12/09/2024 | 08:44 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Hà Nội phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Quỳnh Trang
Hà Nội phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới Du khách trải nghiệm hoạt động bơi thuyền tại Công viên nông nghiệp Long Việt (huyện Sóc Sơn)_Ảnh: longviet.com.vn

Nhiều lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp

Với vị trí thuận lợi và nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, Hà Nội hội tụ nhiều yếu tố để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, tiêu biểu là khu vực các huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức,... có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, thôn quê trù phú. Gắn với quá trình xây dựng NTM, Hà Nội có nhiều làng quê sạch, đẹp như Song Phượng, Đan Phượng (huyện Đan Phượng), Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), Bát Tràng, Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm),... mở ra cơ hội phát triển du lịch làng, xã NTM. Một số địa phương còn là địa điểm phù hợp để tổ chức các tour, tuyến du lịch hấp dẫn, như làng chè Ba Trại, làng thảo dược của người Dao ở xã Ba Vì (huyện Ba Vì), làng Việt cổ đá ong Đường Lâm (thị xã Sơn Tây),... mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân và trải nghiệm thú vị cho du khách.

Thời gian qua, Hà Nội đã tập trung xây dựng các điểm du lịch nông nghiệp, đồng thời đẩy mạnh phát triển các sản phẩm là thế mạnh của địa phương. Đến nay, thành phố có 11 trang trại nông nghiệp sinh thái hoạt động theo mô hình giáo dục, du lịch trải nghiệm; 4 hợp tác xã nông nghiệp khai thác mô hình trang trại đồng quê. Có thể kể đến Công viên nông nghiệp Long Việt (huyện Sóc Sơn), trang trại Đồng Quê (huyện Ba Vì), trang trại học đường Vạn An (huyện Thanh Trì), vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay (huyện Phúc Thọ). Mô hình trồng nho hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh là một trong những mô hình thành công trong thời gian qua. Tận dụng các lợi thế về nông nghiệp, giao thông và du lịch, Hội Nông dân xã Vĩnh Ngọc đã thành lập tổ hội nghề nghiệp trồng nho gồm 5 thành viên với quy mô gần 5ha. Du khách đến đây được trải nghiệm các công đoạn trồng, chăm sóc, thu hoạch nho với quy trình sản xuất an toàn. Với 2 vụ thu hoạch trong năm, dự kiến sản lượng nho đạt từ 50 - 60 tấn/năm, giá bán 200.000/kg, mang lại nguồn thu ổn định cho bà con nông dân. Hay như trang trại Vạn An thuộc xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì là điểm đến quen thuộc của nhiều hoạt động trải nghiệm dành cho các em học sinh, các gia đình khi được tham gia vào các hoạt động nông nghiệp sinh thái, như thí nghiệm mô phỏng tác dụng của cây xanh đối với cuộc sống con người; tìm hiểu mô hình, kỹ thuật trồng cây và tham gia trực tiếp vào quá trình trồng cây; các hoạt động vui chơi ngoài trời gắn với đồng ruộng, trang trại.

Có thể thấy, các mô hình nông nghiệp gắn với du lịch trên vừa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân, vừa tạo được không gian sinh thái giữa các đô thị. Tuy nhiên, trên thực tế, những mô hình này còn khoảng cách khá xa so với thế mạnh và tiềm năng của Hà Nội. Một trong những nguyên nhân đó là việc phát triển các mô hình trên chưa gắn với quy hoạch nông thôn, việc điều chỉnh quy hoạch gặp nhiều vướng mắc. Bên cạnh đó, chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp sinh thái hiện nay chưa sát với thực tế.


Biến tiềm năng thành động lực phát triển

Để thúc đẩy kinh tế du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng NTM bền vững, toàn diện, trên cơ sở Kế hoạch 73/KH-UBND, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2022 - 2025 mỗi huyện, thị xã có tiềm năng và thế mạnh về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố triển khai từ 1 đến 3 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch; phấn đấu có ít nhất 50% số sản phẩm này được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và công nhận OCOP (mỗi xã một sản phẩm) đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên. Mỗi huyện, thị xã có tiềm năng xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù có sự tham gia của các chủ thể nông dân - hợp tác xã - hộ kinh doanh - doanh nghiệp. Thành phố sẽ triển khai đào tạo, bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho tối thiểu 80% số nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ, làng nghề phục vụ du lịch, cán bộ quản lý du lịch tại địa phương và các chủ thể hoạt động kinh doanh du lịch nông nghiệp, nông thôn. Thành phố tập trung xây dựng thí điểm 6 mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng; làng du lịch thông minh; du lịch làng nghề theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững tại các huyện Thường Tín, Đan Phượng, Thanh Trì, Mỹ Đức, Thạch Thất, thị xã Sơn Tây.

Trước mắt, thành phố sẽ tổ chức điều tra, thu thập thông tin, số liệu về tài nguyên, thị trường du lịch nông nghiệp, nông thôn để phân tích, đánh giá hiện trạng và định hướng phát triển. Cùng với đó, Hà Nội nghiên cứu xây dựng phần mềm công nghệ thông tin để thu thập, xử lý các cơ sở dữ liệu về điều tra, đánh giá hiện trạng du lịch nông nghiệp, nông thôn phục vụ quy hoạch, quản lý mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với NTM.

Bên cạnh đó, thành phố tổ chức lựa chọn, hỗ trợ xây dựng và phát triển các điểm đến du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống, ngành nghề nông nghiệp, nông thôn; lựa chọn phát triển một số mô hình điểm về du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái cảnh quan nông nghiệp, du lịch ẩm thực, văn hóa lễ hội làng quê, mô hình homestay tại các làng nghề nông nghiệp theo các nhóm, như: điểm đến du lịch nông nghiệp; điểm đến du lịch làng nghề, ngành nghề nông thôn; điểm đến du lịch văn hóa tâm linh. Khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, đầu tư xây dựng một số mô hình điểm ứng dụng công nghệ cao, công nghệ xanh, sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị gắn với du lịch trải nghiệm giáo dục - du lịch học đường, du lịch sinh thái; du lịch ẩm thực; phát triển kinh tế du lịch tại các xã có làng nghề, sản phẩm làng nghề truyền thống gắn với các xã có chợ truyền thống, chợ chuyên doanh.

Đặc biệt, thành phố sẽ tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về du lịch gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng NTM; tăng cường tuyên truyền, thông tin cho người dân về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch khu du lịch, mô hình du lịch trên địa bàn; tăng cường quảng bá du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các sự kiện, hội chợ du lịch trong nước và quốc tế, đẩy mạnh quảng bá tại các văn phòng lữ hành, đại lý du lịch trong và ngoài nước. Các cơ quan liên quan sẽ triển khai các hoạt động tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, dịch vụ du lịch nông nghiệp, nông thôn dưới nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chú trọng đầu tư quảng bá trên kênh truyền thống kỹ thuật số (các trang web du lịch, mạng xã hội); hỗ trợ các hiệp hội, làng nghề xây dựng và duy trì trang web, fanpage nhằm quảng bá thương hiệu sản phẩm trên Internet; biên soạn các ấn phẩm, băng hình, phim quảng bá về du lịch, sách hướng dẫn, giới thiệu về các khu du lịch sinh thái, bản đồ chỉ dẫn tham quan... Chú trọng việc lồng ghép quảng bá, giới thiệu về các sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn trong các chương trình quảng cáo về du lịch Việt Nam, du lịch Hà Nội trên các kênh truyền thông quốc tế, các tạp chí du lịch và các ấn phẩm du lịch./.

(HSSK 482: 10/11/2022)

13 September 2023
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 Sau