18/10/2024 | 09:17 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Cơ chế đặc thù, vượt trội để phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”

Lê Phương Linh
TS, Phó trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong thành phố Hà Nội
Cơ chế đặc thù, vượt trội để phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” Luật Thủ đô 2024 đi vào cuộc sống sẽ đem lại sức sống mới, động lực mới cho Hà Nội phát triển “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”_Ảnh minh họa
Luật Thủ đô 2024 với những quy định mới tạo cơ chế đột phá, đặc thù, vượt trội được kỳ vọng là điểm tựa vững chắc để Thủ đô Hà Nội phát triển “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Cơ hội cho Hà Nội phát triển bền vững và mạnh mẽ

Luật Thủ đô 2024 có rất nhiều điểm mới vượt trội được bổ sung, mở rộng, mang đến cơ hội cho Hà Nội phát triển bền vững và mạnh mẽ. Một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật Thủ đô 2024 đó là trong quy hoạch, xây dựng.

Nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 15-NQ/TW, về “tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên bờ sông Hồng và sông Đuống, quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng”, tạo sự linh hoạt cho thành phố Hà Nội, Luật Thủ đô 2024 quy định cho phép xây dựng các tuyến đê mới phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều và quy hoạch khác có liên quan để khai thác hiệu quả quỹ đất.

Trên bãi sông được phép tồn tại một số khu vực dân cư hiện hữu và được phép xây dựng mới công trình, nhà ở với tỷ lệ thích hợp theo quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê và quy hoạch khác có liên quan.

Các khu vực bãi sông, bãi nổi còn lại được phép xây dựng các công trình dành cho không gian công cộng, công trình phục vụ mục đích công cộng nhưng không tôn cao bãi sông, bãi nổi để bảo đảm yêu cầu không làm cản trở dòng chảy.

Luật cho phép thành phố được điều chỉnh cục bộ các quy hoạch trên địa bàn thành phố do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; cho phép phát triển một số loại công trình ở bãi sông, bãi nổi, phân quyền phê duyệt đầu tư các dự án ở bãi sông, bãi nổi cho Ủy ban nhân dân thành phố.

Về khoa học - công nghệ, Luật quy định bổ sung mới các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thu nhập, các nguồn lực, trang thiết bị; khi thực hiện nhiệm vụ khoa học - công nghệ trọng điểm thì được chủ động áp dụng các cơ chế về tuyển chọn, giao nhiệm vụ, cơ chế khoán sản phẩm.

Trong thực hiện chính sách xã hội, thành phố được chủ động trong việc quy định về đối tượng, mức chi để thực hiện chính sách xã hội, an sinh xã hội cao hơn hoặc ngoài các quy định của Trung ương.

Về thu ngân sách, Luật cho phép thành phố được hưởng các khoản thưởng vượt thu so với dự toán được giao; được ban hành các loại phí, lệ phí mới hoặc tăng, giảm phí, lệ phí; được tăng hạn mức vay lên không vượt quá 120% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp; được giữ lại toàn bộ tiền thu từ đất do thành phố quản lý, tiền thu từ tín chỉ carbon trên địa bàn thành phố.

Luật Thủ đô 2024 xác định Nhà nước ưu tiên đầu tư, thu hút các nguồn lực nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô để xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Trong đó, trường hợp ngân sách trung ương tăng thu so với dự toán các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương với ngân sách thành phố Hà Nội, ngân sách trung ương trích 30% của số tăng thu để thưởng cho ngân sách thành phố.

Về chi ngân sách, thành phố được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi cho đầu tư phát triển; chi từ quỹ dự trữ tài chính với thời gian dài hơn, tỷ lệ cao hơn...

Đặc biệt, Luật cho phép được sử dụng nguồn chi thường xuyên để cải tạo, sửa chữa, mở rộng công trình, trụ sở tài sản công. Đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để chi mua sắm tài sản, sửa chữa theo quy trình chi thường xuyên.

Về đầu tư công, thành phố được phân quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án hiện thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp dự án do ngân sách địa phương bố trí, mà không bị giới hạn về mức vốn. 

Được phép tách bồi thường, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập (đối với dự án nhóm B, C) nhằm giúp cho quá trình đầu tư công được thuận lợi, đơn giản hóa, đẩy nhanh quy trình thực hiện...

Luật cũng cho phép đầu tư phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội được ưu tiên áp dụng mô hình TOD (mô hình phát triển đô thị lấy định hướng phát triển giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán), bảo đảm hiện đại, đồng bộ, bền vững; trong khu vực TOD, thành phố được thu và sử dụng 100% tiền thu đối với một số khoản thu để tái đầu tư xây dựng đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật kết nối với hệ thống vận tải hành khách công cộng.

Bệ phóng vươn tầm “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”

Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp để Hà Nội vươn tầm “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trong đó nhấn mạnh Hà Nội cần có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế; thực hiện tốt cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, vì lợi ích chung theo quy định.

Chính vì thế, Luật Thủ đô 2024 nhấn mạnh việc thu hút, trọng dụng người tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có nhiều điểm tiến bộ vượt bậc hơn so với quy định trước đây.

Cụ thể, theo Điều 16 Luật Thủ đô 2024, việc thu hút, trọng dụng người có tài năng được thực hiện với công dân Việt Nam có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực vượt trội, có kinh nghiệm thực tiễn, đang làm việc ở trong nước, ở ngoài nước có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô được xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức.

Cùng đó, công dân Việt Nam có đủ tiêu chuẩn nêu trên được ký hợp đồng để thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ hoặc đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của thành phố. Người nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có công trình hoặc sản phẩm đã được nghiệm thu, công nhận, ứng dụng đem lại hiệu quả cao thì được ký hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. 

Luật Thủ đô (2024) cũng đưa ra chính sách vượt trội, đó là người được xét tuyển, tiếp nhận hoặc được ký hợp đồng làm việc quy định trong Luật được hưởng các chế độ, chính sách do Hội đồng nhân dân thành phố quy định.

Có thể nói, Luật Thủ đô 2024 là hành lang pháp lý thể hiện tầm nhìn mới, tư duy mới với tinh thần “cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”. Các chuyên gia cho rằng Luật Thủ đô 2024 chính là bệ phóng, đồng thời cũng là “cơ hội vàng” tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển lên tầm cao mới. 

Luật Thủ đô vốn dĩ đã đặc biệt, Luật Thủ đô năm 2024 sửa đổi lần này lại càng đặc biệt hơn bởi những cơ chế đặc thù mới hơn, áp dụng các tiêu chuẩn, tiêu chí cao hơn các địa phương khác. 

Do đó, nhằm hoàn thiện bệ phóng thể chế để Thủ đô tăng tốc phát triển, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đang đẩy mạnh việc phối hợp với các bộ, ngành, tham mưu dự thảo các nghị định, nghị quyết, quyết định hướng dẫn thực hiện để Luật Thủ đô 2024 sớm đi vào cuộc sống, góp phần hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”./.