18/10/2024 | 07:24 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Jakarta chìm xuống, Nusantara trỗi dậy

Gia Ngọc
Jakarta chìm xuống, Nusantara trỗi dậy Một tuyến phố ở Jakarta, Indonesia_Ảnh: THX/TTXVN
Đánh giá rằng các vấn đề mà Jakarta đang gặp phải quá nghiêm trọng, chính quyền Indonesia đi đến một quyết định lịch sử: dồn nguồn lực xây dựng một thủ đô hoàn toàn mới - Nusantara.

Chiến thắng huy hoàng đang chìm xuống

Jakarta - Thủ đô, thành phố lớn nhất Indonesia, thành phố đông dân nhất Đông Nam Á, từng được coi là thủ phủ ngoại giao của khối ASEAN, vùng đô thị lớn thứ nhì thế giới - có một lịch sử huy hoàng hàng trăm năm nay. Jakarta - cái tên bắt nguồn từ Jayakarta, nghĩa là Chiến thắng huy hoàng - nằm trên bờ Tây Bắc đảo Java, từng được mệnh danh là “Nữ hoàng phương Đông”, đã chứng kiến nhiều thăng trầm, trải qua nhiều cuộc chiến tranh, nhiều cuộc bạo loạn, đảo chính, có những lần mất đi vị trí Thủ đô, nhưng rồi luôn phục hồi lại rực rỡ hơn trước.

Jakarta từng có những thập niên phát triển bùng nổ. Có thời kỳ Jakarta tạo ra tới 1/6 GDP toàn quốc. Hầu hết các doanh nghiệp lớn nhất Indonesia đều đóng trụ sở tại đây, khoảng 3/4 số tỷ phú của Indonesia sống tại đây, và đây chắc chắn là một chốn phồn hoa đô hội với tổng diện tích dành cho các trung tâm mua sắm của riêng một thành phố lên tới 550ha - lớn nhất thế giới.

Thế nhưng từ nhiều năm nay, Jakarta đối mặt với cuộc khủng hoảng hiện sinh: đô thị với dân số hơn 10 triệu đang đi xuống, theo đúng nghĩa đen, với một tốc độ đáng báo động. Trong 10 năm qua, thành phố này đã lún xuống tới 2,5m. Hiện tại, mỗi năm toàn thành phố tiếp tục chìm xuống hơn 10cm, một số khu vực có tốc độ lún gấp đôi. Gần 50% diện tích Thủ đô Jakarta đã thấp hơn mực nước biển.

Thủ phạm là tình trạng khai thác nước ngầm quá mức. Còn nguyên nhân sâu xa hơn dẫn tới việc khai thác nước ngầm chính là từ trước đó, các nhà quy hoạch cho Jakarta đã không tính được sự phát triển bùng nổ của thành phố này, dẫn tới việc không có đủ nguồn cung cấp nước. Toàn thành phố, cả người dân lẫn các cơ sở kinh tế, đều khoan nước ngầm, và cùng nhau làm suy yếu nền đất dưới chân họ.

Sự lún xuống của thành phố không chỉ gây ra tình trạng ngập lụt, mà còn khiến hạ tầng, nhà cửa bị hư hại do việc sụt lún không đều. Không có phương án cứu chữa nào, bao gồm cả việc xây đê biển, tỏ ra hữu hiệu, chi phí sửa chữa và duy trì hạ tầng cũng như các công trình quá tốn kém, khiến các doanh nghiệp phải đối mặt với lựa chọn đi hay ở. Nền tảng kinh tế của thành phố bị đe dọa nghiêm trọng.

Bất kỳ một trận mưa nào cũng có thể dìm Jakarta trong nước, mà mưa lại là thứ không hề thiếu với quốc gia vạn đảo. Vào đúng ngày đầu năm mới 2020, một trận mưa lớn đã biến cả Jakarta thành một bể bơi. Toàn bộ dân cư bị cô lập, không điện, không nước sạch, không sóng điện thoại.

Nghịch lý là, bi kịch của Jakarta do chính sự phát triển rực rỡ của nó vượt quá mọi dự tính của các nhà quy hoạch. Jakarta cũng có đủ các vấn đề của các đô thị khác, như nạn kẹt xe trầm trọng, hay bầu không khí ô nhiễm nặng. Nhưng xét cho cùng, nếu thành phố vẫn nổi trên mặt nước thì những vấn đề trên đều có thể chịu đựng được.

Thủ đô mới, khởi đầu mới?

Trước viễn cảnh không mấy sáng sủa cho Jakarta, chính quyền Indonesia đã đưa ra lựa chọn: chuyển Thủ đô đến một nơi mới có tên gọi Nusantara, nằm phía Đông Bắc Kalimantan trên đảo Borneo, cách Jakarta hơn 1.000km.

Thủ đô mới được đầu tư hàng chục tỷ USD để xây dựng, dự kiến đến năm 2045 mới hoàn thành hoàn toàn. Tuy nhiên, giai đoạn 1 theo kế hoạch phải xong ngay năm nay. Đã có vài nghìn nhân viên chính phủ chuyển đến đó. Lễ nhậm chức của tân Tổng thống Subianto sẽ diễn ra tại đây vào cuối tháng 10. 

Các giai đoạn tiếp theo sẽ được thực hiện dần, bao gồm xây dựng nền tảng, hạ tầng vật chất kinh tế - xã hội và hoàn thiện thành phố với hệ sinh thái dân cư, dịch vụ của nó.

Để tránh đi vào vết xe đổ của Jakarta, ngay từ đầu Nusantara đã được định hướng trở thành một thành phố phát triển bền vững và thông minh. 70% diện tích thành phố sẽ được dành làm khu vực xanh, điều này không quá khó vì Nusantara vốn là một khu rừng. 

Việc xây dựng Thủ đô mới được bắt đầu với việc phục hồi và tái trồng rừng, sau đó sẽ là phát triển cơ sở hạ tầng cơ bản. Thành phố sẽ phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, ít phát thải carbon để phù hợp với mục tiêu phát thải zero và sử dụng 100% năng lượng mới vào năm 2060.

Trái tim của Borneo - Nusantara được kỳ vọng sẽ là “Siêu trung tâm kinh tế thúc đẩy nền kinh tế của quốc gia” với mục tiêu tạo ra 4,8 triệu việc làm vào năm 2045. Các nhà quy hoạch hứa hẹn 80% phương tiện di chuyển trong thành phố là phương tiện công cộng hoặc xe đạp và đi bộ; tất cả các tiện ích quan trọng cách trung tâm giao thông công cộng không quá 10 phút; cư dân có thể tiếp cận không gian xanh giải trí cũng như các dịch vụ xã hội và cộng đồng trong vòng 10 phút từ nhà của họ; không còn đói nghèo vào năm 2035 và cũng sẽ có 100% kết nối kỹ thuật số cho tất cả cư dân và doanh nghiệp. 

Một trung tâm nghiên cứu đẳng cấp thế giới sẽ được thành lập tại Nusantara, theo thỏa thuận với Đại học Stanford (California, Mỹ), và trong các lĩnh vực nghiên cứu của nó sẽ bao gồm quản lý nước và phát triển đô thị bền vững. Thành phố đặt mục tiêu lọt vào top 10 thành phố đáng sống toàn cầu năm 2045.

Việc xây dựng Thủ đô hoàn toàn mới tạo ra vô số cơ hội hấp dẫn để đầu tư, từ hạ tầng đến dịch vụ. Bambang Susantono - cựu Bộ trưởng Giao thông Indonesia, người đang lãnh đạo dự án phát triển Thủ đô mới - cho rằng, việc xây dựng một thành phố mới từ “con số 0” là một lợi thế vì nó cho phép kiểm soát quy hoạch tổng thể, chất lượng công trình kỹ thuật và ứng dụng công nghệ mới nhất. “Ở Nusantara, chúng tôi đang thực hiện thích ứng với biến đổi khí hậu ở quy mô lớn”, ông viết, “tôi tin rằng Nusantara sẽ là một ví dụ điển hình về cách các thành phố và quốc gia có thể ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Chỉ là “di chuyển vấn đề”?

Chính quyền cho rằng, việc chuyển Thủ đô sẽ là một mũi tên trúng nhiều đích, trong đó có 2 mục đích quan trọng: xây dựng một trung tâm phát triển, động lực phát triển mới cho đất nước, mà tại đó không phải tốn kém quá nhiều nguồn lực để giải quyết các vấn đề trầm trọng về hạ tầng và môi trường. Giảm tải cho Jakarta để có điều kiện “cứu” thành phố này khỏi thảm họa nhãn tiền. Nhưng cả 2 mục đích này đều đang gặp những ý kiến phản biện.

Quả thật, giảm bớt sức ép dân cư có thể bớt nạn khai thác nước ngầm quá mức, nhưng chưa đủ ngăn chặn đà lún xuống của Jakarta, bởi lớp bê-tông dày đặc trên mặt đất vẫn còn đó và ngăn chặn nước bề mặt thẩm thấu xuống tầng nước ngầm.

Tình trạng ngập lụt của Jakarta không chỉ đến từ việc thành phố đang chìm xuống, mà còn do 3 nguồn nước khác: lượng mưa lớn đổ xuống Jakarta, lượng nước mưa từ các vùng lân cận đổ về, và mực nước biển dâng lên do biến đổi khí hậu. 3 nguồn nước này sẽ vẫn nhấn chìm Jakarta cho dù nó có còn là Thủ đô hay không.

Tiza Mafira - lãnh đạo Sáng kiến Chính sách khí hậu (CPI) Indonesia - nói bà ủng hộ việc tách trung tâm hành chính và chính trị khỏi trung tâm thương mại, nhưng rõ ràng việc di dời sẽ không giải quyết được các vấn đề mà Jakarta đang phải đối mặt. Mafira chỉ ra: để giải quyết gốc rễ vấn đề, phải cải thiện quy hoạch không gian, bảo vệ nước ngầm, tái thiết Jakarta, xanh hóa thành phố.

Một số người cho rằng việc chuyển Thủ đô tới Nusantara chỉ là “di chuyển vấn đề”. Biến đổi khí hậu, mưa lũ cực đoan là hiện tượng toàn cầu chứ không phải vấn đề của riêng Jakarta. Aldrian - giảng dạy tại Đại học Indonesia, Viện Nông nghiệp Bogor và Đại học Udayana ở Bali - nói: “tôi e rằng đã có nhiều trận lũ lụt xảy ra ở Kalimantan”. 

Nusantara được xây dựng trên một hòn đảo có nhiều rừng nhiệt đới. Tiza Mafira nhận xét: “đây thực sự là một khu rừng. Bạn sẽ phải chặt phá một khu rừng để xây dựng Thủ đô này”.

Cũng có khả năng Nusantara sẽ là một “chú voi trắng ở Borneo”: trở thành thủ đô hành chính, nhưng người dân không sống ở đó. Thủ đô Naypyidaw của Myanmar là ví dụ nhãn tiền. Jakarta vẫn đang có sức ảnh hưởng rất lớn về kinh tế và văn hóa. 

Mafira cho rằng: “phải có sự thay đổi toàn diện về mặt văn hóa và xã hội để biến nơi đây (Nusantara) thành nơi thực sự thoải mái để sinh sống, nơi mọi người muốn chuyển đến. Nếu không, họ sẽ phải di chuyển qua lại giữa nhà và Thủ đô”. 

Về tương lai của Jakarta, Aldrian nói: “tất nhiên, chúng ta phải hy vọng”. Học giả này không có kế hoạch chuyển đến Thủ đô mới, mà sẽ ở lại Jakarta. “Đòi lại đất đai tốt hơn là chuyển đến Kalimantan”, ông nói./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện