05/01/2025 | 06:07 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Hà Giang hướng đến mục tiêu chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững

Nguyễn Công Tây
Hà Giang hướng đến mục tiêu chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững Một góc làng Mông Mèo Vạc thuộc xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang_Ảnh: tuyengiao.hagiang.gov.vn
Hà Giang là một tỉnh miền núi, biên giới có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là phên dậu của quốc gia trong việc bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ, phát triển rừng và an ninh nguồn nước. Tỉnh là cửa ngõ phía Bắc, kết nối thuận lợi với 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam của Trung Quốc; có tiềm năng du lịch phong phú, nhất là du lịch trải nghiệm, sinh thái, nghỉ dưỡng; có nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích, lễ hội truyền thống và địa danh lịch sử.

Quy hoạch tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 - 2030 xác định rõ mục tiêu phát triển hướng tới xanh, bản sắc, bền vững và toàn diện; tốc độ tăng trưởng bình quân cả giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 8%. Định hướng phát triển về kinh tế cửa khẩu, thương mại biên giới; phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả, xanh và bền vững gắn với sinh thái, văn hóa; phát triển nông nghiệp đặc trưng theo chuỗi giá trị hàng hoá chất lượng cao; phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

Phát triển du lịch xanh

Với chủ trương “lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn phát triển văn hóa”, tỉnh Hà Giang tập trung xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh cao, theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả, đảm bảo phát triển du lịch xanh bền vững. 

Địa phương chú trọng đổi mới hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, thương mại thông qua ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức về bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch; bảo vệ hình ảnh, môi trường, cảnh quan thiên nhiên; không ngừng nâng cao uy tín, thương hiệu và sức thu hút của du lịch Hà Giang. Tỉnh triển khai chính sách hỗ trợ phát triển du lịch; thực hiện hiệu quả Đề án đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch... 

Năm 2023, Hà Giang đón trên 3 triệu lượt du khách (tăng 33% so với cùng kỳ năm 2022, vượt 20,7% kế hoạch năm); trong đó có 282 nghìn lượt khách quốc tế, trên 2,7 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ du lịch đạt gần 7,1 nghìn tỷ đồng, tăng 56,3%. 

Dấu ấn lớn của du lịch Hà Giang trong năm 2023 là tỉnh nhiều lần liên tiếp nằm trong danh sách những điểm đến lý tưởng được các tạp chí du lịch uy tín trên thế giới bình chọn. Tờ New York Times xếp Hà Giang vào top 25/52 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới năm 2023...

Phát triển kinh tế xanh

Trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, hữu cơ, bền vững. Đẩy nhanh tiến độ các dự án trồng rừng, tái tạo rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững. 

Thực hiện dồn điền đổi thửa và sử dụng đất theo định hướng thị trường để thúc đẩy cơ giới hóa và đa dạng hóa cây trồng, từ đó dẫn đến tăng năng suất. Sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh, bảo đảm dự trữ hợp lý tài nguyên khoáng sản nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế địa phương bền vững; không triển khai mới các dự án khai thác khoáng sản, thủy điện khi chưa đáp ứng đủ các điều kiện về quy hoạch, bảo vệ môi trường. Tăng cường quản lý việc cấp phép, khai thác và chế biến khoáng sản bảo đảm đúng quy định, hạn chế tối đa tác động ô nhiễm môi trường.

Từng bước hạn chế các ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, tạo điều kiện phát triển các ngành sản xuất xanh mới. 

Khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế, tạo động lực cho tăng trưởng xanh phát triển, trong đó có nội dung thúc đẩy công nghiệp; thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác; kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị của sản phẩm công nghiệp; từng bước chuyển dịch ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản từ quy mô nhỏ mang tính truyền thống sang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, vừa tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, vừa bảo vệ môi trường.

Cơ sở hạ tầng xanh

Xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện hằng năm, xác định lộ trình, danh mục các nhiệm vụ cần triển khai, phù hợp với khả năng huy động nguồn lực nhằm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa trên toàn tỉnh đạt 30%. 

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu quy hoạch và phát triển các khu đô thị mới theo các tuyến đường giao thông trọng điểm, các khu du lịch, các cụm công nghiệp theo hướng xây dựng đô thị thông minh, đô thị xanh gắn với không gian, cảnh quan, bản sắc văn hóa, tiện ích, chất lượng để thu hút đông dân cư. 

Rà soát, đánh giá kết quả thực hiện, những khó khăn, vướng mắc của các quy hoạch đô thị đã lập, trọng tâm là quy hoạch chung của các huyện, thành phố, quy hoạch các khu dân cư, khu đô thị mới,... để có giải pháp chấn chỉnh, xử lý, khắc phục những hạn chế, yếu kém, vi phạm trong quá trình quản lý, thực hiện quy hoạch. 

Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật liên quan đến phát triển đô thị. Đẩy mạnh xã hội hóa, nhất là phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm trong việc cải tạo, nâng cấp đường ngõ, thôn bản, tổ dân phố, các công trình thể thao, văn hóa.

Nhiệm vụ trọng tâm của Hà Giang trong thời gian tới:

Thứ nhất, cần bám sát các chỉ đạo, điều hành của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của tỉnh về phát triển trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển kinh tế với các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc và vùng đồng bằng sông Hồng.

Thứ hai, phải huy động tốt các nguồn lực để thực hiện. Đặc biệt, tỉnh phải tranh thủ tối đa sự hỗ trợ nguồn lực của Trung ương, kết hợp với sự huy động các nguồn lực từ nội sinh; đồng thời tăng cường huy động các nguồn lực từ bên ngoài, từ các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và người dân thông qua việc quảng bá, xúc tiến và thu hút đầu tư để thực hiện quy hoạch.

Thứ ba, trong quá trình triển khai cần đặc biệt chú ý đến việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực, các tài nguyên, nhất là đất đai. Chủ động nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách đột phá; xác định có trọng tâm, trọng điểm và ưu tiên đầu tư các công trình có tính chất chiến lược, các dự án động lực, có tính lan tỏa lớn và có tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ tư, khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, xác định nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án trong quy hoạch. Rà soát, lập, điều chỉnh, triển khai các quy hoạch chi tiết, các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành theo quy định, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy hoạch tỉnh.

Thứ năm, tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ trong phát triển. Trong đó, cần chú trọng việc duy trì, phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của Hà Giang; phát triển con người, nâng chất lượng cuộc sống của người dân; chú trọng quản lý tổng hợp, thống nhất các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ sáu, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tập trung cải cách hành chính; đổi mới tác phong lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế, trong đó đặc biệt quan tâm thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững.

Thứ bảy, với tinh thần “Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới, phát triển” cùng với khát vọng vươn lên, tỉnh Hà Giang cần ngày càng phát triển, hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra, hướng tới mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Hà Giang phát triển xanh, bản sắc, bền vững và toàn diện./.

2 October 2024
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 3 Sau