Viettel lần đầu tiên xuất khẩu thiết bị 5G sang Trung Đông
A.T
Theo ông Nguyễn Tiến Long - Phó Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel - ký kết ba bên giữa Viettel, DU và High Cloud Technologies Group (HCT) không chỉ là một thỏa thuận thương mại mà còn mang ý nghĩa chiến lược - case study (trường hợp điển hình) “bảo chứng” về chất lượng thiết bị Viettel.
“Một câu hỏi mà các nhà khai thác viễn thông thường đặt ra khi mua thiết bị là thiết bị đã được triển khai ở những nhà mạng nào, quốc gia nào. Ngoài triển khai ở chính Viettel và các thị trường nước ngoài của Viettel, triển khai cho DU sẽ là một case study khách quan”, ông Long chia sẻ.
Các chuyên gia cho biết, trong nhiều nhà mạng trên thế giới, DU là một lựa chọn gần như lý tưởng, đây là thương hiệu viễn thông giá thành cao, chất lượng cao tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), do đó yêu cầu khắt khe về chất lượng thiết bị. HCT là tập đoàn cung cấp giải pháp thiết bị mạng viễn thông toàn trình cho doanh nghiệp, đã lựa chọn sử dụng công nghệ Viettel để cung cấp cho DU.
Thiết bị của Viettel đã được HCT thử nghiệm tại UAE, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Oman và Yemen. “Nếu thử nghiệm đạt kết quả như mong đợi, HCT có thể tiếp tục cung cấp thiết bị Viettel đến những nhà mạng khác”, ông Long cho biết.
Định vị thương hiệu công nghệ Việt Nam
“Đối với các nhà mạng trên thế giới, Viettel hiện chưa phải tên tuổi lớn trong lĩnh vực cung cấp thiết bị viễn thông trên toàn cầu, đặc biệt khi so sánh với các nhà cung cấp đã có lịch sử vài chục năm. Hợp tác với HCT và DU có thể là bước đột phá để thay đổi nhận thức này... Thế mạnh của chúng tôi là sản phẩm hạ tầng mạng viễn thông tự nghiên cứu phát triển, cung cấp thiết bị trên tất cả các lớp mạng viễn thông từ mạng lõi đến vô tuyến, tức là một nhà cung cấp giải pháp toàn trình. Chúng tôi cũng đáp ứng hoàn toàn tiêu chuẩn Open RAN, mang tính mở cao cả về công nghệ và tư duy kinh doanh”, ông Long chia sẻ thêm.
Open RAN là một tiêu chuẩn quốc tế đối với thiết bị viễn thông, cho phép thiết bị Viettel tương thích với các thiết bị từ các nhà cung cấp khác, giống như cách các thiết bị điện thoại, laptop, đồng hồ thông minh trong cùng một hệ sinh thái kết nối với nhau. Người dùng, ở đây là các nhà mạng, sẽ có nhiều lựa chọn hơn và linh hoạt hơn khi mua sắm.
Đặc biệt, đại diện Viettel cho biết thêm về năng lực tùy biến: “sở hữu công nghệ toàn trình, tự nghiên cứu và phát triển (R&D) nên Viettel có năng lực tùy biến rất cao. Đây là tính năng quan trọng ở mạng 5G và 5G Private. Chúng tôi có thể đáp ứng nhanh nhu cầu khách hàng, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường”.
Ông Salah Ali - CEO HCT Group - cho biết: “chúng tôi không chỉ làm việc với Viettel để cung cấp hạ tầng 5G mà còn làm việc với Viettel để sẵn sàng cho các công nghệ viễn thông tương lai. HCT và Viettel hướng đến cung cấp giải pháp hiệu quả về chi phí, dễ triển khai, đáp ứng nhu cầu mạng riêng của các ngành, từ đó mở ra cơ hội kinh doanh mới trong khu vực Trung Đông đang chuyển đổi số mạnh mẽ”.
“Mục tiêu năm 2025 của chúng tôi là triển khai 5G Private quy mô lớn, hỗ trợ các nhà mạng khu vực hiện đại hóa hạ tầng cốt lõi và mạng RAN, giúp họ chuyển đổi thành công từ 4G sang 5G”, CEO HCT Group cho biết.
Cũng tại MWC Barcelona 2025, Thiếu tướng Tào Đức Thắng - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel - cho biết: “hợp tác toàn cầu là xu thế, giúp chúng ta cùng nhau phát triển, xây dựng một thế giới hiện đại hơn. Chủ đề MWC năm 2025 là “Hội tụ - Kết nối - Sáng tạo”, Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó, chúng ta không đi sau ai và đang bắt kịp với xu thế toàn cầu”./.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
MỚI NHẤT
Các bài cũ hơn




