18/10/2024 | 07:38 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Đan xen hay tách biệt - lựa chọn nào cho các thủ đô?

Nguyễn Sơn
Đan xen hay tách biệt - lựa chọn nào cho các thủ đô? Một góc Thủ đô Washington (Mỹ)_Ảnh: Getty
Thông minh, hài hòa và đáng sống là những nét chính tạo nên dáng vẻ hiện đại của các thủ đô trên thế giới. Tuy nhiên, dáng vẻ đó tốn rất nhiều công sức và kinh phí, đòi hỏi phải có kế sách tập trung nguồn lực cho từng điểm, từng khu vực, tạo đột phá cho các thủ đô tiến vào tương lai.

Những điểm nhấn của một đô thị hiện đại

Các thủ đô trên thế giới là những thành phố đặc biệt, nơi có ưu thế hơn hẳn so với các thành phố khác trên cùng một quốc gia, vùng lãnh thổ về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. Chính những ưu thế vượt trội đó khiến chúng luôn là cực hút nguồn nhân lực, làm dân số ngày càng đông đúc, quy mô đô thị ngày càng rộng lớn, việc quy hoạch phát triển trở thành vấn đề nóng và nan giải.

Lời giải cho bài toán khó ấy ở từng thủ đô và trong từng giai đoạn lịch sử rất khác nhau, nhưng tựu trung xoay quanh 2 mục tiêu chính: mở rộng các không gian phát triển và bảo tồn các giá trị quốc hồn, quốc túy. Ngày nay, các thủ đô đang chứng kiến những thay đổi rõ nét trong tư duy quy hoạch. 

Một là, từ các thành phố văn phòng, thành phố xe cộ... trở thành các thành phố ưu tiên để sống và đáng sống. 

Hai là, từ thành phố như một quy hoạch tổng thể đóng trở thành thành phố như một kiến trúc mở, một “bản mạch chính”, nơi có thể lắp ghép vào đó những “mô-đun” khác nhau tùy theo năng lực tài chính từng thời kỳ và sự thay đổi của nhu cầu theo thời gian.

Một thủ đô hiện đại bao gồm nhiều chức năng, nhưng những chức năng chính để tạo nên “sự hiện đại” có thể tóm gọn như sau:

Thứ nhất là thành phố trí tuệ. Cách mạng khoa học công nghệ của thế kỷ XXI làm thay đổi không chỉ cơ cấu kinh tế, mà còn định hướng sự phát triển của nó. Sự tập trung cao độ các công ty công nghệ cao, tài chính, thông tin, luật, chính phủ điện tử,... trở thành sinh hoạt bình thường của các thủ đô hiện đại. 

Thành phố sáng tạo, thành phố tri thức, thành phố thông minh, thành phố đổi mới đang ngày càng trở nên quen thuộc trong một thế giới hiện đại. Số hóa và chuyển đổi số trở thành quá trình không thể đảo ngược. 

Nó biến các quy trình phức tạp, mất thì giờ, dễ gây khó chịu thành đơn giản, nhẹ nhàng hơn bao giờ hết; làm gia tăng nhanh chóng vốn con người - tài nguyên quan trọng nhất của kinh tế thời đại; tạo nên sức sống cho thành phố, đồng thời thu hút nhân lực trẻ, năng động làm sức sống đó càng ngày càng nhân lên gấp bội.

Thứ hai là thành phố đáng sống. Chase Landry trong cuốn sách “The Creative City: A Toolkit for Urban Innovators” (tạm dịch: Thành phố sáng tạo: Bộ công cụ cho những nhà đổi mới đô thị) chỉ ra rằng chỉ 20 năm trước, khi được hỏi “anh cần một môi trường sống dễ chịu hay một công việc có lương cao”, 80% số cư dân Thủ đô Washington (Mỹ) nói cần công việc, còn giờ đây 2/3 số người được hỏi khẳng định cần một cuộc sống tốt đẹp hơn. 

Các thành phố trước kia được quy hoạch sao cho hợp lý, không quan tâm nhiều đến ảnh hưởng tâm lý cư dân. Ngày nay, các kiến trúc cổ, các công trình văn hóa - tâm linh, các giá trị xưa cũ,... được chú trọng bảo tồn và là một phần không thể tách rời của các thủ đô hiện đại.

Thứ ba là thành phố hài hòa. Đường phố để cho con người hay để cho xe cộ là câu hỏi lớn cho các nhà quy hoạch đô thị hiện đại. Nhiều thủ đô đã chuyển xe cộ xuống dưới lòng đất, nhường bên trên cho công viên, quảng trường và phố đi bộ. 

Dự án Đại Paris (Pháp) tạo nên không gian ngầm đồ sộ, rất thuận tiện cho việc đi lại trong nội thành và kết nối ra ngoại ô bằng 6 tuyến đường huyết mạch. Việc ngầm hóa giao thông mở ra cơ hội lớn cho các mảng xanh thân thiện với con người hơn hẳn các mảng bê tông vốn từng được coi là thuộc tính của các đô thị. Thành phố “cứng và thẳng” đang chuyển mình rõ rệt thành “mềm và uyển chuyển”.

Tách biệt hay đan xen?

Việc chuyển đổi một thủ đô cổ điển sang hiện đại đòi hỏi rất nhiều công sức và vô cùng tốn kém. Nhiều thủ đô chọn cách phát triển những khu tách biệt để hiện đại hóa trước. Phương án này có lợi ở chỗ giảm đáng kể chi phí đền bù giải tỏa và các nhà quy hoạch được thỏa sức sáng tạo “trên một tờ giấy trắng”. 

Chẳng hạn, Khu thương mại quốc tế Songdo (Songdo IBD Hàn Quốc) là một thành phố thông minh được xây dựng từ con số 0 trên 600ha đất bỏ hoang và lấn biển dọc theo bờ sông Incheon, cách trung tâm Seoul 30km và được kết nối với Sân bay quốc tế Incheon bằng một xa lộ trên cao dài 12,3km (cầu Incheon).

Theo sáng kiến đột phá này, Songdo IBD đang được phát triển thành một thành phố thân thiện với môi trường với hơn 40% diện tích được dành cho không gian xanh, nhiều làn đường cho xe đạp, nhiều trạm sạc cho xe điện, hệ thống thu gom, xử lý rác thải bằng khí nén hút rác xuống lòng đất và tái chế dưới đó. 

Điều này giúp loại bỏ hoàn toàn thùng rác ở các góc phố và không còn cần xe chở rác. Xen giữa công viên Trung tâm New York và các tuyến đường thủy Venice tại khu đô thị Hàn Quốc này là những tòa cao ốc được xây theo tiêu chuẩn LEED (hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về kiến trúc xanh) của Mỹ, nơi đặt trụ sở của Global Campus, Pharma Hub, Startup Center, Green Climate Fund, Sheraton Incheon, Convensia, Golf Jack Nicklaus Hàn Quốc... Có tới 167.000 cư dân sinh sống tại thành phố hiện đại này.

Đây là một nỗ lực của cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh và ít carbon như một giải pháp thay thế sau 60 năm phụ thuộc vào sản xuất định hướng xuất khẩu, với gói kích thích kinh tế trị giá 38 tỷ USD năm 2009 và tăng lên thành 83 tỷ USD trong vòng 5 năm.

Seoul cũng tự hào với việc phục hồi suối Thanh Khê (Cheonggyecheon) dài 5,8km chảy qua khu trung tâm Thủ đô Seoul thành một biểu tượng thân thiện với môi trường. Trước kia, Cheonggyecheon bị san lấp để làm đường và xây một xa lộ trên cao. 

Tuy nhiên, vào năm 2003, Thị trưởng Lee Myung-bak (sau này là Tổng thống Hàn Quốc) đã quyết định gỡ bỏ con đường đó để phục hồi dòng suối và 2 năm sau, người dân Seoul có một công trình chạy xuyên qua thành phố tạo nên một không gian sống xanh, sạch và đẹp. 

Nhiều số liệu thống kê cho biết, chính quyết định này giúp cho nhiệt độ ở Seoul giảm 20C vào những ngày nóng nực. Mặc dù chi phí phục hồi con suối chỉ là 900 triệu USD, nhưng chính quyền thành phố đã phải chi thêm 12 tỷ USD đền bù giải tỏa và phát triển 792.000m² hai bên con suối.

Trước đó, từ năm 1995, Malaysia đã quy hoạch thành phố Putrajaya hoàn toàn nhân tạo cách Thủ đô Kuala Lumpur 30km về phía Nam để chuyển trung tâm hành chính liên bang về đây. Nhiều tòa nhà chính phủ và văn phòng đã được dựng lên thay thế cho các trụ sở trong Kuala Lumpur đắt đỏ và thường xuyên kẹt xe. 

Bên cạnh Putrajaya, người ta còn xây dựng một thành phố từ số 0 khác là Cyberjaya, được coi như Thung lũng Silicon của Malaysia và gắn liền với Siêu hành lang truyền thông đa phương tiện của đất nước này.

Song song với việc xây mới những khu đô thị tách biệt để tạo đột phá cho việc hiện đại hóa thủ đô, người ta còn tạo ra những đột phá khác đan xen giữa những khu dân cư cũ trong nội thành. Du lịch đền chùa Tokyo kết hợp ngắm hoa anh đào là một sáng kiến du lịch đáng khích lệ của người Nhật Bản. 

Nó phá bỏ quan niệm đóng cửa khép kín mà người nước ngoài gán cho con cháu thần Mặt trời. Hai ngôi đền Meiji và đền Zojoji cùng với các ngôi chùa ở Tokyo là chùa Sensoji (Asakusa Kannon), chùa Kaneiji, chùa Shofukuji, chùa Yushima Seido góp phần thu hút một lượng lớn du khách đến thăm đất nước này.

Nói chung, người ta mong đợi ở các thủ đô hiện đại sự thông minh, hài hòa và đáng sống. Các không gian đặc trưng cho tính hiện đại đó đan xen hay tách biệt còn tùy thuộc vào tình hình thực tế của mỗi thủ đô. Nhưng đan xen hay tách biệt thì những ý tưởng táo bạo của các nhà lãnh đạo cần phải mang lại những đột phá cho sự phát triển của các thành phố của đất nước họ./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện