20/09/2024 | 16:33 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Sự khác biệt trong quản lý thảo dược ở Mỹ và Trung Quốc

Gia Ngọc
Sự khác biệt trong quản lý thảo dược ở Mỹ và Trung Quốc Ở Mỹ, thảo dược là một phần của hệ thống y học bổ sung và có thể được coi là một phần của y học chuyên môn_Ảnh minh họa
Thảo dược tự nhiên đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực y học của cả Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, việc quản lý thảo dược ở Mỹ và Trung Quốc có những khác biệt quan trọng, xuất phát từ cách nhìn nhận và sử dụng thảo dược.

Dược thảo Trung Quốc: Y học cổ truyền chính tông

Trung Quốc là một trong những thị trường thảo dược lớn nhất thế giới. Tại Trung Quốc có nhiều loại thảo dược độc đáo, truyền thống, từ dạng thô đến sản phẩm chế biến, được sử dụng rộng rãi trong điều trị bệnh và chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, nước này còn xuất khẩu một lượng lớn thảo dược và sản phẩm thảo dược đến các nước châu Á, Bắc Mỹ, châu Âu.

Thảo dược được sử dụng lâu đời trong y học truyền thống Trung Quốc (TCM), được coi là một phần quan trọng trong điều trị y học. TCM là một hệ thống hoàn chỉnh các lý thuyết, lý luận và và phương pháp, bao gồm sử dụng dược thảo, để điều trị bệnh. Trong TCM, kết hợp cùng với vận động, xoa bóp, bấm huyệt, lối sống và dinh dưỡng, dược thảo được sử dụng để điều hòa cơ thể, cân bằng năng lượng, điều trị hầu hết các bệnh. Các đại học y tại Trung Quốc đều giảng dạy và nghiên cứu về thảo dược và phương pháp điều trị truyền thống.

Bởi vậy tại quốc gia này, thảo dược được quản lý như thuốc chữa bệnh. Vì vậy, có hàng loạt cơ quan và quy định được đặt ra để quản lý nguồn gốc cũng như chất lượng thảo dược. Trong đó, liên quan nhất có thể kể đến Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Trung Quốc (CFDA). CFDA chịu trách nhiệm kiểm tra và cấp phép các loại thảo dược và thuốc truyền thống. Họ thiết lập quy định về chất lượng, an toàn và hiệu quả của các sản phẩm này.

Trung Quốc đưa toàn bộ thông tin về kho tàng thảo dược và thuốc cổ truyền phong phú của họ vào Dược điển Trung Quốc (China Pharmacopoeia - ChP). ChP là tài liệu chính thống, trong đó không chỉ bao gồm thông tin về các loại thảo dược và phương pháp chế biến, mà còn đặc tả các tiêu chuẩn về tên gọi, chất lượng và liều lượng của thảo dược.

Các nhà sản xuất thảo dược và sản phẩm y học truyền thống phải tuân thủ theo bộ tiêu chuẩn bảo đảm quy trình sản xuất an toàn và chất lượng (GMP). Ngoài ra, cơ quan quản lý thường xuyên kiểm tra định kỳ trên các sản phẩm thảo dược để bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn và chất lượng.

Tuy kiểm soát theo các tiêu chuẩn khắt khe dành cho thuốc chữa bệnh, nhưng do thị trường quá rộng lớn và phức tạp, tại đây vẫn xảy ra các vụ việc liên quan đến thảo dược giả, kém chất lượng.

Năm 2015, Trung Quốc xảy ra vụ “dược phẩm Tây Tạng”. Một số công ty sản xuất dược phẩm Tây Tạng bị cáo buộc sản xuất và bán dược phẩm truyền thống (trong đó có nấm ngọc cẩu và một số thuốc bột tinh khiết) giả mạo hoặc không đủ chất lượng, không chứa đủ thành phần như quảng cáo.

Năm 2017, một cuộc điều tra của cơ quan chức năng tại Trung Quốc đã phát hiện một số sản phẩm đông trùng hạ thảo bị làm giả. Các sản phẩm này không chứa thành phần chính xác hoặc có chất lượng kém. Tại Trung Quốc cũng như các nước lân cận như Hàn Quốc, Việt Nam đều đã phát hiện ra các vụ bán nhân sâm giả, thực tế chứa các thành phần không phải nhân sâm.

Đông trùng hạ thảo và nhân sâm là 2 loại thảo dược bị làm giả phổ biến nhất do giá trị kinh tế cao và khan hiếm, khó tìm, trong khi nhu cầu thị trường rất lớn. Hơn nữa theo truyền thống, khách hàng thường chỉ “kiểm định” thảo dược qua ngoại hình và kinh nghiệm cá nhân, nên dễ dàng bị lừa. Ngoài ra, có khá nhiều báo cáo nói rằng thảo dược Trung Quốc nhiễm thuốc trừ sâu ở mức độ gây hại cho sức khỏe.

Để tăng sức mạnh cho cơ quan quản lý và răn đe phòng ngừa các hành vi làm giả, sản xuất và bán thảo dược kém chất lượng, Trung Quốc quy định hình phạt cho loại tội danh này khá nặng trong các Luật Dược phẩm và Thảo dược, Luật về Dược phẩm và Thảo dược truyền thống Trung Quốc, Luật Quảng cáo và Thương mại, Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Ngoài các mức phạt tiền và phạt tù, hình phạt có thể lên tới khung tử hình nếu trường hợp vi phạm là nghiêm trọng.

Mỹ: Thảo dược không phải thuốc

Ở Mỹ, thảo dược là một phần của hệ thống y học bổ sung và có thể được coi là một phần của y học chuyên môn. Các sản phẩm thảo dược tại Mỹ thường không được xem là thuốc chữa bệnh chính thống, dù nó vẫn có vị trí quan trọng trong ngành y tế và chăm sóc sức khỏe.

Quy mô thị trường thảo dược Mỹ ước tính đạt trên 22 tỷ USD vào năm 2021 và đang tăng trưởng nhanh do xu hướng “làn sóng xanh” ngày càng mạnh ở phương Tây. Thị trường này tiêu thụ từ thảo dược thô đến sản phẩm chế biến như viên nang, bột và các dạng sản phẩm kiểu mỹ phẩm khác. Tại Mỹ, ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm thảo dược, dược phẩm bổ sung, thảo dược chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp,... rất phát triển.

Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm của Mỹ (FDA) có quy định về sản xuất, tiếp thị thảo dược và các sản phẩm y học bổ sung. FDA thiết lập quy định và kiểm tra chất lượng và an toàn của các sản phẩm này trước khi chúng được bán trên thị trường. Tuy nhiên, họ không đánh giá từng sản phẩm cụ thể.

Dược điển Hoa Kỳ (United States Pharmacopeia - USP) cũng đưa ra các tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn cho thuốc và sản phẩm y học bổ sung, bao gồm cả thảo dược. Các sản phẩm tuân thủ những tiêu chuẩn USP có thể được xem là đáng tin cậy. Ngoài ra, Ủy ban Thương mại liên bang (FTC) thực hiện giám sát các chiến dịch tiếp thị và quảng cáo của sản phẩm y học bổ sung để bảo đảm người tiêu dùng không bị đánh lừa.

Tuy có những quy định nhằm bảo đảm an toàn và chất lượng, nhưng vì thảo dược không được coi là thuốc điều trị chính thống theo định nghĩa của Tây y, nên việc kiểm soát không quá khắt khe. Với các sản phẩm bổ sung chế độ ăn uống, chăm sóc sức khỏe, cải thiện sức khỏe tổng thể, giảm triệu chứng..., việc sử dụng thường dựa trên quyết định cá nhân của người dùng mà không có sự tham gia của bác sĩ.

Quy định của FDA không yêu cầu sản phẩm thảo dược phải trải qua thử nghiệm lâm sàng như thuốc chính thống. Thảo dược cũng phải tuân thủ GMP nhưng không bị đòi hỏi chứng minh hiệu quả, và việc kiểm tra tuân thủ GMP ít khắt khe hơn so với thuốc. Các công ty sản xuất tự kiểm tra chất lượng và đảm bảo chúng theo đúng quy định.

Có thể một phần do sự “rộng rãi” này mà có không ít sự cố y khoa liên quan đến các sản phẩm thảo dược đã xảy ra. Năm 2016, sản phẩm viên nén Hylands Teething - được sử dụng để giảm triệu chứng rát lợi ở trẻ em - bị rút khỏi thị trường sau khi FDA tìm thấy hàm lượng belladonna - một chất độc có trong sản phẩm - vượt quá mức an toàn. Nhiều vụ việc khác bị phát hiện như: vụ sản phẩm chứa echinacea và ganoderma chất lượng kém hoặc không đủ theo tiêu chuẩn. Vụ sản phẩm thảo dược chứa potassium và thảo dược quả bồ đề gây ra sự lo ngại về an toàn và tác động phụ, đặc biệt đối với người sử dụng với mục đích giảm cân hoặc tăng cường hiệu suất thể thao.

Thậm chí trong một số vụ việc, các sản phẩm thảo dược còn bị nghi ngờ gây ra các triệu chứng phụ, mất an toàn, thậm chí gây chết người, bao gồm: các sản phẩm chứa ephedra (ma hoàng) dùng để giảm cân bị nghi ngờ liên quan một số trường hợp tử vong và gây tác dụng phụ nghiêm trọng lên hệ tim mạch. Kava Kava - một loại thảo dược từ Thái Bình Dương được sử dụng để làm dịu thần kinh và giảm căng thẳng - bị liên kết với trường hợp gây hại cho gan dẫn đến tử vong. Một số sản phẩm thảo dược khác chứa digoxin, một chất có nguồn gốc từ cây mao địa hoàng, đã gây ra nhiều trường hợp nhiễm độc và tử vong khi sử dụng không đúng cách hoặc vượt quá liều lượng an toàn./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện