Nỗ lực chuẩn hóa và tăng tính an toàn của dược liệu cổ truyền
Lâm PhongNhân rộng hiểu biết về y học cổ truyền và dược liệu
Y học cổ truyền được nhắc đến ở đây bao gồm kiến thức, kỹ năng, thực hành và thuốc chữa bệnh được sử dụng bởi nhiều nền văn hóa và nhóm người khác nhau. Ví dụ về y học cổ truyền có thể kể đến có tên Tui Na - một loại hình massage có nguồn gốc từ Trung Quốc; hay Ayurveda - một hệ thống chăm sóc, tăng cường sức khỏe thông qua chế độ ăn uống, tập thể dục và lối sống từ Ấn Độ; Unani - một hệ thống chăm sóc sức khỏe cổ xưa khác ở Nam Á, giúp cân bằng các khía cạnh quan trọng của tâm trí, cơ thể và tinh thần.
Tháng 8-2023, WHO tổ chức Hội nghị thượng đỉnh y học cổ truyền tại Gandhinagar (Gujarat, Ấn Độ). Hội nghị thượng đỉnh quy tụ các nhà hoạch định chính sách chăm sóc sức khỏe, những người làm và sử dụng y học cổ truyền, các tổ chức quốc tế, các học giả và các bên liên quan từ 88 quốc gia thành viên của WHO. Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo chia sẻ bằng chứng và dữ liệu khoa học về y học cổ truyền. Hiểu biết về y học cổ truyền có thể giúp các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tìm ra các phương pháp thực hành bền vững, cá nhân hóa và tôn trọng văn hóa khởi nguồn của các phương pháp chữa bệnh đặc trưng, đánh giá đúng giá trị của các loại dược liệu được sử dụng tại các khu vực trên toàn thế giới.
Ở nhiều nước, y học cổ truyền có chi phí thấp hơn và dễ tiếp cận hơn so với chăm sóc sức khỏe thông thường (y học hiện đại). Bên cạnh đó, nhiều loại thuốc thông thường có cùng nguồn gốc với các hợp chất được sử dụng trong y học cổ truyền, bởi có tới 50% số thuốc hiện đại có nguồn gốc sản phẩm tự nhiên, chẳng hạn như aspirin. Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc một người có chọn sử dụng phương pháp chữa bệnh bằng y học cổ truyền hay không, như tuổi tác và giới tính, tôn giáo, trình độ học vấn và thu nhập cũng như khoảng cách di chuyển để điều trị. Các yếu tố văn hóa cũng có thể ảnh hưởng đến việc lựa chọn sử dụng phương pháp chữa bệnh y học cổ truyền của người dân.
Tại Trung Quốc, khi ngày càng có nhiều người tiếp thu văn hóa phương Tây thì lại có ít người lựa chọn sử dụng phương pháp chữa bệnh y học cổ truyền hơn. Ngược lại, nhiều người di cư châu Phi đến Australia tiếp tục sử dụng y học cổ truyền để thể hiện bản sắc văn hóa, duy trì một cộng đồng dân tộc gắn kết. Có thể thấy, sự ưu tiên của bệnh nhân đối với y học cổ truyền thường có liên quan đáng kể đến cá nhân, môi trường và văn hóa.
Tiêu chuẩn hóa y học cổ truyền và dược liệu
WHO đã phát triển “Chiến lược y học cổ truyền” để giúp các quốc gia thành viên nghiên cứu, tích hợp và quản lý y học cổ truyền, dược liệu chữa bệnh trong hệ thống y tế quốc gia. WHO cũng tạo ra các tiêu chuẩn thuật ngữ quốc tế để thực hành các dạng y học cổ truyền và hệ thống hóa các loại dược liệu khác nhau. Việc thực hành y học cổ truyền, sử dụng dược liệu có sự khác nhau giữa các quốc gia, tùy thuộc vào mức độ tiếp cận và tầm quan trọng về mặt văn hóa của mỗi quốc gia. Để làm cho y học cổ truyền và dược liệu cổ truyền an toàn, dễ tiếp cận trên quy mô rộng hơn, điều quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia y tế công cộng là phải phát triển các tiêu chuẩn, chia sẻ những phương pháp hay nhất. WHO cũng đặt mục tiêu thu thập dữ liệu có thể cung cấp thông tin cho các tiêu chuẩn và phương pháp chữa bệnh tốt nhất này. Năm 2023, WHO tiến hành cuộc khảo sát toàn cầu về y học cổ truyền. Tính đến tháng 8-2023, khoảng 55 quốc gia thành viên trong tổng số 194 quốc gia đã hoàn thành, gửi dữ liệu của họ về y học cổ truyền và dược liệu.
Một số phương pháp y học cổ truyền và dược liệu truyền thống cho thấy những lợi ích nhất quán và đáng tin cậy, thậm chí bắt đầu được đưa vào y học chính thống ở một số nước phương Tây, trong đó có Mỹ. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh nhấn mạnh, cần phải nghiên cứu thêm về hiệu quả và độ an toàn của y học cổ truyền, dược liệu địa phương.
Theo nhiều chuyên gia, mặc dù y học cổ truyền có thể mang lại nhiều lợi ích, nhưng một số phương pháp điều trị lại có những rủi ro về sức khỏe. Nhiều loại dược liệu rất đơn giản trong sử dụng và có thể có sẵn trong vườn nhà của người bệnh. Việc “điều chế” thuốc đôi khi cũng không phức tạp, có loại có thể “ăn sống”, có loại có thể chỉ cần đun lấy nước, có loại mất nhiều thời gian hơn khi phải “sắc” qua nhiều giờ, chắt lọc từ nhiều lần đun, có loại phải kết hợp cùng nhiều loại dược liệu khác. Những loại dược liệu này thường có chi phí rẻ hơn so với việc sử dụng các loại thuốc hiện đại - vốn mất nhiều thời gian, trải qua các quy trình phức tạp để có thể chế biến thành thuốc thành phẩm.
Do sự đơn giản trong “điều chế”, chi phí rẻ khi sử dụng, nên các loại dược liệu địa phương vẫn được ưa chuộng trong phần lớn bộ phận dân cư trên toàn cầu. Tuy nhiên, cũng giống như phương pháp châm cứu hay thiền, yoga, massage trị liệu, việc sử dụng dược liệu truyền thống đang ngày càng đòi hỏi sự tiêu chuẩn hóa và nâng cao tính an toàn, bởi việc sử dụng dược liệu cũng có những rủi ro nhất định. Nhiều loại dược liệu đến tay người dùng dưới dạng thành phẩm, tức là thuốc đã điều chế thành dạng bột, dạng hạt, lá vụn,... và thông thường, nhãn mác trên bao bì sẽ không đầy đủ thông tin về nơi sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần dược liệu. Đây là rủi ro khi người dùng sẽ đứng trước nguy cơ sử dụng thuốc mà không có đầy đủ thông tin cần thiết và sẽ gặp khó khăn trong việc xử lý các trường hợp bất ngờ như ngộ độc thuốc, gặp phản ứng, đơn giản là thuốc không có tác dụng. Một điểm đáng chú ý nữa, mặc dù được xem là có ít tác dụng phụ như các loại thuốc hiện đại, song dược liệu cổ truyền cũng không hoàn toàn “tinh khiết”. Trong dược liệu, thường làm từ thảo dược, vẫn có chứa những thành phần “dư thừa”, không có tác dụng trong việc chữa bệnh, có thể gây những tác dụng không mong muốn đối với người sử dụng, phố biến nhất là dị ứng hoặc gây ngộ độc, nôn mửa, tiêu chảy...
Truy xuất nguồn gốc và quy trình bảo quản dược liệu cổ truyền cũng là một yếu tố mà WHO đang muốn chuẩn hóa. Người bệnh đa phần sẽ khó có thể biết chính xác nguồn gốc của loại dược liệu mình đang sử dụng, do vậy, vấn nạn “thuốc giả” cũng tồn tại với dược liệu, tương tự như với các loại thuốc hiện đại. Bên cạnh đó, quy trình bảo quản dược liệu truyền thống được xem là khó khăn, phức tạp hơn các loại thuốc hiện đại. Nếu như tuyệt đại đa số các loại thuốc hiện đại được tiệt trùng, bảo quản dưới các bao bì phù hợp (viên nang, viên nén, thuốc dạng lỏng trong vỏ có tráng thiếc chống ẩm, chống ánh nắng Mặt trời, chống nhiễm khuẩn...), các loại dược liệu thường được đựng trong các bao bì đơn giản như lá cây, giấy, túi ni-lông đơn giản,... với những điều kiện không bảo đảm về độ kín và vệ sinh. Đây là nguy cơ khiến các loại dược liệu dễ bị hư hỏng, nấm mốc, vi khuẩn tấn công, biến đổi tính chất hóa học. Do vậy, việc tiêu chuẩn hóa quy trình đóng gói, bảo quản cho các loại thuốc này đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Cuối cùng, khâu “chế biến cuối cùng” của người dùng cũng cần được chuẩn hóa. Các loại thuốc hiện đại thường được chỉ dẫn khá cụ thể về cách sử dụng, người bệnh không mất thêm thời gian để “chế biến khâu cuối” trước khi sử dụng. Trong khi đó, nhiều loại thuốc nam, thuốc bắc yêu cầu người bệnh phải đun kỹ, sàng lọc, say nhuyễn, nhìn chung cần một khâu chế biến tương đối kỹ càng. Điều đáng lo ngại là hiểu biết, kỹ năng của mỗi người khác nhau, nên các bước cuối cùng này không phải lúc nào cũng được hoàn thành theo đúng yêu cầu, dẫn đến ảnh hưởng đối với tác dụng cuối cùng của dược liệu. Dựa trên những yếu tố này, việc tiêu chuẩn hóa, tăng tính an toàn của các loại dược liệu truyền thống được WHO và các quốc gia cân nhắc kỹ lưỡng. Một trong những biện pháp được đánh giá hiệu quả, khả thi là dược liệu chế biến sẵn, được tiêu chuẩn hóa, bảo đảm an toàn khi đến tay người dùng để việc sử dụng trở nên an toàn và đơn giản nhất có thể.
Nhìn chung, những người đã sử dụng các phương pháp chữa bệnh y học cổ truyền và dược liệu địa phương ngày càng quan tâm hơn đối với các phương pháp này. Đó là lý do mà WHO cùng nhiều quốc gia nỗ lực nghiên cứu, hợp tác nhiều hơn để phát triển các tiêu chuẩn an toàn, giúp y học cổ truyền và dược liệu địa phương được tiếp cận rộng rãi, an toàn và được tiêu chuẩn hóa hơn./.