21/11/2024 | 20:23 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

“Thời cơ vàng” phát triển của Thủ đô Hà Nội

Linh Vũ
“Thời cơ vàng” phát triển của Thủ đô Hà Nội Ngoài các quy định tạo điều kiện chủ động cho Hà Nội trong quản lý, điều hành, Luật Thủ đô 2024 mở ra cơ hội lớn cho Hà Nội đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng_Ảnh: TTXVN
Hà Nội đang trong những ngày mùa thu đẹp nhất và tràn đầy khí thế hào hùng với kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô. Trong niềm hân hoan cảm xúc ấy, chúng ta còn thấy, Hà Nội đang nắm trong tay “thời cơ vàng” phát triển mà một trong những “đòn bẩy” chính là Luật Thủ đô 2024.

1. Cách đây 16 năm, ngày 1-8-2008, Hà Nội hợp nhất với tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình). Hà Nội mới có diện tích 3.328km2, gấp hơn 3 lần diện tích cũ và gấp hơn 21 lần diện tích năm 1954 (152km2). Không gian rộng lớn càng gia tăng tiềm năng phát triển của Thủ đô.

Tuy nhiên, hướng tới những mục tiêu cao hơn, xa hơn, đối với Hà Nội bấy lâu nay, một trong những khó khăn lớn nhất là vướng mắc về cơ chế. Tại các cuộc làm việc với Trung ương, lãnh đạo thành phố không ít lần chia sẻ, Hà Nội không quá mong hỗ trợ về vốn, vì dù sao Hà Nội có nguồn thu, có lực; điều Hà Nội mong chờ nhất chính là cởi các “nút thắt”, “điểm nghẽn” cơ chế. 

Tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, cử tri Thủ đô cũng không ít lần lên tiếng mong sớm có cơ chế thông thoáng, phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho Hà Nội. Các chuyên gia, nhà khoa học thừa nhận, “chiếc áo cơ chế” dành cho Hà Nội đã quá chật, cần được nới rộng thì Thủ đô mới đủ sức vươn tầm.

Sau khi tổng kết thi hành Luật Thủ đô 2012 thấy rõ những hạn chế, tồn tại, nhu cầu “cởi trói” cơ chế, sửa đổi Luật Thủ đô càng được thôi thúc mạnh hơn nữa. Những cơ chế phân cấp, giao quyền cho phép sự chủ động giải quyết những nhu cầu phát triển và do đời sống đặt ra không chỉ là sự mong mỏi đơn thuần, mà còn là khát khao cháy bỏng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội.

Ngày 28-6-2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 với tỷ lệ đại biểu tán thành là 95,06%, gồm 7 chương, 54 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025 (trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 54 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025). 

PGS, TS Trần Viết Lưu - nguyên Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Ban Tuyên giáo Trung ương - nhìn nhận: “Luật Thủ đô 2024 là không gian pháp lý hội đủ các yếu tố thiên thời - địa lợi - nhân hòa, tạo sức bật mới đưa Thủ đô vươn tầm cao mới”.

2. Thực vậy, Luật Thủ đô 2024 được đánh giá là rất toàn diện. Ngoài các quy định tạo điều kiện chủ động cho Hà Nội trong quản lý, điều hành, Luật Thủ đô thực sự mở ra cơ hội lớn cho Hà Nội đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng. 

Theo đó, Nhà nước ưu tiên đầu tư, thu hút các nguồn lực nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô để xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Trong đó, trường hợp ngân sách trung ương tăng thu so với dự toán các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương với ngân sách thành phố Hà Nội, ngân sách trung ương trích 30% của số tăng thu để thưởng cho ngân sách thành phố. 

Cùng với gia tăng nguồn lực, Luật cho phép Hà Nội đầu tư phát triển đường sắt đô thị được ưu tiên áp dụng mô hình TOD (phát triển dựa vào mạng lưới giao thông). Trong khu vực TOD, thành phố được thu và sử dụng 100% tiền thu đối với một số khoản thu để tái đầu tư xây dựng đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật kết nối với hệ thống vận tải hành khách công cộng. 

Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho rằng: “mô hình TOD là lựa chọn phù hợp với phương hướng quy hoạch đô thị dựa vào các điểm nút giao thông công cộng, mà tại các nút này là các khu đô thị nhỏ nhưng hiện đại, tránh đi mô hình “phố thị” đã tồn tại trong suốt những năm qua: phố mở rộng đến đâu thì cửa hàng lan tới đó”. Mô hình TOD được nhiều chuyên gia khẳng định sẽ là “cú hích” cho phát triển giao thông, đô thị Hà Nội trong tương lai.

Luật Thủ đô 2024 còn tháo gỡ một trong những cơ chế quan trọng nhất để thúc đẩy tiến độ các dự án giao thông lớn, đó là cho phép “tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công” (Điều 43). 

Đặc biệt, Luật còn mở thông cơ hội quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị Hà Nội theo hướng “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, hiện thực hóa 2 quy hoạch lớn mà Hà Nội xây dựng song song với quy trình xây dựng Luật Thủ đô. Đó là Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Luật cũng quy định tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống, tạo điều kiện chỉnh trang đô thị và khai thác quỹ đất rộng lớn ở khu vực bãi sông. Hà Nội được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch. Luật cho phép xây dựng các tuyến đê mới phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều và quy hoạch khác có liên quan để khai thác hiệu quả quỹ đất.

Với sự bám sát 5 quan điểm chỉ đạo xây dựng dự thảo và 9 nhóm chính sách được Quốc hội quyết định với nhiều nội dung mới, giới chuyên gia khẳng định, dù từ góc nhìn nào, Luật Thủ đô 2024 đều mang lại “thời cơ vàng” trăm năm có một, tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển.

3. Nắm trong tay “cơ hội vàng”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đứng trước trách nhiệm lớn lao đưa Luật Thủ đô vào cuộc sống. Cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố Hà Nội đã và đang thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm cao. 

Từ trước khi Luật Thủ đô được thông qua, Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố cùng các đơn vị liên quan chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô ngay sau khi được Quốc hội thông qua. 

Hiện nay, việc triển khai thực hiện Luật Thủ đô đang diễn ra rất khẩn trương. HĐND, UBND thành phố đang xây dựng dự thảo 114 văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô, trong đó có 94 văn bản quy phạm pháp luật, 20 văn bản cá biệt; có 87 văn bản là Nghị quyết do HĐND thành phố ban hành và 27 văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của UBND thành phố. 2 kỳ họp chuyên đề và các kỳ họp thường kỳ trong năm 2024 - 2025 gắn với kế hoạch, lộ trình thông qua các văn bản thi hành Luật Thủ đô cũng đã được xác định cụ thể: năm 2024 dự kiến ban hành 39 văn bản, các văn bản còn lại được ban hành trong năm 2025 và những năm tiếp theo. Những nội dung đầu tiên sẽ được xem xét thông qua ngay trong kỳ họp chuyên đề tháng 11-2024.

UBND thành phố đã thành lập tổ công tác và tổ giúp việc triển khai thi hành Luật Thủ đô. Thành phố cũng đã triển khai tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Thủ đô, đồng thời sẽ phát động phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này.

Luật Thủ đô 2024 mang đến “thời cơ vàng” cho Hà Nội phát triển. Nhưng “thời cơ vàng” có biến thành “trái ngọt” hay không phụ thuộc chủ yếu vào quá trình cụ thể hóa, triển khai đưa Luật vào cuộc sống. Đây là nhiệm vụ không đơn giản, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia, ủng hộ của nhân dân; không chỉ cần sự chủ động, quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố Hà Nội mà còn cần sự vào cuộc trách nhiệm cao của các ban, bộ, ngành Trung ương./.