13/11/2024 | 09:59 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Xung lực mới góp phần xây dựng, phát huy giá trị bản sắc văn hóa Thủ đô

Phạm Văn Minh
TS, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Xung lực mới góp phần xây dựng, phát huy giá trị bản sắc văn hóa Thủ đô Khách du lịch quốc tế tham quan, chụp ảnh kỷ niệm tại đền Ngọc Sơn (Hà Nội)_Ảnh: TTXVN
Luật Thủ đô 2024 (Luật số 39/2024/QH15) có những quy định mới, cụ thể trong xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô. Đây là điều kiện thuận lợi, một xung lực mới, góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát huy giá trị bản sắc văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm văn hiến.

Tạo động lực mới, không gian mới

Thủ đô Hà Nội được biết đến là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia; trung tâm văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Hà Nội cũng là vùng đất địa linh nhân kiệt với lịch sử hàng nghìn năm văn hiến, “nơi lắng hồn núi sông ngàn năm” không chỉ lưu giữ hồn cốt văn hóa Thủ đô từ bao đời, mà còn là nơi hội tụ, kết tinh, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. 

Nét hào hoa, thanh lịch, văn minh, lịch sự, trọng nghĩa tình; giàu lòng tự trọng, tính cách trung thực, thẳng thắn, nghĩa khí; lịch sự, tinh tế, mềm mại, uyển chuyển trong cách ứng xử và giao tiếp,... đã trở thành đặc trưng nhân cách, nét văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của người Hà Nội xưa và nay.

Đặc biệt, là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, Thủ đô Hà Nội có hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể hết sức đa dạng, phong phú và đặc sắc. 

Hiện nay, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa với gần 6.000 di tích văn hóa, lịch sử, trong đó có 16 di tích, cụm di tích quốc gia đặc biệt, gần 1.200 di tích được xếp hạng quốc gia. Trong đó, Khu Di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Kế thừa và phát triển Luật Thủ đô 2012 (Luật số 25/2012/QH13), bám sát các chủ trương, chính sách của Trung ương đối với sự phát triển của đất nước nói chung và Thủ đô nói riêng, đồng thời, cụ thể hóa, thể chế hóa tinh thần của Nghị quyết số15-NQ/TW, ngày 5-5-2022, của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Luật Thủ đô 2024 với nhiều điểm mới tính chất đột phá sẽ góp phần quan trọng trong xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành một đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. 

Một trong những nội dung mới của Luật Thủ đô là những quy định về phát triển văn hóa Thủ đô. Đây được xem là động lực mới thúc đẩy việc xây dựng và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống nghìn năm văn hiến của Hà Nội trở thành những giá trị đặc sắc, đại diện cho hồn cốt dân tộc, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.

Luật Thủ đô 2024 tiếp tục xác định biểu tượng của Thủ đô là Khuê Văn Các. Cụ thể, tại Điều 6, Chương I quy định: “Biểu tượng của Thủ đô là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám”. Đây là một công trình kiến trúc đặc sắc, độc đáo mang những giá trị lịch sử và triết lý sâu xa tôn vinh truyền thống hiếu học của người Việt. 

Khuê Văn Các không chỉ được coi là biểu tượng của Thủ đô Hà Nội, mà còn là biểu trưng cho nền văn hiến Việt Nam. Vì vậy, Luật tiếp tục xác định Khuê Văn Các là hình ảnh biểu tượng của Thủ đô là mang tính kế thừa và khẳng định giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa không thể thay đổi của Thủ đô Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung.

Điều kiện thuận lợi để phát triển văn hóa

Luật Thủ đô 2024 cũng quy định cụ thể việc xây dựng, phát triển, bảo vệ và quản lý Thủ đô, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khắc phục những bất cập của thực tiễn trong xây dựng và phát triển Thủ đô, trong đó có phát triển, phát huy các giá trị văn hóa. 

Cụ thể, tại Điều 17, Chương III quy định: “Quy hoạch Thủ đô phải bảo đảm Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, môi trường sống trong lành...”. Về quy hoạch Thủ đô, Điểm 1, Điều 18, Chương III quy định rõ: “Trong khu vực nội đô lịch sử, không mở rộng diện tích các bệnh viện hiện có; không mở rộng, không xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp”. 

Tại Khoản a, Điểm 5, Điều 18, Chương III cũng quy định rõ: “Tại khu nội đô lịch sử được xây dựng không gian công cộng, tăng tỷ lệ đất cây xanh sử dụng công cộng và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa...”. Hoặc tại Khoản c, Điểm 1, Điều 19, Chương III quy định cụ thể về quản lý sử dụng không gian ngầm cũng quy định rõ: “Bảo tồn không gian văn hóa và cảnh quan môi trường, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh”. Hay tại Điểm 1, Điều 20, Chương III quy định về cải tạo, chỉnh trang đô thị cũng yêu cầu: “Bảo vệ các di sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc, cảnh quan của đô thị”... 

Với những quy định cụ thể này, Luật Thủ đô 2024 không chỉ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển văn hóa mà còn góp phần quan trọng trong việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản lịch sử, văn hóa của Thủ đô.

Đặc biệt, tại Điều 21, Chương III quy định về Phát triển văn hóa, thể thao, du lịch, Luật quy định rõ mục đích, trách nhiệm, nguồn lực để phát triển văn hóa, thể thao và du lịch. Cụ thể, về lĩnh vực văn hóa, tại Điểm 1 nêu rõ mục đích xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô cần hướng tới là: “Việc bảo vệ và phát triển văn hóa Thủ đô phải xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; xây dựng Hà Nội là trung tâm hội tụ, kinh tế, văn hóa của cả nước; xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam”. 

Tại Điểm 2 điều này cũng quy định trách nhiệm của Hội đồng nhân dân thành phố cần có những biện pháp ưu tiên các nguồn lực để phát triển văn hóa Thủ đô. Luật yêu cầu việc khai thác các giá trị văn hóa không chỉ nhằm mục đích giữ gìn, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống Hà Nội mà còn phải phát triển và hội nhập quốc tế: “Việc đầu tư các nguồn lực nhằm quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả đáp ứng yêu cầu bảo vệ, phát triển văn hóa Thủ đô và hội nhập quốc tế”. 

Ngoài ra, Luật còn xác định những di tích, di sản, công trình cần tập trung nguồn lực để bảo vệ và phát triển các giá trị văn hóa như Khu vực Ba Đình; Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh; Di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám và nhiều di tích lịch sử, văn hóa khác...

Luật Thủ đô 2024 với nhiều quy định đột phá mới, được đánh giá là hành lang pháp lý quan trọng để Hà Nội trở thành đầu tàu phát triển của cả nước, mang đến những kỳ vọng, mong mỏi về sự thay đổi mạnh mẽ, phát triển xứng tầm trong tương lai. 

Đặc biệt, với những quy định mới về phát triển văn hóa, Luật Thủ đô 2024 sẽ tạo xung lực mới, sức bật mới để phát huy các giá trị bản sắc văn hóa Thủ đô. Đúng như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Cần xây dựng Thủ đô xứng đáng là Thủ đô nghìn năm văn hiến và anh hùng, hào hoa và thanh lịch. Thủ đô của lương tri, phẩm giá con người”./.