18/10/2024 | 09:35 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Xu hướng đô thị hóa ở Trung Quốc

La Tuấn
Xu hướng đô thị hóa ở Trung Quốc Thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) nhìn từ trên cao_Ảnh: TL
Kể từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước, Trung Quốc bắt đầu trải qua quá trình đô thị hóa có lẽ là toàn diện nhất mà nước này từng được chứng kiến. Đây là câu chuyện phần lớn được hiểu là về sự tăng trưởng, phát triển nhanh chóng và động lực kinh tế, song nó cũng có thể được coi là câu chuyện về sự phát triển đô thị tràn lan, quy hoạch kém và sự xa cách. Hiện nay, mọi cuộc thảo luận đều tập trung bàn về “chất lượng” trong quy hoạch đô thị và nghiên cứu thành phố.

Quá trình đô thị hóa của Trung Quốc đang bước vào một kỷ nguyên mới. Sau 4 thập niên tăng trưởng với tốc độ và quy mô chưa từng có trong lịch sử loài người, quá trình đô thị hóa của Trung Quốc hiện đang chuyển sang giai đoạn hậu tăng trưởng. 

Kỷ nguyên đô thị hóa mới này được đặc trưng bởi việc theo đuổi nâng cấp về chất để thay thế cho kỷ nguyên tăng trưởng về lượng trước đây. Đáng chú ý, sự thay đổi này được phản ánh trong các ưu tiên chính sách như “đô thị hóa kiểu mới” và “phát triển chất lượng cao”, mà Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra trong thập niên gần đây.

Sự chuyển dịch từ tăng trưởng sang hậu tăng trưởng này đang định hình lại hệ thống chính sách và quy hoạch đô thị của Trung Quốc. Nhiều khả năng, sự chuyển dịch này cũng định hình lại các cách tiếp cận phát triển đô thị trong những thập niên tới. 

Xanh, thông minh và sáng tạo, trong số những khái niệm khác, là những từ khóa hỗ trợ cho sự chuyển dịch này. Đây là một tiến trình dài hạn kéo dài đến giữa thế kỷ XXI. Nếu những điều này diễn ra theo đúng kế hoạch và mong muốn, chúng sẽ dẫn đến một trạng thái bình thường mới của quá trình đô thị hóa theo phong cách Trung Quốc. 

Tuy nhiên, quá trình này sẽ không hề suôn sẻ và sẽ dao động giữa cuộc giằng co giữa trạng thái bình thường mới và con đường cũ, giữa trí tưởng tượng và thực tế.

Chính phủ Trung Quốc đã cam kết đạt được cả hiện đại hóa và phi carbon hóa vào giữa thế kỷ XXI. Đây là những cam kết được đưa ra cho người dân trong nước và trên toàn thế giới. Cả 2 mục tiêu đều đòi hỏi sự cụ thể và lộ trình rõ ràng. 

Tuy nhiên, chúng ẩn chứa một nghịch lý nội tại: nhiều khía cạnh để đạt được chúng là mâu thuẫn thay vì cân bằng trong hoàn cảnh hiện tại. Nghịch lý này chính là một thách thức. Nó cũng tạo ra khát vọng lớn để đạt được chúng thông qua đổi mới hoặc thông qua phát triển “lực lượng sản xuất chất lượng mới” - một từ khóa tại Kỳ họp Lưỡng hội của Trung Quốc kết thúc hồi tháng 3-2024.

Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, số lượng thành phố đã tăng từ 213 vào năm 1979 lên 685 vào năm 2020.

Những dự án tiêu biểu

 Lịch sử dường như không gợi ý một viễn cảnh lạc quan. Hàng loạt dự án thành phố sinh thái đã được đề xuất và được phê chuẩn trước đây. Một số không đạt được những thành quả sinh thái, mặc dù chúng đã được tuyên truyền như các dự án sinh thái. 

Tuy nhiên, cũng cần phải thừa nhận rằng các thành phố Trung Quốc đã đạt được những thành tựu to lớn trong việc giải quyết tình trạng suy thoái môi trường và cải thiện chất lượng không khí trong thập niên gần đây, phần lớn là nhờ cuộc cách mạng xanh đang diễn ra. 

Có rất nhiều bài học kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhất đã được rút ra để minh chứng về sự hài hòa giữa tăng trưởng với xanh hóa các thành phố Trung Quốc.

Hàng Châu

Hàng Châu (Hangzhou), thủ phủ của tỉnh Chiết Giang (Zhejiang) là một thành phố ngôi sao mới nổi trong hệ thống đô thị của Trung Quốc và toàn cầu. Sự chuyển đổi của thành phố diễn ra nhanh chóng, linh hoạt và thông minh. 

Mặc dù nằm dưới cái bóng của Thượng Hải ở vùng đồng bằng sông Dương Tử, song Hàng Châu vẫn đang tìm kiếm một lộ trình phát triển đô thị thay thế, tận dụng các tài sản địa phương, bối cảnh khu vực và vị thế của mình.

 Những năm qua, Hàng Châu đã tận dụng tốt các cơ hội về công nghệ số để thúc đẩy quá trình chuyển đổi. Các doanh nhân và doanh nghiệp tận dụng công nghệ số được thành lập tại chính thành phố này. Các yếu tố đổi mới này được kết hợp với môi trường địa phương có lợi cho sự xuất hiện và phát triển của họ.

Đáng chú ý, Hàng Châu là một điển hình quan trọng về sự chuyển đổi của thành phố này là không được lên kế hoạch từ trước. Đó là thành quả của sự khéo léo từ dưới lên, tinh thần kinh doanh tại địa phương và các lực lượng thị trường hơn là kế hoạch từ trên xuống. 

Thành phố này còn cho thấy tầm quan trọng của các lực lượng thị trường trong việc tăng cường khai thác và khả năng thích ứng của thành phố đối với “lực lượng sản xuất chất lượng mới” mà Chính phủ Trung Quốc đang hướng tới.

Hùng An

Tầm nhìn về thành phố mới Hùng An (Xiongan) ở tỉnh Hà Bắc (Hebei) trái ngược với nhiều vấn đề của quá trình đô thị hóa trong quá khứ. Rõ ràng, những bài học được rút ra trong quá trình hình dung về thành phố mới đã được phác họa và đang được phát triển từ con số không.

Hùng An nằm cách Thủ đô Bắc Kinh khoảng 100km và có mục tiêu phân cấp một số chức năng đô thị khỏi thủ đô để giải quyết hội chứng đô thị lớn của Bắc Kinh - ô nhiễm, tắc nghẽn và áp lực phát triển đô thị.

Đã 7 năm trôi qua kể từ khi được công bố là một thành phố mới hồi tháng 4-2017, quy hoạch của thành phố Hùng An hiện đã hoàn tất. Tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng và xây dựng ban đầu rất ấn tượng. Mặc dù hiện tại chủ yếu vẫn là một công trường xây dựng, nhưng khu vực được xây dựng đã bắt đầu trông giống như một thành phố. 

Thành phố này hướng đến mục tiêu tái cân bằng lại khu vực Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc, nơi Bắc Kinh thống trị trong khi các thành phố khác kém phát triển hơn. Về lâu dài, thành phố này được quy hoạch là một thành phố có 5 triệu dân.

Ý tưởng táo bạo này của Chính phủ Trung Quốc hiện vẫn cần phải chờ xem thử thách của thời gian bởi vấn đề cư dân bản địa bị di dời do dự án nhà nước. Họ bị đô thị hóa một cách thụ động, với cái giá phải trả là đất nông nghiệp và đất canh tác của họ ở nông thôn. Do đó, việc làm thế nào để họ có thể tồn tại và thích nghi với một thành phố ngay lập tức hiện vẫn là một thách thức.

Hồng Kông

Từ năm 2019, Hồng Kông đã trải qua những thay đổi mạnh mẽ nhất kể từ khi trở về Đại lục hồi năm 1997. Hồng Kông đang ngày càng hòa nhập với sự phát triển của Vùng Vịnh lớn và sự phát triển của quốc gia. Quá trình này được khởi động trước năm 2019, nhưng đã được đẩy nhanh rõ ràng kể từ đó. 

Sự phát triển của Vùng Vịnh lớn đã được nâng lên thành một chiến lược quốc gia, tăng cường sự bổ trợ và hợp nhất của Hồng Kông và thành phố lân cận Thâm Quyến cùng với các thành phố lớn khác như Quảng Châu trong khu vực này.

Hồng Kông từng đóng vai trò cửa ngõ chính trong công cuộc cải cách và mở cửa của Đại lục kể từ cuối những năm 70 của thế kỷ XX. Với sự trỗi dậy của các thành phố khác của Trung Quốc như Thượng Hải, Bắc Kinh và Thâm Quyến, vai trò cửa ngõ này đã bị hạ thấp trong hệ thống đô thị quốc gia. 

Tuy nhiên, Hồng Kông vẫn có những lợi thế mà các thành phố khác của Trung Quốc không có: các kết nối quốc tế, nhân tài, hệ thống pháp lý và môi trường kinh doanh. Năng lực cạnh tranh của Hồng Kông chính là vai trò cầu nối trong việc kết nối Trung Quốc Đại lục với thế giới. 

Vai trò này là duy nhất đối với Hồng Kông, mang đến cho thành phố này những cơ hội mà không thành phố nào khác ở Trung Quốc hoặc ở hải ngoại có thể tiếp cận được.

Xu hướng đô thị hóa của Trung Quốc tới năm 2035 và xa hơn nữa

 Đến năm 2035 chỉ còn hơn 1 thập niên nữa. Đây là năm bản lề trong các chiến lược hiện hành của hầu hết các thành phố Trung Quốc vì nó phù hợp với mục tiêu của chính phủ nước này là đạt được hiện đại hóa “cơ bản” vào thời điểm đó. 

Có thể khẳng định rằng đô thị hóa là một phần không thể thiếu trong quá trình hiện đại hóa của Trung Quốc, cả trong lịch sử cũng như trong tương lai. Đến năm 2035, Trung Quốc sẽ trở thành một xã hội đô thị hóa cao với khoảng 75% dân số sinh sống ở các thành phố dựa trên các giả định về quá trình đô thị hóa trong quá khứ và hiện tại. 

Đô thị hóa sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chuyển đổi kinh tế xã hội của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, tiến trình đô thị hóa của Trung Quốc sẽ có những hình thức mới trong những thập niên tới. Một trong số đó là cấu trúc đô thị mới nổi của các vùng siêu đô thị. Mỗi vùng siêu đô thị này (như vùng Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc, vùng đồng bằng sông Dương Tử, Vùng Vịnh lớn, cùng nhiều vùng có quy mô nhỏ hơn) bao hàm một chuỗi thành phố được kết nối bằng cơ sở hạ tầng giao thông và tính di động của các yếu tố sản xuất, hình thành nên nền kinh tế và thị trường khu vực. 

Phát triển vùng siêu đô thị tạo ra những cơ hội mới cho sự phát triển cân bằng, tích hợp của các thành phố trên khắp khu vực. Nó cũng nêu ra những vấn đề quan trọng về quy hoạch và quản lý vùng siêu đô thị để cho phép phát triển vùng vốn đang mất cân bằng và phân mảnh.

Có thể nói, đô thị hóa là một phần quan trọng của cải cách cơ cấu khi Trung Quốc chuyển đổi nền kinh tế sang dựa nhiều hơn vào sản xuất và dịch vụ. Quá trình đô thị hóa của nước này đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần đưa nền kinh tế phát triển nhanh, song cũng đặt ra nhiều vấn đề và không rõ sự cải thiện về chất lượng cuộc sống có tiếp diễn, khi các thành phố bị ô nhiễm, tắc nghẽn giao thông và chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ hơn./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện