18/10/2024 | 09:19 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Tỉnh Vĩnh Phúc: Xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội Kỳ I: Huyện Vĩnh Tường tiên phong

Nguyễn Thế
Tỉnh Vĩnh Phúc: Xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội Kỳ I: Huyện Vĩnh Tường tiên phong Người dân huyện Vĩnh Tường vui mừng, phấn khởi khi đề án Làng văn hóa kiểu mẫu được triển khai xây dựng tại địa phương_Ảnh: baovinhphuc.com.vn
Với 4 làng văn hóa kiểu mẫu, huyện Vĩnh Tường là đơn vị đi đầu trong việc thực hiện Đề án thí điểm xây dựng mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc”. Làng văn hóa kiểu mẫu ở huyện Vĩnh Tường là mô hình phát triển kinh tế - xã hội hiện đại, có sự đan xen, kết hợp chặt chẽ giữa các lĩnh vực kinh tế, văn hóa và du lịch.

Nguồn lực văn hóa đặc sắc, phong phú, dồi dào

Huyện Vĩnh Tường là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa. Với bề dày lịch sử từ thời Hùng Vương, Vĩnh Tường là địa bàn cư trú của nhiều thế hệ người Việt cổ. Ở đây có đến 160 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 19 di tích được xếp hạng quốc gia, 74 di tích cấp tỉnh. Trên vùng đất này còn có 1 di tích quốc gia đặc biệt là đình Thổ Tang. Đây là ngôi đình cổ tiêu biểu, điển hình của nghệ thuật kiến trúc đình làng Bắc Bộ, được xây dựng từ thế kỷ XVII với 21 bức chạm khắc bằng gỗ từ thời Lê có giá trị đáng kể về nghệ thuật như: “Ngày hội xuống đồng”, “Đá cầu”, “Múa”, “Đánh ghen”... Cùng với đó, huyện Vĩnh Tường còn có nhiều di tích kiến trúc nghệ thuật đình, đền, chùa, miếu như: đình Bích Chu, đình Thủ Độ, đình Cam Giá, đền Phú Đa, chùa Tùng Vân... Đây là nơi cư dân địa phương, khách thập phương thường đến thăm thú, vãn cảnh, chiêm bái, đặc biệt là vào các kỳ lễ hội.

Với khoảng 100 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 2 di sản được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Lễ hội đền Ngự Dội, xã Vĩnh Ninh và Lễ hội xã Đại Đồng), Vĩnh Tường là nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa mang đậm sắc thái, đặc trưng văn hóa của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Ở đây có những lễ hội truyền thống với những nghi thức hội lệ, tế lễ, rước kiệu và những trò chơi, trò diễn dân gian đặc sắc như: kéo co, hú đáo, bịt mắt đập niêu, bắt vịt, bắt chạch trong chum... Huyện Vĩnh Tường còn có các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian bản sắc như: chầu văn, hát chèo, dân ca... Vùng đất này có nhiều nghề tiểu nông, đa canh từ xa xưa, gắn với quá trình phát triển của xứ Đoài xưa như nghề rèn Lý Nhân, nghề nuôi rắn Vĩnh Sơn, nghề buôn bán Thổ Tang... 

Cuộc sống gắn với sản xuất nông nghiệp, ruộng đồng và sản vật địa phương nên người dân Vĩnh Tường có một nền văn hóa ẩm thực đặc sắc, mang đậm hương vị truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ. Sự đa dạng, phong phú về truyền thống văn hóa của vùng đất này không chỉ là niềm tự hào của người dân Vĩnh Tường mà còn là nguồn vốn quý báu để phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ, sản xuất nông nghiệp, nghề thủ công truyền thống, nâng cao thu nhập và đời sống cho cộng đồng dân cư nơi đây.

Bằng nhiều cố gắng, nỗ lực vượt trội, thời gian vừa qua, nhiều xã trong huyện Vĩnh Tường sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới và đang phấn đấu trở thành xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đặc biệt, Ngũ Kiên là xã đầu tiên trong tỉnh Vĩnh Phúc đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu. Vì vậy, song song với nguồn lực văn hóa dồi dào, việc xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu ở huyện Vĩnh Tường còn được thừa hưởng những thành quả tốt đẹp từ quá trình xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó là sự tham gia tích cực, đóng góp nhân lực, vật lực của người dân.

Nâng cao hiệu quả quản trị, đẩy nhanh tiến độ thực hiện

Từ nguồn lực văn hóa phong phú, đặc sắc và thành tích nổi bật về xây dựng nông thôn mới, huyện Vĩnh Tường được giao nhiệm vụ xây dựng 4 Làng văn hóa kiểu mẫu trong Đề án thí điểm xây dựng mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc”. Trong số các địa phương của tỉnh, Vĩnh Tường là huyện được giao xây dựng số lượng Làng văn hóa kiểu mẫu nhiều nhất, trở thành địa bàn trọng điểm, ngọn cờ đầu, nên phải gánh vác những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp hơn so với những địa phương khác.

Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư công có hạn, một số cơ chế, chính sách hỗ trợ chưa đồng bộ, triển khai còn thiếu kịp thời, việc xây dựng 4 Làng văn hóa kiểu mẫu là nhiệm vụ quan trọng, không dễ dàng, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và nhân dân. Vì vậy, một mặt, huyện tập trung nâng cao năng lực quản lý, điều hành, ý thức, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu. Mặt khác, huyện tăng cường củng cố khối đại đoàn kết, đẩy mạnh thực hành dân chủ, công khai minh bạch, tiếp thu ý kiến, nâng cao hiệu quả quản trị địa phương, bảo đảm sự tham gia của nhân dân trong quá trình xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu.

Để đẩy nhanh tiến độ, chính quyền, đoàn thể của huyện luôn tích cực tuyên truyền để người dân hiểu rõ những giá trị, lợi ích đa dạng, thiết thực mà Làng văn hóa kiểu mẫu mang lại cho mỗi người dân, gia đình và cộng đồng. Từ quá trình đẩy mạnh thực hành dân chủ, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch nên những phương án, kế hoạch triển khai thực hiện dự án xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu của chính quyền đưa ra đều được người dân đồng tình, ủng hộ. Thực tế cho thấy, ở nhiều nơi, việc huy động quỹ đất, mở đường, xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao là một công việc phức tạp, gặp khá nhiều khó khăn. Song, ở huyện Vĩnh Tường, với tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm và sự tham gia tích cực của nhân dân nên công việc này diễn ra khá trôi chảy, thuận lợi.

Vì lợi ích chung, nhiều hộ gia đình tự nguyện hiến đất để xây dựng khu thiết chế văn hóa - thể thao. Ở thôn Đông, xã Phú Đa, 27 hộ gia đình có đất nằm trong dự án xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu đều ủng hộ chủ trương, phương án lập quỹ đất cho dự án của chính quyền. Chỉ trong thời gian ngắn, xã tạo được quỹ đất rộng hơn 3.000m2 để triển khai dự án. Diện tích này lớn hơn khá nhiều so với hạn điền tối thiểu là 2.400m2 để xây dựng một Làng văn hóa kiểu mẫu. Từ ý thức, trách nhiệm với xã hội và cộng đồng, hơn 20 hộ gia đình ở thôn Đông tự nguyện chưa nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng, ưu tiên, dành nguồn vốn để triển khai dự án trước.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Nguyễn Xuân Quang - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Vĩnh Tường - huyện đã khẩn trương khởi công xây dựng 4 làng văn hóa kiểu mẫu. Từ thủ tục đầu tư cho đến phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng,... đều được các phòng, ban chức năng của huyện thực hiện nhanh chóng, công khai, minh bạch. Với nhiều cố gắng, nỗ lực của chính quyền, đoàn thể và nhân dân, hiệu quả quản trị địa phương được nâng cao nên tiến độ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu ở huyện Vĩnh Tường cũng được đẩy nhanh. 

Hiện nay, Làng văn hóa kiểu mẫu ở thôn Đông, xã Phú Đa đạt 34/59 tiêu chí, Làng văn hóa kiểu mẫu ở thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân đạt 37/59 tiêu chí. Ông Quang cho biết: “với tiến độ nhanh như hiện nay, việc xây dựng các Làng văn hóa kiểu mẫu sẽ sớm hoàn thành mục tiêu đề ra. Cùng với việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, Làng văn hóa kiểu mẫu ở huyện Vĩnh Tường còn góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập và nâng cao đời sống nhân dân”.

Mô hình phát triển kinh tế, văn hóa và du lịch

Về bản chất, Làng văn hóa kiểu mẫu là một mô hình phát triển một cộng đồng dân cư một cách tương đối toàn diện. Dựa trên những đặc điểm, lợi thế về điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa, ngành nghề thủ công truyền thống ở các Làng văn hóa kiểu mẫu, huyện Vĩnh Tường xây dựng một số mô hình phát triển kinh tế - xã hội cụ thể, trong đó có sự đan xen, kết hợp giữa các lĩnh vực văn hóa, du lịch và kinh tế.

Thôn Đông, xã Phú Đa là một vùng quê thanh bình bên bờ sông Hồng. Nơi đây có ngôi đền Đá nổi tiếng (đền Phú Đa), được Lãng Phương Hầu Nguyễn Danh Thường, một danh tướng thời Lê - Trịnh, xây dựng gần 300 năm trước. Nằm giữa cánh đồng lúa xanh tươi, bên một hồ nước phẳng lặng, trước mặt là một đầm sen đầy hương sắc..., đền Phú Đa là một kiến trúc dân gian cầu kỳ, độc đáo. 

Với mái ngói rêu phong, cổ kính, dưới tán cây cổ thụ rủ bóng, thâm nghiêm..., đền Phú Đa trông giống như một nha môn trong những bộ phim dã sử Trung Quốc. Bước lên bậc tam cấp bằng đá, đi qua cổng tam quan với 2 cánh rộng bằng gỗ lim là một khoảng sân rộng lát gạch sành cổ, hai bên là 2 hàng tượng người, ngựa, voi, nghê bằng đá. Hầu như tất cả nội thất trong ngôi đền như: án thư, lư hương, cây đèn, ngai, sập,... đều được chế tác từ đá nguyên khối. Những nét hoa văn, họa tiết được chạm khắc tinh xảo trên các bức tượng, cũng như kiến trúc của khu đền Đá đều được các thế hệ con cháu của Lãng Phương Hầu lưu giữ nguyên vẹn như xưa.

Với giá trị văn hóa cổ truyền, độc đáo, đền Đá là hồn cốt của Làng văn hóa kiểu mẫu ở xã Phú Đa, có khả năng thúc đẩy sự phát triển kinh tế và du lịch ở địa phương. Ông Nguyễn Danh Quyết - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Đa - cho biết: “từ nguyên liệu hoa sen ở khu đền Đá, chính quyền đang tích cực hỗ trợ người dân tạo ra 2 sản phẩm OCOP là trà ướp sen và trà sen túi lọc”. Hai sản phẩm này góp phần tạo thêm việc làm, đặc biệt khi kết hợp với du lịch sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho người dân. Để làm đẹp cảnh quan, tạo bản sắc, sức hấp dẫn về văn hóa, du lịch, xã Phú Đa có kế hoạch đầu tư, khai thác, nâng cao giá trị thương mại của khu đầm sen, trồng thêm hoa cúc vàng ven đầm, cũng như trên các tuyến đường trong thôn.

Trong khi đó, thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân là nơi có nghề mộc và nghề rèn truyền thống. Làng văn hóa kiểu mẫu ở đây là mô hình phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở phát huy những giá trị văn hóa cổ truyền và làng nghề truyền thống. Xã Lý Nhân hiện có 679 hộ làm nghề rèn. Với phương pháp sản xuất gia truyền và tinh thần cầu thị, học hỏi, tiếp thu kỹ thuật hiện đại nên nghề rèn ở đây khá phát triển. Ông Vũ Văn Tân - chủ cơ sở sản xuất dao, kéo DAO DAKA - cho biết: “từ kinh nghiệm lâu đời của cha ông truyền lại, kết hợp với máy móc hiện đại, hiện nay, nhiều sản phẩm dao, kéo do chúng tôi sản xuất bền đẹp không thua kém hàng ngoại nhập”. 

Để phát triển nghề cổ truyền, Làng văn hóa kiểu mẫu thôn Bàn Mạch còn xây dựng một khu dành riêng cho việc thờ phụng, tưởng nhớ công ơn của Thánh sư (Tổ nghề) và trưng bày những sản phẩm truyền thống. Với nhiều tiêu chí, yêu cầu khắt khe, việc xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu ở thôn Bàn Mạch là cơ sở để củng cố và thúc đẩy việc bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, đồng thời góp phần quảng bá, mở rộng thị trường, phát triển nghề truyền thống, nâng cao thu nhập cho các hộ làm nghề.

Với những cánh đồng lúa chín vàng, triền đê, ruộng ngô xanh mướt, khu thờ phụng Thánh sư mang đậm nét văn hóa tâm linh, nhà trưng bày sản phẩm truyền thống đặc sắc..., Làng văn hóa kiểu mẫu thôn Bàn Mạch là một điểm du lịch văn hóa đồng quê, làng nghề đầy tiềm năng, hứa hẹn./.

28 September 2023
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 3 Sau