh tế, thương mại thế giới có biểu hiện ngày càng bị chính trị hóa. Kinh tế toàn cầu năm 2024 tiếp tục đối diện với những rủi ro, bất định, khó lường do có quá nhiều bất ổn diễn ra. Những dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) được công bố vào tháng10-2023 cho thấy, kinh tế toàn cầu năm 2024 có thể sẽ chỉ đạt mức 2,9%. WTO dự báo, GDP toàn cầu sẽ giảm 5% trong dài hạn và có thể sẽ giảm thêm 12% ở các quốc gia chậm phát triển nếu thế giới tách thành 2 khối thương mại.

Trên bình diện chung, có 2 xu hướng đang nổi lên: chuỗi cung ứng dịch chuyển đến các nước được xem là an toàn về chính trị và kinh tế, ít rủi ro (friend-shoring) và chuyển dịch đầu tư về bản địa (reshoring) hay về các vùng xung quanh “mẫu quốc” (nearshoring). Theo The Economist, xu hướng “friend-shoring”, cũng tương tự như “nearshoring”, với mục tiêu là tăng cường an ninh thương mại, song hiệu quả lại cần phải bàn luận khi nơi sản xuất hàng hóa được quyết định bởi yếu tố chính trị thay vì lợi nhuận. Vì thế, thế giới ngày nay đang trở nên hướng nội và có xu hướng quay lưng lại với thương mại và đầu tư mở. Nhiều dấu hiệu và chỉ báo cho thấy, toàn cầu hóa đã bước sang một giai đoạn mới mà nhiều người gọi là “tái toàn cầu hóa”. Tổng Giám đốc WTO Okonjo-Iweala nhận định: “tái toàn cầu hóa” có thể kéo dài trong nhiều năm và sẽ là một nhân tố quan trọng, hấp dẫn, lôi cuốn các nền kinh tế vào dòng chảy thương mại thế giới.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Singapore ngày 28-10-2022, ông Krishna Srinivasan - Giám đốc Bộ phận châu Á và Thái Bình Dương của IMF - cho rằng: “sự gia tăng bất ổn và các biện pháp hạn chế thương mại sẽ làm phân mảnh hệ thống thương mại toàn cầu”. WTO cảnh báo, thương mại toàn cầu đang có xu thế phân mảnh thành các khối. Xu hướng này có thể gia tăng khi các rào cản thương mại ngày một nhiều hơn. Theo IMF, năm 2022, các quốc gia đã áp đặt gần 3.000 hạn chế thương mại, so với con số 1.000 vụ việc tương tự diễn ra vào năm 2019.

Theo một số chuyên gia kinh tế, thành tựu hội nhập kinh tế trong những thập niên gần đây có thể bị đảo ngược khi làn sóng phản đối các rào cản đối với thương mại hàng hóa ngày càng lan rộng. Số vụ kiện phản đối thuế áp vào hàng nhập khẩu được nhà nước trợ cấp trong giai đoạn 2017 - 2022 là 164 vụ, cao gấp đôi so với giai đoạn 2011 - 2016. Các thị trường nhập khẩu quan trọng triển khai áp dụng thuế suất cao đối với các sản phẩm có “dấu chân carbon” lớn và nhiều nền kinh tế phát triển đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu.

Trở ngại, khó khăn cần vượt qua

Thỏa thuận Xanh EU (EGD), được phê duyệt vào năm 2020, có thể xem là một kế hoạch toàn diện, một lộ trình với các hành động cắt giảm triệt để lượng phát thải khí nhà kính ít nhất là 55% vào năm 2030 so với năm 1990, đồng thời biến cuộc khủng hoảng khí hậu thành bước tiến để phát triển bền vững hơn trong tương lai. Theo đó, CBAM, được thực thi từ 1-10-2023, cùng với EUDR, có hiệu lực từ tháng 12-2024, sẽ áp dụng với các sản phẩm có hàm lượng phát thải cao nhập khẩu vào EU. Sau khi CBAM được áp dụng, các quốc gia như Mỹ, Canada và Nhật Bản đang xem xét đưa ra những cơ chế điều chỉnh riêng. Mỹ xây dựng Đạo luật Cạnh tranh sạch (CCA). Bản dự luật lần thứ nhất được ban hành vào tháng 7-2021 và dự kiến áp dụng sau năm 2023. Những quy định này gây ra tác động và ảnh hưởng không nhỏ tới các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam như: dệt may, giày dép, bao bì, nông sản, thủy sản, sắt thép...

Ngày nay, tự do hóa thương mại không còn mang ý nghĩa đơn thuần là mua bán giữa các nước, mà còn là sự đổi chác mang tính địa - chính trị. “Cuộc chơi” thương mại giữa các quốc gia ngày càng khốc liệt hơn và bất quy tắc. Hàng Việt Nam sẽ vấp phải sức “công phá” mạnh mẽ bởi sự “đổ bộ” của hàng ngoại. Các rào cản kỹ thuật được xem như “binh pháp” trong thương mại sẽ tái xuất hiện. Các thị trường xuất khẩu truyền thống sẽ trở nên “vời xa” do yêu cầu cao về vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, chống biến đổi khí hậu, những tiêu chuẩn, quy định liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường... Các quy định như thu phí carbon, yêu cầu về hàm lượng tái chế đối với hàng nhập khẩu, nhãn sinh thái,... là hàng loạt khó khăn mà Việt Nam sẽ phải đối mặt và không dễ vượt qua trong một sớm, một chiều.

Năm 2023, hoạt động kinh tế chứng kiến những “cơn gió ngược”. Cơn gió thứ nhất đến từ sự suy giảm kinh tế thế giới, các đối tác thương mại, đầu tư chính của Việt Nam và mức độ phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc. Cơn gió thứ hai là các điều kiện tài chính tiền tệ chưa bao giờ “ngặt nghèo” như hiện nay: lãi suất, sức ép lên tỷ giá, lạm phát...

Còn ở trong nước, Việt Nam có những “vòng gió xoáy” xuất hiện từ cuối năm 2022. Đó là những vấn đề về thanh khoản, bảng cân đối tài sản của nhiều ngân hàng, áp lực lãi suất, tỷ giá, thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản. Vì vậy, cần nhìn nhận, đánh giá, nhận diện chính xác xu thế vận động, tìm ra những quyết sách, giải pháp để duy trì, tìm kiếm đối tác, mở rộng, phát triển thị trường, nâng cấp quản trị tài chính, doanh nghiệp...

Một số giải pháp cần thực hiện

Đến nay, Việt Nam đã ký kết, thực thi 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) và 3 FTA đang tiếp tục được đàm phán. Các FTA góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn lên tới 200% GDP, tiếp cận và thiết lập quan hệ thương mại với gần 230 thị trường. Tuy nhiên, lợi ích quốc gia thu được từ tiến trình hội nhập chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng địa - kinh tế, địa - chính trị của đất nước. Hiện nay, tất cả các quốc gia trên thế giới đều đang đứng ở bước ngoặt phát triển có tính thời đại. Bám sát và đón đầu xu hướng phát triển cần được xem là tư tưởng chủ đạo, quan điểm xuyên suốt, bao quát toàn bộ quá trình xây dựng thể chế, chiến lược phát triển đất nước. Vì vậy, trước mắt Việt Nam cần tập trung vào một số nhiệm vụ cơ bản sau đây:

Trước hết, thể chế kinh doanh cần tiếp cận nhanh với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Cần tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để khơi thông mạnh mẽ các loại nguồn lực. Nhà nước cần tạo thêm bước đột phá về đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc đăng ký kinh doanh, thu thuế, hải quan, kiểm tra, thanh tra hoạt động doanh nghiệp, sửa đổi hệ thống phi thuế quan... Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với môi trường kinh doanh số; nâng cấp Cổng thông tin một cửa quốc gia, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, tiến tới số hóa hồ sơ, quy trình thủ tục, giảm đầu mối tiếp xúc giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, hình thành các sàn giao dịch hàng hóa, các khu vực hội chợ, triển lãm quy mô lớn...

Với việc cam kết đưa mức phát thải ròng về zero vào năm 2050 sau sự kiện COP26, phát triển thương hiệu xanh không chỉ còn là đạo đức, mà trở thành nguyên tắc, “luật chơi” không thể thay đổi với Việt Nam. Vì vậy, chúng ta cần đổi mới công nghệ, áp dụng kỹ thuật số, hướng đến các tiêu chí sản xuất xanh, sạch, tuần hoàn, thân thiện môi trường...

Có thể xem việc đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách để khuyến khích nhập khẩu cạnh tranh nhằm đổi mới công nghệ, phát triển công nghiệp phụ trợ, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu và hàng sản xuất thay thế nhập khẩu,... là hướng đi hợp quy luật trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, cần tiếp tục xây dựng chính sách mở, thông thoáng, khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, từng bước giảm bớt kim ngạch nhập khẩu.

Việt Nam cũng cần nâng cấp, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, rà soát chế tài đối với hàng nhập khẩu, tiến tới loại bỏ việc nhập khẩu công nghệ cũ, công nghệ lạc hậu, đồng thời thử nghiệm đấu giá những giấy phép nhập khẩu đối với hàng hóa gây ảnh hưởng lớn đến môi trường. Cần thiết lập chương trình đánh giá định kỳ hằng năm về hiệu quả thực thi các FTA một cách toàn diện, nhận diện vấn đề và xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc. Cùng với đó, cần xúc tiến đàm phán các FTA mới ở các dạng thức thích hợp với một số thị trường tiềm năng cho việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam như: Mỹ, Nam Mỹ, đặc biệt là Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) - những khu vực kinh tế nhiều tiềm năng, không cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam.

Phát triển kinh tế trong thời kỳ hội nhập quốc tế có những yêu cầu, đặc điểm riêng. Sẽ không thể có kinh tế thị trường, nếu không có những con người nắm vững và vận hành tốt các quy luật của kinh tế thị trường. Vì vậy, đối với nguồn nhân lực, Việt Nam cần chú trọng đào tạo ứng dụng các kỹ năng nghiên cứu thị trường, marketing, kỹ năng đàm phán quốc tế, nghiệp vụ kỹ thuật ngoại thương, trình độ ngoại ngữ, tin học..., đặc biệt là kỹ năng về phân tích, xử lý, dự báo, xây dựng chiến lược phát triển. Các doanh nhân Việt Nam cần được tạo cơ hội cọ xát thông qua các hoạt động giao lưu, đào tạo quốc tế ngắn hạn...

Một vấn đề quan trọng khác là cần củng cố, hoàn thiện cơ chế phối hợp thông tin giữa các cơ quan quản lý, các hiệp hội ngành hàng, thiết lập kênh truyền tải thông tin đến các doanh nghiệp, nông dân, đổi mới cơ chế thu thập, xử lý thông tin nhằm cung cấp kịp thời tình hình chính trị, thị trường, chính sách, biện pháp quản lý xuất nhập khẩu... Hoạt động xúc tiến thương mại cần được tăng cường, đặc biệt ở những thị trường ngách, thị trường mới của các doanh nghiệp Việt Nam./.

8 February 2024
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 Sau