21/11/2024 | 20:35 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Vùng chuyên canh dược liệu: Điểm khởi đầu cho một ngành công nghiệp nhiều triển vọng

Khánh Linh
Vùng chuyên canh dược liệu: Điểm khởi đầu cho một ngành công nghiệp nhiều triển vọng Người dân huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi thu hoạch vỏ quế_Ảnh: nld.com.vn

Sự nổi lên của nam dược đang mở ra một ngành công nghiệp mới nhiều triển vọng. Xây dựng các vùng chuyên canh dược liệu chính là điểm khởi đầu cho ngành công nghiệp ấy.

Dược liệu - loài cây nhiều tiềm năng

Với hơn 4.000 loài thảo dược, tảo biển; gần 400 loài động vật và 75 khoáng chất làm thuốc, Việt Nam được coi là một trong những “địa đàng dược liệu” đáng chú ý của thế giới. Nhiều loại dược liệu quý được biết đến rộng rãi trong khu vực và thế giới như hồi, quế, mật nhân, thìa canh, giảo cổ lam, sâm... Ước tính hiện nay, sản lượng dược liệu ở Việt Nam đạt trên dưới 15.000 tấn phơi khô mỗi năm. Con số này mới chỉ thỏa mãn 1/4 nhu cầu thị trường và có thể tăng lên gấp đôi trong vòng vài năm tới.

Nghề trồng thảo dược vốn có từ lâu. Từ thời phong kiến, các lang y không chỉ tìm dược liệu trên núi, mà còn mang về trồng ngay trong vườn nhà. Cây thuốc trồng xen với rau thơm bên chái nhà từng được coi như một trong những biểu tượng của “quý tộc vùng nông thôn”. Những cây dược liệu như đinh lăng, tía tô, ngải cứu, dành dành không hề xa lạ với những vùng nông thôn Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước. Tuy nhiên, nhịp sống hiện đại cùng những vấn đề sức khỏe mới nảy sinh làm cho nhu cầu thảo dược ngày càng trở nên cấp thiết. Trồng thảo dược trở thành một từ khóa quan trọng trong các tìm kiếm về nông nghiệp. Nhiều địa phương đã nhận thức được giá trị của việc trồng thảo dược và khuyến khích người dân đẩy mạnh việc trồng trọt để tạo ra những đặc sản thuốc nam của địa phương.

Chẳng hạn, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi liên tục mở mang diện tích trồng quế lên 5.200ha, mỗi năm thu hoạch khoảng gần 2.000 tấn vỏ quế. Các sản phẩm tinh dầu và đồ thủ công mỹ nghệ từ quế được bán suốt từ Nam ra Bắc, trong đó có khoảng 70% để xuất khẩu. Vùng Bảy Núi ở An Giang có nguồn tài nguyên về cây thuốc rất đa dạng và quý hiếm. Người dân trồng tới 2ha cây dược liệu trên núi Cấm, hình thành nên “khu bảo tồn” dược liệu nổi tiếng, trong đó nhiều nhất là đinh lăng, hà thủ ô, kim cang, ngũ gia bì, đỗ trọng, ngải tượng. Dược liệu như ngải xanh, ngải đen, ngải trắng, ngải vàng còn được trồng xen dưới các gốc xoài, mít, mỗi năm cho hàng chục tấn củ...

Việc trồng cây dược liệu không chỉ cung cấp nguồn thuốc nam cho xã hội, mà còn giúp người dân tại nhiều địa phương, đặc biệt là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao đời sống.

Từ trồng dược liệu đến kinh tế dược liệu

Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của thuốc tây, nhưng càng ngày, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19, càng nhiều người tìm đến thuốc nam như một giải pháp y tế hỗ trợ hoặc thay thế. Nhu cầu thuốc nam trên thị trường tăng vọt. Không ít công ty dược trở nên lớn mạnh nhờ thuốc nam và các sản phẩm bào chế từ nguyên liệu thu hoạch từ chính các địa phương của Việt Nam. Nguồn nguyên liệu từ trồng dược liệu trong các hộ gia đình không còn đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Đã đến lúc phải nghĩ tới một ngành kinh tế dược liệu với những vùng chuyên canh có quy hoạch và định hướng phát triển.

Theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg, ngày 30-10-2013, phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam sẽ có 8 vùng trồng nguyên liệu trên cả nước để trồng 54 loài dược liệu, lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài dược liệu tự nhiên. Đây sẽ là tiền đề để quy hoạch và phát triển nguồn dược liệu nước ta trong thời gian tới đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước.

Hiện nay, đã có một số trung tâm trên cả nước được gây dựng để thu thập và bảo tồn các loại dược liệu của Việt Nam như Vườn cây thuốc Yên Tử (Đại học Dược Hà Nội) với hơn 500 loài dược liệu và được quy hoạch thành những lô, thửa rất khoa học. PGS, TS Trần Văn Ơn (Đại học Dược Hà Nội), chủ nhiệm dự án, cho biết: “chúng tôi có 5ha trồng 512 loài cây thuốc được thu thập từ 14 tỉnh phía Bắc. Hiện nay Vườn cây thuốc Yên Tử đang là vườn cây thuốc lớn nhất ở Việt Nam”.

Bên cạnh đó, Trung tâm nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội (Bộ Y tế) cũng đang lưu giữ gần 400 loài cây thuốc nguyên sinh của các tỉnh đưa về và các giống cây thuốc từ Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản. Trung tâm hướng tới việc bảo đảm quy trình sản xuất nguồn dược liệu sạch theo tiêu chuẩn quốc tế.

Nhiều địa phương cũng đẩy mạnh việc quy hoạch các vùng chuyên canh cây dược liệu. Chẳng hạn, tỉnh Bắc Giang quy hoạch 600ha cây dược liệu, chủ yếu là các giống kim tiền thảo, ba kích, nghệ, ngải Đài Loan. Theo định hướng của tỉnh, diện tích trồng dược liệu sẽ được mở rộng tại những khu rừng tự nhiên nghèo kiệt. Tỉnh cũng sẽ hỗ trợ người trồng một phần giá giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng... Thành phố Hà Nội quy hoạch 1.120ha cho 10 vùng chuyên canh cây dược liệu.

Nhiều doanh nghiệp cũng đã vào cuộc xây dựng những vùng chuyên canh dược liệu lớn như vùng chuyên canh sâm Ngọc Linh ở Kon Tum, vùng trồng giảo cổ lam ở Bắc Kạn, vùng trồng kim tiền thảo ở Đắk Nông,... làm nguyên liệu bào chế thuốc cho chính công ty mình.

Một ngành kinh tế dược liệu đang hình thành, thay thế cho mô hình trồng dược liệu manh mún hộ gia đình trước kia, mở ra nhiều triển vọng đáng khích lệ. Tuy nhiên, để ngành kinh tế đó thực sự hình thành, cần có những chính sách thu hút nguồn vốn cho cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, giống cây trồng,... đặc biệt thu hút được nhiều hơn các nghiên cứu khoa học về các loài thảo dược của Việt Nam.

Những giá trị cộng thêm của vùng chuyên canh dược liệu

Các vùng chuyên canh dược liệu không chỉ mở ra triển vọng cho ngành công nghiệp dược non trẻ của nước ta. Nó còn tạo ra những giá trị cộng thêm khá lớn cho kinh tế đất nước.

Với lợi thế là vùng cao nguyên có khí hậu mát mẻ, 2 huyện Mộc Châu và Vân Hồ của tỉnh Sơn La đang triển khai nhiều mô hình phát triển trồng cây dược liệu, đồng thời gắn với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Mộc Châu có độ cao trung bình 800m - 1.000m so với mặt biển, cách Hà Nội khoảng 170km về phía Tây Bắc, rất thuận lợi cho trồng rau, hoa, cây dược liệu và phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Việc mở rộng thành phố Đà Lạt về hướng Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) hay mở rộng Hạ Long bằng cách sáp nhập huyện Hoành Bồ (tỉnh Quảng Ninh) cũng mở ra những cơ hội không nhỏ cho việc xây dựng mô hình vùng dược liệu kết hợp du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và chữa bệnh.

Bên cạnh đó, việc trồng dược liệu quy mô hộ gia đình vẫn còn có những lợi ích của nó, đặc biệt là việc xóa đói giảm nghèo, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Giá trị thu nhập bình quân từ sản xuất cây dược liệu đạt 120 - 150 triệu đồng/ha, hiệu quả kinh tế cao gấp 4 - 5 lần so với sản xuất lương thực. Đặc biệt, kỹ thuật trồng một vài cây dược liệu có những ngón gia truyền hoặc khu đất với thổ nhưỡng khác biệt rất phù hợp với quy mô hộ gia đình. Vì thế, việc kết hợp các vùng chuyên canh lớn với các hộ gia đình nhỏ là một hướng nghiên cứu rất đáng được đặt ra./.